Tứ niệm xứ câu chuyện của Paṭācārā.
Kế tiếp tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện của Paṭācārā. Cô là con gái của một thương gia giàu có của kinh thành Sāvatthī. Tài sản của cha cô đáng giá bốn trăm triệu đồng tiền vàng, và cô cực kỳ xinh đẹp. Khi Paṭācārā được mười sáu tuổi, cha mẹ cô chia các khu cho cô ở trong một toà nhà cao bảy tầng, ở đó họ giữ cô cẩn thận trên tầng lầu cao nhất, có những vệ sĩ vây quanh. Nhưng cho dù có những sự phòng ngừa này cô vẫn lăng nhăng, và làm chuyện đó với người hầu của cô.
Bấy giờ tình cờ cha mẹ cô đã hứa gả cô cho một người thanh niên nọ ngang hàng về địa vị xã hội với cô, và cuối cùng họ ấn định ngày cưới. Khi ngày cưới sắp đến, cô nói với người hầu, ‘Cha mẹ em nói với em rằng họ có ý định gả em cho một người thanh niên thuộc gia đình như vậy như vậy. Anh biết rất rõ rằng một khi em đã về nhà chồng rồi, anh có thể mang quà và đến thăm em theo như anh thích, nhưng anh sẽ không bao giờ bước vào đó được đâu. Do đó, nếu anh thực lòng thương em, đừng trì hoãn một phút nào nữa, hãy tìm cách này hay cách khác mang em ra khỏi nơi này đi.’ ‘Được rồi, em thân yêu; đây là những gì anh sẽ làm: ngày mai, vào lúc sáng sớm, anh sẽ đi đến cổng thành và chờ em tại chỗ đó chỗ đó; em hãy khéo léo, bằng bất cứ cách nào, ra khỏi nơi này và gặp anh ở đó nhá.’
Ngày hôm sau anh ta đi đến nơi đã chọn và chờ đợi. Paṭācārā thức dậy rất sớm, mặc vào bộ quần áo nhếch nhác, làm cho đầu tóc rối tung lên, và lấy bột đỏ bôi bẩn khắp người. Rồi, để đánh lừa những người canh giữ, cô cầm một vò nước trong tay, cùng với những nữ nô lệ, cô làm như thể người đi lấy nước. Thoát ra khỏi cấm cung, cô đi đến nơi đã hẹn và gặp người yêu ở đó. Họ cùng nhau trốn đi rất xa và định cư trong một ngôi làng nọ. Người chồng canh tác đất, và đi mót củi trong rừng. Người vợ hàng ngày đi lấy nước, giã gạo, nấu nướng, và thực hiện những bổn phận trong gia đình khác. Như vậy, Paṭācārā đã gặt hái quả báo của tội lỗi mà cô đã làm ngay trong hiện tại.
Dần dần cô có thai, và khi gần đến ngày sanh nở, cô yêu cầu chồng như sau, ‘Ở đây em không có ai giúp đỡ. Nhưng trong lòng của người cha người mẹ nào cũng luôn luôn có một tình yêu thương đối với con cái của họ. Vì thế hãy đưa em về nhà với cha mẹ, ở đó em có thể sanh con với sự chăm sóc của họ.’ Nhưng người chồng từ chối lời yêu cầu này, anh nói với cô, ‘Này hiền thê, em nói cái gì vậy? Nếu cha mẹ em mà thấy mặt anh, thì anh sẽ phải chịu đủ mọi cách hành hạ của họ. Yêu cầu anh đưa về nhà là không hợp lẽ đâu.’ Cứ thế cô van xin chồng nhiều lần, và mỗi lần như vậy người chồng lại từ chối cô.
Một hôm, khi người chồng đi vào rừng, cô sang bên nhà hàng xóm và nói, ‘Nếu khi chồng tôi về, anh ấy có hỏi tôi đi đâu, làm ơn nói rằng tôi đã đi về nhà cha mẹ tôi rồi.’ Sau khi dặn người hàng xóm xong, cô đóng cửa nhà và ra đi. Khi người chồng trở về và thấy rằng vợ mình không có nhà, anh hỏi thăm những người hàng xóm, và họ kể cho anh biết những gì đã xảy ra. ‘Mình phải đi thuyết phục cô ta trở về mới được,’ anh nghĩ, và lên đường đuổi theo cô. Cuối cùng anh bắt kịp cô và van xin cô quay trở về với anh. Nhưng dù có cố gắng cách mấy, anh cũng không thể thuyết phục được cô quay về.
Khi họ đi đến một nơi nọ, những cơn đau (do sắp lâm bồn) xuất hiện nơi cô. Cô nói với chồng, ‘Này phu quân, những cơn đau đã xuất hiện nơi em.’ Nói xong, cô lách mình vào những lùm cây, nằm xuống trên mặt đất, trăn trở và đau đớn cùng cực mới sinh ra một đứa con trai. Xong cô tự nhủ, ‘Điều ta muốn trở về nhà cha mẹ để làm đã qua rồi.’ Vì thế cô lại theo chồng trở về nhà của mình, và một lần nữa họ lại sống với nhau.
Sau một thời gian cô có thai trở lại. Khi ngày lâm bồn sắp đến, cô cũng xin chồng trở về nhà cha mẹ và nhận được cùng một câu trả lời như trước. Vì thế cô bồng con lên đường như cô đã làm trước đây. Người chồng vội đuổi theo và bắt kịp cô, anh cũng van nài cô trở về với anh. Nhưng cô từ chối không chịu quay về. Lúc bấy giờ, khi họ đang đi trên đường, một cơn bão trái mùa nổi lên thật khủng khiếp. Bầu trời loé sáng với những tia chớp, và những tiếng sấm ầm ầm như thể xé nát không gian ra tững mảnh, đồng thời một trận mưa trút xuống không ngớt. Ngay lúc đó những cơn đau xuất hiện. Cô nói với chồng, ‘Này phu quân, những cơn đau đã xuất hiện nơi em; em không thể chịu đựng được nữa; hãy tìm cho em một chỗ tránh mưa.’
Chồng cô cầm búa đi chỗ này chỗ kia, kiếm những vật liệu để làm chỗ che mưa. Nhìn thấy một bụi cây mọc trên gò mối, anh chuẩn bị để chặt nó xuống. Ngay khi anh vừa mới bắt đầu chặt, một con rắn độc trườn ra khỏi gò mối và mổ vào anh ta. Lập tức người anh nóng bừng lên như thể bị những ngọn lửa bắn vào, da thịt anh tím bầm lại, và ngay tại chỗ ấy anh ngã lăn ra chết.
Paṭācārā vừa chịu đựng sự đau đớn cực độ, vừa ngóng trông chồng trở lại, nhưng vô vọng. Cuối cùng cô cũng sanh được đứa con trai thứ hai. Hai đứa con, không thể chịu đựng được sự nghiệt ngã của mưa gió, khóc gào thảm thiết. Người mẹ ôm con vào lòng, và chống hai chân hai tay quỳ trên đất để che chở cho chúng suốt cả đêm. Toàn thân cô như thể không còn một giọt máu nào cả, trông cô chẳng khác một chiếc lá khô vàng úa.
Khi bình minh vừa ló dạng, cô bồng đứa con trai mới sinh, còn đỏ tươi như một miếng thịt, bên hông mình. Rồi chìa một ngón tay cho đứa con lớn nắm lấy, cô nói, ‘Này con cưng, cha con đã bỏ chúng ta rồi,’ và cô dẫn con đi theo con đường mà người chồng đã đi. Khi cô đi đến gần gò mối, cô thấy chồng mình nằm chết trên đó, da thịt tím bầm và thân thể đã cứng đơ. ‘Tất cả cũng vì ta,’ cô nói, ‘mà chồng ta đã chết thê thảm trên đường đi như thế này,’ và gào lên khóc lóc thảm thiết, xong cô lại tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Khi đi đến con sông Aciravatī, cô quan sát thấy rằng do trời mưa suốt đêm qua mà nước sông đã ngập lên tới đầu gối, có những chỗ ngập đến hông. Cô đã quá yếu không thể lội qua sông với hai đứa nhỏ, vì thế cô để đứa con trai lớn ở bờ bên này và mang đứa nhỏ lội qua bờ bên kia. Bẻ một cành cây trải trên đất, cô đặt đứa bé trên đó. Rồi cô tự nhủ, ‘Ta phải quay trở lại với đứa con lớn,’ thế là cô bỏ đứa nhỏ ở đó và lội qua sông. Nhưng cô khó có thể đành lòng bỏ đứa nhỏ một mình, vì thế cô cứ luôn phải quay đầu lại để trông chừng nó.
Hầu như cô chỉ vừa ra tới giữa dòng thì một con diều hâu nhìn thấy đứa bé, và lầm nó với một miếng thịt, từ trên hư không sà xuống cắp lấy nó. Thấy vậy người mẹ giơ hai tay lên trời và hét lớn, ‘Suỵt, suỵt!’ Cô hét ba lần, nhưng con diều hâu ở xa đến nỗi nó chẳng nghe được tiếng hét, nên nó cắp lấy đứa bé và bay lên hư không.
Khi đứa con lớn, ở bờ bên này, thấy mẹ nó đứng giữa sông dơ hai tay lên vẫy, và còn nghe tiếng hét lớn của mẹ nó, nên tự nghĩ, ‘Chắc mẹ đang gọi ta.’ Và trong lúc vội vàng nó rơi ùm xuống nước. Đứng giữa dòng, cô thấy đứa con trai nhỏ thì bị diều hâu cắp đi, và đứa lớn thì bị nước cuốn trôi. Cô gào la, than khóc thảm thiết, ‘Con ta, đứa bị diều hâu cắp, đứa bị nước cuốn trôi, chồng ta thì nằm chết bên đường mất rồi.’ Và cứ gào la than khóc như vậy, cô tìm đường về nhà.
Khi cô đang trên đường về nhà, cô gặp một người đàn ông từ hướng Sāvatthi đi tới. Cô hỏi anh ta, ‘Này anh, anh sống ở đâu thế?’ ‘Ở Sāvatthi, thưa cô.’ ‘Trong thành Sāvatthi, ở đường này đường này, có một gia đình như thế như thế. Anh có biết họ không?’ ‘Ồ có đấy, thưa cô, tôi biết gia đình ấy mà.
Những xin cô đừng có hỏi tôi về gia đình ấy nữa. Hãy hỏi tôi về bất kỳ gia đình nào khác mà cô biết đi.’ ‘À thưa anh, tôi không có thời gian để hỏi về gia đình khác. Đây là gia đình duy nhất mà tôi muốn hỏi thôi.’ ‘Này cô, cô đã không cho tôi cơ hội để tránh nói về chuyện ấy. Cô có thấy suốt đêm qua trời mưa tầm tã không? ‘Quả thực tôi có thấy, thưa anh. Có lẽ tôi là người duy nhất bị mưa dầm suốt đêm qua. Thôi, chuyện mưa đổ xuống trên tôi như thế nào, từ từ rồi tôi sẽ kể cho anh rõ. Còn bây giờ hãy kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra về gia đình người thương gia giàu có này đi, tôi sẽ không hỏi anh thêm những câu hỏi khác đâu.’ ‘Thưa cô, đêm qua bão đã thổi sập căn nhà đó, và nó đổ đè lên trên người thương gia, vợ và đứa con trai của ông ta, mọi người đã chết hết rồi, những người láng giềng và thân quyến của họ hiện đang thiêu xác họ trên giàn thiêu đấy. Hãy nhìn kìa, này cô thân! Cô có thể thấy khói còn đang bốc lên ở chỗ đó đó.’
Ngay lập tức cô trở nên điên loạn. Áo quần rơi rớt khỏi thân, nhưng cô không biết rằng mình đã trần truồng. Và trần truồng như cái ngày cô sinh ra, cô đã đi hết khắp mọi nơi, gào la than khóc rất thảm thiết:
Cả hai con đã chết;
Chồng vùi lấp bên đường;
Trên giàn lửa hoả thiêu;
Là xác mẹ cha ta!
