BẤT NHỊ
Khi bạn thấy khó dừng tâm mình khi ngồi và khi bạn còn cố gắng dừng tâm, đây là giai đoạn “sắc là Không và Không là sắc”. Nhưng khi bạn thực hành trong cách nhị nguyên này, bạn càng ngày càng làm một với mục đích của bạn. Và khi sự thực hành của bạn trở thành không cố gắng, bạn có thể dừng tâm bạn. Đây là giai đoạn “sắc là sắc và Không là Không”.
Dừng tâm bạn không có nghĩa là dừng những hoạt động của tâm. Nó có nghĩa là tâm bạn thấm khắp toàn thân bạn. Tâm bạn theo hơi thở của bạn. Với tâm trọn vẹn, bạn ngồi với chân đau mà không bị nhiễu loạn. Đây là ngồi mà không có ý niệm đắc. Ban đầu bạn cảm thấy một bó buộc nào đó trong tư thế của bạn, nhưng khi bạn không bị bó buộc đó là phiền nhiễu, bạn sẽ tìm thấy nghĩa “Không là Không và sắc là sắc”. Thế nên, tìm ra lối riêng của mình dưới ảnh hưởng của bó buộc là đường lối thực hành.
Thực hành không có nghĩa bất cứ điều gì bạn làm, thậm chí nằm xuống đều là ngồi thiền. Khi những bó buộc không hạn chế bạn, đây là cái chúng ta gọi là thực hành. Khi bạn nói, “Bất cứ cái gì tôi làm đều là Phật tánh, thế nên tôi làm gì thì không quan trọng, và cũng không cần thực hành ngồi thiền”, đó là một hiểu nhị nguyên về cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu thực sự không hề gì, thì bạn đã không cần nói điều đó. Chừng nào bạn còn quan tâm bạn làm gì, đó là nhị nguyên. Khi bạn ngồi, bạn sẽ ngồi. Khi bạn ăn, bạn sẽ ăn. Chỉ thế thôi. Còn nếu bạn nói, “Nó chẳng quan trọng”, thì có nghĩa là bạn đang bào chữa để làm việc gì đó theo lối riêng với cái tâm nhỏ hẹp của bạn. Thế nghĩa là bạn đang dính mắc vào một sự việc hay một cách làm đặc biệt nào đó. Đấy không phải là ý nghĩa của điều chúng ta nói, “Chỉ ngồi là đủ”, hay “Bất cứ gì bạn làm đều là ngồi thiền”. Dĩ nhiên bất cứ gì chúng ta làm đều là ngồi thiền, nhưng nếu như vậy, cần gì phải nói.
Khi bạn ngồi, bạn chỉ ngồi mà không bị quấy nhiễu bởi chân đau hay buồn ngủ. Đó là ngồi thiền. Nhưng ban đầu rất khó chấp nhận những sự việc như chúng là. Bạn sẽ khó chịu do cảm giác bạn có khi thực hành. Khi bạn có thể làm mọi sự, dù tốt hay xấu, mà không có phiền nhiễu hay khó chịu, đó thực sự là điều chúng ta hiểu khi nói, “sắc là sắc và Không là Không”
Khi bạn chịu đựng một bệnh tật như ung thư, và bạn biết không thể sống hơn hai hay ba năm nữa, bấy giờ tìm kiếm cái gì để nương tựa, bạn có thể bắt đầu thực hành. Một người có thể nương dựa vào sự cứu giúp của Thượng đế. Người khác có thể bắt đầu ngồi thiền. Sự thực hành của anh ta sẽ tập trung vào sự thấu đạt tánh Không của tâm. Điều này có nghĩa là anh ta cố gắng thoát khỏi sự khổ đau của nhị nguyên. Đây là sự thực hành “sắc là Không và Không là sắc”. Bởi vì chân lý tánh Không, anh muốn có thực chứng nó trong đờianh ta. Nếu anh ta thực hành theo cách này, tin và nỗ lực, thì dĩ nhiên nó sẽ giúp anh, nhưng nó không phải là thực hành hoàn hảo.
Biết rằng cuộc đời ngắn ngủi, hưởng thụ nó mỗi ngày, khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, là đời sống của “sắc là sắc và Không là Không”. Khi đức Phật đến, bạn sẽ đón chào Ngài; khi ma đến, bạn sẽ đón chào nó. Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng Mã Tổ nói, “Ngày thấy Phật, tháng thấy Phật”. Khi ngài bệnh, có người hỏi, “Ngài khoẻ không?” và ngài trả lời, “Ngày thấy Phật, tháng thấy Phật”. Đó là đời sống của “sắc là sắc và không Không là Không”. Không có vấn đề gì cả. Một năm ở đời là tốt. Một trăm năm ở đời là tốt. Nếu bạn tiếp tục sự thực hành của bạn, bạn sẽ đạt đến giai đoạn này.
Ban đầu bạn sẽ có nhiều vấn đề, và bạn cần nỗ lực để tiếp tục thực hành. Với người bắt đầu, thực hành mà không có cố gắng là thực hành không thực. Với người mới bắt đầu, thực hành cần nỗ lực lớn lao. Đặc biệt là người trẻ, cần phải cố gắng rất khó nhọc để hoàn thành điều gì. Bạn phải duỗi chân tay càng rộng càng tốt. Sắc là sắc. Bạn phải chân thành trên con đường riêng của bạn cho đến khi sau cùng bạn thực sự đến chỗ thấy cần thiếtphải quên hết về chính bạn. Trừ phi bạn đến điểm này, còn trước đó thì hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng bất cứ cái gì bạn làm đều là Thiền hay chẳng quan trọng gì có thực hành hay không. Nhưng nếu bạn nỗ lực tốt nhất chỉ tiếp tục ngồi thiền với toàn bộ thân tâm, không có ý niệm chứng đắc, bấy giờ bất cứ điều gì bạn làm sẽ là sự thực hành chân thật. Chỉ tiếp tục phải là mục tiêu của bạn. Khi bạn làm điều gì, chỉ làm nó thôi, đó là mục tiêu của bạn. Sắc là sắc và bạn là bạn, và chân không sẽ được chứng ngộ trong sự thực hành của bạn.
***
Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Không cánh chim bay nào biết được giới hạn bầu trời, không chú cá nào đến được nơi tận cùng biển cả”. Chúng ta tồn tại trong vũ trụ vô hạn. Chúng sinh thì vô biên còn phiền não thì vô tận, nhưng chúng ta vẫn phải cố tinh tấn, giống như chim bay và cá lội vậy. Vì thế thiền sư Đạo Nguyên nói “Chim thì bay như chim, cá thì lội như cá”. Đó chính là Bồ-tát đạo, và đó cũng là cách mà chúng ta tu tập.
Theo ngài Đạo Nguyên, khi chúng ta nhìn và hiểu mọi việc theo cách này, chúng ta không phải là những người sống thời mạt pháp. Sự tu tập của chúng ta lúc đó không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian nữa. Đạo Nguyên nói, “Phật luôn ở ngay đây”. Bằng một cách nào đó, đạo Phật vẫn tồn tại, và khi chúng ta thật sự hiểu đức Phật muốn nói gì, chúng ta đang ở trong thời chánh pháp.
Shunryu Suzuki (Linh Mộc Tuấn Long (1905-1971)
Thiện Tri Thức dịch