"... Chân Lý không thuộc về ai, không phải là sở hữu của Tôn giáo hoặc Tông môn, Hệ phái nào, cũng không thuộc hệ tư tưởng triết học hoặc chủ thuyết chính trị nào.
Chân Lý ở khắp mọi nơi, là kho báu chung của mọi người, vấn đề ở chỗ ai thấy được hay không mà thôi. Giống như không khí là của chung cho mọi người, ai biết rõ nguyên lý hít thở thì được lợi ích, ai không biết thì tự hại mình, chứ không khí không thuộc độc quyền của ai cả.
Hòa Thượng Viên Minh
Đặc biệt Chân Lý đã sẵn có ở mỗi người, nói cách khác chính mỗi người đã là Chân Lý, nên đức Phật dạy chỉ cần trở lại mà thấy (ehipassiko), ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là (opanayiko), thì liền nhận ra (sanditthiko), và tự mình chứng ngộ (paccattam veditabbo) không qua thời gian (akàliko) do bất kỳ ai quy đinh.
Khóa giảng thứ 19 tại Bửu Long của Thầy Viên Minh - Ngày 1A: Vô thường - Khổ - Vô ngã là Chân Thiện Mỹ của đời sống.
Càng nhiều quan niệm triết học, càng lắm giáo điều tôn giáo, càng nhiều phương pháp để thủ đắc, càng thiên chấp phân biệt thị-phi, nhân-ngã thì càng “nhiều bụi trong mắt” nên càng khó thấy Sự Thật. Ai “ít bụi trong mắt”, tâm rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên nhìn mọi pháp như nó là thì ngay đó thấy ra Chân Lý.
Chính đức Phật cũng tuyên bố rằng: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời Pháp vẫn vậy”.
Pháp chính là Bốn Sự Thật Vi Diệu - là nhân duyên sinh và diệt - mà ai thấy ra đều giác ngộ giải thoát. Đức Phật không sáng tác hay chế định ra Bốn Sự Thật mà Ngài chỉ phát hiện ra Chân Lý ấy hiển nhiên sẵn có giữa cuộc đời. Do đó Chân Lý này không dành riêng cho những người theo Phật mà là Sự Thật phổ biến cho tất cả mọi người, hay nói rộng hơn cho tất cả chúng sanh.
Không phải người Châu Á hay Châu Âu phóng khoáng hơn trong tự do tín ngưỡng, mà do trình độ văn hóa giáo dục của phần đông người dân trong các châu lục ấy. Do trình độ văn hóa thấp nên những người mê tín thường cố chấp Tôn giáo, Hệ phái hoặc Tông môn của mình. Người trí chỉ biết điều gì đúng là đúng với Sự Thật, điều gì sai là sai với Sự Thật, chứ không tự cho Tôn giáo mình đúng, Tôn giáo khác sai một cách chung chung được. Chính đức Phật cũng xác nhận điều này trong Kinh Kalama rằng chỉ nên tin điều gì đúng với Sự Thật, đem lại lợi lạc thiết thực, nhất là giác ngộ giải thoát thôi chứ không chỉ tin theo giáo điều của bất kỳ truyền thống một chiều nào.
Tất cả những lời dạy của các bậc Giác Ngộ đều bị phân chia manh mún do các Tôn giáo, Tông môn, Hệ phái về sau cải biên, luận giải, hệ thống hóa thành nhiều chủ thuyết mang tính giáo điều, rồi hình thành nhiều tổ chức có “thương hiệu” khác nhau để mượn danh các Ngài mà thu hút tín đồ, bành trướng bản ngã Tông môn, nên không còn nguyên vẹn Chân Lý đơn thuần, giản dị mà các bậc Giác Ngộ khai thị ban đầu.
Thực ra, lúc đầu các bậc Giác Ngộ khai thị Chân Lý bằng cách chỉ thẳng Sự Thật cho những ai đủ duyên “ít bụi trong mắt” có thể thấy ngay nơi chính họ, đôi lúc họ giác ngộ không cần qua ngôn từ, ngữ nghĩa nào. Trong khi các bậc Giác Ngộ chỉ thẳng Sự Thật, thì người sau biến thành hai khuynh hướng rất rõ rệt, đó là hướng lý luận triết học và hướng tín ngưỡng tôn giáo.
Các bộ Luận, Giải đã được viết ra biến Chân Lý thành nhiều trường phái triết học hoặc thần học, và người ta say mê “tầm chương trích cú” tư tưởng của các luận sư hơn là nhìn thấy Sự Thật muôn đời tự nhiên, vô ngôn mà bất cứ ai “ít bụi trong mắt” đều thấy được! Mặt khác các bộ Kinh, Sớ thi nhau ra đời khoác áo “Phật thuyết”, “Chúa dạy”, “Thánh Hiền nói”… để buôn Thần bán Thánh, vì vậy người vọng càng vọng hơn trong phân tích, chia chẻ của lý trí, hoặc mê càng mê hơn trong hăng say, cuồng tín của đức tin. Hóa ra Thánh Hiền giúp chúng sanh lấy bụi trong mắt ra thì các Tông môn về sau hầu như đã làm cho chúng sanh nhiều bụi trong mắt càng mù tối thêm. Chân lý vẫn hiển nhiên như nó vẫn là, nhưng những ngôn từ, khái niệm, tư tưởng, luận thuyết… đã tung hỏa mù che lấp Sự Thật muôn đời ấy.
Bất cứ ai, dù có Tôn giáo hay không theo chủ thuyết nào, mà biết trở về trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra thực tại như nó đang là ngay nơi thân tâm và cuộc sống này thì người ấy vẫn có thể giác ngộ Chân Lý, đơn giản chỉ vì Chân Lý ở khắp mọi nơi.
Không phải Tôn giáo hay chủ thuyết nào mà chính cuộc đời là môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ giải thoát.