Bất khả là không thể. Tư là nghĩ suy. Nghì, nghị là luận bàn. Bất khả tư nghì hay bất khả tư nghị là… “không thể nghĩ bàn!”. Có một ‘’pháp môn giải thoát” gọi là Bất khả tư nghị như thế của các vị Phật, các vị Bồ tát. Cái gì mà không thể nghĩ bàn? Thế giới thì ngày càng nhỏ bé như lòng bàn tay, chuyện gì cũng chỉ cần cái chạm lướt nhẹ là đủ “thấy biết” hết trơn. Có việc gì mà “không thể nghĩ bàn” !
Thế nhưng có những chuyện như đem cái núi Tu-di to đùng kia nhét vào hạt cải nhỏ xíu nọ, như đem toàn thể khối nước bốn biển mênh mông kia… cho vào cái lỗ chân lông… thì đúng là những chuyện “không thể nghĩ bàn”! Nó kỳ cục! Càng nghĩ càng bàn càng dễ điên! Bởi nó nằm ngoài mấy nghìn tỷ mối nối thần kinh, nằm ngoài các chất dẫn truyền thần kinh rồi vậy. Nói khác đi, nó nằm ở “bờ bên kia” rồi! Phải ‘’đáo bỉ ngạn’’ họa may mới thấy biết. Khi các vị trí thức thần học, bạn của Edward Conze tình cờ đọc lướt bản dịch kinh Kim Cang của ông đã kêu lên: Điên! Điên hết rồi! Không điên sao được! Nào “đừng dựa vào đâu cả để mà sanh cái tâm””, nào “nói vậy mà chẳng phải vậy” (tức phi/thị danh), nào “diệt độ tất cả chúng sanh mà chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả”…! Điên quá đi chớ! Nhưng Edward Conze bảo không điên đâu. Cứ ‘’ứng dụng’’ đi rồi sẽ thấy hiệu quả, cái mà ông gọi là “perfection of wisdom”.
Kinh Duy-ma-cật sở thuyết, cũng còn gọi là kinh “Bất khả tư nghì giải thoát” khi Xá-lợi-phất nêu “thắc mắc”: nhà cửa trống trơn thế này thì các vị Bồ-tát sẽ ngồi ở đâu? Văn -Thù bảo: “từ đây đi về phương Đông, vượt qua số cõi nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới tên là Tu-di Tướng...” ở đó có nhiều… ghế đẹp có thể mượn được!
Số cát của một con sông Hằng không thôi đã là “hằng hà sa số” rồi huống chi đến số cát của ba mươi sáu con sông Hằng – mà mỗi hạt cát là một cõi nước – để… mượn ghế ngồi cho các vị Bồ tát thì đành phải cười trừ thôi! Không thể nghĩ bàn!
Dĩ nhiên “ghế ngồi” ở đây không phải là ghế ngồi. Xá-lợi-phất muốn hỏi “ vai trò, vị trí” của thế hệ Bố tátmới, Bồ tát tại gia này rồi sẽ làm gì trong cõi Ta-bà? Dĩ nhiên ngài cũng đã có câu trả lời. Hỏi chỉ để khẳng định sự cần thiết của thế hệ học trò mới này của Phật mà thôi.
Cõi Ta-bà này ngày càng ô trược, ngày càng bát nháo, xung đột, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, đầy lo âu phiền não đến nỗi người ta đang tìm cách di tản sang các hành tinh khác, cõi nước khác… tiếc thay loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra! Vậy chỉ còn có cách quay lại tìm ở chính mình: phản văn tự tánh. Cõi Phật đâu xa. Đâu có Phật ở trên núi cao, trong chùa lớn, cũng như đâu có sức khỏe ở trong bệnh viện 5 sao?
Thứ bệnh nguy hiểm nhất trong cõi Ta-bà ngày nay chính là SAD. SAD là chữ viết tắt của Stress(căng thẳng) Axiety (lo âu, sợ hãi) và Depression (trầm cảm). Cả thế giới. Không trừ nơi nào! Bởi ở đâu cũng tràn ngặp Tham Sân Si. Và các nhà Tâm lý trị liệu, các thầy thuốc phải tìm một phương thuốc “mới” để chữa trị: Thiền. Phải, chỉ có thiền may ra “cứu rỗi” được. Ấy là MBSR (Mindfullness-based Stress Redaction) và MBCT (Meditation-based Cognity Therapy). Thời đại khoa học tiến như vũ bão mà phải dựa vào Thiền mới mong “giải thoát’’ được chẳng phải cũng là “bất khả tư nghì” đó sao?
Duy-ma-cật bảo: “Một vị Bồ- tát trụ ở pháp môn giải thóat bất khả tư nghì ấy thì có thể đem núi Tu-di cao lớn mà đặt vào hạt cải, không có bên nào thêm bớt. Tướng trạng núi Tu-di vẫn y nguyên như cũ”…
Chỉ ở trong thiền định, chỉ khi “hành thâm Bát Nhã” thì mới thấy được “pháp” Không. Không ở đây không phải là không có. Có chớ. Nhưng chỉ là giả tướng. Là do Duyên sanh. Khi nhìn kỹ vào bên trong, nhìn kỹ vào bên kia (kiến tướng phi tướng), thì ra, nó là chân không. Chân không mà diệu hữu. Núi Tu-di vẫn là núi Tu-di, vẫn đẹp đẽ, sừng sững cao ngất đó, nhưng thực tướng của nó vẫn là Không, là duyên sanh, cũng từ sỏi đá, từ đất nước gió lửa mà ra. Thì hạt cải tí xíu kia cũng là chân không, cũng từ đất nước gió lửa mà thành đó thôi. Nó có khác gì nhau đâu. Nó có phân biệt gì với nhau đâu. Bất khả tự nghị pháp môn đó chính là thấy được cái chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không đó. Tu-di cũng vậy mà hạt cải cũng vậy, nước bốn biển cũng vậy mà lỗ chân lông cũng vậy. Nhìn “phi tướng” thì thấy Như Lai đang tủm tỉm cười.
Khi Einstein bảo vật chất chính là năng lượng, năng lượng chính là vật chất, có hẳn một công thức(E=mc2) để biến đổi vật chất thành năng lượng và năng lượng thành vật chất thì… không phải ai cũng có thể “nghĩ bàn” được. Cũng như khi nhà hoá học bảo chỉ với ba nguyên tố Carbone (C), Hydro (H) và Oxy (O) sẽ “tùy duyên” mà thành đường, dấm hay rượu… ! Nói cho cùng, các thứ gọi là vật chất hay năng lượng nọ kia, các nguyên tố này khác, chẳng qua là nhưng ‘’trình hiện’’ bên ngoài, tùy duyên thôi. Cũng chỉ là những electron và neutron quấn quít xà quần, rồi hạt, rồi sóng hỉ hả qua lại đó thôi. Đến một lúc, à há, thì ra “bổn lai vô nhất vật’’!
Nhưng chấp không vốn là một thứ bệnh nặng của Bồ-tát, Duy-ma-cật đã cảnh giác!