Nàng Visakha là mẫu người phụ nữ đặc trưng đại diện cho người Khmer, nàng là ước mơ của sắc đẹp của tuồi trẻ, của đức hạnh mà người Khmer nói chung và phụ nữ Khmer nói riêng đều ngưỡng mộ, tôn sùng. Họ coi nàng như vị nữ thánh, còn họ chỉ là kẻ phàm phu không thể nào vươn tới được. Trên thực tế họ chỉ có thể noi theo tấm gương của nàng về mặt đạo đức và thực hiện bổn phận của một tín đồ Phật giáo là làm phước và cúng dường cho các vị tu sĩ mà thôi.
Sự tích của nàng không ai không biết đến, cuộc đời của nàng được kể như sau:
Ngày xưa, tại xứ Savathey có một gia đình giàu có, tên là Mikeara sinh được môt đứa con trai đặt tên là Komar. Komar lớn lên thông minh, đĩnh đạc, trông rất phúc hậu. Đến tuổi trưởng thành, bao nhiêu người thân thuộc trong gia đình đều khen ngợi và thúc giục lấy vợ. Chàng vẫn ngần ngừ, rồi một hôm chàng nói với cha là nếu không tìm được người con gái nào có đủ năm điểm tốt đẹp thì chàng quyết không lấy vợ. Người cha hỏi năm điều tốt ấy là những điều gì, chàng đáp:
1. Tóc nàng phải đen, dài tới gót chân và cong như đuôi của con công.
2. Răng phải trắng như ngà voi, đều đặn như hạt kim cương Akvivaria.
3. Da thịt nàng phải mịn màng và mềm mại như trái Pim-Pak.
4. Khi nhìn, da nàng phải ửng một màu trắng hồng như hoa sen và vẻ hồng như pha trộn bằng năm màu khác nhau.
5. Sắc đẹp nàng phải bền vững, dù bao nhiêu tuổi vẫn còn trẻ như hồi còn con gái, không có thể phân biệt được.
Biết được ý của con, cha chàng đã tuyển chọn những người giỏi về tướng số nhất trong vùng để giúp việc đi tìm kiếm người đẹp có đủ năm điều kiện như trên.
Tám ông thầy giỏi tướng số đã được giao trọng trách lên đường, mang theo nhiều vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Đã đi nhiều xứ mà vẫn chưa tìm ra người đẹp, tám ông tỏ ra chán nản, muốn bỏ cuộc. Nhưng một ông có ý kiến: “ tôi nghe tại xứ Sa kết có mở hội ca nhạc, chắc sẽ có nhiều thiếu nữ tham dự, chúng ta thử đến đó xem”. Ý kiến này được mọi người đồng ý.
Các thầy đi đến gần nơi mở hội ca nhạc thì gặp năm trăm cô gái đang tắm dưới sông. Đứng xem các cô gái tắm, tám ông chú ý đến một cô tên là Visakha. Nàng có mái tóc dài tới gót và cong như đuôi con công. Nhìn đến da thịt của nàng, các ông thầy càng mừng, và khi thấy nàng cười thì các ông đều quả quyết rằng đây chính là cô gái mà chàng Komar kén chọn.
Khi tìm hiểu thêm, các ông mới biết nàng Visakha đã sống một trăm tuổi. Nàng sinh ra cùng với thời đại của đức Phật Thích Ca. Một hôm, các ông ngồi nghe đức Phật thuyết pháp cho các cô gái. Nhân lúc thuyết pháp xong Đức Ananda mới hỏi Phật rằng:
- Bạch Đức thế tôn, con nghe nàng Visakha trong nhóm thiếu nữ này nhưng không biết là ai, xin ngài chỉ.
- Phật nói: Nàng ở trong tín đồ này, con chú ý xem khi mọi người đứng dậy mà cô nào phải chống hai tay lên đầu gối mới đứng lên nổi, thì đó chính là nàng Visakha.
Khi ấy bổng có trận mưa rào, tất cả mọi người đều tíu tít chạy vô chùa trú mưa, chỉ có nàng Visakha thì đi thủng thỉnh như không có gì xảy ra.
