CHÂN THỰC HỌC ĐẠO
Đạo Nguyên đáp: “Phải, có. Học Đạo chân thực không nương tựa vào kiến thức và thiên tài hay khôn lanh và sáng láng. Nhưng khuyến khích người ta giống như người mù, câm điếc, hay đần độn là một sai lầm. Bởi vì học không dùng kiến thức rộng và thông minh cao, ngay cả những người có căn cơ thấp kém cũng có thể tham dự. Học Đạo chân thực là một việc dễ.
Nhưng ngay cả ở các tự viện Trung Hoa, chỉ một hay hai người trong số mấy trăm, hay cả ngàn đệ tử ở dưới một bậc đại Thiền sư thực tế đạt được chân ngộ. Do đó, người ta cần những câu nói của người xưa hay những lời cảnh giác. Như bây giờ tôi thấy, ấy là chuyện có lòng ham muốn tu tập. Một người phát tâm ham muốn chân thật và đặt những nỗ lực tối đa của mình vào sự học dưới một vị thầy chắc chắn sẽ đạt ngộ. Cốt yếu là phải hiến toàn bộ sự chú ý vào tu tập với tất cả tốc độ thích đáng. Cụ thể hơn là phải giữ trong tâm những điểm sau đây:
“Đầu tiên, phải có lòng nhiệt thành cầu Đạo. Ví dụ, một người ước muốn ăn cắp một viên ngọc quí, muốn tấn công một kẻ thù đáng sợ, hay muốn làm quen với một người đàn bà đẹp, thì lúc nào cũng phải chú ý canh chừng cơ hội, điều chỉnh hay thay đổi các sự cố và thay đổi hoàn cảnh. Kịch liệt tìm kiếm bất cứ một cái gì như thế thì chắc chắn sẽ tìm được. Nếu lòng ham muốn cầu Đạo trở nên kịch liệt như vậy, dù ông tập trung ngồi thiền một mình, tham một công án của một bậc sư xưa, tham vấn với một Thiền sư, hay tu tập với lòng sùng mộ chân thành, ông sẽ thành công dù ông phải bắn cao bao nhiêu hay phải phóng xuống sâu bao nhiêu cũng chẳng là vấn đề. Không có sự phát toàn tâm nguyện vì Phật Đạo này, làm sao ai có thể thành công trong công tác quan trọng nhất này là cắt đứt cái vòng sinh tử vô tận? Những ai có được động cơ này, dù cho họ chỉ có chút ít kiến thức hay có căn cơ thấp, dù cho họ ngu hay ác, cũng sẽ đạt ngộ mà không thất bại.
“Kế tiếp, phát khởi một cái tâm như thế, người ta phải ý thức sâu xa sự vô thường của thế gian. Người ta không đạt được sự thức ngộ này bằng một phương pháp quán chiếu nhất thời nào đó. Ấy không phải là tạo ra một cái gì đó vốn không hiện hữu và rồi suy nghĩ về nó. Vô thường là sự kiện trước mắt chúng ta. Đừng chờ đợi lời dạy của người khác, lời nói của kinh điển, và các nguyên tắc để giác ngộ. Chúng ta được sinh ra vào buổi sáng và chết vào buổi tối; người chúng ta thấy hôm qua hôm nay không còn nữa. Có những sự kiện chúng ta thấy bằng mắt và nghe bằng tai. Ông thấy và nghe vô thường theo lời nói của người khác, nhưng hãy cố gắng cân nhắc nó nơi thân ông. Dù cho ông sống là bảy mươi hay tám mươi, ông sẽ chết hợp với cái chết không thể tránh được. Ông sẽ đến với những hạn từ lo âu, vui vẻ, thân mật, và xung đột mà ông quan tâm trong đời này như thế nào? Với niềm tin vào Phật giáo, hãy tìm hạnh phúc chân thật của Niết-bàn. Làm sao những người đã già hay đã vượt qua cái mốc nửa đường trong đời họ giải đãi trong việc học của họ khi không có cách nào nói họ còn được bao nhiêu năm nữa?
“Dù cho điều này nói một cách quá đơn giản. Hãy nghĩ về những gì có thể xảy ra hôm nay, trong giây phút này, trong thế giới bình thường cũng như trong thế giới của Phật. Có lẽ đêm nay, có lẽ ngày mai, ông sẽ đột nhiên bị bệnh trầm trọng; thấy thân mình bị sự đau đớn không chịu được hành hạ; chết một cách đột ngột, bị quỉ vô danh nguyền rủa; gặp phải bất hạnh trong tay kẻ cướp; hay bị người nào đó giết để trả thù. Sống quả thực là điều không chắc chắn. Trong thế gian đầy oán ghét này, nơi cái chết có thể đến bất cứ giây phút nào. Lập kế hoạch cho đời mình, âm mưu hiểm độc chống người khác, và dùng thì giờ cho những theo đuổi không mục đích là phi lý.
“Bởi vì vô thường là một sự kiện của đời sống, Phật đã nói về nó vì tất cả chúng sinh, và các Tổ chỉ rao giảng một mình điều này. Ngay cả bây giờ trong giảng đường và trong những chỉ dạy của họ, các Thiền sư đều nhấn mạnh vào vô thường nhanh chóng và chuyện lớn sinh tử. Tôi lặp lại, đừng quên chân lý này. Chỉ nghĩ chính giây phút này và không phí thì giờ trong khi chuyên tâm học Đạo. Sau đó thì dễ rồi. Nó không liên quan gì đến phẩm cách của bản tánh hay căn cơ chậm lụt hay sắc bén của ông.”
(CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG TÙY VĂN KÝ)
Nguyên tác: Shōbōgenzō Zuimonki
Tác giả: Đạo Nguyên Hy Huyền
Biên tập: Cô Vân Hoài Tráng
Anh dịch: Reihō Masunaga
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng