Người thiện và người thiện hơn người thiện
Đức Thế Tôn dạy rằng:
─ Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người thiện?
─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người là người tránh xa sự sát sinh, người tránh xa sự trộm cắp, người tránh xa sự tà dâm, người tránh xa sự nói dối, người tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp.
Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người thiện.
─ Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người thiện hơn người thiện?
─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người tự mình tránh xa sự sát sinh, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự sát sinh.
- Số người tự mình tránh xa sự trộm cắp, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự trộm cắp.
- Số người tự mình tránh xa sự tà dâm, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự tà dâm.
- Số người tự mình tránh xa sự nói dối, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự nói dối.
- Số người tự mình tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp.
Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người thiện hơn người thiện.
…………….
2. Chi Pháp Phạm Điều Giới Sát Sinh
Người phạm điều giới sát sinh cần phải hợp đủ 5 chi pháp:
1- Chúng sinh có sinh mạng (pāṇo).
2- Biết rõ chúng sinh có sinh mạng (pāṇasaññitā).
3- Tâm nghĩ sát hại chúng sinh (vadhakacittaṃ).
4- Cố gắng sát hại chúng sinh (payogo).
5- Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maraṇaṃ).
Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới sát sinh. Nếu thiếu 1 trong 5 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh.
Tác ý bất thiện sát hại chúng sinh có 2 cách:
1- Bằng thân: Tự chính mình sát hại chúng sinh.
2- Bằng khẩu: Sai khiến người khác sát hại chúng sinh.
─ Cố gắng để sát hại chúng sinh có 6 cách:
1- Tự mình sát hại chúng sinh.
2- Sai khiến người khác sát hại chúng sinh bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bằng cách ra hiệu v.v…
3- Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng v.v… làm cho chúng sinh ấy chết.
4- Người làm ra những thứ vũ khí để sát hại chúng sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy để sát hại chúng sinh, thì người làm ra những thứ vũ khí ấy phạm điều giới sát sinh. Bởi vì, người ấy có tác ý bất thiện sát hại chúng sinh có tính cách lâu dài.
5- Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng sinh ấy chết.
6- Sử dụng phép mầu của mình sát hại chúng sinh.
Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Sát Sinh
Tội nặng hoặc tội nhẹ của sự sát sinh được căn cứ vào chúng sinh lớn hoặc nhỏ; có giới đức hoặc không có giới đức; giới đức nhiều hoặc giới đức ít, v.v…
…………………………
Chi Pháp Phạm Điều Giới Trộm Cắp
Người phạm điều giới trộm cắp cần phải hợp đủ 5 chi pháp:
1- Của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitaṃ).
2- Biết rõ của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitasaññitā).
3- Tâm nghĩ trộm cắp (theyyacittaṃ).
4- Cố gắng trộm cắp (payogo).
5- Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro).
Nếu hội đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới trộm cắp. Nếu thiếu 1 trong 5 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới trộm cắp.
Tâm nghĩ trộm cắp có 2 cách:
1- Bằng thân, tự mình chiếm đoạt của cải người khác.
2- Bằng khẩu, dùng lời nói lường gạt, hoặc sai khiến người chiếm đoạt của cải người khác.
Người phạm điều giới tà dâm cần phải hợp đủ 4 chi pháp:
1- Đối tượng nữ không được quan hệ tình dục (agamaniyavatthu).
2- Tâm tham muốn quan hệ tình dục (tasmiṃ sevanacittaṃ).
3- Sự cố gắng hành dâm (payogo).
4- Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục nam - nữ với nhau (maggena-maggapaṭipatti addhivāsaṃ).
Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới tà dâm. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới tà dâm.
.............................
Chi Pháp Phạm Điều Giới Tà Dâm
Người phạm điều giới tà dâm cần phải hợp đủ 4 chi pháp:
1- Đối tượng nữ không được quan hệ tình dục (agamaniyavatthu).
2- Tâm tham muốn quan hệ tình dục (tasmiṃ sevanacittaṃ).
3- Sự cố gắng hành dâm (payogo).
4- Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục nam - nữ với nhau (maggena-maggapaṭipatti addhivāsaṃ).
Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới tà dâm. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới tà dâm.
.............................
Chi Pháp Phạm Điều Giới Nói Dối
Người phạm điều giới nói dối cần phải hợp đủ 4 chi pháp:
1- Điều không thật, vật không có (atthavatthu).
2- Tâm nghĩ lừa dối (visaṃvādanacittatā).
3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình (payoga).
4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy (tadattha vijānanaṃ).
Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nói dối. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nói dối.
* Tâm nghĩ lừa dối người nghe: Có 2 trường hợp.
1- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, nhưng không gây thiệt hại đến người tin theo, thì chỉ là lừa dối mà không phạm điều giới nói dối, không cho quả tái sinh trong cõi ác giới.
2- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, để gây thiệt hại đến người tin theo, thì thật là lừa dối, cho nên phạm điều giới nói dối, cho quả tái sinh trong cõi ác giới.
Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Nói Dối
Người phạm điều giới nói dối phạm tội nặng hoặc tội nhẹ căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói dối ấy.
- Nếu người phạm điều giới nói dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo sự nói dối, thì người nói dối ấy phạm tội nặng, có thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới.
- Nếu người phạm điều giới nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói dối, thì người nói dối ấy phạm tội nhẹ, không thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới.
………………………..
5- Điều Giới Tránh Xa Uống Rượu Và Các Chất Say
Chi Pháp Phạm Điều Giới Uống Rượu Và Các Chất Say
Người phạm điều giới uống rượu và các chất say cần phải hợp đủ 4 chi pháp:
1- Rượu hoặc các chất say (surāmerayabhāvo).
2- Tâm muốn uống rượu hoặc các chất say (pivitukāmatā).
3- Cố gắng uống rượu hoặc các chất say (pivanaṃ).
4- Uống rượu hoặc các chất say qua khỏi cổ (maddanaṃ).
Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới uống rượu và các chất say. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới uống rượu và các chất say.
Trường hợp thứ nhất: Khi rượu được trộn trong thuốc để trị bệnh, hoặc trộn trong vật thực,… rượu hoàn toàn bị biến chất không còn mùi rượu, không có khả năng làm say nữa; nên người dùng thuốc ấy hoặc vật thực ấy không phạm điều giới uống rượu và các chất say, không có tội.
* Trường hợp thứ hai: Dùng rượu trực tiếp hoặc pha lẫn với thuốc nước (còn có mùi rượu, có khả năng làm choáng váng chút đỉnh).
─ Nếu người dùng biết rõ thuốc nước có rượu, nhưng với mục đích trị bệnh, không phải muốn hưởng hương vị rượu, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say, có tội rất nhẹ.
─ Nếu người dùng thuốc nước không biết rõ có rượu, chỉ dùng với mục đích trị bệnh mà thôi, thì không phạm điều giới uống rượu và các chất say, không có tội.
* Trường hợp thứ ba: Người uống rượu để thưởng thức hương vị của rượu, rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết gì nữa; người ấy đã phạm điều giới uống rượu và các chất say, vì say mê chìm đắm trong hương vị của rượu, nên có tội nặng.
Đức Phật dạy:
“Này chư Tỳ khưu, người thường thường uống rượu và các chất say, uống nhiều rượu và các chất say, uống nhiều lần, ác nghiệp này có thể cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, trong loài súc sinh. Tội nhẹ nhất của sự uống rượu và các chất say không cho quả tái sinh, nếu nhờ thiện nghiệp khác cho quả được tái sinh làm người, thì người ấy sẽ là người điên cuồng mất trí
Trích: NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp