Trích sách: Tìm về Sự Thật
Để chuẩn bị ngồi thiền, đặt chân phải lên chân trái và bàn tay phải trên bàn tay trái. Ngồi thẳng lưng nhưng thoải mái, cảm nhận sự quân bình và thư giãn. Nếu bạn thấy tư thế này không thích hợp, bạn có thể ngồi theo cách khác thoải mái hơn, bạn có thể ngồi trên ghế nếu cần phải như vậy. Đừng nghiêng qua bên trái hoặc bên phải hoặc chúi đầu xuống phía trước hoặc ngửa đầu ra đằng sau. Mắt khép vừa đủ đề bạn không cảm thấy căng thẳng hoặc bồn chồn, lo lắng. Giờ thì thiết lập chánh niệm và tưởng tượng rằng chỉ mỗi một mình bạn đang ngồi thiền.
Theo dõi và đếm hơi thở
Đầu tiên, tập trung chánh niệm trên hơi thở vào khi nó đi ngang qua ba điểm – bắt đầu tại mũi, đi xuống ngang qua lồng ngực và chấm dứt tại rốn, và tiếp theo đó theo dõi hơi thở ra theo trình tự ngược lại – khởi đầu tại rốn, đi lên ngang qua lồng ngực và chấm dứt tại chóp mũi. Một khi chánh niệm trên hơi thở vào và ra đã thuần thục tại ba điểm này, hãy tiếp tục bằng cách duy trì sự hay biết rõ ràng hơi thở vào và ra chỉ tại đầu mũi mà thôi. Duy trì chánh niệm trên cảm thọ của hơi thở bằng cách tập trung duy nhất tại điểm này.
Nếu bạn thấy tâm trở nên sao lãng – phóng tới tương lai, lùi về quá khứ, nghĩ tới những chuyện khác nhau – hãy thiết lập lại chánh niệm và buông bỏ những ý nghĩ này. Nếu tâm tiếp tục sao lãng, chúng ta sẽ phải nâng tinh tấn. Một kỹ thuật tốt để giúp nâng sự định tâm là đếm hơi thở theo từng đôi.
Nếu đếm theo từng đôi, chúng ta đếm “một” khi chúng ta thở vào và đếm “một” khi chúng ta thở ra. Với hơi thở vào kế tiếp, chúng ta đếm “hai” và với hơi thở ra chúng ta đếm “hai”. Kế tiếp, thở vào đếm “ba” và thở ra đếm “ba”; thở vào đếm “bốn”, thở ra đếm “bốn”; thở vào đếm “năm”, thở ra đếm “năm”. Đầu tiên chúng ta đếm theo từng đôi đến năm.
Sau đôi thứ năm, chúng ta bắt đầu lại từ một và mỗi lần thở vào và ra đếm tăng thêm một đôi nữa. Chúng ta đếm vào – ra “một”, vào – ra “hai”, vào – ra “ba” cho đến “sáu”. Và cứ như vậy, chúng ta lại trở lại đếm hơi thở vào và ra từng đôi một, bắt đầu từ một tăng dần lên đến mười. Sử dụng phương pháp này, chúng ta sẽ biết được chúng ta có chánh niệm với việc đếm số hay không – chúng ta đếm hơi thở có đúng hay không hay là bỏ qua hoặc sao lãng.
Khi việc đếm hơi thở đã trở nên thuần thục, chúng ta sẽ thấy mình nhận biết hơi thở càng ngày càng rõ ràng hơn. Mức đếm bây giờ có thể tăng tốc lên như sau. Với hơi thở vào chúng ta đếm “Một-hai-ba-bốn-năm” và rồi với hơi thở ra “Một-hai-ba-bốn-năm”. Khi đếm thuần thục đến năm như vậy, chúng ta có thể tăng số đếm lên tới sáu. Thở vào đếm “Một-hai-ba-bốn-năm-sáu” và rồi thở ra “Một-hai-ba-bốn-năm-sáu”. Chúng ta có thể thử xem đếm theo cách này có giúp chúng ta giữ sự chủ tâm tốt hay không. Hoặc chúng ta có thể lựa chọn chỉ việc đơn giản đếm tới năm nếu chúng ta cảm thấy thoải mái hơn. Chúng ta nên đếm như thế này cho đến khi chúng ta thuần thục. Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy rằng tâm tự nó sẽ buông bỏ việc đếm số và cảm thấy thoải mái với việc chỉ đơn thuần biết hơi thở đi vào, đi ra tại chóp mũi. Chúng ta có thể nói phương pháp đếm hơi thở này đem lại sự an tịnh cho tâm.
Niệm Buddho
Ngoài phương pháp đếm hơi thở, chúng ta có thể sử dụng từ “Buddho” – “người biết” để làm đề mục thiền bằng cách niệm thầm kết hợp với các hơi thở vào và hơi thở ra. Thở vào, chúng ta niệm “Buddho”, và thở ra “Buddho”. Hoặc chúng ta có thể niệm “Bud” với hơi thở vào và “-dho” với hơi thở ra. Dù niệm như thế nào, chúng ta cứ lặp đi lặp lại từ này một cách liên tục nhịp nhàng cùng với hơi thở. Khi tâm lắng dịu, tiếng niệm này tự nó sẽ biến mất một cách tự nhiên. Lúc đó chúng ta chỉ đơn giản biết hơi thở khi nó đi vào và ra. Khi tâm lắng dịu hơn, hơi thở càng lúc càng trở nên tinh tế hơn cho đến khi nó dường như hoàn toàn biến mất. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ cần giữ cái biết, đặt nó ngay tại nơi mà chúng ta cảm nhận hơi thở lần sau cùng. Đôi khi, khi chúng ta tập trung trên hơi thở, tâm đi lang thang, suy nghĩ và tưởng tượng về quá khứ hoặc tương lai. Những lúc như vậy chúng ta phải nâng tinh tấn và quay trở về khoảnh khắc hiện tại. Nếu tâm phóng đi liên tục đến nỗi chúng ta không thể tập trung vào sự chánh niệm, chúng ta có thể thở vào sâu, làm đầy phổi tối đa với không khí trước khi thở ra. Chúng ta nên thở vào và thở ra sâu giống như vậy ba lần và sau đó bắt đầu thở bình thường trở lại. Sau đó chúng ta có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào đã được mô tả bên trên.
Thiền hành
Thiền tập có thể được phát triển qua việc đi bộ. Hãy đứng một cách điềm tĩnh, hai bàn tay đan lại với nhau đặt nhẹ nhàng phía trước bụng, tay phải chồng lên tay trái. Đầu không ngẩn cao, cũng đừng cúi thấp, mắt nên tập trung nhìn xuống một khoảng cách không xa phía trước, không liếc qua phải, qua trái, cũng không phóng tầm mắt đi quá xa hoặc quá gần. Trong khi đi tới đi lui, chúng ta phối hợp sự chuyển động của hai bàn chân với tiếng niệm “Buddho”. Khi chúng ta bước tới trước, bàn chân phải đưa lên chúng ta niệm thầm “Bud” và khi bàn chân trái đưa lên chúng ta niệm “-dho”.
Ngài Ajahn Chah dạy rằng trong khi thiền hành, chúng ta phải biết điểm đầu, điểm giữa và điểm cuối của con đường để làm mốc. Trong khi niệm “Bud-dho” chúng ta nên gắn chánh niệm của chúng ta tại ba điểm mốc này của con đường. Trước khi đến cuối đường, chúng ta dừng lại rồi chúng ta thiết lập lại chánh niệm trước khi quay và tiếp tục bước đi đồng thời niệm “Bud-dho”, “Bud-dho”, “Bud-dho”.
Chúng ta có thể điều chỉnh việc thực hành của chúng ta theo thời gian và nơi chốn. Nếu không gian cho phép, chúng ta có thể thiết lập một con đường thiền hành dài 25 bước. Nếu không gian nhỏ hẹp hơn, chúng ta có thể giảm bớt số bước đi và bước đi chậm hơn. Trong khi đi thiền hành, chúng ta không nên đi quá nhanh hoặc quá chậm.
Các giai đoạn của định
Cốt lõi của thiền là tập trung chánh niệm trên một đối tượng thiền (đề mục) duy nhất. Khi chánh niệm đã được thiết lập một cách đúng đắn, tâm chỉ biết tiến trình đếm hoặc niệm, hoặc bước đi, không còn nhớ đến chuyện gì khác. Khi năng lực chánh niệm đủ mạnh, tâm sẽ vắng bóng năm triền cái: Tham ái, sân hận, si mê, bất an và hoài nghi. Định sau đó trở nên vững chắc hơn, hành giả sẽ trải nghiệm được sự an tịnh tạm thời của tâm, được gọi là định từng khoảnh khắc.
Nếu chúng ta tập trung với sự chánh niệm liên tục, chúng ta thỉnh thoảng sẽ trải nghiệm trạng thái hỷ. Hành giả sẽ thấy một sự mát mẻ trên thân, hoặc năng lượng dâng tràn tỏa khắp cơ thể giống như sóng đập vào bờ. Các cảm thọ này có thể khiến cho thân lắc lư hoặc làm cho tóc dựng đứng kèm theo cảm nhận của tâm về trạng thái căng phồng của thân. Đôi khi chúng ta thấy dường như hai bàn tay và hai bàn chân của chúng ta biến mất. Các cảm giác trên những bộ phận khác của cơ thể ngay cả cảm thọ trên toàn thân, tương tự có thể cũng bị biến mất khỏi sự ý thức.
Trong thời gian này khi tâm đang an tịnh, tâm tạm thời buông bỏ những dính mắc, chấp thủ của nó và vì vậy chứng ta sẽ thấy thân của chúng ta rất nhẹ và an bình. Khi chúng ta ngồi thiền và sự an bình này tăng lên, chúng ta cảm thấy dường như chúng ta đang trôi bồng bềnh trên không và cảm thấy hạnh phúc, tươi mát. Tại thời điểm này, có thể nói rằng năng lực định của chúng ta đã đạt tới mức cận hành định.
Khi định sâu hơn nữa, tâm sẽ kinh nghiệm hỷ và lạc lớn hơn, cùng với cảm giác mạnh mẽ và kiên định sâu sắc bên trong. Mọi suy nghĩ ngưng bặt, tâm trở nên hoàn toàn phẳng lặng và đạt đến trạng thái nhất tâm. Tại giai đoạn này, chúng ta không thể kiểm soát hoặc điều khiển việc hành thiền nữa. Tâm vận hành theo một tiến trình tự nhiên, đi vào một trạng thái nhất tâm chỉ biết một đối tượng duy nhất. Đây là mức độ của định an chỉ.
Tìm hiểu Tâm
Khi mới hành thiền, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc ngồi yên đối với chúng ta chỉ một phút thôi dường như là điều không tưởng. Tất cả những gì chúng ta có là sự bồn chồn, tâm trạng bối rối, lo âu. Tuy vậy, qua thực hành, chẳng bao lâu chúng ta có thể ngồi với khoảng thời gian dài hơn. Năm phút, mười phút, mười lăm phút – rồi cuối cùng chúng ta có thể ngồi trong nửa giờ một cách thoải mái. Đôi khi, thời thiền của chúng ta rất an lạc, những lúc khác thì không, nhưng đối với giai đoạn ban đầu, yếu tố then chốt chính là sự kiên nhẫn.
Rất quan trọng để thấy rằng năm chướng ngại làm cho tâm không có được sự an tịnh – tham ái, sân hận, si mê, trạo hối, hoài nghi – là không phải do việc hành thiền tạo ra. Chúng chỉ là những gì đã có sẵn ở đó. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta quen suy nghĩ rất nhiều, và thường là bạ đâu suy nghĩ đó, không có sự kiểm soát. Loại suy nghĩ này có xu hướng làm cho tâm bối rối, lo âu và tạo ra nhiều loại căng thẳng khác nhau về mặt tinh thần. Vì vậy, khi chúng ta ngồi xuống tập trung trên hơi thở hoặc trên một đề mục thiền khác, điều mà chúng ta nhận ra trước tiên chính là cái gì đã có sẵn ở đó trước rồi. Đột nhiên chúng ta thấy, “Ái chà, suy nghĩ đang diễn ra nhiều quá.” Vì vậy, để bắt đầu, chỉ việc chấp nhận rằng đó là việc bình thường đối với những cái tâm chưa được huấn luyện. Và cách để đối phó với nó một cách thiện xảo là phát triển phẩm chất này của chánh niệm.
Chúng ta hành thiền để tìm hiểu tâm của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta suy nghĩ rằng “Chúng ta phải an tịnh!” Nếu chúng ta nghĩ và dính mắc như vậy chúng ta sẽ tự nổi cáu với chính mình khi chúng ta không an tịnh. Mục đích của chúng ta chỉ là để hiểu tâm. Và khi chúng ta thực hành để phát triển sự chánh niệm liên tục, sẽ bao gồm những lúc chúng ta không được an tịnh cho lắm do các suy nghĩ và sự sao lãng tìm đến trong đó. Vì vậy chúng ta chỉ cần biết, “À, bây giờ tâm đang sao lãng”. Sẽ có những lúc chánh niệm và tâm của chúng ta mạnh và các chướng ngại biến mất. Vào những lúc này, chúng ta nhận thức rằng, “Bây giờ tâm an tịnh. Bây giờ tâm đang lắng dịu và định tĩnh.” Bất kỳ kinh nghiệm gì, chúng ta biết nó là nó. Đó là mục đích của chúng ta.
8
Xây dựng trớn chánh niệm
Nếu chúng ta tinh tấn thực hành hàng ngày, thiền tập tự nó bắt đầu có trớn. Khi chúng ta thức giấc, chúng ta muốn hành thiền, khi chúng ta có thời gian rảnh rỗi, chúng ta muốn thực hành và nếu có cơ hội, chúng ta muốn thực hành suốt cả ngày.
Nếu chúng ta thực hành chánh niệm một cách liên tục, không kể giờ giấc, cho dẫu đó là buổi sáng hay buổi chiều, tâm sẽ đi vào trạng thái an tịnh hoàn toàn một cách dễ dàng. Đây là cái mà chúng ta gọi là phát triển tâm. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta ngồi suốt ngày với đôi mắt nhắm, và nếu chúng ta không có chánh niệm, nỗ lực của chúng ta sẽ không mang đến nhiều lợi lạc. Nếu chúng ta thực hành thiền hành suốt cả ngày nhưng chánh niệm của chúng ta không được thiết lập một cách vững chắc, điều này có nghĩa là chúng ta không tinh tấn trong việc thực hành.
Để thực sự tinh tấn nỗ lực, chúng ta nên cố gắng loại trừ những trạng thái tâm bất thiện sinh khởi và khơi dậy những trạng thái tâm thiện và duy trì chúng. Với các trạng thái tâm bất thiện mà chúng ta đã loại trừ, chúng ta phải hết sức cố gắng để làm cho nó không sanh khởi trở lại. Nếu chúng ta thực hành theo cách như vậy với chánh niệm thì cho dẫu chúng ta đang đứng, đang ngồi, đang đi hoặc đang nằm xuống, chúng ta thực sự đang tu tập tâm.
9
Phản tỉnh trí tuệ
Có những lúc khi tâm quá bồn chồn không thể đơn thuần quan sát hơi thở hoặc an trú trên thiền ngữ dùng để niệm. Vào những lúc như vậy, chúng ta có thể sử dụng sự phản tỉnh trí tuệ. Phản tỉnh trí tuệ có nghĩa là chúng ta dùng các suy nghĩ một cách có ý thức để làm cho tâm an tịnh. Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp như quán tưởng những phẩm chất của Đức Phật (niệm ân Đức Phật), tu tập bốn Phạm xứ (tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả), quán tưởng về sự chết, tụng Kinh hoặc dùng những phương thức khác nhau như suy tư trên Pháp.
Một số người nhận thấy tính khí của họ phù hợp hơn với việc sử dụng kiểu thiền này, trong khi những người khác lại thấy rằng chú tâm trên một đối tượng duy nhất chẳng hạn như hơi thở sẽ làm cho tâm của họ an tịnh thật dễ dàng. Nhiều hành giả, tuy nhiên, lại tìm thấy sự lợi lạc trong việc sử dụng cả hai loại thiền này chuyển đổi qua lại như là một cách để làm cho tâm an tịnh.
Trong truyền thống tu tập trong rừng của Thái, việc hành giả sử dụng phương pháp niệm Ân Đức Phật làm đề mục chính là khá phổ biến. Ngoài việc niệm “Buddho” cùng với hơi thở, chúng ta có thể quán tưởng các phẩm chất của Đức Phật để làm dịu tâm. Đức Phật là một bậc hoàn toàn tỉnh giác. Tâm của Ngài trong sáng, thuần khiết, không còn các ô nhiễm, không còn khổ, luôn luôn trải nghiệm sự an tịnh. Không những Ngài đã thanh lọc chính tâm của mình, tìm cách để giải phóng nó khỏi si mê và chấp thủ, Ngài còn phát triển trí tuệ để dạy chúng sanh đi theo con đường này.
Do lòng tịnh tín của chúng ta đối với Đức Phật và Giáo pháp khi chúng ta đi vào hoặc rời chánh điện, chúng ta thường bày tỏ sự thành kính bằng cách đảnh lễ ba lần trước tượng Phật. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta đang nhớ tưởng lại sự giác ngộ của Đức Phật. Chúng ta tưởng nhớ đến các phẩm chất tâm mà Ngài đã làm cho chúng hoàn thiện, cụ thể như lòng từ bi bao la của Ngài, sự trong sáng và trí tuệ vĩ đại của Ngài. Ngài đã phát triển những phẩm hạnh này và những phẩm hạnh cao quý khác trên con đường tu tập tâm linh của Ngài qua vô số kiếp sống, lúc nào cũng ấp ủ lời nguyện trở thành một vị Phật. Lời nguyện của Ngài cuối cùng đã được thành tựu khi Ngài kinh nghiệm niềm hạnh phúc của sự giải thoát dưới cội cây Bồ – đề 2.500 trước đây tại Ấn Độ. Sau đó Ngài bắt đầu dạy con đường dẫn đến sự an tịnh và hạnh phúc viên mãn vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh đang sống trên thế gian này. Và khi những đồ đệ của Ngài cũng đã giác ngộ, họ được gửi đi để hoằng dương Giáo pháp vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Những lời dạy của Ngài đã được truyền lại và chia sẻ cho đến tận ngày hôm nay. Đó là do vẫn còn những chúng sanh được giác ngộ vẫn còn đang xuất hiện trên thế gian này.
10
Bốn Phạm trú
Phản tỉnh về bốn Phạm trú – từ, bi, hỷ và xả – là một phương pháp quán niệm đem lại lợi ích lớn lao cho hành giả. Tâm từ (mettā) chân chánh thì không có thành kiến và không có giới hạn. Nhưng ban đầu, khi chúng ta mới phát triển mettā, chúng trước tiên phải xây dựng thiện ý đối với chính chúng ta. Chúng ta thành thật mong cho chính chúng ta được hạnh phúc và những điều tốt đẹp. Và bắt đầu từ nền tảng này chúng ta mở rộng ra, chúng ta có thể nghĩ đến cha hoặc mẹ hoặc một người mà chúng ta thương yêu và gửi tâm từ đến họ. Tiếp theo đó, chúng ta nghĩ đến những người mà chúng ta không ghét cũng chẳng thương và cũng rải tâm từ đến họ. Cuối cùng chúng ta tập trung vào người mà chúng ta có sự mâu thuẫn với họ. Bằng cách phát triển tâm từ như vậy, chúng ta có thể phát triển mở rộng sự thực hành để nó bao gồm tất cả chúng sanh. Để có thể rải loại tâm từ thuần khiết như vậy, chúng ta phải thường xuyên thực hành. Với sự thực hành một cách kiên định, sức mạnh của tâm từ của chúng ta sẽ lớn dần.
Nếu chúng ta luôn áp dụng chánh niệm tỉnh giác trên những ý nghĩ từ ái, tâm tự nhiên sẽ bắt đầu dịu xuống và trở nên tập trung. Khi tâm bắt đầu kinh nghiệm sự an tịnh của định, chúng ta sẽ cảm thấy một sự thanh thản bên trong tự thân. Và kể từ đây, định và tâm từ sẽ phát triển đồng thời với nhau do vì từ thời điểm này, cả hai định và tâm từ đã trở thành một. Khi tâm có được sự lắng dịu, tự nhiên nó sẽ không còn thấy bứt rứt, khó chịu. Và nếu tiếp tục chánh niệm trên đề mục thiền, cuối cùng chúng ta sẽ đạt tới điểm nơi chúng ta không có sân hận trong tâm. Chúng ta sẽ biết được trạng thái này và tâm sẽ trở nên an bình và tĩnh lặng.
Karūna (bi) là đang nhận biết rằng tất cả mọi chúng sanh đều khổ và chúng ta muốn làm một điều gì đó cho họ. Tu tập tâm bi cũng tương tự như cách chúng ta tu tập tâm từ. Đầu tiên, chúng ta nhận biết nỗi khổ chính chúng ta đang trải nghiệm cho dù là lớn hay nhỏ, và mong muốn rằng qua việc thực hành Pháp, chúng ta có thể chuyển hóa những nỗi khổ khác nhau trong cuộc sống. Kế tiếp, chúng ta hướng tâm đến những người mà chúng ta yêu thương hoặc cảm mến, nhận biết sự đau khổ mà họ đang trải nghiệm và thực lòng mong họ thoát khỏi nó. Cuối cùng, chúng ta hướng tâm đến những người mà chúng ta đang có sự mâu thuẫn với họ. Một lần nữa, giống như tu tập tâm từ, mục tiêu của tu tập tâm bi là phát triển sức mạnh của lòng bi mẫn của chúng ta bao gồm tất cả mọi chúng sanh, không có sự phân biệt.
Tâm từ và tâm bi rất gần với nhau. Do vậy, bằng cách phát triển tâm từ, chúng ta có thể đồng thời phát triển tâm bi và ngược lại. Trong thực tế, khi chúng ta đọc bài kinh Tâm Từ, qua việc huân tập tâm từ chúng ta hướng mình đến sự phát triển tâm bi. Bằng cách đọc những câu như, "Mong cho chúng sanh không còn sự oan trái với nhau, không còn ác ý và lo âu, mong cho chúng sanh được an vui và thoát mọi khổ đau", chúng ta trưởng dưỡng ước muốn được giúp đỡ chúng sanh khác, muốn loại trừ nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ.
Với tâm hỷ (mudita), chúng ta huân tập chánh niệm về những gì thực sự tốt đẹp, được cho là phong phú, dồi dào trong đời sống của chúng ta. Và mong ước rằng chúng ta sẽ không phải xa lìa chúng. Chúng ta hoan hỷ với sự phong phú, dồi dào và vận may của chúng ta. Rồi chúng ta nhớ đến những chúng sanh hiện đang gặp vận may và chân thành mong họ sẽ không phải mất đi sự dồi dào, hạnh phúc và các cơ hội tốt đẹp đó. Chúng ta hoan hỷ với những gì tốt đẹp trong cuộc sống của họ, và cuối cùng, hãy thực tập bằng cách mong ước rằng tất cả mọi chúng sanh đều có những cơ hội tốt đẹp và trải nghiệm sự hạnh phúc như vậy.
Cuối cùng, để tu tập tâm xả (upekkhā), tâm quân bình, chúng ta quán chiếu nghiệp (kamma). Chúng ta nhìn vào hoàn cảnh của chính mình và những điều đau khổ khác mà chúng ta thực sự chưa thể giải quyết được. Với sự hiểu biết rằng nghiệp là một nguồn lực có thật và có một năng lượng rất mạnh, chúng ta xem xét để thấy rằng những khó khăn đang có mặt trong cuộc sống này chắc hẳn là do hành động trong quá khứ của chúng ta. Bằng cách quán chiếu như vậy, chúng ta có thể phát triển sự kham nhẫn và sự quân bình, chấp nhận hoàn cảnh của chúng ta và không đấu tranh để chiến thắng nghiệp của chính mình. Chúng ta sẽ trưởng dưỡng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ đối với những chúng sanh khác. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng chúng sanh ngày nay phải như thế nào đó là do kết quả hành động quá khứ của họ. Chúng ta quán chiếu sự thật rằng đôi khi chúng ta không thể giúp chúng sanh nào đó đơn giản chỉ vì nghiệp của họ, và chúng ta không thể giải quyết được tất cả nghiệp của chính chúng ta. Khi chúng ta có thể an trú vào sự quân bình, chúng ta không còn đau khổ về sự bất lực này vì nó không cần thiết. Đây được gọi là tu tập để phát triển phẩm chất của tâm xả (upekkhā).
11
Niệm sự chết
Ngài Ajahn Chah thường khuyến khích quán niệm về sự chết, đặc biệt vào những lúc khi tâm đang cáu giận hoặc bất an, suy nghĩ lung tung. Bởi vì đây là một sự quán tưởng rất mạnh mẽ, khi chúng ta bị nhấn chìm bởi tham hoặc sân – hoặc đơn thuần bị đánh lừa bởi si mê và hoài nghi – niệm sự chết có thể giúp loại trừ những cảm xúc tiêu cực này rất nhanh, đem lại cho tâm một cảm giác dứt khoát. “Đợi nào. Mình sắp chết.” Nó sẽ cắt ngay lập tức tất cả những ý nghĩ kém quan trọng, thứ yếu (so với cái chết) đang làm phiền tâm của chúng ta trong thời điểm đó. Đây là một kỹ thuật thiền rất hữu ích.
Chúng ta có thể thực hành niệm sự chết bằng cách quán chiếu sự không bền vững của kiếp sống của chúng ta và cái chết chắc chắn sẽ đến. Chúng ta suy niệm một cách liên tục rằng có sinh ra, chắc chắn chúng ta sẽ phải chết. Khi nghe những thông tin về sự chết chóc hoặc mất mát, chúng ta tương tự cũng có thể suy niệm về cái chết của chính chúng ta. Giả sử như dân số thế giới lên tới 6 tỷ người, trong số 60 triệu người chết hàng năm, 600 triệu người chết trong một thập kỷ. Nếu không có những con người mới được sinh ra để bổ sung thì chỉ trong vòng 1 thế kỷ, toàn thể dân số của thế giới sẽ không còn – tất cả 6 tỷ người. Tuy nhiên, do có những con người mới được sinh ra để bổ sung cho những người đã qua đời, chúng ta không thể thấy được sự hiện diện của cái chết, trừ trường hợp có những sự kiện khủng khiếp do thiên tai gây ra. Khi có một số lượng lớn người chết vì những sự kiện như vậy, chúng ta mới có thể suy niệm rằng chúng ta cũng sẽ phải chết, rằng chúng ta không thể trốn khỏi cái chết.
Khi chúng ta quán sát Pháp hay Chân lý (Dhamma), chúng ta phải quán chiếu một cách đúng đắn. Phản tỉnh trên sự vô thường và sự không chắc chắn, bền vững của cuộc sống, chúng ta có thể đạt tới điểm nơi chúng ta thấy rằng chung cuộc tất cả chúng ta rồi sẽ phải đến đó. Không có cách nào khác, vì cuối cùng, chúng ta đều phải chết. Nhưng quan trọng là chúng ta quán chiếu một cách thiện хảо. Để sự quán chiếu này giúp cho việc thực hành của chúng ta mang tính khẩn cấp và đầy sự nhiệt tâm. Sự quán chiếu phải giúp phát triển chánh niệm và trí tuệ, đưa tâm đến sự an bình lớn hơn. Nếu sự quán niệm được làm một cách không thiện xảo, nó có thể đẩy chúng ta đến sự trầm cảm, nhìn thấy cuộc sống chỉ là một sự vô nghĩa. Và nếu chúng ta có loại phản ứng tiêu cực đó, chúng ta phải ngừng ngay sự thực hành và phải thấy rõ ràng chúng ta đang đi sai đường, và rằng quán niệm như vậy sẽ không mang lại kết quả đúng đắn. Vì chúng ta quán chiếu và thực hành Pháp, chúng ta phải luôn luôn nhìn vào kết quả của những gì chúng ta đang làm để đánh giá liệu chúng ta đang thực hành đúng hay sai. Nếu chúng ta thực hành với sự nhiệt tâm hơn, tinh tấn hơn, an bình hơn, đó là dấu hiệu cho thấy rằng việc thực hành của chúng ta đang đi đúng hướng.
12
Tụng Kinh để hỗ trợ thiền tập
Việc tụng Kinh giúp cho tâm thanh tịnh, tập trung vào Chân lý (Dhamma) và làm sinh khởi sự mát mẻ và an tịnh trong tâm. Trước khi hành thiên, chúng ta có thể sử dụng việc đọc kinh làm đề mục thiền. Chúng ta tìm thấy trong những bài Kinh là những lời giáo huấn của Đức Phật dạy cho chúng ta, và nếu chúng ta tụng chúng với chánh niệm, việc này sẽ đem lại cho chúng ta một cảm giác hoan hỷ bên trong tự thân. Tụng Kinh giúp cho chúng ta nhớ lại những lời dạy của Đức Phật, quán chiếu chúng và giúp cho chúng ăn sâu dần dần vào trong tâm của chúng ta. Khởi đầu chúng ta có thể tụng Kinh nhật tụng niệm Ân của Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Sau đó chúng ta có thể nuôi dưỡng những ý tưởng từ ái và trước tiên rải chúng đến cho chính bản thân mình và rồi sau đó rải đến cho mọi chúng sanh.
Tụng kinh cũng hữu ích cho việc khắc phục những chướng ngại do một cái tâm mê mờ gây ra.
Nếu chúng ta đang hành thiền và không thể vượt qua được sự mê mờ của tâm hoặc buồn ngủ, chúng ta có thể thay đổi tư thế và đi thiền hành. Chúng ta có thể thử đi thụt lùi, hoặc ngồi trên mép của một bức tường hay một nơi ở trên cao. Mục đích là để giúp cho chúng ta chánh niệm hơn và cẩn thận hơn, điều này sẽ làm cho tâm tỉnh giác. Nếu chúng ta ngồi ở một nơi cao, nguy hiểm, hy vọng chúng ta sẽ hết buồn ngủ. Nhưng nếu chúng ta vẫn mệt mỏi và buồn ngủ, tốt hơn là nên đi xuống, tốt hơn là đừng để rơi ngã và chết. Chúng ta vẫn chưa chứng nghiệm được Pháp, vì vậy chúng ta vận phải vận dụng đến trí tuệ của chúng ta.
13
Quan sát ba đặc tướng
Chúng ta sử dụng sự phản tỉnh trí tuệ để quán chiếu Pháp (Dhamma), đặc biệt là ba đặc tướng của sự hiện hữu – vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Quán chiếu ba đặc tướng này sẽ giúp giảm bớt vọng tưởng thường làm cho tâm bị kích động. Sử dụng chánh niệm, hành thiền theo thời khóa và bây giờ là sự quán chiếu sẽ giúp cho tâm tỉnh giác hơn và làm giảm bớt sự tưởng tượng và mơ mộng. Chúng ta có thể ghi nhận kịp thời mọi ký ức, tâm trạng và suy nghĩ sanh khởi một cách nhanh chóng hơn và dần dần buông bỏ chúng. Càng buông bỏ càng nhiều vọng tưởng thì chúng ta càng giảm được sự căng thẳng và đau khổ.
Quán chiếu tâm này, cái tâm có xu hướng phóng đi lang thang, thích tưởng tượng, đi lạc vào quá khứ và tương lai. Chúng ta phải tự huấn luyện để thấy sự vật là không chắc chắn, là thay đổi, là vô thường. Cho dẫu chúng ta cố gắng hoạch định tương lai của mình như thế nào đi nữa, nó không bao giờ hóa ra như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể tiêu tốn nhiều thời gian vào loại suy nghĩ như thế này. Nhưng bởi vì chúng ta vẫn còn bị che lấp bởi si mê, những tâm hành này vẫn tiếp tục sanh khởi. Vì vậy một hành giả thiện xảo sẽ chuyên chú quan sát tâm mình, xem tất cả những hiện tượng phóng tâm này như là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Nếu chúng ta tìm một cái ngã, một con người, một chúng sanh, một cái tôi thực thể hoặc ai đó trong những vọng tưởng này, chúng ta sẽ không thể tìm thấy. Đây được gọi là sử dụng sự vô thường, bất toại nguyện và vô ngã làm đề mục thiền.
Ngài Ajahn Chah thường nói rằng sử dụng ba đặc tướng này làm để mục thiền sẽ đưa đến việc trí tuệ sinh khởi. Nó có sức mạnh thay đổi được quan kiến sai lầm và sửa thẳng lại một cái tâm bị cong vẹo. Nhưng nếu trí tuệ không sinh khởi tột bực, đó là do định của chúng ta không đủ mạnh. Trong trường hợp đó, chúng ta phải quay lại và tái thiết lập chánh niệm tỉnh giác trên hơi thở vào và hơi thở ra, dành cho tâm thời gian để nghỉ ngơi trong sự an tĩnh của định.
Nếu chúng ta quán sát quá nhiều mà không làm cho tâm an tịnh trước tiên hết, chúng ta sẽ thấy suy nghĩ của chúng ta sinh khởi nối tiếp không ngừng, sinh khởi quá mức, và như vậy thì việc quán chiếu của chúng ta hóa ra chỉ là ngồi nhìn những vọng niệm của tâm. Đây không phải là cách đúng đắn để quán chiếu. Vì vậy, chúng ta phải quay lại và làm cho tâm an tịnh, dành cho nó thời gian để nghỉ ngơi và lấy lại sức mạnh. Bất kỳ phương pháp nào chúng ta sử dụng để an tâm, cho dù đó là chánh niệm trên hơi thở, niệm rải tâm từ, niệm Ân Đức Phật hay niệm sự chết, tất cả chúng đều đưa đến một kết quả như nhau.
14
Vượt qua sự an tịnh
Nếu chúng ta cứ tu tập như thế này: Thiền định và thực hành chánh niệm đều đặn trong cuộc sống hằng ngày, chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ đến một điểm nơi mà khi chúng ta ngồi xuống để hành thiền, chúng ta sẽ trải nghiệm một cảm giác an tịnh rất lớn. Chúng ta cảm thấy thân mình nhẹ nhàng và tâm dường như gom lại và buông bỏ mọi lo lắng và phiền muộn thường ngày. Đây là kết quả của mọi nỗ lực của chúng ta đã dành cho việc phát triển chánh niệm.
Định là nền tảng, nhưng chúng ta phải vượt qua sự an tĩnh của định và dùng sức mạnh của nó để phát triển tuệ. Từ trước đến nay, chúng ta đã tìm thấy trí tuệ đến từ việc học hỏi qua cái nghe. Đây là trí tuệ đến từ việc hỏi và trả lời các câu hỏi, đến từ kiến thức thu thập từ kinh điển. Đây cũng là một loại trí tuệ, nhưng đó là trí tuệ dựa trên thước đo của trí nhớ và tư duy. Loại trí tuệ này đóng một chức năng nào đó và cho chúng ta một mức độ hiểu biết, nhưng Chân Lý (Dhamma) thực sự mà Đức Phật dạy đến từ một cái tâm trong sáng thuần khiết - tâm giác ngộ - tâm tỉnh giác. Bằng cách áp dụng lời dạy của Đức Phật vào sự thực hành và có được sự định tâm, chúng ta có thể kinh nghiệm trí tuệ đích thực. Đây là cái thấy trong sáng chứ không phải là quán chiếu dựa trên sự suy tư chúng ta thường làm trong những giai đoạn sơ bộ của việc thực hành. Trí tuệ sinh khởi qua định có một sức mạnh có thể khắc phục những thói quen và khuynh hướng bất thiện của tâm. Và rồi khi chúng ta đọc lại những quyển sách, sự hiểu biết của chúng ta lúc này là chân chánh, bởi vì chúng ta đã tự mình thực chứng.
15
Đem sự thực hành về nhà
Khi bạn trở về nhà, mỗi ngày, hãy tập để có thái độ của một người đã cống hiến đời mình cho sự tu tập. Cố gắng đừng đem những lo âu, phiền muộn trong công việc về nhà với mình. Khi bạn về đến nhà, hãy để chúng qua một bên. Nếu bạn có một bàn thờ nhỏ tại nhà, bạn có thể dành chút thời gian để lễ Phật và tụng Kinh - chỉ để tự đặt mình vào một không gian thích hợp. Và dĩ nhiên bạn phải hành thiền nữa. Hãy cố gắng tập duy trì sự tự kỷ luật và động cơ để thực tập như vậy một cách đều đặn. Bởi vì nếu bạn tập để có một thói quen đều đặn, bạn sẽ thấy rằng bạn luôn luôn có thể tự nạp năng lượng cho những nỗ lực của mình trong việc thực hành, luôn khơi lại lòng tịnh tín của bạn đối với những lời dạy của Đức Phật. Cho đến khi nào mà chúng ta vẫn duy trì sự nỗ lực chân chánh đó, sẽ luôn có một nguồn năng lượng tiềm tàng ở đó. Cho dẫu chúng ta chưa có được sự an tịnh một cách hoàn hảo, chúng ta thấy rằng chúng ta vẫn có được sự nhiệt tâm. Điều này giúp chúng ta cưỡng lại được những tâm trạng bình thường cũng như những trạng thái bất thiện của tâm mà chúng ta có thể vướng vào trong đó. Những gì mà chúng ta phải cẩn thận là tránh đừng để trở nên lười biếng hoặc sao lãng. Nếu chúng ta không tập cho mình những thói quen tốt và sự tự kỷ luật, việc thực hành có thể trở nên vá víu, có nghĩa đôi lúc chúng ta thực hành, đôi lúc lại không. Dần dần những thói quen bất thiện của tâm sẽ có cơ hội quay trở lại, và ngay cả khi chúng ta hành thiền, tâm vẫn bị kẹt vào trong luồng suy nghĩ không dứt và vọng niệm. Cuối cùng, chúng ta thấy rằng việc thực hành của chúng ta chẳng đáng bỏ công, chẳng đi đến đâu và chúng ta có thể bỏ cuộc. Vì vậy chúng ta phải duy trì động lực đó. Hãy tìm cách để đưa nỗ lực của chúng ta vào sự thực hành, cho dù là nhỏ, bởi vì nó luôn giúp để tiếp năng lượng cho tâm và giúp nuôi dưỡng động cơ của chúng ta. Cho đến khi nào bạn còn có nó, bạn sẽ có thể tiếp tục thực hành.
Trước khi tôi trở thành một nhà sư, tôi đã có một công việc ổn định. Tôi thường đi làm và trở về nhà vào buổi chiều. Nhưng do tôi thấy giá trị của thiền tập, tôi luôn luôn cố gắng dành thời gian vào buổi tối để nỗ lực thực hành. Cho dẫu tôi cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn dành ra một giờ đồng hồ để tụng kinh và hành thiền. Và tôi thấy rằng do sự nỗ lực cố gắng đó, tôi trở nên bình an, định tĩnh và tất cả những cảm giác mệt mỏi đều biến mất. Tôi cảm thấy tươi mới trong việc thực hành của mình và điều này đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục thực hành. Hãy duy trì động cơ và những nỗ lực chân chánh của mình, và rồi chúng ta sẽ thấy rằng những chánh niệm và trí tuệ của chúng ta sẽ phát triển ngày càng vững chắc.