Khái niệm trọng tâm của tư tưởng Thiền của Bankei là "bất sinh". Thuật ngữ "bất sinh" thường xuyên xuất hiện trong các kinh điển và tài liệu của Phật giáo Đại thừa. Nó là một khái niệm quen thuộc, hay đúng hơn là khá sáo mòn đối với một Phật tử có học thức vào thời Bankei. Tuy vậy, Bankei lại tìm thấy ở khái niệm này điều tiêu biểu cho chân lý giác ngộ. Sau khi đắc đạo, trải qua nhiều năm suy tưởng, ông nghiệm thấy có thể giáo hóa chúng sinh với khái niệm này và từ đó ông bắt đầu thuyết pháp và giảng dạy. Bankei tuyên bố:
Ta không thuyết giảng về Phật giáo cũng không về Thiền; chỉ cốt làm cho mọi người thấy rõ công đức quý giá của tâm-Phật tự bản tánh ai cũng sẵn có nơi mình. Cho nên ta không luận bàn cả lời Phật dạy lẫn lời của chư Tổ. Vậy thế nào là ‘bất sinh’? Hãy nghe Bankei phát biểu:
Cái mà tất cả các ngươi nhận được từ mẹ cha không là gì ngoài tâm-Phật. Tâm này chưa từng sinh, lúc nào cũng thông suốt rạng ngời. Vì chưa bao giờ sinh, nó chẳng bao giờ diệt. Nhưng ta không gọi nó là bất tử. Tâm-Phật bất sinh, và từ Phật-tâm bất sinh này mà vạn vật vi diệu vận hành.
Về tư tưởng bất sinh của Bankei ở đây xin trình bày ngắn gọn và súc tích, ít nhất có hai điểm cần làm sáng tỏ:
1. Bankei quan niệm cụ thể ‘bất sinh’ là gì?
Ý nghĩa thật sự của "thông suốt và rạng ngời"?
Ở điểm đầu, thuật ngữ ‘bất sinh’ có cùng lúc hai nghĩa: không sinh và không sản sinh (sản sinh ra tư tưởng phân biệt).
Sinh và tử hiển nhiên là vấn đề muôn thuở của nhân loại. Vài người dửng dưng trước cái chết. Còn lại ai cũng hy vọng trường tồn. Thế nhưng Phật giáo xem việc sinh là vấn đề chủ yếu để đối phó hơn là việc tử. Theo quan niệm Phật giáo, nỗi sợ chết, cũng như mọi nỗi lo sợ khác, bắt nguồn từ sự sống, tức ‘sinh’. Quan niệm như thế, ‘sinh’ không còn là sự kiện sinh học đơn thuần mà quan trọng hơn là tâm tính phân biệt nơi con người bị vướng mắc; "được sinh ra đời" luôn theo sau "sinh ra tâm phân biệt".
"Bất sinh" là phủ định của sự sinh này. Tuy nhiên, tư tưởng ‘bất sinh’ của Bankei tuyệt nhiên không phải là một khái niệm trừu tượng, dù trước ông nó đã được sử dụng ít nhiều cho khái niệm trừu tượng như vậy. Bankei là người đầu tiên nhấn mạnh rằng ‘bất sinh’ tự tại, không hình tướng, không phân biệt, mà vẫn rạng ngời, tràn đầy trí tuệ và tuyệt đối tự-thức - ý niệm "cá nhân" trong nghĩa sâu sắc của từ ngữ này. Bất cứ lúc nào giảng dạy người khác ông đều trực chỉ tâm bất sinh này để thức tỉnh họ, hay nói đúng hơn, để thức tỉnh tâm bất sinh nơi họ. Bác sĩ Suzuki mô tả sự nhận thức về bất sinh như sau:
Trong khi ý thức phân biệt của chúng ta hết lo ‘sinh’ lại lo ‘tử’, thì ‘bất sinh’, khởi lên như một tự ngã tuyệt đối từ sâu thẳm khôn dò của ý thức phân biệt, phá vỡ cả ‘sinh’ lẫn ‘tử’ nên thành tựu được khẳng định tuyệt đối, đáng sợ như một lưỡi gươm trần sau khi chém bay hai cái đầu (của ý thức phân biệt), đứng ngạo nghễ nhìn trời cao.
Điểm thứ hai, Bankei muốn nói gì với sự "thông suốt và rạng ngời"? Ông nói trong một bài thuyết pháp:
Khi các người sắp nghe ta thuyết pháp, hay khi các người đang nghe ta nói đây, giả dụ như các người nghe một tiếng chuông hay một con quạ, các người liền biết chuông đang đổ và quạ đang kêu, và các người không nhầm. Cái thấy của các người cũng vậy: các người không chú tâm nhìn, nhưng khi trông thấy vật gì, các người biết ngay đó là cái gì. Chính tâm Bất sinh trong các người đã thực hiện phép mầu đó, và chừng nào hết thảy các người còn như vậy, các người không thể phủ nhận Bất sinh vốn là Phật-tâm luôn rạng ngời và soi sáng.
Những nhận xét như thế có thể tha hồ góp nhặt từ "ngữ lục" của ông. Thoạt nhìn, tưởng như Bankei qua những lời này muốn ám chỉ những đáp ứng thuộc bản năng hay vô thức trước những tác nhân kích thích giác quan. Trên thực tế, ông thường bị hiểu lầm về phương diện này. Sự hiểu lầm phần nào cũng do cách nói của ông. Nhưng mục tiêu của ông là thức tỉnh cái bất sinh nơi người nghe ở bất cứ sự toan tính nào của ý thức. Điều này được thực chứng qua lập luận sau của ông: "Giả như có một con trâu hay ngựa đang đứng trước mặt tôi và tôi thuyết cho nó nghe về bất sinh, có thể hy vọng nó hiểu tôi chăng?" Vấn đề đối với ông là sự thức tỉnh hay tự-khẳng định của bất sinh chứ không phải sự quay về với sự mẫn tiệp vô thức.
Cùng lúc, Bankei muốn ngụ ý sự tự-khẳng định của bất sinh, một khi thành hiện thực, liên tục lóe sáng trong từng giây phút, ngay tại mỗi động thái đáp ứng của ý thức, và ông nhấn mạnh tác dụng tự-đổi mới của bất sinh "luôn tràn đầy trí tuệ và sự chiếu diệu"(tức linh minh, ND). Về sự soi sáng (linh minh tính) của bất sinh, Bác sĩ Suzuki đưa ra một nhận định bổ sung:
Cái gọi là linh minh tính sẽ không tìm thấy được trong trạng thái ý thức ngưng nghỉ nào đó cũng như trong sát-na chuyển dịch từ trạng thái ý thức này đến trạng thái khác; chính động thái đáp ứng của ý thức tự nó là bất sinh và linh minh tính. Không thể quan sát linh minh tính của bất sinh từ bên ngoài. Nó là sự tự thức lóe sáng trong từng khoảnh khắc nơi con người cùng với động thái đáp ứng của ý thức; nếu phân biệt bằng khái niệm, nó nhất định bị tiêu hủy. Cái hoạt động cùng lúc chính là cái tự giác và linh minh, và ngược lại.
Tóm lại, Bác sĩ Suzuki đánh giá cao tư tưởng bất sinh của Bankei, không chỉ vì giá trị và sức mạnh gợi ý của tư tưởng mà còn vì đặc tính chiếu diệu trực tiếp như một biểu hiện của kinh nghiệm satori. Không quá đáng khi nói Thiền của Bankei đã được Bác sĩ Suzuki làm nổi bật, người đã nhiệt tình đề cao ý nguyện của Bankei dành cả đời thuyết giảng mong thức tỉnh đồng loại bằng phương tiện trực tiếp nhất, không đành lòng bỏ mặc họ dò dẫm tìm đường giải thoát một cách vô hiệu.
IV. Tuyệt đối Khẳng định
Trước khi kết thúc, tôi muốn thử nhìn lướt qua khái niệm của Bác sĩ Suzuki về "tuyệt đối khẳng định" như là một cách diễn đạt mới về satori, hay ngộ.
Lúc còn trẻ, quan tâm chính của ông dường như được tập trung quanh vấn đề thực tại tối hậu của cuộc sống. Với cái chết của người mẹ thân yêu, - từ đó ông chiêm nghiệm lại - còn hơn nỗi buồn ly biệt, điều chiếm lĩnh tâm trí ông là niềm xác quyết rằng ông vốn "bất sinh" và cũng bất tử cùng với mẹ, và rằng thực tại tối hậu của cuộc đời vượt ngoài chuyện sinh và tử.
Vào giây phút một Thiền cú xưa chợt thoáng qua tâm trí ông mà Bác sĩ Suzuki đạt sự thức tỉnh quyết định của Thiền. Câu nói đó: Hiji soto ni magarazu!" Khủy tay không bao giờ cong ra ngoài." Nhiều năm trước đây, ông đã nói về trường hợp chứng ngộ riêng của mình như sau:
"Khủy tay không bao giờ cong ra ngoài" có vẻ như để diễn đạt một điều tất yếu, nhưng bỗng nhiên tôi chợt thấy sự hạn chế đó là hoàn toàn tự tại, và toàn bộ vấn đề tự do đối với tôi đã được giải quyết xong.
Từ những sự kiện này không có gì ngạc nhiên rằng Bác sĩ Suzuki đã đặt trọng tâm trên khía cạnh "tuyệt đối khẳng định" của Thiền. Từ ngữ này, dù sao, cũng là cụm từ riêng của Bác sĩ Suzuki đặt ra. Vậy thì ý ông muốn nêu bật điều gì qua cụm từ này?
Khẳng định, cũng như phủ định, theo nghĩa thông thường là một hình thức giới hạn. Giới hạn thì không có tự do lẫn nhất thể; giới hạn giết chết linh hồn; vì cuộc sống tâm linh rốt ráo là tự do và nhất thể. Nhưng "khẳng định tuyệt đối" thì khác. Nó hiện lên từ chiều sâu thẳm bên dưới bề mặt của giới hạn tính, có nghĩa, ý thức phân biệt; nó xuất hiện mà không chủ thể khẳng định nào theo ý nghĩa thông thường của từ ngữ này. Ta có thể gọi đó là vô-phân biệt, tính chủ quan-không chủ thể, vượt qua những đối nghịch giữa khẳng định và phủ định, thành tựu tự-khẳng định kỳ cùng. Sự tự-khẳng định của tính chủ quan vô chủ thể này, Bác sĩ Suzuki gọi là "khẳng định tuyệt đối".
Điều đầu tiên cần ghi nhận về tuyệt đối khẳng định là bản tính đột xuất, tích cực tuyệt đối, tuyên bố quyền uy của nó. Văn học Phật giáo và nhất là văn học Thiền có rất nhiều diễn đạt về tính chất này mà Bác sĩ Suzuki đặc biệt lưu ý, gọi là "phát biểu tuyệt đối khẳng định" hay "ngôn ngữ tuyệt đối khẳng định". Tôi muốn đưa ra vài phát biểu như vậy từ những bản dịch và khảo cứu trong các tác phẩm của ông.
Bài tứ tuyệt sau đây của Phật Quang làm trong giây phút chứng ngộ:
Một chùy đập nát động tinh linh;
Mặt sắt Na-tra chợt lộ hình!
Miệng khớp như câm, tai như điếc;
Dửng dưng chạm đến, xẹt sao băng.
Và Diên Thọ, chứng ngộ khi nghe tiếng một bó củi rơi xuống đất:
Rơi rớt, đâu vật khác;
Dọc ngang chẳơng phải trần;
Núi sông và đại địa
Toàn lộ Pháp vương thân.
Còn đây là bài kệ của sư Như Tịnh về chiếc linh treo dưới mái hiên:
Toàn thân là miệng, treo giữa trời
Nam bắc đông tây mặc gió lay
Diễn thuyết Bát-nhã vô phân biệt
Leng keng, leng keng, leng keng hoài.
Bác sĩ Suzuki còn tìm thấy tuyệt đối khẳng định được thể hiện trong ngữ lục của Thân Loan:
Đối với tôi, Thân Loan, không có sự lựa chọn nào khác; tôi một mình vững tin nơi lời dạy của minh sư là chúng ta, bằng phép niệm Phật, nhất định sẽ được Phật A-di-đà cứu độ. Tôi chẳng hề bận tâm liệu niệm Phật là nhân lành để vãng sinh Tịnh độ hay là nghiệp xấu dẫn đến hỏa ngục; dù tôi có bị Pháp Nhiên Thượng nhân (minh sư của tôi) lừa dối mà đọa địa ngục, tôi cũng không bao giờ hối tiếc.
Theo Bác sĩ Suzuki thì phép niệm Phật mà Thân Loan tuyên bố đó chính là con đường Vô Ngại, tự nó là Phật A-di-đà, và đồng thời, cũng chính là Thân Loan, tức là sự khẳng định tuyệt đối. Bác sĩ Suzuki cũng rất thích những bài thơ của Saichi, một trong những diệu hảo nhân có tài diễn đạt kinh nghiệm tôn giáo. Thơ của ông:
A-di-đà xưng niệm A-di-đà -
Âm điệu này -
Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật!
