Khi mắt tiếp xúc với sắc, xúc ấy chỉ thành hình khi có sự cộng tác của nhãn thức:
Mắt + sắc + nhãn thức → Xúc
Vậy khi nói mắt tiếp xúc với sắc tức là ngầm nói toàn bộ sự vận hành tập khởi trên. Sự vận hành ấy cuối cùng sao chép lại một hình ảnh về sắc, hình ảnh đó gọi là pháp. Cũng vậy, tâm sao chép lại về thanh, hương, vị, xúc (vật thể sờ được bằng cảm giác của thân, khác với xúc tâm sở vừa nói trên) đều gọi là pháp. Chữ pháp dùng đây chỉ giới hạn trong nghĩa “tiền trần lạc tạ ảnh tử”, tức là hình ảnh lưu giữ lại của sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Có một điều xin mở ngoặc một chút để chúng ta lưu ý là thực ra pháp, đối tượng của ý, không phải chỉ là “tiền trần lạc tạ ảnh tử” (như Duy Thức liệt vào sắc pháp). Theo Abhidhamma Nguyên Thủy, đối tượng của ý gồm có:
Đối tượng của Ý | Tiền trần (sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong) | Sắc thô |
Pháp | - Tịnh sắc căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) |
- Tế sắc + "tiền trần lạc tạ ảnh tử" - Tâm - Tâm sở - Niết Bàn - Khái niệm | |
Sự trình bày này rất vi tế, nếu có một dịp khác chúng ta sẽ nói rõ hơn, bây giờ xin quý vị đừng quan tâm.
Đến đây, vấn đề trở nên khá tế nhị, nó bắt đầu sự vận hành toàn diện của tiến trình tâm - sinh - vật lý, vì vậy chúng ta sẽ thận trọng quan sát từng giai đoạn. Khi mắt thấy sắc và thu nhận hình ảnh của sắc đó, thì việc gì xảy ra?
- Có phải cảm thọ không? (có người trả lời)
- À, đúng. Đó chính là cảm thọ. Cảm thọ này có ba loại là: khổ, lạc và xả.
Khi mắt tiếp xúc với sắc, nếu xúc ấy tạo một cảm giác khó chịu, ấy là khổ thọ, nếu dễ chịu thì lạc thọ. Nếu cảm giác trung bình không khó chịu, không dễ chịu, tức không khổ, không lạc, là xả thọ. Có phải đúng vậy không? Đấy là sự kiện thật đang diễn ra chứ không phải là do lý luận mà có, không phải do lập trường quan niệm của lý trí vọng thức, mà sự thật ấy diễn ra ở mọi người, nên ai cũng có thể cảm nhận được, thấy được một cách như thật. Vậy thì giai đoạn đầu của tiến trình là:
Khi mắt thấy sắc → | - khó chịu: khổ thọ - dễ chịu: lạc thọ - bình thường: xả thọ |
Có ai không đồng ý với sự trình bày trên không? Có ai phản bác sự kiện đó không?
(Có người hỏi:)
- Đồng ý là sự thật ấy ai cũng có thể thấy ngay nơi chính mình, nhưng xin thưa, cũng là thấy sắc nhưng có người khi thấy sắc ấy lại khổ, có người khi thấy sắc ấy lại lạc. Cũng là sự thật, nhưng sự thật làm người này vui, mà người kia lại khổ. Vậy đâu là sự thật? Cái nào là thực?
- Câu hỏi rất hay. Đó chính là điều mà chúng ta sắp nói tới. Toàn bộ sự vận hành này của căn, trần, thức (trừ ý thức) đến khổ, lạc, xả phát sanh hoàn toàn tự nhiên thụ động. Hoàn toàn thụ động nên gọi là vô nhân. Vô nhân là vì nó không tạo tác, không gây nhân. Nó chỉ là kết quả thụ động hay gọi là dị thục.
căn trần | + thức → | - khổ - lạc - xả | = | vô nhân dị thục (không tạo nghiệp) |
Ví dụ: Khi bật đèn 100 watt lên, thì người đau mắt thấy khó chịu (khổ), người mắt bình thường thấy dễ chịu (lạc). Vậy độ sáng của ngọn đèn là sự kiện khách quan (trần cảnh), còn con mắt (căn) và cái thấy (thức) thì chủ quan nên dĩ nhiên mỗi người nhìn một khác. Yếu tố đau mắt hay không đau mắt là kết quả của cái thân do nhân quá khứ. Nhân quá khứ có thể tội hay phước nhưng hiện tại chỉ là quả khổ hay lạc chứ không còn là nhân nữa. Hai người cùng thấy một sắc nhưng người thì thọ khổ người thì thọ lạc, cả hai đều đúng với nhân quả nghiệp báo của họ.
Trở lại vấn đề, khi mắt thấy sắc thì bao nhiêu thức khởi lên, có ai biết không?
– Dạ, hình như ngoài nhãn thức, còn có thân thức.
– Anh nói đúng, nhưng không phải hình như mà là có thân thức hợp tác vào thật sự. Thế anh có nghĩ là có ý thức nữa không?
– Dạ, hình như có. Khi con nghe một bản nhạc hay hoặc con thấy một gam màu đẹp, đó có phải ý thức chen vào không?
– Anh lại nói hình như, tức là anh chưa quan sát kỹ. Đúng là có ý thức cộng tác vào nữa. Trường hợp anh nghe một âm thanh hay thấy một màu sắc thì đó là công tác của nhĩ thức và nhãn thức, nhưng khi biết hay biết đẹp thì lúc đó là ý thức đã xen vào rồi. Vậy thì khi mắt thấy sắc, không phải chỉ có nhãn thức khởi lên mà còn có cả thân thức và ý thức cùng khởi nữa.Mắt thấy sắc gồm → | Nhãn thức Thân thức Ý thức |
Cũng vậy,
Tai nghe tiếng gồm → | Nhĩ thức Thân thức Ý thức |
Mũi ngửi hương gồm → | Tỷ thức Thân thức Ý thức |
Lưỡi nếm vị gồm → | Thiệt thức Thân thức Ý thức |
Riêng thân và xúc chỉ có → | Thân thức Ý thức |
Chúng ta phải quan sát cho kỹ mới thấy rõ sự vận hành của nó.
Khi mắt thấy sắc thì chỉ có xả thọ thôi. "Cái thấy" chỉ có thọ xả, còn thân thức mới có khổ hay lạc. Xin lưu ý điều đó. Cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm hoàn toàn không thọ khổ, lạc chỉ thọ xả. Còn thân xúc mới thọ khổ hay lạc:
Mắt → sắc → mắt thấy: thọ xả
Tai → thanh → tai nghe: thọ xả
Mũi → hương → mũi ngửi: thọ xả
Lưỡi → vị → lưỡi nếm: thọ xả
Thân → xúc → thân xúc giác: thọ lạc, khổ (đôi khi muội lược gần như xả)
Như vậy, khi mắt thấy sắc, do đèn chói thì thấy khó chịu, cái thấy của mắt không khó chịu mà xúc giác của con mắt khó chịu. Xúc giác của con mắt thuộc về thân. Khi nghe âm thanh khó chịu, thì cái nghe không khó chịu mà xúc giác của lỗ tai thuộc về thân khó chịu. Cũng vậy là mũi và lưỡi. Xin nói thêm điều này một chút. Khi ăn vô một miếng ớt cay rất khó chịu. Cảm giác được vị cay là do thiệt thức, nhưng khó chịu là do chức năng của thân thức nơi lưỡi nhận biết. Chúng ta phải chiêm nghiệm rõ để thấy pháp vận hành bằng không sẽ rất lầm lẫn. Ví dụ có người nghĩ rằng: “Chà, tôi ăn cái này nó cay quá, có lẽ là do cái tâm của tôi, vậy tôi phải bỏ cái tâm cay này đi!”. Cay là cái chuyện của thiệt thức và cảm giác khó chịu là chuyện của thân thức chứ tâm đâu có cay mà bỏ tâm cay? Cay chỉ mới là vị giác khi kèm theo khổ hay lạc thì có xúc giác. Và mặc dù có ý thức nhưng vẫn còn tự nhiên thụ động (vô nhân)chứ chưa phải là tạo tác của tâm. Vậy đâu có tâm gì cần phải bỏ, trừ phi biết cay sinh tâm bực tức thì lúc đó không còn thuần túy thiệt thức, thân thức vô nhân nữa mà đã có ý thức hữu nhân và chủ quan xen vào rồi. Vậy cần phải thấy quan hệ hỗ tương đó cho đúng đắn, kẻo lầm. Lầm thì làm sao tu đúng được.
Còn trong ý thì có khổ, lạc không? Ở nơi ý, khổ được gọi là ưu, lạc được gọi là hỷ. Nhưng điều này chúng ta sẽ nói sau.
Trở lại sự vận hành. Khi mắt thấy sắc, đèn chói, khó chịu, mắt đau – khổ thọ. Khổ thọ không ở nơi nhãn thức, nơi cái biết của mắt, mà chính là thân thức nơi con mắt khổ. Vậy thì khi khổ chỉ có thân thức là khổ chứ không có ai khổ cả. Nhưng thường chúng ta hay đồng hoá nó với cái tôi mà thành ra “tôi khổ”. Khổ là thực còn “tôi” chỉ là ảo tưởng vọng chấp.
KHỔ → PHI HỮU ÁI → KHỔ KHỔ
Bây giờ chúng ta đi sâu hơn một chút nữa. Khi cảm giác khổ phát sinh, chúng ta thường có phản ứng như thế nào?
Khi khổ phát sinh, thường bản ngã có ý chống lại cái khổ, nghĩa là muốn lẫn tránh hay loại trừ cái khổ ấy. Theo danh từ nhà Phật, thì ước muốn loại trừ này gọi là phi hữu ái (abhava-taṇhā): muốn huỷ diệt cái khổ hay không muốn khổ tồn tại, cho nên phi hữu ái thuộc về tâm sân, làm nền tảng cho đoạn kiến.
Khổ thọ sinh à muốn loại trừ = phi hữu ái.
Chúng ta thử xem xét, phân tích lại thử coi, cách tu hành của chúng ta có đúng không?
Chúng ta đang khổ, muốn tu hành cho hết khổ. Coi chừng rơi vào phi hữu ái! Phải không? Tôi đang ở trong cõi trần gian đau khổ, cho nên tôi muốn tu mau để lên cõi Thiên Đàng, Cực Lạc, ở đó sẽ không còn khổ nữa. Vậy là rơi vào phi hữu ái, có đúng không? Và khi mà rơi vào phi hữu ái thì sao? Phi hữu ái xen vào cái khổ, thì cái khổ tâm sẽ chồng thêm lên cái khổ thân ấy, nên gọi là khổ khổ, đúng không?
Ví dụ: Trời đang nóng, thấy khó chịu quá, tôi bực bội, tôi quay quắt, rồi than: “Trời ơi! Sao mà nóng nực khó chịu thế này!”. Như vậy, nóng đã khổ nơi thân rồi lại gia thêm cái khổ bực tức nơi tâm nữa. Nghĩa là mũi tên khổ không những bắn trúng thân mà còn ghim suốt vào tâm nữa. Vậy là khổ chồng chất lên khổ.
Chúng ta đang đợi một người nào đó mà chưa thấy đến liền sinh nóng nảy, bồn chồn: “Sao chưa tới kìa! Sao chưa tới kìa!”. Vậy có phải là cái khổ tâm (ưu) gia tăng và chồng chất thêm lên cái khổ thân không?
Cho nên khi có khổ, nếu chúng ta muốn khẩn trương loại trừ nó, thì cảm giác khổ tâm lý càng gia tăng lên, nghĩa là đem phi hữu ái mà chồng lên khổ thọ thì thành ra khổ khổ.
Khổ thọ + phi hữu ái = khổ khổ
(sinh lý) (tâm lý).
Nhưng bây giờ chúng ta thử soi xét cho kỹ xem, cái khổ khổ tâm lý đó có thực không?
- Dạ, thưa thầy, không có thực.
- À, đúng như vậy. Nhưng phải nói chính xác là cái khổ đó có thực mà không thực.
Sao lại có thực mà không thực? Có mâu thuẫn không? Thực bởi nó có xẩy ra, có khả năng di hại lên chính cái thân này, có thể làm nhồi máu cơ tim, thần kinh căng thẳng v.v. Như vậy hiện tượng khổ có thực, nhưng nó lại do ảo giác tạo ra nên khi ảo giác đó không còn thì cái khổ ấy cũng biến mất, vì vậy mà không thực. Không như khổ thọ sinh lý, dù ảo giác đã mất, dù tâm đã bình thản nó vẫn đau.
Ví dụ, tôi đang đứng như thế này, đang ngắm nhìn về phía trước, bất thình lình có người đánh sau vai. Nhìn lại, thì thấy cái anh chàng dễ ghét hôm qua mới đánh lộn với mình, tôi còn căm hận nó vì nó đánh tôi gãy mấy cái răng còn đau. Quý vị nghĩ sao về cái đập sau vai đó? Cái đập đó thật là rất đau, rất khó chịu, rất bực, đúng không? Nhưng nếu nhìn lại thấy một người bạn rất thân mà lâu ngày chưa gặp, thì cái đánh đó lại cảm nghe rất nhẹ nhàng, êm ái mà cũng rất là thân thương. Vậy thì cảm giác đó trên thân tất nhiên là không khác, giả sử có cùng trọng lượng 500 gram, nhưng với người thù thì cảm thấy rất đau, nó không phải là 500gr nữa mà là cả 1.000gr. Nhưng với người thân thương thì cú đánh dường như không đau đớn gì, có khi còn hoá ra lạc nữa là khác! Vậy trong đó, con số 500gr đo được là thực, còn 500gr thêm vào là ảo giác. Hoặc cảm giác khổ đó giảm xuống số không, rồi lại biến hoá qua lạc thì cũng toàn là ảo giác do tâm tưởng tạo ra cả. Tuy vậy ảo giác đó lại xem ra rất thực đối với chúng ta, đến nỗi nó sẽ in dấu thành cảm thọ thực trên thân! Cho nên nếu chúng ta thực sự nhìn thẳng (không qua ảo tưởng) vào cái khổ khổ tâm lý đó, thì ảo giác tự diệt chứ không cần lăng xăng tìm cách đoạn trừ khổ? Có đúng không? Chỉ tại chúng ta không chịu nhìn rõ, nhìn thẳng vào thực tánh của nó cho rõ ràng nên cứ bị ảo giác đánh lừa hoài.
Đấy là chuyện khổ, còn chuyện ý muốn diệt khổ? Ý muốn diệt khổ xem có vẻ như chính đáng lắm, phải không? Nhưng xin thưa là còn phải xem ý muốn đó có phát xuất từ thấy biết chơn thực hay chỉ là một ảo tưởng, một vọng niệm. Ví dụ câu chuyện đợi người hồi nãy. Mình đợi hoài sinh ra nóng nảy, bực bội. Nhưng người kia có thể có trường hợp khách quan xảy ra là xe bị nổ lốp, bị kẹt đường… nên đến trễ mất năm phút. Thật ra nếu đợi thêm năm phút mà tâm bình thản mát mẻ thì có sao đâu. Nhưng ở đây do tâm nôn nóng bực bội nên năm phút đã biến thành 50 phút, phải không? Đó là chính vì muốn thoát khổ nên khổ mới tăng thêm.
Có người thấy thành phố ồn ào, bụi bặm, mệt mỏi chán nản quá, muốn đóng cửa một ngày. Một ngày nằm nghỉ yên tịnh trong phòng, thấy khỏe ru, an lạc vô cùng. Nhưng nếu chúng ta bị công an bắt bỏ bót một ngày thì sẽ thấy bức xúc, tù túng không chịu nổi. Tại sao vậy? Cũng một ngày như nhau sao một bên thì khoẻ khoắn lạ lùng và một bên như lửa đốt ruột gan? Đó là thực hay giả? Vì phi hữu ái và khổ đều có hiện tượng xẩy ra nên là sự kiện thực, nhưng lại phát xuất từ ảo tưởng, ảo giác nên là giả. Vậy chuyện tức cười của chúng ta là khởi lên một ảo tưởng để rơi vào một ảo giác, rồi lại khởi lên ảo tưởng toan lẩn tránh hay tiêu diệt ảo giác đó. Cứ thế thì có giải quyết được gì không?
Người không biết Đạo, những kẻ “túy sinh mộng tử”, đã đành như thế. Nhưng tiếc thay nhiều người tu hành cũng chẳng hơn chi, phải không? Họ tu nhưng thật ra chỉ để trốn chạy cái khổ trong chính ảo tưởng của mình. Tu như vậy có đúng không?
Cảm giác + ảo tưởng = ảo giác.
(khổ) > (muốn lánh khổ)> (khổ hơn)
Xin lưu ý là nhiều người cho rằng phi hữu ái đồng nghĩa với vô sắc ái, nhưng hai loại aí này khác nhau xa. Phi hữu ái có tính sân đưa đến đoạn kiến, trong khi vô sắc ái có tính tham đưa đến thường kiến.
LẠC → HỮU ÁI → HOẠI KHỔ
Chúng ta vừa nói đến khổ. Bây giờ chúng ta đề cập đến lạc.
Khi có cảm giác lạc thì chúng ta thường muốn giữ cái lạc đó lại. Tham muốn duy trì, nắm giữ cái lạc đó lại chính là hữu ái, lòng ham muốn cái lạc đó tồn tại mãi. Cho nên hữu ái thuộc về tham, làm nền tảng cho thường kiến.
Ví dụ: Khi tai nghe mắt thấy hoặc thân xúc phát sinh những cảm giác lạc, chúng ta thường ưa thích, bám víu, chiếm hữu nên dễ thấy đó là hữu aí. Nhưng khi hành thiền, đắc được hỷ lạc, thấy người thoải mái, thích thú rồi ngày nào cũng muốn lặp lại trạng thái đó thì xem ra hữu ái này vi tế khó thấy hơn. Có đúng không? Vậy mà còn có một loại hữu ái cực kỳ vi tế đó là aí đối với Tánh Không , Niết-bàn. Tánh Không, Niết-bàn là thực nhưng toan thủ đắc chiếm hữu, toan nhận nó làm thân thường hằng vĩnh cửu thì cũng không thoát được hữu ái và thường kiến. Cho nên Đức Phật dạy trong kinh Mùlapariyàya: “ Vì thắng tri … Niết-bàn là Niết-bàn, này chư tỷ kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không nghĩ tưởng đến Niết-bàn, không định kiến trong Niết-bàn, không tự hào về Niết-bàn, không quan niệm ‘Niết- bàn là của ta’, không hoan hỷ trong Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì đã chứng tri ‘Hỷ là gốc của khổ, từ đó có hữu, sinh, lão, tử…đối với hữu tình chúng sinh’. Do vậy, này chư tỷ kheo, Ta nói ‘Như Lai, mọi tham ái đã tận, đã ly dục, đã đoạn diệt, đã xả ly, đã từ bỏ, đã chơn chánh giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác”
(Động từ mannati trong đoạn kinh trên có bốn nghĩa: nghĩ tưởng đến, có định ý, tự hào, và có quan niệm)
Khi chúng ta thủ đắc một cái gì đưa đến cảm giác lạc, chúng ta thường khởi lên ý muốn giữ cái sở đắc đó lại, muốn nó tồn tại mãi để cảm giác lạc được duy trì. Giống như có cái đẹp, muốn giữ cái đẹp đó lại. Chuyện gì xảy ra?
Ví dụ, có một cô gái đẹp, được giải hoa hậu. Thế nên ngày nào cô cũng phải chăm sóc cho cái đẹp của mình. Soi kiếng thấy một vết nám, một đốm mụn trên mặt, cô khổ sở vô cùng. Bất cứ cái gì trở ngại cho cái đẹp đều có thể làm cô đau khổ khó chịu. Trái lại, một cô gái khác buôn gánh bán bưng ở chợ, mọc một lần 2, 3 cái mụn, mặt mày sạm nắng mà cô ta chẳng thấy khổ sở chi hết. Lại nữa, vì lo cho mẹ và các em nên cô ta quần quật lam lũ nắng mưa, chẳng hề than khổ, trái lại còn thấy niềm vui trong lòng vì đã lo chu tất cho mẹ cho em. Tại sao vậy? Tại vì cô ta không cần giữ cái đẹp cho mình nên không khổ vì nó. Còn cô hoa hậu kia vì cố giữ cái đẹp nên cứ khổ với nó hoài. Do đó, cố giữ cái lạc cho tồn tại là khổ.
Nhưng ngay khi cái lạc đang tồn tại mà nơm nớp lo sợ nó mất đi cũng khổ. Có anh chàng nọ sung sướng hãnh diện đã cưới được một cô vợ cực đẹp, đẹp tuyệt trần. Quý vị biết sao không? Hạnh phúc đâu không thấy mà anh ta càng ngày càng khổ sở quá chừng. Anh ta khổ hơn người lấy vợ nhan sắc bình thường, chỉ vì anh ta lo sợ ngày đêm, hễ cô vợ đi đâu vắng một lúc là anh ta như lửa đốt. Cô vợ nói chuyện với người đàn ông nào là lạ, anh ta liền ngó ngược ngó xuôi, ghen bóng ghen gió v.v… Như vậy, cái lạc hay điều kiện của cái lạc tuy đang tồn tại mà vẫn cứ khổ. Do đó, chỉ vì sợ lạc mất đi cũng là khổ.
Có người tu thiền định hôm kia đắc được hỷ lạc, hôm nay cứ ngồi để mong lặp lại hoặc kéo dài thời gian hỷ lạc ấy, vì hỷ lạc quá hấp dẫn, thích thú. Vậy là cũng rơi vào hữu ái, là cái khổ do mong muốn lạc tồn tại lâu dài.
