* Kim Minh Chánh
Việt Nam – một quốc gia với 54 dân tộc và sẽ là 55 dân tộc nếu dân tộc TàMum được công nhận. Mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng, các dân tộc sống trên những vùng miền, điều kiện khí hậu khác nhau thì sẽ hình thành bản sắc văn hóa đặc thù cho từng vùng.
Vùng văn hóa Nam bộ được chia thành hai tiểu vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Mặc dù chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các dân tộc cùng sinh sống trong một khu vực địa lý, nhưng mỗi dân tộc vẫn giữ lại cho riêng mình nét đặc thù, giá trị cốt lõi được hình thành trong quá trình lịch sử của từng dân tộc. Nhìn vào trang phục, nhà ở, các lễ hội, những phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo thì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đây là dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Chăm ở Tây Nam bộ, hay dân tộc S’tiêng ở Đông Nam bộ, vân vân.
Ở vùng văn hóa Tây Nam bộ có 13 tỉnh, thành nhưng mỗi tỉnh, thành điều có các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm sinh sống xen kẽ lẫn nhau. Qua thời gian cộng cư, nền văn hóa của họ có phần ảnh hưởng và có sự giao thoa qua lại. Tuy nhiên, đó là sự hòa nhập chứ không hòa tan, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng: tính đặc trưng trong lối sống, quan niệm sống, trong văn hóa lễ hội, phong tục tín ngưỡng. Qua bài viết, nội dung chính là thể hiện nét đặt trưng cơ bản, giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Khmer qua quan niệm sống gắn liền với đạo Phật – Phật giáo Namtông Khmer và ngôi chùa. Khi nhắc đến con người Khmer Nam bộ thì không ai không nghĩ đến tính chất thật thà, chất phác, chịu thương, chịu khó và khi nói đến văn hóa Khmer thì mọi người đều liên tưởng đến ngôi chùa và Phật giáo Nam tông. Do sự gắn bó mật thiết này nên trong tên gọi ngôi chùa Phật giáo Namtông được đông đảo quần chúng và nhà nghiên cứu văn hóa Khmer gọi chung là “Chùa Khmer Nam bộ”.
Dân tộc Khmer Nam bộ là một trong 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu tập trung ở Nambộ như: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang,…Trong quan niệm sống của dân tộc Khmer Nam bộ, họ luôn dựa vào triết lý đạo Phật, luôn tin tưởng vào luật “nhân quả”. Vì thế, trong cuộc sống, họ luôn luôn làm điều thiện, làm phước để cầu cho điều tốt lành đến với bản thân và con cháu trong gia đình. Một trong những cách làm phước dễ dàng nhất mà được các bà, các mẹ người Khmer khuyên dạy con cháu trong gia đình, dòng họ làm chính là cúng dường, bằng nhiều việc làm khác nhau như: đóng góp tiền, góp của cải vật chất và nếu không có tiền, không của cải thì có thể góp sức để xây dựng, trùng tu sửa chữa các ngôi chùa. Do đó, theo tác giả Lê Hương trong cuốn “Người Việt gốc Miên” thì toàn vùng Nam bộ trước những năm 1960 số lượng chùa Khmer Nam bộ có khoảng 500 chùa. Nhưng theo số liệu khảo sát ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thì đã giảm chỉ còn 447 chùa.
Số lượng chùa giảm là do trãi qua một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, bom đạn hủy hoại, không thể xây dựng lại và một phần do tín đồ phật tử chạy lánh nạn chiến tranh nên một số chùa bị bỏ hoang dần dần bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa được. Tỉnh Trà Vinh là một trong tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đứng thứ hai sau tỉnh Sóc Trăng, nhưng nói đến số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự - ngôi chùa của Phật giáo Nam tông, thì Trà Vinh là tỉnh có nhiều nhất với 141 ngôi chùa trãi rộng các huyện trong tỉnh.
Toàn tỉnh Trà Vinh có 559 ấp khóm có người Khmer sinh sống nhưng có 141 ngôi chùa. Do đó, cứ khoảng 4 ấp, khóm là có ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng. Chùa là nơi thực hành các nghi thức tổ chức lễ hội của dân tộc như: lễ hội Chôl Chnam Thmây, Sên Đônta, Lễ Phật đản, lễ Dâng Y Kathina,…Do ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi gửi gấm nguyện vọng, niềm tin của đồng bào dân tộc nên người Khmer rất tôn trọng và không ngừng đầu tư xây dựng lộng lẫy, khang trang. Điều đó được kiểm chứng qua kiến trúc và quy mô của các ngôi chùa hiện nay.
Đạo Phật hướng con người đến cái hay, cái đẹp, do đó khi một người con trai lớn lên, họ luôn có quan niệm phải đi “tu”. Khi một thanh niên Khmer đi vào cửa Phật, ngoài việc “tu” để trả - báo hiếu ông bà, cha mẹ; thì còn được học rất nhiều điều. Thứ nhất, các vị sư trẻ được học chữ của dân tộc mình và sau đó là học kinh phật để nhận ra triết lý của đạo Phật.
Hình: Ngôi chùa khang trang, kiến trúc đặc trưng của dân tộc Khmer
Thứ hai, từ những triết lý hướng con người đến cái hay, cái tốt, cái đẹp đó đã hình thành được đạo đức, lối sống và các ứng xử với mọi người trong xã hội. Theo quan niệm của ông bà, cha mẹ ngày xưa thì để ưng thuận và gả con gái mình cho một thanh niên nào đó, thì tiêu chuẩn đầu tiên là chọn những thanh niên đã trải qua thời gian tu học. Và ngày nay, tu không chỉ là để tốt đời, đẹp đạo, mà khi đi tu các vị sư trẻ có thể học được các nghề như: xây dựng, hội họa, đấp tượng và điêu khắc kiến trúc Khmer. Hiện nay, nghề được đào tạo và các vị sư theo học phổ biến nhất ở các ngôi chùa Khmer Nam bộ là nghề điêu khắc gỗ. Qua thời gian tu và học nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho các vị sư sau khi hoàn tục, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Ngôi chùa là điểm tựa niềm tin của tất cả mọi người Khmer, trong cuộc đời, dù nam hay nữ, lớn hay bé, già hay trẻ điều muốn đến chùa để thấp nén hương cầu phước đến bản thân, gia đình; để làm điều phước, làm điều thiện. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vào những dịp lễ hội hay những đám phước như: lễ Kết giới “Xây ma” (lễ Khánh thành), lễ Dâng Y Kathina, lễ Khánh thành các công trình trong chùa thì có rất nhiều người đến dự.
Mọi người đến một cách tự nguyện không ai bắt buộc ai, nhưng mục đích chung nhất của tất cả mọi người là đến để làm công đức, để cầu nguyện điều may, điều tốt lành đến gia đình và bản thân họ. Người Khmer làm phước không chỉ vào những ngày lễ hội mà trong những ngày “sóc”, “vọng” tức ngày mùng tám, ngày rằm, ngày 23, ngày 30 theo lịch Khmer thì mọi người điều dâng cơm đến chùa để các vị sư thọ thực. Hình:Phật tử tham gia lễ hội
Người Khmer rất tôn trọng các vị sư và rất mộ đạo.
Đối với người Khmer, mỗi giai đoạn trong đời điều gắn liền và liên quan đến chùa. Trong tâm lý mỗi người Khmer điều xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng. Do đó, từ khi sinh ra thì được đem đến chùa hoặc thỉnh các vị sư đến tụng kinh cầu phúc, sống khỏe mạnh; đến khi trưởng thành vào chùa tu; khi kết hôn cũng thỉnh các vị sư đến cầu phúc, trăm năm viên mãn; khi già, đau yếu cũng thỉnh các vị sư đến cầu phúc; đến khi mất đi cũng thỉnh các vị sư đến cầu siêu và thi hài được hỏa táng trong chùa, cuối cùng hài cốt cũng được để lại trong tháp tại chùa. Ngôi chùa gắn liền với người Khmer từ khi sinh ra đến khi qua đời.
Trãi qua thời gian dài gắn bó và đặt niềm tin tuyệt đối đối với đạo Phật, người Khmer có một nền văn hóa đặc trưng – nền văn hóa mang đậm tính Phật giáo Nam tông Khmer. Ngôi chùa là nơi hội tụ tất cả tinh hoa của dân tộc Khmer, từ kiến trúc xây dựng đã thể hiện rất chi tiết qua các mô tiếp, kiểu dáng, những bức phù điêu, những họa tiết hoa văn rất đặc trưng, mang đậm tính Phật giáo – tính dân tộc. Ngôi chùa là linh hồn dân tộc, là nơi lưu giữ tất cả mọi thứ của người Khmer từ giá trị vật chất cho đến các giá trị về mặt tinh thần: kinh Phật, chữ viết, phong tục đến các cổ vật quí hiếm và cả hài cốt của người quá cố với niềm tin đưa người quá cố đến với của Phật.
Qua bài viết trên tuy chưa có thể nói hết được tất cả những mối quan hệ cũng như sự gắn kết mật thiết của người Khmer đối với Phật giáo và sự ảnh hưởng của đạo Phật đối với dân tộc Khmer ở Nam bộ nhưng phần nào đã thể hiện rỏ nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc của dân tộc Khmer ở Nam bộ. Đặc biệt là giữa dân tộc đối với tôn giáo: giữa người Khmer Nam bộ và ngôi chùa - Phật giáo Nam tông Khmer.