Phép màu lớn nhất trên thế giới này là gì?
Đó là một phát biểu đơn giản. Thiền sư này nói, 'Ta đang ngồi đây một mình với bản thân ta.' Đây là phép màu vĩ đại nhất. Ở một mình là thành tựu lớn lao nhất. Người ta bao giờ cũng cảm thấy nhu cầu về người khác. Có nhu cầu mênh mông về người khác bởi vì cái gì đó bị thiếu bên trong chúng ta. Chúng ta có lỗ lổng trong bản thể mình; chúng ta nhét vào lỗ hổng đó sự hiện diện của người khác. Người khác bằng cách nào đó làm cho chúng ta đầy đủ, bằng không thì chúng ta không đầy đủ.
Không có người khác chúng ta không biết mình là ai, chúng ta mất đi cá tính của mình. Người khác trở thành tấm gương và chúng ta có thể nhìn khuôn mặt của mình trong đó. Không có người khác chúng ta bỗng nhiên bị ném về chính bản thân mình. Không thoải mái lớn, bất tiện nảy sinh, bởi vì chúng ta không biết mình là ai. Khi chúng ta một mình chúng ta đang trong một nhóm rất kì lạ, một nhóm rất ngơ ngác. Chúng ta không biết chúng ta đang ở với ai.
Ở cùng người khác, mọi sự là rõ ràng, được xác định. Chúng ta biết tên, chúng ta biết hình dạng, chúng ta biết đàn ông hay đàn bà - người Hindu, người Ki tô giáo, người Ấn Độ, người Mĩ - có những cách nào đó để xác định người khác. Làm sao bạn xác định bản thân mình?
Sâu bên dưới có vực thẳm... không xác định được. Có vực thẳm... trống rỗng. Bạn bắt đầu hội nhập vào trong điều đó. Điều đó tạo ra nỗi sợ. Bạn trở nên hoảng sợ. Bạn muốn chạy xô tới người khác. Người khác giúp cho bạn treo đó, người khác giúp bạn vẫn còn ở ngoài. Khi không có ai bạn đơn giản bị bỏ lại với trống rỗng của mình.
Không ai muốn một mình cả. Nỗi sợ lớn nhất trên thế giới là bị bỏ lại một mình. Mọi người đều làm cả nghìn lẻ một thứ chỉ để không bị bỏ lại một mình. Bạn bắt chước hàng xóm của mình để cho bạn cũng giống như họ và bạn không bị bỏ lại một mình. Bạn đánh mất đi tính cá nhân của mình, bạn đánh mất sự duy nhất của mình, bạn trở thành kẻ bắt chước, bởi vì nếu bạn không là kẻ bắt chước thì bạn sẽ bị bỏ lại một mình.
Bạn trở thành một phần của đám đông, bạn trở thành một phần của nhà thờ, bạn trở thành một phần của tổ chức. Bằng cách nào đó bạn muốn hội nhập với đám đông nơi bạn có thể cảm thấy thoải mái, rằng bạn không một mình, có nhiều người giống như bạn - nhiều người Mô ha mét giáo như bạn, nhiều người Hindu giáo như bạn, nhiều người Ki tô giáo, hàng triệu người trong số họ... bạn không một mình.
Ở một mình thực sự là phép màu vĩ đại nhất. Điều đó nghĩa là bây giờ bạn không thuộc vào nhà thờ nào, bạn không thuộc vào tổ chức nào, bạn không thuộc vào bất kì thượng đế học nào, bạn không thuộc vào bất kì ý thức hệ nào - xã hội, cộng sản, phát xít, Hindu giáo, Ki tô giáo, Jaina giáo, Phật giáo - bạn không thuộc vào đó, bạn đơn giản hiện hữu. Và bạn đã học cách yêu cái không xác định của mình, thực tại không thể nói ra được của mình. Bạn đã đi tới biết cách ở với bản thân mình.
Nhu cầu của bạn về người khác đã biến mất. Bạn không có chỗ hở nào, bạn không thiếu cái gì, bạn không có khiếm khuyết nào - bạn đơn giản hạnh phúc với chính bản thân mình. Bạn không cần cái gì cả, phúc lạc của bạn là vô điều kiện. Vâng, nó là phép màu vĩ đại nhất trên thế giới.
Nhưng nhớ cho, thầy nói, 'Ta ở đây một mình với bản thân ta.' Khi bạn một mình bạn lại không một mình đâu, bạn đơn giản cô đơn - và có khác biệt mênh mông giữa cô đơn và một mình. Khi bạn cô đơn bạn nghĩ tới người khác, bạn thiếu người khác. Cô đơn là trạng thái tiêu cực. Bạn cảm thấy rằng nếu như người khác có đó thì sẽ tốt hơn - bạn của bạn, vợ bạn, mẹ bạn, người yêu của bạn, chồng bạn. Đáng ra thì tốt nếu người khác có đó, nhưng người khác lại không có.
Cô đơn là thiếu vắng người khác. Một mình là hiện diện của bản thân mình. Một mình rất tích cực. Nó là sự hiện diện, hiện diện tràn ngập. Bạn tràn đầy hiện diện tới mức bạn có thể rót đầy toàn thể vũ trụ bằng hiện diện của mình và không có nhu cầu về bất kì ai.
Nếu toàn thể thế giới biến mất, Thiền sư này vẫn sẽ không thiếu cái gì cả. Nếu bỗng nhiên bằng phép thuật nào đó toàn thế giới biến mất và Thiền sư này bị bỏ lại một mình, ông ấy sẽ vẫn hạnh phúc như bao giờ, ông ấy sẽ không thiếu cái gì cả. Ông ấy sẽ yêu sự trống rỗng mênh mông đó, cái vô hạn thuần khiết này. Ông ấy sẽ không bỏ lỡ cái gì bởi vì ông ấy đã về tới nhà. Ông ấy biết rằng bản thân mình là đủ cho chính mình.
Điều này không có nghĩa là người đã trở nên chứng ngộ và đã về nhà thì không sống với người khác. Thực tế chỉ người đó mới có khả năng sống cùng người khác. Bởi vì người đó có khả năng ở với chính mình nên người đó trở nên có khả năng ở với người khác. Nếu bạn không có khả năng ở cùng bản thân mình, làm sao bạn có thể có khả năng ở cùng người khác được? Bạn đang ở chỗ gần nhất rồi. Ngay cả với bản thân mình mà bạn còn không có khả năng sống trong tình yêu sâu sắc, trong vui sướng - thì làm sao bạn có thể sống cùng người khác được? Người khác còn xa thẳm.
Người yêu mến sự một mình của mình thì có khả năng yêu, và người cảm thấy sự cô đơn của mình thì không có khả năng yêu. Người hạnh phúc với bản thân mình thì tràn đầy tình yêu, tuôn chảy. Người đó không cần tình yêu của người khác, do đó người đó có thể cho. Khi bạn đang cần, làm sao bạn có thể cho được? Bạn là kẻ ăn mày. Và khi bạn có thể cho, nhiều tình yêu lại tới với bạn. Đó là đáp ứng, đáp ứng tự nhiên. Bài học thứ nhất của tình yêu là học cách ở một mình.
Đó là một phát biểu rất có ý nghĩa. Nó chẳng có gì giống như ngụ ngôn trong đó cả. Nó là tức khắc, trực tiếp. Nó cũng giống như bông hồng bạn bắt gặp. Bạn không bao giờ hỏi về bông hồng, 'Bông hồng này ngụ ý cái gì?' Bạn không hỏi, 'Ý nghĩa của bông hồng này là gì?'
Thầy cũng giống như bông hồng. Nếu bạn có thể nhìn được, thì nhìn. Nếu bạn không thể nhìn được, thì quên. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng biết ý nghĩa của nó bởi vì ý nghĩa ở ngay trước bạn rồi. Đừng làm ra ngụ ngôn về nó. Ngụ ngôn nghĩa là bạn đã bắt đầu diễn giải, và bất kì cái gì bạn diễn giải thì cũng sẽ là diễn giải của bạn mà thôi.
Tôi đã nghe:
Mulla Nasruddin bị bắt khi câu cá tại nơi có tấm biển lớn đề: Không câu cá ở đây. Người giám sát đã bắt anh ta hỏi, 'Nasruddin, anh không thấy tấm biển này sao? Anh không biết đọc à? - Không câu cá ở đây.' Anh ta trỏ vào tấm biến.
Mulla Nasruddin nói, 'Có chứ, tôi biết đọc, nhưng tôi không đồng ý. Câu cá tốt ở đây là đằng khác. Ai nói "không câu cá ở đây". Câu cá tốt ở đây. Cứ nhìn vào bao nhiêu cá tôi đã câu được hôm nay đây này. Bất kì ai cắm tấm biển ở đó phải gàn dở lắm.'
Bây giờ đây là diễn giải của bạn. Nó đơn giản là tấm biển - Không câu cá ở đây. Nghĩa không phải là để tìm, nó đơn giản ở đó rồi.
Khi Thiền sư nói điều gì đó, hay khi bất kì thầy nào nói điều gì đó, nghĩa của thầy là tuyệt đối rõ ràng, hiển nhiên. Nó ở ngay trước bạn. Đừng cố tránh né nó. Nếu bạn bắt đầu tìm ý nghĩa thì bạn sẽ nhìn trái nhìn phải và bạn sẽ bỏ lỡ cái đang ở ngay trước bạn. Nó là một phát biểu đơn giản: 'Ta đang ngồi đây một mình với ta.'
Thử điều đó đi, để có cảm giác ấy. Thỉnh thoảng ngồi một mình. Tất cả thiền cũng chỉ là thế thôi - chỉ ngồi một mình, không làm gì cả. Thử mà xem. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy cô đơn thế thì cái gì đó còn thiếu trong con người bạn, thế thì bạn vẫn chưa có khả năng hiểu mình là ai.
Thế thì hãy đi sâu hơn vào trong cái cô đơn này cho tới khi bạn đi tới một tầng mà bỗng nhiên cô đơn biến đổi bản thân nó thành một mình. Nó biến đổi - nó là mặt tiêu cực của cùng một hiện tượng. Cô đơn là mặt tiêu cực của một mình. Nếu bạn đi sâu hơn vào trong nó, một khoảnh khắc nhất định tới khi bỗng nhiên bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mặt tích cực của nó. Bởi vì cả hai mặt bao giờ cũng cùng nhau.
Cho nên cứ cô đơn đi, chịu đựng cô đơn. Điều đó là khó, thiền là khó. Mọi người tới tôi và họ hỏi, 'Vâng, chúng tôi đã sẵn sàng ngồi, nhưng cho chúng tôi câu mật chú để cho chúng tôi có thể tụng mật chú.' Họ đang hỏi gì? Họ đang nói rằng họ không muốn một mình, họ không muốn đối diện với cô đơn của mình. Họ sẽ tụng mật chú - mật chú sẽ trở thành bạn đồng hành của họ. Họ sẽ nói, 'Ram, Ram, Ram' - bây giờ họ không một mình. Bây giờ âm thanh này của 'Ram' liên tục được lặp lại sẽ trở thành bạn đồng hành của họ.
Họ đang bỏ lỡ toàn bộ vấn đề. Thiền siêu việt, TM, không phải là thiền chút nào, bởi vì thiền đơn giản nghĩa là một mình, không làm gì cả - thậm chí không tụng mật chú. Bởi vì đây là thủ đoạn của tâm trí. Đó là điều tâm trí bao giờ cũng làm. Khi bạn ngồi một mình, bạn có quan sát bao nhiêu tưởng tượng lộ diện chúng ra cho bạn không?.. vô số tưởng tượng, những giấc mơ ngày. Bất kì khi nào bạn một mình, bạn bắt đầu mơ ngày. Bất kì khi nào bạn không có gì để làm và bạn cảm thấy chán, lập tức bạn trốn vào trong những giấc mơ ngày.
Đó là lí do tại sao nếu một người đi tới sa mạc, tới sa mạc A rập, tới sa mạc Sahara, và ngồi đó, thì người đó sẽ bắt đầu tưởng tượng, linh ảnh sẽ bắt đầu tới với người đó, bởi vì sa mạc là thứ rất đơn điệu. Chẳng có gì để mà chú ý cả - chỉ mỗi cảnh cát và cát trải rộng đơn điệu; chẳng có gì làm sao lãng, chẳng cái gì mới - đơn điệu, chán ngán thế. Nếu không có gì mới bên ngoài, người ta tạo ra thế giới tưởng tượng bên trong của riêng mình và bắt đầu nhìn vào trong nó.
Đó là điều xảy ra cho nhưng người đi lên Himalaya và ngồi trong hang động để thiền. Họ bắt đầu tưởng tượng. Thế rồi họ có thể tưởng tượng ra bất kì cái gì - nam thần và nữ thần và apsaras và các thiên thần và Krishna đang thổi sáo, và Rama đang đứng cùng cây cung, và Jesus - và bất kì cái gì là tưởng tượng của bạn, bất kì cái gì là ước định của bạn. Nếu bạn đã được ước định là người Ki tô giáo, chẳng chóng thì chầy trong hang động Himalaya bạn sẽ bắt gặp Jesus, và điều này sẽ là tưởng tượng thuần khiết. Không có gì làm sao lãng tâm trí từ bên ngoài, tâm trí bắt đầu tạo ra những giấc mơ bên trong của riêng nó. Và khi bạn liên tục mơ, những giấc mơ đó có vẻ rất, rất thực.
Nhiều kinh nghiệm đã được thực hiện ở phương Tây về mất cảm giác. Nếu một người bị mất tất cả các cảm giác - mắt bị bịt kín, người đó bị cho vào trong một cái hộp, tai bị bịt kín, toàn thân bị bọc trong bọt cao su để cho xúc giác thành đơn điệu, bóng tối ở mắt là đơn điệu, vô âm thanh đơn điệu, mọi thứ đều đơn điệu - trong hai, ba giờ người đó bắt đầu mơ - những giấc mơ lớn lao thế, và thực thế... còn thực hơn là thực. Và nếu một người bị mất cảm giác trong hai mươi mốt ngày thì người đó sẽ không bao giờ trở lại lành mạnh được nữa. Người đó sẽ trở thành gàn dở, bởi vì tưởng tượng của người đó sẽ chiếm lĩnh người đó hoàn toàn.
Nhưng tại sao tâm trí bắt đầu mơ ngày? Giải thích khoa học là ở chỗ tâm trí không thể sống một mình với bản thân nó được. Cho nên hoặc nó cần ai đó trong thực tế, hoặc nếu trong thực tế ai đó không có đó, thế thì nó tạo ra tưởng tượng. Tưởng tượng là cái thay thế. Tâm trí không thể sống được một mình.
Đó là lí do tại sao bạn lại mơ vào ban đêm - bởi vì trong giấc ngủ bạn một mình; thế giới biến mất. Chồng bạn không còn đó nữa, con bạn không còn đó nữa, vợ bạn không còn đó nữa, bạn đơn giản một mình - và bạn đã trở nên không có khả năng một mình. Tâm trí bạn đơn giản thay thế một thế giới mơ khác vào; mơ, chu trình mơ cả đêm. Sao giấc mơ lại được cần tới? Bởi vì bạn không thể một mình được.
Toàn thể ảo tượng này tồn tại quanh bạn là bởi vì bạn đã không học một điều cơ bản - việc ở một mình. Thiền sư này là đúng. Ông ấy nói, 'Đây là phép màu vĩ đại nhất. Ta ngồi đây một mình với bản thân ta.' Hiện hữu với bản thân mình và hạnh phúc với bản thân mình, phúc lạc với bản thân mình, và không đi vào tưởng tượng... thế thì bỗng nhiên người ta ở nhà, người ta đi vào trong vực thẳm riêng của mình.
Nó có vẻ giống như trống rỗng khi bạn bước vào, nhưng một khi bạn đã đi vào trong nó thì lại có chính sự tràn đầy của hiện hữu, sự hoàn thành, sự nở hoa, đỉnh cao nhất, cao trào. Nó không phải là trống rỗng. Nó chỉ có vẻ là trống rỗng bởi vì bạn đã sống với người khác và đột nhiên bạn bị thiếu người khác; đó là lí do tại sao bạn lại diễn giải nó là trống rỗng. Người khác không có đó, chỉ bạn mới có đó - nhưng bạn không thể thấy được bản thân mình ngay bây giờ, bạn đơn giản thiếu người khác.
Bạn đã trở nên quá quen; ý tưởng về người khác đã trở thành thâm căn cố đế, nó đã trở thành thói quen máy móc, cho nên khi bạn bỏ nó bạn cảm thấy mình trống rỗng, cô đơn, rơi vào trong vực thẳm. Nhưng nếu bạn cho phép và cứ rơi vào trong vực thẳm đó, chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận ra vực thẳm này đã biến mất, và cùng với vực thẳm đó tất cả mọi gắn bó ảo tưởng đã biến mất. Thế thì phép màu vĩ đại nhất xảy ra - rằng bạn đơn giản hạnh phúc chẳng bởi lí do nào cả.
Nhớ lấy, khi hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào người khác, thì bất hạnh của bạn cũng sẽ phụ thuộc vào người khác. Nếu bạn hạnh phúc bởi vì người đàn bà yêu bạn, bạn sẽ trở nên bất hạnh nếu cô ấy không yêu bạn. Nếu bạn hạnh phúc vì bất kì lí do nào về bất kì cái gì, thế thì bất kì ngày nào lí do đó không còn nữa, bạn sẽ trở nên bất hạnh. Hạnh phúc của bạn bao giờ cũng như trứng treo trên đá, bạn bao giờ cũng vẫn còn trong lúc bão tố. Bạn sẽ chẳng bao giờ chắc chắn được liệu bạn có hạnh phúc hay bất hạnh, bởi vì từng khoảnh khắc bạn sẽ thấy đất dưới chân có thể biến mất - bất kì khoảnh khắc nào nó cũng có thể biến mất. Bạn không bao giờ có thể chắc chắn được. Người đàn bà đó mỉm cười ngay bây giờ đấy, và thế rồi cô ấy lại trở nên giận dữ. Người chồng đang nói hay thế và bỗng nhiên anh ấy mất hút vào tâm trạng tức giận.
Phụ thuộc vào người khác là phụ thuộc thôi - nó là tù túng, nó là phụ thuộc, và người ta không bao giờ có thể cảm thấy thực sự phúc lạc được.
Phúc lạc là có thể chỉ trong tự do toàn bộ, vô điều kiện. Đó là lí do tại sao ở phương Đông chúng ta gọi nó là moksha. Moksha nghĩa là tự do tuyệt đối. Hiện hữu với chính mình là moksha bởi vì bây giờ bạn không phụ thuộc. Hạnh phúc của bạn đơn giản là của riêng bạn, bạn không vay mượn nó từ bất kì ai. Không ai có thể lấy được nó đi, ngay cả cái chết.
Nhớ lấy, cái chết chỉ tách bạn ra khỏi người khác, nó chưa bao giờ tách bạn khỏi bản thân mình. Cái chết dường như đáng sợ thế bởi vì nó sẽ lôi bạn ra khỏi người khác - vợ sẽ không còn với chồng nữa, mẹ sẽ không còn với con nữa. Cái chết chỉ tách bạn ra khỏi người khác thôi. Nó không thể tách bạn ra khỏi bản thân mình được; không có cách nào để tách bạn ra khỏi bản thân mình.
Một khi bạn đã học được cách hiện hữu với chính mình thế thì cái chết là vô nghĩa, thế thì cái chết không tồn tại. Bạn trở thành bất tử. Thế thì cái chết không thể lấy được gì từ bạn. Cái mà cái chết có thể lấy đi được khỏi bạn, bạn đã buông xuôi theo cách riêng của mình rồi.
Đó chính là tất cả mọi điều về thiền - buông xuôi cái không bản chất, cái mà cái chết có thể lấy đi khỏi bạn. Cái mà cái chết sẽ làm, thì thiền nhân làm theo cách riêng của mình, một cách tự nguyện. Biết rõ điều đó - rằng cái này sẽ bị lấy đi - người đó buông xuôi nó.
Hiện hữu một mình là cực kì đẹp. Không có gì so sánh được với nó. Cái đẹp của nó là cái đẹp tối thượng, vĩ đại của nó là vĩ đại tối thượng, sức mạnh của nó là sức mạnh tối thượng.
Quay về nhà đi. Và con đường là: bạn sẽ phải chịu đựng cô đơn trước hết. Chịu đựng nó đi, đi qua nó. Bạn phải trả giá cho phúc lạc sẽ là của bạn - bạn phải trả giá cho nó. Việc chịu đựng đơn độc này chính là việc trả giá cho nó. Bạn sẽ được lợi vô cùng.
Osho