Lúc ấy tám nhà tướng số vội đến hỏi nàng tại sao không chạy, thì nàng đáp rằng:
-Người con gái không lúc nào nên chạy, vì chạy sẽ mất đi vẽ thanh tao, rủi ro mà rách quần áo thì càng thêm xấu xa.
Các ông thầy tỏ vẻ khâm phục, theo nàng vào nhà và lấy vòng hoa choàng vào cổ nàng, ngỏ ý cầu hôn nàng cho con trai ông nhà giàu Mikeara. Nàng Visakha cho người đánh xe rước tám ông mai về nhà trình diện với cha mẹ. Gia đình nàng giàu nhất xứ Sa Kết, cha nàng là phú hộ Thnanh cheay và mẹ nàng tên là Somania ở xứ Thattikyak. Cha mẹ nàng Visakha ưng thuận và định ngày làm đám hỏi. ngày diễn ra lễ hỏi, bên nhà trai đi năm trăm cổ xe chở phẩm vật qua nhà gái và lễ cưới được tiến hành sau đó. Toàn bộ chi phí bên nhà gái lo. Nhà gái sắm cho nàng Visakha một áo cưới dát vàng, kết ngọc trị giá chín tỉ bạc theo thời giá và phải may ba tháng mới xong. Lễ cưới kéo dài bốn tháng. Suốt trong bốn tháng, khách khứa được đãi ăn uống một cách no say.
Trong đêm cuối cùng ở nhà với cha mẹ, nàng Visakha được phụ thân dạy mười điều khi bước chân về nhà chồng.
1. “ Lửa ở ngoài đường đừng đem vào trong” nghĩa là đừng bao giờ đem những lời người ta nói xấu hoặc chỉ trích bố mẹ chồng về thuật lại cho bố mẹ chồng nghe.
2. “ Lửa trong đừng đem ra ngoài” nghĩa là đừng mang những lời chê bai, chỉ trích của cha mẹ chồng đối với cha mẹ mình về kể lại cha mẹ mình nghe, để tránh sự cãi vã, gây mất lòng xui gia.
3. “ Phải giữ gìn lửa cháy cận thận” nghĩa là không nên nản chí trong việc chăm sóc, quạt nồng ấm lạnh cha mẹ chồng và chồng.( Cha chồng và chồng được ví như lửa không cận thận có ngày bị phỏng tay).
4. “ Phải ăn uống đúng chỗ” nghĩa là an cho đúng lúc và ăn sao cho đẹp.
5. “ Phải ngủ cho đúng chỗ” nghĩa là phải biết ngủ và thức dậy vào giờ nào và phải giữ ý lúc ngủ ( ngủ đúng nơi dành cho mình).
6. “ Phải ngồi đúng chỗ” phải nhường chỗ cáo ráo và đẹp cho cha mẹ, biết nhường nhịn và lễ phép khi ngồi.
7. “ Chỉ nên cho vật gì cho kẻ nào mượn mà có trả lại”.
8. “ Kẻ nào mượn đồ mà không trả thì lần sau không cho mượn nữa”.
9. Đối với thân nhân, thì dù mượn đồ có trả hay không vẫn cứ nên cho mượn”.
10. “ Phải lễ bái các vị chư thần ở trong nhà” để tạo phước. Nàng vâng lời và cam kết thực hiện đúng những lời dạy bảo của thân phụ.
Lễ rước dâu được tổ chức rất long trọng. Ông phú hộ cho con vàng bạc, châu báu, đồ dùng trong nhà mỗi thứ năm trăm cổ xe có ba cô nữ tì ngồi. Một ngàn năm trăm cô có phận sự theo hầu nàng làm ba việc chủ yếu: tắm rửa, sửa sắc đẹp và nấu ăn. Tám ông thầy tướng số cũng theo nàng và sống gần nàng đề bảo vệ Visakha.
