VẤN ĐẠO VỚI HUỆ HẢI THIỀN SƯ
VẤN ĐẠO VỚI HUỆ HẢI THIỀN SƯ
Buổi đầu tiên gặp gỡ Mã Tổ khi Sư đến Kiangsi yết kiến ngài, Mã Tổ hỏi ngay:
- Ngươi đến từ đâu?
Huệ Hải trả lời:
- Con đến từ Đại Vân Tự ở Việt Châu
Mã Tổ hỏi:
- Ngươi đến đây mong cầu gì?
Huệ Hải nói:
-Con đến đây xin cầu Pháp Phật.
Mã Tổ bảo:
- Thay vì tìm kiếm của gia bảo sẵn có của mình, ngươi bỏ nhà đi lang thang khắp nơi để làm cái gì? Ở đây ta chẳng có gì cả, Pháp Phật là cái gì mà ngươi đi tìm?
Huệ Hải cúi đầu lậy thưa rằng:
- Xin ngài chỉ giáo cho con biết "của gia bảo sẵn có" đó là cái gì?
Mã Tổ:
- Cái gì khiến cho ngươi hỏi đó là của gia bảo. Nó có sẵn tất cả những gì ngươi cần đến và không thiếu sót cái gì cả. Nó vẫn thường ở đấy cho ngươi tha hồ xử dụng, thế thì tại sao bỏ công vô ích đi tìm cái gì ở ngoài mình?
Vừa nghe như thế, Sư bỗng đại ngộ, nhận ra bản tâm của mình! Quá vui mừng phấn khởi, Sư vội vàng cúi lậy lần nữa để tỏ lòng tri ân.
Sau đó Sư ở lại sáu năm theo hầu Mã Tổ, nhưng rồi phải trở về Việt Châu để chăm sóc cho vị bổn sư đang già yếu, tức là vị thầy đầu tiên đã thế phát cho sư. Ở đó Sư sống đời ẩn dật không để lộ sự thâm ngộ của mình, giả như người tầm thường không đáng chú ý . Cũng trong thời gian này Sư viết quyển "Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận". Quyển sách này sau được Huyền Ẩn là kẻ hậu bối trong pháp môn lén đem đến vùng sông Dương Tử đưa trình lên Mã Tổ. Sau khi đã đọc kỹ lưỡng quyển này, Mã Tổ nói với chúng: "Ở Việt Châu hiện nay có một viên ngọc lớn (Đại Châu) chiếu sáng thật thấu suốt, trong ngoài tự tại không có gì chướng ngại cả."
Tình cờ trong chúng lúc đó có một vị tăng biết được Sư trước có họ Châu (có phát âm y như chữ Châu có nghĩa ngọc). Vị tăng đó phấn khởi quá, liền rủ một số tăng khác cùng nhau đến yết kiến và xin theo học với Sư. Theo đó, Sư cũng còn được gọi là "Đại Châu".
Một hôm Sư thượng đường nói với chúng rằng:
- Ta chẳng có đắc pháp gì cả; trọn không có một cái gì để chỉ cho các vị, nên không muốn giữ các vị ở đây làm chi cho mất thì giờ. Thôi hãy đi về nghỉ ngơi đi."
Trong thời gian đó người theo học với Sư càng ngày càng tăng. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, họ tấp nập đến Sư xin vấn đạo; Sư bắt buộc phải trả lời những câu hỏi của họ, từ đó để lộ biện tài xử dụng ngôn ngữ thật xuất chúng. Những cuộc vấn đạo với Sư nhiều vô số kể, trong đó những câu hỏi và câu trả lời theo nhau tiếp nối không ngừng.
Một lần, có một nhóm tăng sĩ đến xin vấn đạo, nói rằng:
- Chúng tôi đến đây xin hỏi đạo - ngài có sẵn sàng trả lời không?
Huệ Hải:
- Có chứ. Mặt trăng phản chiếu trong nước ao sâu kia, các ông muốn bắt thì cứ bắt.
Hỏi:
- Phật thực sự là như thế nào?
Huệ Hải:
- Nếu cái gì đang đối diện với nước ao trong suốt kia không phải là Phật, cái gì mới là Phật?
Các vị tăng nghe vậy bối rối không hiểu - sau một lúc lâu, họ hỏi lại:
- Bạch hòa thượng, ngài tuyên giảng pháp gì để độ chúng?
Huệ Hải:
- Ta chẳng có pháp gì để độ chúng cả.
Các vị tăng bèn la lên:
- Các thiền sư đều nói tối nghĩa quá!
Sư mới hỏi họ rằng:
- Vậy chư Tôn Đức tuyên giảng pháp gì để độ chúng?
- À, chúng tôi giảng kinh Kim Cương.
Huệ Hải hỏi:
- Vậy quý vị đã giảng kinh đến bao nhiêu lần rồi?
- Hơn hai chục lần.
Huệ Hải:
- Kinh đó do ai thuyết?
Nghe vậy, các vị tăng bực tức trả lời:
- Đại sư, ngài nói đùa đấy à! Dĩ nhiên kinh là do Phật thuyết chứ còn ai vào đấy!
Huệ Hải:
- Trong kinh có nói: "Nếu người nào bảo là Như Lai nói Pháp, ấy là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói!" Thế nhưng bây giờ nếu các ông nói kinh không phải do Phật thuyết, lại là khinh thường kinh. Vậy chư Tôn Đức cho tôi biết các ông nghĩ sao về việc này?
