Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của người Khmer khá đơn giản. Phần lớn cư dân làm nhà đất giống như người Kinh, người Hoa. Cách sắp đặt, tổ chức nhà ở nhìn bên ngoài có cảm giác không khác gì nhà người Kinh. Nhưng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thì sự bố trí có nhiều điểm riêng, mang đậm tập quán sinh hoạt của người Khmer. Bộ khung nhà khá chắc chắn, trong nhà được bài trí như sau: Nhà chia làm hai phần theo chiều ngang, một phần làm nơi ở, phần giành cho bếp núc. Phần giành để ở lại chia thành hai phần theo chiều dọc: phần phía trước, ở giữa kê bàn ghế tiếp khách, bên cạnh thường có tủ kính đựng những chiếc gối thêu vừa để trang trí vừa tiện dùng khi có khách đến chơi. Sau bộ bàn ghế tiếp khách là bàn thờ Phật. Nữa sau, bên phải là buồng của vợ chống chủ nhà, bên trái là phòng của con chủ nhà. Sự bố trí tuy đơn giản như vậy nhưng không được phép tùy ý thay đổi.
Ngôi nhà của người Khmer được phân loại dựa vào cấu trúc, qui mô và theo số lượng gian của ngôi nhà mà người ta phân loại thành nhà một gian, nhà hai gian, nhà ba gian.
Nhà một gian (Katan mui lờ quên). Đây là loại nhà giống nhà kiểu “nọc ngựa” của người Việt. Căn nhà có hai vì cột nối liền ba cột: một cột cái và hai cột con. Ngay đỉnh cột cái đỡ cây đòn dông và bốn cây kèo của hai mái đỡ những cây đòn tay. Đối với các nhà lợp bằng lá chằm, trên các đòn tay còn có nhiều hàng rui dọc để chịu các lớp lá chằm lợp ngang.
Loại nhà một gian được cấu tạo đơn giản. Các vì kèo và các cột được cắt ngám, đóng chốt hoặc buộc dây kẽm, lạt dừa. Rui và lá lợp cũng như vách lá được buộc bằng lạt dừa. Loại nhà mái lá một gian thường được cất trên nền đất và được đấp lên cao hơn mặt bằng xung quanh.
Nay ngôi nhà một gian còn rất ít vì diện tích nhà nhỏ thiếu tiện nghi, và vì khi nhà một gian được mở rộng thêm thì sẽ trở thành nhà hai gian.
Nhà hai gian (Katan pìa lờ quên), cũng giống như nhà một gian nhưng rộng hơn, nhà có ba vì chín cột, với cây đòn tay, đòn đông được kéo dày ra thêm.
Nhà ba gian (Katan bây lờ quên), là loại nhà mở rộng thêm một gian so với nhà hai gian. Nhà ba gian gồm mười hai cột: bốn cột cái và tám cột con.
Do nhu cầu sinh hoạt gia đình ngôi nhà Khmer thường được mở rộng ra thêm ở nhiều phía tùy diện tích thổ cư cho phép.
Ngôi nhà thường được mở rộng như sau:
Mở rộng theo hàng dọc là các mái hiên (Ptas nùm hơi) ở phía trước. Các nhà có sân rộng thường cất mái hiên này, nhất là các nhà ở sát ven lộ thường có sạp buôn bán lặt vặt. Nhà được mở rộng phía sau thường có một mái nhỏ, đôi khi là một căn nhà nhỏ ngay phía sau hàng cột cao. Nhà có hai căn được gọi là ptas mút (nhà trước) và ptas rồn (nhà sau).
Mở rộng theo hàng ngang, ta thường thấy ở mái sau mỗi căn nhà phía bên hông có cất thêm một chái nhỏ (chài), cái chái này được dành cho việc sử dụng làm nhà kho hay có thể là bếp núc.
Việc mở rộng nhà theo hàng ngang, căn nhà được tạo thành một kiểu nhà giống như nhà “chữ đinh” của người Việt. Loại nhà này người Khmer gọi là "Rôn stưng thngay".
Loại nhà Rôn stưng thngay có một nhà nhỏ cầu nối nhà chính và mái của nhà phụ gọi là kan đai (giữa). Hiện nay loại nhà Rôn stưng thngay được tiếp tục mở rộng theo chiều ngang như ở xã Lương Hòa (Châu Thành), xã Đại An, xã Đôn Châu (Trà Cú).
Cũng như các dân tộc khác dân tộc Việt (Kinh) cũng xây dựng nhà ở với kết cấu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian truyền thông phương Đông.
Đặc trưng trong bố cục mặt bằng của nhà ở dân gian người Việt là tổng thể nhà ở bao gồm nhiều nếp nhà được xây dựng với mái liền kề. Trong đó nhà trên là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và nhà dưới là không gian dành cho sinh hoạt thường nhật, nhà trên và nhà dưới được bố cục thẳng hàng với nhau theo chiều ngang hoặc chiều dọc.
Giữa nhà trên và nhà dưới thường được nối với nhau bằng nhà cầu. Đa số các nhà được xây dựng với hình thức bốn mái có đầu. Nhà trên thường có qui mô từ năm đến bảy gian và nhà dưới từ ba đến năm gian. Không gian nhà trên cũng được bố cục đối xứng bao gồm gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và các gian buồng hai bên là chỗ ngủ hoặc là kho chứa đồ và vì kèo thường có bước cột lớn và chiều sâu của nhà gấp đôi so với các địa phương khác, nên mặt bằng thường được chia theo bố cục trước sau, nhưng vẫn đảm bảo tính đối xứng. Nhà ở người Việt đã sử dụng kèo chồng tạo nên một cấu trúc vì kèo mang tính thống nhất (không chia thành vì thân và vì nóc). Đặc trưng của cấu trúc kèo chồng đó là các thanh kèo được đặt nằm nghiêng theo chiều dốc của mái liên kết các đầu cột với nhau và đầu của thanh kèo nằm phía dưới được gác lên đuôi của thanh kèo nằm phía trên.
Nét đặc trưng này đã được thể hiện thông qua chính tên gọi của nó. Tại đây các hình thức vì kèo được chia thành hai loại chính.
Nhà "rọi" hay nhà "nọc ngựa" ứng với hình thức vì kèo loại 1 là cấu trúc có một cột nằm chính giữa (cột giữa) chống trực tiếp với đòn dông (nóc). Cấu trúc vì kèo có một cột giữa này cũng có đặc trưng giống như hình thức vì kèo nguyên thủy với các cột được chôn xuống đất. Kiến trúc liên kết của cột giữa, kèo và đòn đông vì kèo, cho thấy cấu trúc với một thanh gỗ tròn ngắn đặt vuông góc với đầu cột giữa rồi gác kèo lên trên, các cấu kiện được liên kết với nhau mà hoàn toàn không sử dụng đến kỹ thuật lắp ráp mộng. Về sau, một tấm gỗ hình tam giác bản dầy từ 3-4cm (cánh dơi) đã thay thế cho vai trò của thanh gỗ tròn nêu trên đã được lắp mộng trực tiếp vào đầu cột giữa tạo nên một điểm tựa thật chắc chắn để gác kèo. Trong một số trường hợp cả xà nối các cột giữa của các vì kèo với nhau cũng được lắp mộng vào đầu cột. Nhờ kỹ thuật này mà chiều rộng của bước cột và bước gian ngày càng được mở rộng. Có thể cho rằng, người Việt đã đem kỹ thuật xẻ mộng đầu cột - một kỹ thuật truyền thống lâu. Nhờ việc áp dụng những kỹ thuật này mà nhà ở dân gian tại đây được xây dựng với qui mô lớn hơn trước. Dần dần, ngay cả tấm gỗ hình tam giác cũng được lược bỏ và liên kết của hai thanh kèo ở nóc mái, cũng như cả đòn dông đều được lắp mộng vào đầu cột. Đối với nhà ở dân gian tuyền thống, cho đến nay đều thấy trong khi tại nhà trên sử dụng hình thức vì kèo loại 1, thì tại nhà dưới cột giữa đã được thay thế bằng một trụ ngắn nằm trên một thanh dầm (trính) nối hai cột nằm liền kề ở phía trước và phía sau. Điều này chứng tỏ bên cạnh việc cố gắng duy trì hình thức truyền thống ở nhà trên thì tại tại nhà dưới đã có những sự thay đổi cho phù hợp và thuận tiện hơn cho sinh hoạt.
Nhà rương, nhà xuyên trính là các tên gọi tương ứng với các nhà có hình thức vì kèo loại 2 là cấu trúc có hai cột ở trung tâm vì kèo (cột hàng nhất) nằm về hai phía đối xứng với đòn đông. Chúng được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang. Trong một số trường hợp phía trên của trính còn có một trụ ngắn chống nóc, hoặc được gác những tấm ván chạy dài suốt gian chính giữa của nhà. Kỹ thuật của vì kèo loại 2 với trụ chống nóc là hình thức được phát triển lên từ vì kèo nguyên thủy loại 1.
Do hoàn cảnh,điều kiện kinh tế của mỗi gia đình khá giả nên một số gia đình người Khmer hay người Việt có cất các loại nhà tường, mái ngói hoặc lợp tole các loại nhà này ở người Khmer hay người Việt đều có cấu trúc giống nhau.
Căn nhà thường gồm có ba gian với tám cột cái và mười cột con:
Hai hàng cột cái, mỗi hàng có bốn cột.
Hai hàng cột nhì, mỗi hàng có bốn cột.
Một hàng cột ba, là hai cột mái trước.
Các bộ vì kèo được lắp mộng và khóa chốt kỹ lưỡng.