Người tu ấy chắc chắn là không bằng người đang khổ mà an nhẫn, trầm tĩnh và thấy rõ bản chất cái khổ một cách trọn vẹn, có phải không? Một người tu chạy trốn cái khổ vào sâu trong rừng để cố gắng thiền định, đắc được hỷ lạc, rồi cố giữ hỷ lạc ấy thì tuy tạm thời có thể không có khổ thọ, nhưng trong sâu xa lại bị cái sợ mất hỷ lạc đe dọa nên vẫn có cái khổ tiềm ẩn khác khó thấy hơn. Nếu cô gái buôn thúng bán bưng, trong khi kham nhẫn khổ cực để nuôi mẹ giúp em, đã thấy rõ được bản chất thực của cái khổ, không tham ái, không vọng cầu, chỉ lo tròn chữ hiếu, thì e là hơn xa người tu kia mãi lo chấp thủ hỷ lạc.
Pháp vốn tự nhiên, đến đi tự tại, người giác ngộ được pháp tánh đó và sống trọn vẹn với pháp tánh đó gọi là Như Lai, là Thiện Thệ. Ngược lại:
Muốn kéo dài lạc > khổ
Sợ lạc mất đi >khổ
Thế còn nếu lạc tồn tại quá lâu thì sao? Xin hỏi quý vị?
- Thưa, sẽ chán. Chán ngắt! (Nhiều người cùng phát biểu).
- À, mọi người trả lời đúng. Tồn tại quá lâu thì sinh ra chán ngắt, không chịu nổi, và dĩ nhiên là nó trở thành cái khổ, cho nên:
Lạc tồn tại quá lâu > khổ
Thế mà có biết bao người tu hành chỉ mong muốn được hưởng cái gọi là thường, lạc, ngã, tịnh vĩnh hằng trường cửu chi chi đó, thật ra cũng chỉ là hữu ái mà thôi.
Ví như có người nghèo khổ ở thôn quê mãi ăn cơm độn khoai, độn sắn.. nên hôm nọ lên thành phố được người ta đãi cho anh ta một tô phở. Ngon quá, anh ta khen “Ôi! phở thật là thiên đàng”. Nghe khen, người ta đãi cho anh ta 1 tô nữa, 1 tô nữa, 1 tô nữa… cho đến mấy chục ngày như vậy. Đến lúc đó, anh ta thấy phở là như thấy địa ngục. Vì sao vậy? Vì ngon lâu thành dở, lạc quá hóa phiền!
Ba cái khổ: muốn duy trì lạc, sợ lạc mất đi, và lạc lâu hóa khổ đều do nguyên nhân là tính chất biến hoại của các pháp hữu vi. Vậy lạc vốn luôn biến hoại mà chúng ta muốn nó tồn tại mãi (hữu ái) thì chắc chắn phải đối đầu với hoại khổ:
Lạc thọ + hữu ái = hoại khổ
(sinh lý) (tâm lý)
XẢ → DỤC ÁI → HÀNH KHỔ:
Chúng ta đã nói đến khổ và lạc, nay chúng ta thử xem xét về cảm giác xả, một cảm thọ trung bình, không lạc cũng không khổ. Vì cảm giác đó quá bình thường nên ít ai để ý đến, ít ai cảm nhận được. Do đó, chúng ta có cảm tưởng trống trải vô vị. Vậy nó có phải là khổ không?
– Thưa không.
– Anh trả lời đúng.
Xả đương nhiên không phải là khổ, nhưng, trên thực tế, ít ai chịu được cảm giác xả quá bình thường, quá trầm lặng, quá yếu ớt đó nên chúng ta thường có khuynh hướng xem nó là khổ, và thích đi tìm cảm giác mạnh, cảm giác lạc để khỏa lấp chỗ trống trải vô vị đó đi.
Ví dụ: đang đi tới đi lui với cảm giác bình lặng như thế này một hồi, rồi bỗng khởi lên ý nghĩ: “Chà! Chán quá, bây giờ mà mình đi xem phim thì thú biết mấy!”. Phải không? Nghĩa là chúng ta không thích yên ả (xả), ưa khởi tâm đi tìm cái thú, cái vui, cái lạc trong chén rượu, cuộc cờ, trong ngồi lê tán gẫu v.v… để mà giết thì giờ, để mà lấp cho đầy cái trống trải, để mà chạy trốn cái cảm giác bình thường, phải không?
Do đó, ở trong trạng thái cảm giác bình thường chẳng bao lâu, chúng ta đã cảm thấy nhàm chán, buồn nản, và thế là xả biến dần qua khổ, để rồi chúng ta lại tránh khổ tìm lạc, như thử ngựa quen đường cũ, thói lệ tình thường.
Có anh chàng nọ đi qua chùa Huyền Không, hồi đó chùa còn ở đèo Hải Vân, Lăng Cô, thấy cảnh chùa sao mà “thiền” quá, các vị sư ở đây sao mà thanh thoát quá, hiền hoà quá! Bèn về nhà xin phép cha mẹ cho đi tu. Đến xin, tôi đồng ý. Nhưng anh ta ở đâu được vài ba ngày chi đó thì đã than: “Trời ơi! Sao mà buồn quá, chán quá!” Thế là anh ta xin về. Đúng thôi. Chính cái êm đềm đó, cái bình thường đó người ta thường không chịu nổi.
Vì không chịu nổi cái trạng thái bình thường của xả thọ, tâm chúng ta cứ khởi lên hoài, cứ cố tìm bắt một cảm giác khác, một trạng thái khác, không chịu yên. Chúng ta vì không giữ được tâm trong trạng thái bình thường, nên mới khởi lên một cái tâm để tu để đắc, khởi lên một cái tâm để tìm lạc thú, niềm vui, mơ tưởng, ước vọng v.v… đây chính là cái lăng xăng tạo tác mà Đức Phật gọi là hành. Hành bị điều động bởi dục ái. Dục ái gồm có ba loại: trong đối tượng hiện tại, dục ái nắm bắt sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trong đối tượng quá khứ, dục ái nắm bắt hình ảnh pháp trần, kỷ niệm bằng hồi tưởng. Trong đối tượng tương lai dục ái nắm bắt hình ảnh ước mơ bằng tưởng tượng. Vậy cái khổ ở đây vi tế hơn, cái khổ hình thành do chính tâm lăng xăng tạo tác (hành) của dục ái nên gọi là hành khổ
Xả thọ (sinh lý) + dục ái = hành khổ (tâm lý ).
Để minh họa tôi xin kể một câu chuyện: có một anh chàng khi không rủ bạn đi buôn. Anh bạn hỏi:
– Đi buôn để làm gì?
– Để có tiền.
– Có tiền để làm gì?
– Để sắm nhà, sắm xe, có vợ đẹp, con xinh, ăn ngon, mặc đẹp, nghĩa là để có hạnh phúc chứ gì nữa.
– À, nếu vậy thì anh cứ đi đi, tôi không đi đâu, vì mặc dù tôi không có những thứ đó nhưng tôi đang hạnh phúc kia mà!
Hạnh phúc, người ta thường nghĩ, đòi hỏi phải có một số điều kiện gì gì đó mới có được, ít ai thấy rằng đôi khi chẳng cần gì cả mà vẫn hạnh phúc. Hạnh phúc là cái mà khi ta mưu cầu, tìm kiếm, nắm bắt lại không được, nhưng khi ta buông hết mọi mưu cầu tranh thủ thì nó lại đến ngay lập tức.
Ông kia phải đi kiếm tìm, tạo tác lăng xăng là ông cần ăn ngon mặc đẹp. Còn ông này thì đâu có cần thế, vì ông ta ăn gạo lứt muối mè mà. Nhưng biết đâu chính người ăn gạo lứt muối mè lại đang hạnh phúc, còn ông kia, điều kiện là phải ăn ngon mặc đẹp mới hạnh phúc, nên ông ta phải nỗ lực, phải đổ mồi hôi sôi nước mắt để kiếm tiền. Phải không? Hạnh phúc mà có điều kiện thì biết đâu lại khổ hơn cái khổ vô điều kiện, phải không? Vì không chịu nổi trạng thái bình thường (thọ xả) nên phải lăng xăng tạo tác. Cái khổ của lăng xăng tạo tác, Đức Phật gọi là hành khổ. Tóm lại:
– Càng nôn nóng diệt khổ càng sinh thêm khổ khổ do phi hữu ái hay sân đem lại.
– Càng cố gắng duy trì lạc càng sinh thêm hoại khổ do hữu ái hay tham đem đến.
– Càng lăng xăng tạo tác càng sinh thêm hành khổ do dục ái hay si mê xúi giục.
Nhưng tất cả những cái gọi là phi hữu ái (sân), hữu ái (tham), dục ái (si) bị thúc đẩy bởi một động lực chung đó là vô minh.
Chúng ta đã thấy rõ tất cả khổ đó đều do vô minh và ái dục cả, phải không? Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Nghĩa là nếu thấy biết một cách trong sáng, không tích lũy kinh nghiệm, không hình thành sở tri, kết luận, quan niệm, lập trường, hệ thống, kiến chấp v.v. thì đó là minhlà giác. Ngược lại, “lập tri” chính là gốc vô minh, thất giác, phải không?
Đang khổ, đúng ra ngay khi đó chỉ cần thấy cái khổ ấy cho minh bạch (như thị), đừng cần thêm bớt gì cả thì đâu có vấn đề, nhưng chúng ta lại phê phán đúng sai, đánh giá thiện ác, thế rồi khởi tâm bất mãn, muốn diệt khổ. Đó chính là vô minh, là tri kiến lập tri rồi.
Cũng vậy khi khởi lên dục ái, hữu ái, phi hữu ái là chúng ta đã bị vô minh điều động. Coi chừng sự tu hành của chúng ta có bị rơi vào dục ái, hữu ái, phi hữu ái không? Chúng ta phải nhìn ra sự thật đó, nếu không luống công vô ích.
Ví dụ: Có người đang tinh tấn hết sức mình để tham một công án, mong rằng đạt được tự tánh vì nghe nói kiến tánh thành Phật mà! Nhưng kiến tánh thành Phật là một chuyện hoàn toàn khác, còn anh ta thì đem hết tâm tư để tham công án chỉ vì bất mãn hiện tại và vọng cầu tương lai. Vậy anh ta đang bị chi phối bởi phi hữu ái (bất mãn) và dục ái (vọng cầu) mà anh ta không thấy.
Anh ta tưởng tượng ra một tự tánh theo tầm vóc bản ngã của anh rồi khởi tâm nỗ lực tầm cầu. Vậy là anh ta không biết rằng mình đang bị thôi thúc bởi dục ái (khởi tâm tầm cầu) và hữu ái (nỗ lực thủ đắc, sở hữu, ngã hoá cái gọi là “tự tánh” ấy của anh).
Cũng vậy, chúng ta lên trên núi thật cao để thiền định, để luyện chú… chi chi đó. Để làm gì vậy? Để chỉ rơi vào quỹ đạo của phi hữu ái, hữu ái, dục ái hoặc cả ba. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể đạt được khổ khổ, hoại khổ và hành khổ mà thôi, chứ không thể nào đạt được giác ngộ, giải thoát. Đó là tu theo Khổ Đế và Tập Đế chứ không phải là Đạo Đế.
- Dục ái - Hữu ái - Phi hữu ái |
Ảo tưởng → | Hành khổ Hoại khổ Khổ khổ | Ảo giác |
Tập Đế | | Khổ Đế | |
Các cảm giác khổ sinh lý gọi là khổ thọ, chỉ là những cảm giác khó chịu thuần trên thân. Nó là kết quả của nhân quá khứ và duyên hiện tại, thuộc phần tĩnh của khổ đế, không phải là đối tượng cần được đoạn trừ của Đạo Đế. Vì vậy, muốn đoạn trừ (phi hữu ái) là ý muốn thiếu sáng suốt, là phản ứng sai lầm, chỉ làm tăng thêm cái khổ, cũng vậy, đối với lạc thọ, xả thọ thuần trên thân, ý muốn duy trì (hữu ái) và khởi tâm tìm kiếm (dục ái) đã biến những cảm thọ này thành khổ (tâm lý). Do đó ba loại ái này chính là Tập Đế, nguyên nhân phát sinh Khổ Đế.
Xin quý vị đừng hiểu lầm, trong đạo Phật vẫn có thiền định. Nhưng khi nào thấy rõ bản chất và công dụng của thiền định, thấy rõ tâm mình thường bị trạo cử bất an v.v. thì vẫn có thể sử dụng thiền định như là phương tiện đối trị đúng chỗ đúng lúc. Còn ham muốn thiền định để đạt thiền lạc hay đạt pháp thuật thần thông gì đó, thì đều là sản phẩm của vô minh và ái dục, chỉ làm giàu cho bản ngã mà thôi. Các pháp môn phương tiện khác cũng vậy.
Trích: Thực Tại Hiện Tiền
Tác giả: Viên Minh