Trong khi họ còn đang im lặng chưa trả lời, Sư ngừng lại một chút rồi hỏi tiếp:
- Trong kinh Kim Cương nói: "Người nào lấy sắc cầu ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thấy được Như Lai." Nói cho tôi biết đi, ai hay cái gì là Như Lai?
- Bạch Hòa thượng, tới đây chúng con thấy mình bất minh hoàn toàn.
Huệ Hải:
-Nếu chưa bao giờ sáng tỏ, làm sao nói bây giờ mình mới bất minh?
Tăng nói:
-Xin thỉnh cầu Hòa thượng Thiền sư nói Pháp chỉ giáo cho chúng con.
Huệ Hải:
- Các ông đã giảng kinh Kim Cương đến hơn hai mươi lần, vậy mà vẫn chưa biết Như Lai là gì ư?
Nghe vậy, các vị tăng đồng cúi lậy, thỉnh cầu Sư giảng nghĩa nhiều hơn, nên Sư mới nói:
- Kinh Kim Cương nói rằng: "Như Lai tức là nghĩa Như của tất cả các pháp." Các ông quên điều đó sao?
Tăng chúng:
- Phải, phải - là nghĩa Như của tất cả các pháp..
Huệ Hải:
- Chư tôn đức, nói "phải" cũng có nghĩa là không phải rồi.
- Kinh đã nói rõ như vậy. Làm sao lại sai được?
Huệ Hải:
- Thế thì, chư tôn đức, các ông có Như không?
- Có chứ, chúng tôi có Như.
Huệ Hải:
-Cây cỏ gỗ đá có Như không?
-Đều Như cả.
Huệ Hải:
-Thế thì cái Như của quý vị có khác cái Như của cây cỏ gỗ đá không?
- Không khác.
Huệ Hải:
- Thế thì các ông khác với cây cỏ gỗ đá ở chỗ nào?
Các vị tăng nghe vậy im lặng một lúc, cuối cùng một người than lên rằng: "Thật khó mà đương đầu với một người cao hơn chúng tôi rất nhiều!"
Sau một hồi lâu, họ tiếp tục hỏi: "Làm sao đạt được bát niết bàn?"
Huệ Hải:
- Bằng cách tránh những hành động tạo nghiệp, làm cho ta phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi sinh tử.
-Đó là những hành động gì?
-Tìm cầu niết bàn là một hành động tạo nghiệp. Ghét bỏ bất tịnh, chấp vào thanh tịnh là hành động tạo nghiệp. Chấp vào đắc đạo và những gì chứng tỏ đã đắc đạo là hành động tạo nghiệp khác, cũng như không buông bỏ được sự chấp trước vào giới luật.
- Xin nói cho chúng con biết làm sao để được giải thoát.
- Chưa bao giờ bị trói buộc, sao cần phải đi tìm giải thoát. Sống ngay thẳng, hành động ngay thẳng là không có gì hơn!
Các vị tăng đồng tán thán:
- Hay thay! Hay thay! Ngài quả là một vị Thiền sư hiếm có trên cõi đời này!
Trích từ "Thiền ngữ về Đốn Ngộ" bản dịch Anh ngữ của John Blofeld 1969
(Lưu Ly trích dịch từ Daily Zen)
MẠN BÀN:
"Như Lai là nghĩa Như của các pháp". Nghĩa Như là gì? Như là Như Thị. Kinh Bát Nhã nói: "Sắc chính là Không, Không chính là Sắc" - sắc và không tuy khác nhau nhưng là một, trong tướng có tánh, và tánh đi liền với tướng. Đó là nguyên lý bất nhị. Cái nhìn Như Thị là cái nhìn bất nhị đối với mọi sự, thấy rõ hiện tượng và bản chất là một. Nếu còn ở trong đối đãi, tâm còn phân biệt bên này với bên kia, trong và ngoài, thì không thể có cái nhìn Như Thị được.
Con người thường bị những tư tưởng yêu ghét chi phối, hướng ra ngoài tìm cầu điều mong muốn. Khi ở thế gian thì muốn đạt được hạnh phúc qua tình tiền danh vọng, đi tu lại muốn được hạnh phúc bằng cách đạt đến cảnh giới Niết Bàn, đạt được đạo quả. Sự mong muốn tìm cầu đó khiến con người ở trong đối đãi nhị nguyên, không thể nhận ra bảo vật quý báu có sẵn ngay nơi thân phàm phu của chính mình. Vọng niệm là chướng ngại cản trở tầm nhìn của chúng ta, như những đám mây dầy che khuất ngọn núi hùng vĩ, như những lớp đất bao phủ viên ngọc quý rạng ngời. Tâm bình thường là tâm bình lặng vốn sẵn ở đó như mặt hồ vốn phẳng lặng, nhưng khi vọng niệm khởi lên là như mặt hồ bị gió thổi gợn sóng. Trở về với tâm bình thường là trở về với tâm không lặng, không bị chướng ngại bởi vọng niệm. Khi không bị vọng niệm chướng ngại, không suy tính mưu toan thì tự nhiên có cuộc sống ngay thẳng, làm điều ngay thẳng. Các bậc thiền sư nói: "Tâm bình thường tức là Đạo". Dù ở thế gian hay xuất thế gian, đắc đạo hay chưa đắc đạo, nếu sống ngay thẳng, làm điều ngay thẳng được, há chẳng phải là trở về với Đạo đó sao. Lời dạy của thiền sư Huệ Hải thật giản dị mà ý nghĩa thâm sâu làm sao! Không lạ gì mà các vị tăng phải thán phục ngài là vị Thiền sư hiếm có trên cõi đời này!
NB
Theo: ngocbao.com