GIẢI THOÁT CHÍNH BẠN KHỎI NHỮNG SUY TƯỞNG MIÊN MAN
Ông nói “quan sát những suy tưởng miên man ở trong mình” nghĩa là thế nào?
Nếu có một bệnh nhân đến gặp bác sĩ của mình và than phiền: “Tôi thường nghe có một tiếng nói luôn luôn vang vọng, thì thầm… ở trong đầu tôi!”, thì người này chắc chắn sẽ được đưa đến bệnh viện tâm thần để trị liệu. Nhưng thật ra hầu hết mọi người đều “bị” nghe một cách vô ý thức cái tiếng nói vang vang, triền miên ấy ở trong đầu! Dòng thác tư tưởng này cứ tuôn chảy ào ạt một cách mạnh mẽ, nối tiếp nhau đến nỗi ta không biết rằng mình có khả năng ngưng hẳn dòng suy tư ấy lại được!
Bạn đã từng gặp những người điên trên đường phố chưa? Họ vừa đi vừa nói chuyện một mình! Họ nói không ngớt, hoặc lẩm bẩm trong miệng một điều gì đó, ngay cả khi không có ai ở bên cạnh. Những người này cũng giống như bạn và những người mà ta vẫn nghĩ là “bình thường” khác, điểm khác biệt là những người ấy nói ra thành tiếng những ý tưởng của họ, còn bạn thì vẫn giữ im lặng, nhưng lại suy nghĩ lung tung ở trong đầu. Tiếng nói liên miên ấy ở trong bạn thường phê bình, hoặc tỏ vẻ thích cái này, hay không thích cái kia… về mình hay về người khác. Tiếng nói vang vang ấy cũng không nhất thiết phải dính dáng gì đến tình trạng hiện thời của bạn; mà thực ra nhiều khi chỉ là sự ôn lại những chuyện vừa mới xảy ra hoặc đã xảy ra với bạn trong quá khứ… Hoặc có khi chỉ là một sự thao diễn hoặc tưởng tượng về một chuyện hay một trường hợp nào đó… có thể xảy đến với bạn trong tương lai. Trong trường hợp này thì sự tưởng tượng trong đầu bạn thường cho rằng sự việc sắp sẽ xảy ra không hay, hoặc sẽ có một kết quả xấu cho bạn. Nhiều khi chiếc máy ghi âm cũ kỹ này còn được đi kèm với nhiều hình ảnh sống động nữa, giống như một bộ phim đang được trình chiếu ở trong đầu bạn. Ngay cả khi tiếng nói ấy có quan hệ đến tình trạng hiện tại, nó cũng sẽ được diễn giải theo một cách nhìn của quá khứ. Vì thứ trí năng, suy tưởng, cảm xúc không có chủ đích này thuộc về phần tâm thức bị điều kiện hóa. Vì đó chỉ là kết quả của những gì đã xảy ra cho bạn trong quá khứ và nghiệp lực của tâm thức cộng đồng. Cho nên bạn nhận xét và đánh giá hiện tại qua lăng kính của quá khứ và thường thì bạn sẽ có một kết luận rất sai lạc về vấn đề. Lắm khi tiếng nói không ngừng nghỉ ấy là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại. Rất nhiều người đang sống trong tình trạng bị tra tấn, bị quấy nhiễu bởi tiếng nói vang vọng này. Họ thường xuyên bị nó công kích, trừng phạt và làm cho tắc nghẽn nguồn sống vui tươi… Đây là nguyên nhân gây ra nhiều khổ sở, bất hạnh cũng như bệnh tật, cả về thể xác lẫn tinh thần cho con người.
Điều đáng mừng là bạn có khả năng thoát ra được sự kiềm chế của thứ trí năng này. Đây mới là sự giải thoát thực sự. Và bạn có thể bắt đầu thực hiện điều đó ngay trong giây phút này.
Bạn hãy thường xuyên lặng lