Nhất thiết duy tâm tạo
Hỏi: Thưa Thầy câu “Nhất thiết duy tâm tạo” có phải của Phật giáo không, và nó có rơi vào chủ nghĩa Duy Tâm không?
- “Nhất thiết duy tâm tạo” không có nghĩa là tất cả đều do tâm tạo ra, nhưng tất cả những gì thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc chạm đưa vào ý thức (tâm) đều trở thành khái niệm, cho nên Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) đều là biểu hiện của thái độ tâm đối với thực tại. Thí dụ, thực tại A qua tâm Dục ái thì thấy thành tướng Dục giới, qua tâm định Hữu Sắc thấy thành tướng Sắc giới, qua tâm định Vô Sắc thấy thành tướng Vô sắc giới.
Còn tâm hoàn toàn rỗng lặng trong ang thì thấy đó là Niết-bàn. Cho nên, thực tại A vẫn là A, không phải do tâm tạo, nhưng tùy căn cơ trình độ tâm của mỗi người mà thấy khác nhau, nên mới nói do tâm tạo thôi.Thật ra, pháp tự nhiên như đất, nước, lửa, gió vốn không do tâm tạo, tâm chỉ tạo khi qua nhận thức của tưởng và tư chủ quan nơi mỗi người mà pháp trở thành tướng do tâm tạo. Vì vậy, ý tượng và ý tưởng của mỗi người khác nhau đối với cùng một sự vật. Tâm tạo chỉ có nghĩa là như thế chứ không nên hiểu vạn pháp đều do tâm tạo ra theo chủ nghĩa Duy Tâm. Khi tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, không còn tạo tác nữa tức là “không sinh, không hữu, không tác, không thành” thì pháp được trả về cho sự tịch tịnh của nó, lúc đó cả tâm lẫn pháp đều là Niết-bàn.
Niết-bàn là thoát khỏi mọi tạo tác hình thành Tam giới.
Tam giới được hình thành qua tâm thức nên mới có câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” câu này có vẻ rõ hơn nói “nhất thiết duy tâm tạo” dễ đưa đến hiểu lầm thành chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Linh của phương Tây. Thiền là không lệ thuộc vào tầm nhìn của sáu thức mà phản ánh trung thực vạn pháp qua Tánh Biết rỗng lặng trong ang (Pabhassara Citta) trả pháp về với thực tánh chân đế như nó đang là, chứ không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là của “tướng do tâm tạo”.
Hỏi: Thưa Thầy, như vậy Đạo Phật không phải là Tôn giáo theo chủ nghĩa Duy Tâm phải không? Sao Thiền Tông tự xưng là Tâm Tông?
- Đạo Phật không phải là Tôn giáo, cũng không phải chủ thuyết Duy Tâm hay Duy Vật gì cả. Đạo Phật thấy pháp tướng do duyên sinh từ pháp tánh bất sinh. Tâm và vật tương tác mà thành pháp duyên khởi qua tiến trình vận hành tâm-sinh-vật lý. Trong đó có cả tâm lý, sinh lý và vật lý mà mỗi yếu tố đóng vai trò chính tuỳ theo trường hợp chứ không có cái nào là duy được cả. Khi nói duy là đã trở thành nhị nguyên rồi không còn là sự tồn tại bất nhị trong duyên khởi nữa. Thiền Tông đôi lúc được gọi là Tâm Tông vì trong giác ngộ tâm đóng vai trò chính chứ không nên hiểu đó là chủ nghĩa Duy Tâm.
Hiểu đúng ngũ uẩn, nhân duyên và luân hồi sinh tử
Hỏi: Kính thưa sư ông, ở Trong Bộ Kinh Tương Ưng, Đức Phật có dạy: Thánh đạo tám ngành (aṭṭhaṅgik’āriya maggo) là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, con chưa hiểu khi còn 5 uẩn thì cảm thọ vẫn còn, vậy suy ra tuy tu hành Bát Chánh Đạo nhưng năm uẩn vẫn còn thì vẫn còn cảm thọ phải không ạ?
- Con chưa phân biệt được Bát Thánh Đạo của bậc giác ngộ với Bát Chánh Đạo của hành giả đang tu tập. Kinh nói khi có Bát Thánh Đạo tức khi người đã giác ngộ thì không những thọ đoạn diệt mà năm uẩn đều đoạn diệt. Nói cách khác là ngũ uẩn không còn khởi lên nữa. Thực ra, khi con hành tứ niệm xứ, đi đứng ngồi nằm đều trọn vẹn tỉnh thức – chánh niệm tỉnh giác – thì ngay đó ngũ uẩn cũng không khởi lên, nhưng khi thất niệm thì nó lại khởi lên vì chưa hoàn toàn đoạn diệt.
Ngũ uẩn chính là tiến trình thu thập kinh nghiệm, kiến thức để hình thành bản ngã. Ngũ uẩn không thì bản ngã cũng không. Thí dụ khi đang ngồi đây mà tâm rỗng lặng trong sáng thì dù vẫn thấy vẫn nghe nhưng ngũ uẩn không khởi, còn khi nghe ai đó chữi mắng mà nổi sân thì đó là tiến trình ngũ uẩn đang khởi lên, nhưng nếu bị chữi mà tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt, tâm không động thì vẫn không có ngũ uẩn, tức “ngũ uẩn giai không” như kinh Bát Nhã nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách” là vậy. Khởi lên bản ngã phản ứng nên mới thấy khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) thì những thọ này mới là thọ của ngũ uẩn. Còn khi thọ bình thường như nóng lạnh, đau nhức v.v… mà không khởi tâm đối kháng thì có thọ cũng như không nên gọi là đoạn diệt thọ.
Tóm lại, còn bản ngã vô minh ái dục thì còn ngũ uẩn. Không bản ngã vô minh ái dục thì ngũ uẩn đều không.
Hỏi: Thưa Thầy, vậy khi trở về với thực tại thì không có ngũ uẩn phải không?
- Đúng rồi, khi thật sự chánh niệm tỉnh giác hay trọn vẹn tỉnh thức thì lúc đó là Minh, mà Minh thì không có hành, không có thức, không có danh sắc, không có lục nhập, không có xúc, không có thọ, không có ái, không có thủ, không có hữu, không có sinh lão tử, sầu bi khổ ưu não, tức chấm dứt 12 nhân duyên hay không còn ngũ uẩn, không còn bản ngã. Chứ không phải nhập Niết-bàn mới chấm dứt ngũ uẫn hay 12 nhân duyên, vì không lẽ chết rồi mới Minh được sao?
Tác giả: Thầy Viên Minh