Niệm Phật như hư không bao la.
Hư không bao la bừng sáng bởi Niệm Phật của Oya-sama.
Oya-sama soi sáng tâm tôi
Nam mô A-di-đà Phật!
Oya-sama an trú giữa ngọn lửa rực của khổ não,
Tôi xưng niệm "Nam mô A-di-đà"
Đó là Oya-sama của tôi.
Trong bài sau cùng này, Bác sĩ Suzuki bình, "chữ ‘an trú’ được coi là không hàm ý bất động; ‘xưng niệm’ là ‘hành động’. Với ngọn lửa rực cháy của khổ não, Nam mô A-di-đà cũng rực cháy." Theo Bác sĩ Suzuki, "Nam mô A-di-đà", cũng như "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", đều là những tuyên ngôn tuyệt đối khẳng định.
Một khía cạnh khác cần được nhấn mạnh về tuyệt đối khẳng định là, một khi đã trải nghiệm, nó không ngừng đổi mới trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nó không bao giờ là một kinh nghiệm đã qua; nó không biến mất. Nó chợt lóe "tự soi sáng", như Bankei nói, trước mọi cơ duyên đáp ứng những thôi thúc ngoại tại. Với tuyệt đối khẳng định, những thói thường trong cuộc sống, - chào nhau khi gặp mặt, uống trà ăn cơm, làm lụng hay thả bộ - đều trở thành tươi mới một cách lạ kỳ và mang đầy ý nghĩa. Cho nên mới có những lời Thiền sau:
Thần thông và diệu dụng -
Gánh nước, và mót củi.
Tuy vậy, nên nhớ là, một tâm hồn đã thức tỉnh trong ngộ hay tuyệt đối khẳng định luôn hướng lòng trắc ẩn về những người vẫn còn trong vòng câu thúc của tâm phân biệt để cứu giúp họ cùng thành tựu chứng ngộ. Tâm tuyệt đối khẳng định khát khao nhìn thấy tuyệt đối khẳng định ở mọi người và mọi thứ trước mắt nó. Bi tâm này (Skt. Karuịà) là sinh mạng của Bồ tát, và nó được thể hiện một cách cao cả ở Phật A-di-đàử (Ph. Amitayus-amitabha). Về phẩm chất thường hằng này của Bồ tát hạnh, Bác sĩ Suzuki viết:
"Ngài là Bồ tát chứ không phải A-la-hán. Bản chất Bồ tát của ngài, tức A-di-đà hằn sâu trong tâm ngài, sẽ không bao giờ để ngài ở yên trong tự mãn và vị kỷ mà phải ngài thiết lập nơi tha nhân những gì mình đang thọ hưởng Ợ Bản nguyện A-di-đà là thường hằng; ngài biết lúc nào cũng có những sinh linh nào đó chưa thật giác ngộ hoàn toàn, do đó ngài sẽ không bao giờ ngưng nghỉ nếu người cuối cùng chưa đến bờ giác ngộ và giải thoát.
Luôn mong muốn cứu độ người khác nên hành động của Bồ tát có định hướng một cách rõ ràng. Những người đã giác ngộ vận dụng mọi phương tiện và năng lực nào được xem là thích hợp cho mục đích này. Tuy vậy cùng lúc, hành động của họ lại không vì mục tiêu nào cả vì nó tuyệt đối khẳng định như chính nó; hành động của họ là hành cái vô-hành; cứu cánh của họ là nhắm về cái phi cứu cánh. Trong ý nghĩa đó, hành động của Bồ tát thường được coi như sự ‘du hý’. Bạch Ẩn, tổ sáng lập dòng Thiền Lâm Tế hiện đại, đã diễn tả nó cách hoa mỹ mà Bác sĩ Suzuki thường nhắc đến:
Thuê gã hiền ngu ấy
Chúng ta hãy cùng nhau
Lấp cạn giếng khơi bằng tuyết!
Trong những năm cuối đời ông, người ta thường thấy ở Bác sĩ Suzuki những nụ cười say lòng và hồn nhiên. Ông rất thích cười, nhất là những "tiếng cười Thiền." Với ông, cười cũng thoát ra từ tuyệt đối khẳng định.
HIROSHI SAKAMOTO