Chuyển hoá tự thân và chuyển hoá bên ngoài
Hỏi: Theo con nghĩ dù pháp môn tu nào cũng đều có chung một mục đích là đạt được sự yên bình, an lạc và tự tại của mình, nếu muốn đạt được như vậy con người phải giải phóng mọi xiềng xích nô lệ của thân và tâm. Giải phóng nô lệ của tâm bên trong là thoát khỏi tham sân si làm cho mình phiền não, và giải phóng nô lệ của thân bên ngoài là thoát khỏi áp bức bóc lột từ xã hội làm mình khổ đau. Có phải mục đích an lạc hạnh phúc ngay hiện tiền của người tu hành là thoát mọi xiềng xích nô lệ tinh thần và thể xác như đã nêu trên?
- Cuộc cách mạng lớn nhất là cách mạng thoát khỏi si mê lầm lạc, cách mạng đó phát xuất từ mỗi người mà Đức Phật gọi là giác ngộ giải thoát. Thật ra, trong Đạo Phật không phải tu với mục đích được yên bình hay an lạc. Nếu tu chỉ để hướng đến mục đích hưởng thụ an lạc thì đó vẫn là si mê, dục vọng. Mục đích của Đạo Phật là nhận ra Sự Thật, nhận ra yếu tố nào đưa đến trói buộc, khổ đau và yếu tố nào đưa đến giác ngộ, giải thoát. Khi thấy ra được Sự Thật đó thì sẽ có một sự chuyển hóa và sự chuyển hóa đó chủ yếu là chuyển mê khai ngộ.
Thông thường người ta cho rằng sự chuyển hóa không bắt nguồn từ sự giác ngộ bên trong, mà là sự thay đổi thế giới bên ngoài để được hoà bình, hạnh phúc. Nhưng điều đó hầu như là không tưởng. Đức Phật dạy, muốn thay đổi hoàn cảnh bên ngoài thì trước hết phải tự giác hay thay đổi bản thân. Nếu chưa tự mình giác ngộ giải thoát thì còn phải nương tựa vào tha lực mà còn nương tựa thì còn bị nô lệ hay bị ràng buộc bởi người khác. Cho nên muốn thay đổi cuộc đời việc đầu tiên phải thay đổi chính mình, không thay đổi chính mình mà muốn thay đổi cuộc đời thì chỉ là ảo vọng.
Đức Phật dạy rằng những khổ đau, trói buộc xuất phát từ thái độ nhận thức và hành vi sai xấu bên trong chứ không phải do điều kiện bên ngoài. Vậy muốn chấm dứt khổ đau, ràng buộc thì phải thấy ra thái độ sai xấu nơi chính mình để tự chuyển hóa mới được. Tâm mỗi người hoà bình thì thế giới mới hoà bình, tâm mỗi người bất an thì thế giới cũng bất an. Thậm chí khi tâm bình an mà thế giới bất an đi nữa thì tâm cũng không hề bị ảnh hưởng chút nào.
Sau khi giác ngộ Đức Phật đã giúp rất nhiều người biết tự chuyển hóa, vì sự tự chuyển hoá bản thân của Ngài là tấm gương cho nhân loại noi theo dù đã trải qua biết bao thế hệ. Không ai có thể cứu độ ai như một tha lực mà chỉ có thể giúp họ biết giác ngộ chính mình. Cũng như không ai giúp một học sinh lớp một trở thành tiến sĩ được, trừ phi bản thân em phải tự học hành để phát huy trí tuệ và tài năng, đó chính là cuộc cách mạng bản thân.
Không cách mạng bản thân thì cách mạng bên ngoài chỉ là thay thế sự nô lệ này bằng sự nô lệ khác! Khi mỗi người biết tự cách mạng bản thân – thoát khỏi trói buộc của bản ngã tham, sân, si – thì không cần cách mạng xã hội mà xã hội vẫn hoà bình an lạc. Còn nếu chỉ mong thoát khỏi trói buộc bên ngoài mà không thoát được trói buộc bản thân do vô minh ái dục gây ra thì muôn đời vẫn còn nô lệ.
Bi Trí Dũng
Hỏi: Thưa Thầy, Bi Trí Dũng trong Đạo Phật thì Dũng là dám buông bỏ cái ngã và ngã sở chứ không phải là xả thân cho một mục đích lý tưởng cuồng tín nào đó như kiểu “tử vì Đạo”, phải không thưa Thầy?
- Bản ngã có nhiều cấp độ khác nhau mà đức Phật gọi chung là “ta, của ta, tự ngã của ta”. Bản ngã con người biến hóa khôn lường và biến đổi thành nhiều loại khác nhau như bản ngã cá nhân, bản ngã địa vị, bản ngã gia đình, bản ngã dòng tộc, bản ngã quốc gia, bản ngã tôn giáo, tông môn, bản ngã chủ nghĩa, bản ngã giai cấp... Bản ngã còn ẩn núp dưới nhiều hình thức, thí dụ, "Tôi đi" là cái ta ẩn núp trong thân,"Tôi đau" là ẩn núp dưới hình thức cảm giác, "Tôi buồn" là ẩn núp trong cảm xúc, “Tôi giận” là ẩn núp trong thái độ tâm, và "nhà Tôi" là bản ngã ẩn núp ở ngoại vật.
Ngoài ra bản ngã còn ẩn núp dưới những chiêu bài cao siêu như muốn làm Phật, làm Bồ Tát để cứu độ chúng sinh nên xả thân vì lý tưởng, trông giống như vô ngã vị tha nhưng thật ra cũng chỉ vì cái ngã ảo tưởng quá lớn mà thôi! Chỉ vì bản ngã quá lớn nghĩ rằng mình có thể cứu độ chúng sinh mà không biết rằng, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này, mục đích là để học bài học giác ngộ chính mình. Giác ngộ chính mình còn chưa xong làm sao cứu độ chúng sinh. Thực ra độ chúng sinh trong Đạo Phật ám chỉ “Tự tánh chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”tức sự thoát khỏi vô số ý đồ bản ngã trói buộc chính mình chứ không phải cứu độ chúng sinh bên ngoài. Không phải dễ dàng phát hiện ra được cái ta nguy hiểm trừ phi thường biết thận trọng chú tâm quan sát, hay thường trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thân thọ tâm pháp.
Từ Bi và Cứu Độ
Hỏi: Xin Thầy giảng thêm về Từ Bi và cứu độ?
- Từ là không sân đối với mọi loài - mọi người, mọi sự, mọi vật. Bi là không nỡ hại bất kỳ ai hay vật nào. Đơn giản là ngay đây tâm không sân là Từ, tâm không hại là Bi. Nếu không bị tình cảm thương ghét chủ quan xen vào thì ngay đó tâm vốn đầy đủ Từ Bi, vì đó là bản tính tự nhiên sẵn có. Còn nói Từ là ban vui, Bi là cứu khổ thì coi chừng rơi vào ý đồ lăng xăng của bản ngã.
Thấy người đang đói liền chia sẻ thức ăn tuỳ khả năng hiện có của mình là đúng, nhưng nếu chủ trương giúp họ hoài lắm khi lại hại họ, vì vô tình khiến họ mất khả năng tự mưu sinh. Điển hình như trường hợp một người bị tai nạn gãy chân, báo chí đưa lên kêu gọi giúp đỡ, thế là những mạnh thường quân gởi tiền cho tới tấp, sau đó người này thấy có lợi liền tự gởi hình ảnh gãy chân của mình đi khắp nơi để xin giúp đỡ. Nhiều người không biết, thấy tội nghiệp cho tiếp, thế là anh ta trở nên giàu có hơn cả những người chia sẻ cho anh ta.
Cho nên Từ Bi không đúng chỗ là trở thành tai hoạ. Như câu chuyện anh chàng nọ thấy con bướm cố gắng chui ra khỏi cái vỏ nhộng quá khó khăn bèn lấy kéo cắt để giúp con bướm dễ dàng thoát ra, nhưng thân con bướm vẫn co quắp không vươn cánh ra được để bay mà lát sau chết mất. Nếu anh ta đừng can thiệp, con bướm vẫn tự vùng vẫy để thoát ra, và khi đã tự mình đủ sức thoát ra thì cũng đủ sức cất cánh bay cao. Cũng vậy, chúng sanh cần chịu đựng gian khó mới học được bài học Giác Ngộ cho chính mình.
Người mẹ quá thương con không nỡ để con đi học cực khổ nên nói “Thôi con cứ ở nhà chơi để mẹ học và thi rồi lấy bằng cho con” thì đó là “Bi không trí là Bi thương hảo thương quàng". Ý tưởng cứu độ chúng sanh cũng y như vậy thôi. Sau khi giác ngộ đức Phật đi đây đó, gặp ai hữu duyên – tức đủ điều kiện thấy ra Sự Thật – thì Ngài mới khai thị cho để người đó tự mình giác ngộ. Cũng có khi thấy người khổ nhưng không đủ căn cơ thì Ngài cũng đành chịu, bởi vì Ngài biết Từ Bi không đúng chỗ đúng lúc có thể làm người ta đau khổ hơn mà chẳng học được điều gì. Nói chung, trong Đạo Phật trí tuệ là chính nên phải có Trí Tuệ mới có Từ Bi đúng mức.
Theo phân tâm học, lắm khi giúp đời chỉ để thể hiện khuynh hướng quyền lực của bản ngã con người mà thôi. Nên hễ ai có cơ hội là người ta muốn thể hiện quyền lực, như anh tài xế lái xe phía trước để một lát mới cho xe sau qua mặt như tỏ ra mình có quyền ban ơn vậy. Chính vì khuynh hướng quyền lực mà nhiều khi cho rằng mình đang mang lại lợi ích cho đời nhưng thực ra chỉ đem lại đau khổ cho đời mà thôi.
Bị đồng hoá với cảm xúc bên ngoài
Hỏi: Thưa Thầy khi gặp người khổ trong lòng con cảm thấy khó chịu, đau xót, tâm trạng đó là gì, thương hay ghét? Xin Thầy giải thích ạ?
- Phải quan sát lại tâm mình mới hiểu cảm xúc khó chịu đó là gì. Theo phân tâm học cảm xúc khó chịu đó là một ảo giác tha hóa của bản ngã, tức là bản ngã có khuynh hướng đồng hóa mình với nỗi khổ của người khác, làm cho mình có cảm giác cũng đau khổ như họ. Thực ra, đó không phải là tình thương mà là nỗi sợ - bản ngã sợ nỗi đau như người đó. Nhiều người tưởng rằng khi thấy người đau khổ mà mình có cảm giác xót xa là lòng Từ Bi nhưng thật ra đó chỉ là một hình thức của Tâm Sân, không chịu nổi sự thật.
Từ Bi là hoàn toàn bình tĩnh sáng suốt trước sự đau khổ của người khác. Thí dụ khi thấy một người té xuống không đứng dậy được, đừng vội tới đỡ lên, mà phải quan sát người bị té cho kỹ, nếu người đó bị gãy chân, hay bị tai biến thì phải để người ta nằm yên sau đó gọi xe cứu thương, nếu thương xót mà vội vàng đỡ lên có khi làm cho tình trạng nạn nhân tồi tệ hơn. Cho nên phải có Trí Tuệ mới có Từ Bi, thiếu bình tĩnh sáng suốt thì sự đau xót, khó chịu đó chỉ là đang bị đồng hoá cảm xúc với người khác mà thôi.
Nếu một bác sĩ bị bệnh tâm lý đồng hoá cảm giác, cảm xúc với bệnh nhân thì rất khó làm phẫu thuật hay xử lý vết thương đau đớn cho họ. Trong trường hợp bị tha hoá cảm xúc như thế tốt nhất là biết quay về cảm nhận nhận lại cảm giác, cảm xúc nơi chính mình (niệm thọ) thì ảo tưởng ảo giác đó mới tiêu tan, nếu không sẽ bị ảo giác đánh lừa. Ngay cả khi thật sự có lòng Từ Bi – không bị tha hoá cảm xúc – thì cũng phải tuỳ trường hợp mà thể hiện sự cứu giúp, nếu không sẽ giúp kẻ ác lún sâu vào đường tội lỗi, như kiểu người mẹ thương con cứ cho tiền dù biết nó là đứa chơi bời lêu lổng.
Tiểu ngã, Đại ngã và Vô ngã
Hỏi: Hầu hết Tôn giáo Ấn Độ đều nói về Tiểu ngã và Đại ngã, trong khi đức Phật lại dạy Vô ngã, vậy Tiểu ngã và Đại ngã là gì, có thật không thưa Thầy?
- Tôn giáo Ấn Độ thường cho rằng mỗi người có một cái ngã, nhưng cái ngã cá nhân đó chỉ là tiểu ngã, còn giới hạn và bất toàn cho nên có khuynh hướng tu để tiểu ngã trở thành đại ngã. Nói cách khác, hầu hết họ tu là để trở nên hoàn hảo. Hoàn hảo thì chắc chắn là tốt rồi, nhưng điều này, nếu không tinh ý thì vô tình đồng hóa Đạo Phật với các Tôn giáo khác vì đức Phật dạy tất cả pháp đều Vô ngã.
Không chỉ Tôn giáo Ấn Độ mà hầu hết các lãnh vực Tôn giáo, chính trị, triết học, giáo dục, kinh tế… từ cá nhân đến xã hội trên thế giới đều muốn cải thiện con người và cuộc đời ngày càng hoàn hảo. Duy chỉ có Đạo Phật thấy rằng, thật ra, Pháp vốn hoàn hảo từ muôn đời, chỉ là nhận thức và hành vi của con người sai lầm nên không nhận ra mà thôi. Do đâu tưởng mình không hoàn hảo? Do vô minh, do muốn hoàn hảo theo ý mình nên bị che mờ mà không nhìn ra sự hoàn hảo ngay tại đây và bây giờ như Pháp đang là. Phải nói rằng đó là một sự khác biệt to lớn giữa cái ngã muốn hoàn hảo với pháp vô ngã vốn đã tự hoàn hảo.
Chính vì bản ngã muốn hoàn hảo như ý mình cho nên làm hỏng đi sự hoàn hảo vốn có của vạn Pháp. Vì vậy Đạo Phật không nói đến nỗ lực để trở thành hoàn hảo mà Đức Phật dạy rằng phải thấy ra Sự Thật, khi giác ngộ liền thấy Pháp vốn tịch tịnh và hoàn hảo. Đó là lý do vì sao khi được Phật khai thị thì nhiều vị đã ngay đó giác ngộ sự hoàn hảo của Pháp mà buông xuống gánh nặng thời gian và sự nỗ lực rèn luyện để trở thành Đại Ngã. Cho nên càng nỗ lực trở thành hoàn hảo càng kéo dài luân hồi sinh tử trong ảo tưởng. Nhưng ngay khi buông xuống nỗ lực trở thành hoàn hảo của bản ngã thì ngay đó thấy sự hoàn hảo muôn đời của Pháp. Chỉ lệch một chút xíu thôi thì đành luân hồi muôn kiếp! Thế mà ngày nay biết bao người theo Phật nhưng lại đang ngày đêm miệt mài nỗ lực tu luyện để mong trở thành hoàn hảo ở một tương lai lý tưởng xa vời!
Tu Phật thật sự là “chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây” vì ngay đây khi hoàn toàn trọn vẹn tỉnh thức thì liền thấy pháp vốn đã hoàn hảo, do đó Pháp đức Thế Tôn tuyên thuyết là thiết thực hiện tiền (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), trở về mà thấy (ehipassiko), ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp (opanayiko) thì mỗi người trí liền ngay đó tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi). Như vậy đâu cần nỗ lực rèn luyện để tạo ra thời gian và không gian từ A (Tiểu ngã) đến Z (Đại ngã) mới hoàn hảo mà chỉ nhận ra sự thật liền thấy "Hạnh phúc không phải là đích tới mà hạnh phúc chính là con đường" hoặc "Hoàn hảo sẽ không có ở đích tới mà hoàn hảo chỉ có ngay tại đây và bây giờ". Hãy cảnh giác, đừng để tư tưởng Bà-la-môn xen vào đánh tráo Đại Ngã hoàn hảo ở tương lai của họ với Pháp Vô Ngã ngay đây nơi thực tại hiện tiền mà đức Phật khai thị.