Nàng ở nhà chồng rất thuận thảo, vì nàng là người vợ hiền và dâu thảo. Nàng chỉ buồn là ông bố chồng cấm nàng không được đi lễ chùa, nghe Phật thuyết pháp, cúng dường tu sĩ, nhắc lời Phật dạy, vì ông bố chồng theo đạo A Chel, một đạo giáo lạ lùng của Ấn Độ. Người theo đạo này suốt đời phải ở trần truồng, không cắt tóc, không cạo râu, phơi mình ngoài sương nắng gọi là để làm khô héo lòng dục. Mỗi người hành đạo chỉ giữ một lời nguyền: không cắt móng tay, móng chân, không xòe bàn tay, để một tay thẳng lên trời, ngồi chổm hổm.v.v.cho đến khi đắc đạo. Ông bố chồng thường rước các vị A Chel đến nhà đãi ăn uống và giới thiệu với con dâu với ý là mong nàng theo đạo này, nhưng nàng không nói với các ông A Chel và không chịu làm lễ.
Một hôm, ông đang ngồi ăn cơm thì thấy một nhà sư vào khuất thực, liền giả vờ không biết, thản nhiên như thường. Nàng Visakha thưa với nhà sư:
- Sư nên đi nhà khác vì ở đây cha tôi chỉ dùng thức ăn thừa, không có dư để dâng sư.
Cha chồng cho là nàng đã hỗn láo, nói ông ăn đồ thừa nên đuổi nàng về nhà cha mẹ. Tám ông thầy hay tin liền họp mặt lại để xét xử. Trước mặt cha chồng và tám ông thầy, nàng đã giải thích:
- Con nói cha ăn đồ thừa là ví kiếp trước cha có nhiều phước đức nên kiếp này được hưởng của thừa do kiếp trước tạo nên. Trong kiếp này con mong cha cũng làm phước đức để kiếp sau cha sẽ được hưởng sự sung sướng giàu sang.
Tám ông thầy còn nêu nhiều lý lẽ đúng đắn khiến cha chồng không thể bắt tội nàng dâu và phải rút lời tuyên bố đuổi nàng lại.
Cũng nhân dịp ấy, nàng xin phép cha chồng cho nàng được đi chùa, rước sư về nhà làm phước. Ông không thể từ chối, phải nhận lời.
Từ đó nàng thường mời Đức Thích Ca và năm trăm vị đệ tử đến nhà thuyết pháp và dùng cơm. Những lần như vậy đều có cha chồng ngồi nghe. Những lần đầu ông nghe nhưng không phục Đức Phật bằng mấy ông A Chel; nhưng nghe nhiều lần ông càng thấm sâu lời Phật dạy, rồi ông cho rằng những lời Phật dạy như bó đuốc soi sáng đường cho ông. Một hôm ông đã quỳ xuống chân Đức Phật xin được làm đệ tử. Ông còn nhận tội lội trước kia gây ra và cho đó là quãng đời tối tăm của ông. Từ nay ông coi nàng Visakha như là người đã dẫn dắt ông từ bóng tối ra ánh sáng.
Một hôm đến chùa nghe thuyết pháp, nàng cuộn áo cưới trao cho nữ tì giữ, khi về mời biết cô nữ tì bỏ quên trong chùa. Nàng biết những thứ bỏ quên trong chùa đều được thầy Ananda cất giữ. Chiếc áo cưới của nàng có hơi đàn ông khác, nàng đâu có dùng nữa nên nàng đã sai người đem bán áo cưới để lấy tiền dâng cúng vào chùa.
Nàng còn bỏ tiền ra mua đất và thuê người cất ngôi chùa gọi là Boppea Ream. Nàng mời Đức Thích Ca về ngự tại chùa này. Và hàng năm cứ đến mùa mưa, nhân dân làm ruộng, nàng mời tất cả các vị sư sãi trong vùng về ở tại chùa Boppea Ream ba tháng nghe thuyết pháp. Nàng bỏ tiền ra may áo cà sa và đồ dùng dâng các vị sư dùng trong ba tháng không ra khỏi chùa, gọi là ba tháng nhập hạ
Nàng sinh được hai mươi đứa con, mười trai và mười gái. Một trăm hai mươi năm sau, nàng có một một ngàn đứa con và cháu, chút, chít cũng là năm nàng tạ thế.
Ngày nay, các chùa người Khmer có ba tháng nhập hạ của các vị sư là bắt nguồn từ sự tích nàng Visakha là như vậy.