Những người đi đường nhìn thấy cô đều la lên, ‘Con điên! Con điên!’ Có người ném rác vào người cô, có người vãi bụi lên đầu cô, và có người ném vào người cô với những cục đất.
Thật tình cờ là lúc bấy giờ Đức Phật đang ở tại Kỳ Viên Tinh Xá (Jetavana). Khi ngài đang ngồi giảng Pháp giữa các chúng đệ tử, ngài thấy Paṭācārā từ đằng xa đi đến, và nhận ra ở cô một con người đã hoàn thành các pháp ba la mật (paramī) (paramī) trong một trăm ngàn đại kiếp, một con người đã phát đại nguyện và đã đúng thời để đạt đến nó.
Chúng ta được nghe nói rằng trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Padumuttara cô đã được chứng kiến Đức Phật Padumuttara chỉ định một vị Tỳ kheo Ni nọ là đệ nhất trong số những vị tinh thông Giới Luật (Vinaya). Vì thế cô đã hình thành quyết định của mình và đọc lời cầu nguyện như vầy: ‘Cầu mong cho con cũng được một vị Phật chỉ định địa vị tối thắng trong số những vị ni tinh thông giới luật như vị Tỳ kheo ni này.’ Đức Phật Padumuttara mở rộng tâm thức vào tương lai và thấy rằng lời cầu nguyện của cô sẽ được thành tựu, nên ngài tiên đoán như sau, ‘Trong giáo pháp của Đức Phật có tên là Gotama, người nữ này sẽ mang tên Paṭācārā, và sẽ được địa vị tối thắng trong số những vị ni tinh thông giới luật.’
Vì thế khi Đức Phật thấy Paṭācārā từ xa đi lại, ngài nói với đại chúng, ‘Không ai khác có thể làm nơi nương nhờ cho người phụ nữ này, ngoài Như Lai.’ Và ngài khiến cho cô đến gần tịnh xá. Ngay lúc đại chúng thấy nàng, mọi người đồng la lớn, ‘Không ai chịu nổi bà điên này đến gần đâu.’ Nhưng Đức Phật nói với mọi người, ‘Các người hãy tránh xa Như lai ra, đừng ngăn cản cô ấy.’ Và khi cô đến gần, ngài nói với cô, ‘Này chị, hãy trở lại chánh tâm của chị đi.’ Ngay tức thì, do năng lực thần thông của Đức Phật, cô trở lại với tâm chân chánh của mình. Cùng lúc đó cô cũng nhận ra rằng áo quần của mình đã rơi rớt tự bao giờ, và ý thức hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi lập tức khởi lên, cô thu mình lại ngồi khép nép trên đất.
Một người thiện nam ném cho cô ta chiếc áo choàng của mình. Cô mặc chiếc áo vào, và tiến đến gần Đức Phật, gieo năm vóc phủ phục trước bàn chân vàng của ngài. Sau khi đảnh lễ xong, cô nói, ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy là nơi nương nhờ của con, xin ngài hãy hộ trì cho con. Một đứa con của con đã bị diều hâu tha mất, đứa khác thì bị nước cuốn trôi; chồng con nằm chết bên vệ đường; nhà cửa của cha mẹ con thì bão thổi sập, và trong căn nhà đó mẹ, cha, và em con đã chết, bây giờ xác của họ còn đang đốt trên giàn thiêu.’
Đức Phật lắng nghe những gì cô nói và rồi trả lời, ‘Này Paṭācārā, chớ có đau buồn nữa. Con đã đến đúng người có thể là nơi che chở cho con, là nơi bảo vệ cho con và là nơi nương nhờ cho con. Những điều con nói là sự thực. Một đứa con của con đã bị diều hâu tha mất, đứa khác bị nước cuốn trôi; chồng con nằm chết bên vệ đường; nhà cửa của cha mẹ con thì bão thổi sập, và trong căn nhà đó mẹ, cha, và em con đã chết. Nhưng trong vòng luân hồi này, con cũng đã từng khóc cái chết của con cái và những người thân yêu khác của con như ngày hôm nay vậy, nước mắt mà con đã đổ ra cho họ còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương.’ Và ngài ngâm vần kệ sau:
Nước bốn bể còn ít,
So với nước mắt rơi,
Bởi sầu khổ lụy phiền.
Sao còn mãi dễ duôi?
Theo cách này Đức Phật đã thuyết về vòng tử sanh luân hồi mà điểm khởi đầu không thể nào quan niệm được. Trong khi ngài nói, ưu sầu trong cô tan biến dần. Nhận ra điều này, Đức Phật tiếp tục thuyết như sau, ‘Này Paṭācārā, đối với người đang trên đường đi qua bên kia thế giới (sắp chết), không có con cái, bạn bè hay thân quyến nào có thể làm nơi che chở hay nương nhờ cho người ấy được. Huống nữa con có thể trông đợi họ làm nơi nương nhờ cho con trong đời này như thế nào được. Người có trí sẽ cố gắng trong sạch giới hạnh của mình, và khai quang con đường dẫn đến Niết-bàn (Nibbāna) cho chính mình.’ Nói như vậy xong, ngài hướng dẫn cô thực hành Pháp bằng cách công bố những vần kệ sau:
Khi thần chết tấn công,
Dù con cái, mẹ cha,
Hay bà con thân quyến
Đều không nương nhờ được.
Biết rõ sức mạnh này,
Bậc trí, giới thu thúc,
Dọn sạch sẽ con đường
Dẫn đến chứng Niết-bàn (Nibbāna).
Vào lúc kết thúc bài pháp, Paṭācārā đắc Nhập Lưu Thánh Quả, và những phiền não trong cô, như vô số những hạt bụi trên khắp địa cầu, bị thiêu đốt sạch.
Không thiền nào không bắt lấy một đối tượng dù đó là ở thân, thọ, tâm hay pháp. Do đó, Tể-tướng Santati cũng như Paṭācārā đã vượt qua được sầu muộn và bi ai chính là nhờ con đường chánh niệm này. Đó là, họ đã thực hành để hiểu rõ thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma). Thân là sắc. Thọ và tâm là danh. Còn các pháp gồm cả danh lẫn sắc. Như vậy thân, thọ, tâm và pháp chỉ là danh và sắc, hay nói cách khác, chỉ là năm uẩn. Họ đã hành để nhận ra được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn và các nhân của chúng. Bằng con đường chánh niệm này họ đã chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna) và vượt qua sầu muộn và bi ai của họ.
Santati đắc A-la-hán Thánh Quả cùng với tứ tuệ phân tích. Còn Paṭācārā, sau khi đắc Nhập Lưu Thánh Quả, đã được Đức Phật cho xuất gia. Sau đó cô tiếp tục hành Minh-sát (Vipassanā) và cũng đạt đến A-la-hán Thánh Quả cùng với tứ tuệ phân tích.
Những vị đạt đến thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích phải có đầy đủ ba la mật (paramī). Tức là các vị đã phải hành Minh-sát (vipassanā) cho đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa) ít nhất cũng trong giáo giáo pháp của một vị Phật trước. Như vậy, do các vị đã phân biệt được thân, thọ, tâm và pháp, hay phân biệt năm uẩn, kể như vô thường, khổ và vô ngã trong kiếp trước, các vị có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna) trong kiếp này. Vì thế có đủ ba la mật (paramī) là điều hết sức quan trọng.
‘Để đoạn trừ khổ và ưu’, đoạn trừ ở đây có nghĩa là sự chấm dứt của khổ thân và khổ tâm. Cách quán này sẽ dẫn đến sự đoạn trừ khổ giống như trường hợp của Trưởng lão Tissa, và sự đoạn trừ ưu như trường hợp của vua trời Đế Thích (Sakka).
Tissa là chủ của một gia đình ở Sāvatthī. Sau khi đã từ bỏ số vàng đáng giá bốn trăm triệu, ngài trở thành một vị Tỳ kheo và sống trong một khu rừng tách biệt với những người khác. Người em dâu của ngài (sợ ngài trở về lấy lại số vàng) đã sai một băng đảng gồm năm trăm tên cướp đi lùng sục trong rừng để tìm và giết ngài.
Khi những tên cướp bao vây ngài, vị Trưởng lão nói với chúng: ‘Này các cư sĩ, sao các người tìm đến đây?’ Họ trả lời: ‘Để giết ông.’ Nghe vậy vị Trưởng lão nói: ‘Để bảo đảm, hãy cho tôi sống chỉ một đêm nay nữa thôi.’ Bọn cướp nói: ‘Ồ, này ông Sa môn, ai sẽ đứng ra bảo đảm cho ông ở cái nơi vắng vẻ như thế này chứ? Nghe vậy, vị Trưởng lão cầm một hòn đá lớn và đập bể xương chân của mình, rồi nói: ‘Này các cư sĩ, như thế có đủ để bảo đảm không?’ Biết rằng bây giờ thì vị trưởng lão không thể nào trốn thoát được nữa, bọn chúng bỏ ngài ở đó và ra đi, vị trưởng lão đi đến cuối con đường kinh hành, đốt một đống lửa và nằm xuống trên đất.
Vị Trưởng lão đã hành thiền như thế nào? Phụ chú giải nói rằng vị Trưởng lão không quán cái đau ở thân do xương chân bị gãy. Mà đè nén cái đau, ngài quán giới hạnh của mình. Khi ngài biết rằng giới của ngài hoàn toàn trong sạch, hỷ và lạc phát sanh. Do hỷ và lạc sanh, cái đau của ngài biến mất. Rồi ngài thực hành thiền chỉ (samatha) để phát triển định làm nền tảng cho thiền minh sát (vipassanā). Và phát triển minh sát theo tuần tự, ngài hoàn thành những phận sự của một vị Sa môn trong đêm đó. Lúc rạng đông, ngài đạt đến A-la-hán Thánh Quả và nói lên những lời trang nghiêm này:
‘Hai chân đập vỡ để làm tin;
Ta đây sợ chết với dục tham.’
Nghĩ xong, ta thấy đúng như thực,
Thánh vức, hừng đông đạt đến nơi.
( Nhờ đập vỡ hai chân ta cho bọn cướp một sự bảo đảm;
Ta ghê tởm và sợ phải chết với một cái tâm còn đầy tham dục.’
Sau khi suy nghĩ như vậy ta thấy các pháp đúng như thực,
Và khi bình minh ló dạng ta đạt tới lĩnh vực của bậc thánh.)
Đây là câu chuyện của Trưởng lão Tissa người đã đoạn trừ được cái đau ở thân hay đoạn trừ được khổ thân. Trong câu chuyện trên, chúng ta thấy ngài không quán cái đau ở thân của ngài. Hiện nay trong khoá thiền này, nhiều thiền sinh than phiền rằng họ bị đau chỗ này chỗ nọ trên thân. Liệu cái đau ấy có đau hơn cái đau của đôi chân bị đập vỡ với một cục đá lớn không? Quý vị phải làm sao được giống như ngài trưởng lão, không chú trọng đến cái đau ở thân, chỉ nên tập trung vào đề mục thiền ban đầu (mūḷakamaṭṭhāna) của mình, và đề mục đó phải nằm trong bốn mươi đề mục thiền chỉ đã được liệt kê trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Quý vị có thể chọn bất kỳ một đề mục nào đó trong bốn mươi đề mục thiền này theo sở thích của mình. Ở đây, rất nhiều hành giả chọn niệm hơi thở. Một số chọn thiền tứ đại. Nhờ tập trung trên đề mục thiền của mình và khi định của quý vị cải thiện, quý vị có thể sẽ đè nén được cái đau ở thân một cách dễ dàng. Để thành công trong thiền yếu tố kiên trì là cần thiết. Thực sự ra đối với mỗi người hành thiền việc thoát khỏi cái khổ của bốn ác đạo (apāya) - địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và Atula, những cái khổ được xem là ác hại hơn cái khổ thân mà quý vị nếm trải khi hành thiền rất nhiều, là hết sức quan trọng. Nếu quý vị không sẵn lòng chịu đựng cái đau lúc này, thì rất có thể quý vị sẽ phải nếm trải cái khổ địa ngục trong tương lai.
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật