CHÁNH NIỆM Trái tim của sự thực hành
Lý do tại sao chúng ta gặp khó khăn trong việc duy trì chánh niệm trong khoảnh khắc hiện tại là vì kể từ khi chúng ta sinh ra, chúng ta phải chịu sự huấn luyện trong việc suy nghĩ và ghi nhớ. Và việc sử dụng cái tâm suy nghĩ này đưa chúng ta rời xa khỏi khoảnh khắc hiện tại. Vấn đề nằm ở chỗ đó, mấu chốt của vấn đề cũng nằm ở chỗ đó, bởi vì chúng ta luôn được huấn luyện để không bao giờ sống với khoảnh khắc hiện tại. Và kết quả của việc đó là chúng ta cảm thấy bối rối và bất mãn. Thêm vào đó, tất cả mọi liên tưởng của chúng ta – dựa vào những ký ức và khái niệm khác nhau – tạo nên một sự đồng hóa khiến cho chúng ta dính mắc vào đó, làm cho vấn đề tồi tệ thêm. Vì vậy, nhằm phát triển đủ chánh niệm, tỉnh giác để có thể thực sự sống trong khoảnh khắc hiện tại… chúng ta phải kiên nhẫn và dành thời gian cho việc thực hành. Một năm, mười năm, hoặc có thể lâu hơn. Điều quan trọng là phải bắt đầu thực hành.
Từ khoảnh khắc đến phút
Hãy nhớ rằng chánh niệm luôn luôn bắt đầu với những khoảnh khắc ngắn ngủi và riêng lẻ. Nó giống như khi chúng ta vặn vòi nước. Đầu tiên, nước chỉ ra từ từ từng giọt một, nhưng chẳng bao lâu sau những giọt nước này nối tiếp với nhau và trở thành một dòng chảy liên tục. Tương tự, đầu tiên có thể chúng ta lâu lâu mới nhớ đến việc giữ chánh niệm, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục thực hành, những khoảnh khắc này sẽ kết nối với nhau và trở thành một dòng chánh niệm liên tục. Chúng ta có thể đạt được điều này bằng cách nỗ lực giữ chánh niệm trên các đối tượng trên thân: Trên tư thế của chúng ta, trong khi chúng ta sinh hoạt, thở hoặc bất cứ thứ gì mà chúng ta đang làm.
Bất cứ lúc nào, bất cứ tư thế nào, chúng ta đều có thể phát triển phẩm chất chánh niệm tương tự như vậy, xem nó như là một sự thực hành chính thức. Vấn đề chủ yếu khi thực hành chánh niệm là thu thúc tâm, đừng để cho nó rơi vào những luồng vọng tưởng, hoặc sao lãng chạy theo thói quen thường xuyên khiến cho nó rời xa khoảnh khắc hiện tại. Điều này có nghĩa là chúng ta phải buông bỏ những suy nghĩ về tương lai: Lập kế hoạch, lo âu – cũng như buông bỏ những suy nghĩ khác về quá khứ. Khi chúng ta làm việc và thực hành chánh niệm, chúng ta phải để tâm của chúng ta tập trung vào công việc đó. Và nếu chúng ta học để thực hành chánh niệm như vậy trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy rằng lúc nào chúng ta cũng đang nuôi dưỡng nó. Và rồi khi chúng ta ngồi xuống hành thiền, sự an tịnh đã sẵn sàng trong tâm của chúng ta và cũng sẵn sàng cho việc thực hành. Thời thiền của chúng ta do đó sẽ diễn ra một cách tốt đẹp hơn.
Đưa tâm quay về (không biết bao nhiêu lần)
Chúng ta phải luôn tu tập chánh niệm. Khi chúng ta gặp vấn đề tại nơi làm việc hoặc ở nhà, tâm của chúng ta bắt đầu có khuynh hướng suy nghĩ lung tung về việc đó và trở nên bối rối và âu lo. Vì vậy, khi chúng ta phát hiện ra mình đang chìm đắm trong các luồng suy nghĩ, chúng ta phải đưa tâm quay về khoảnh khắc hiện tại càng sớm càng tốt, tập trung vào công việc ngay trước mắt. Và có lẽ chúng ta sẽ đợi cho tâm lắng dịu xuống và định tĩnh trở lại mới bắt đầu thiết lập lại chánh niệm và tỉnh giác trước khi xem xét lại những mặt sai sót của vấn đề. “Tại sao điều này lại xảy ra? Nếu mình phạm sai lầm, vậy nó là gì? Làm thế nào để mình không để điều này xảy ra nữa?” Những loại phản tỉnh này có thể thực hiện một khi tâm đã lắng xuống. Chúng ta không nên phản tỉnh ngay lập tức, trong khi chúng ta vẫn còn căng thẳng trong tình huống.
Trích sách: Tìm về Sự Thật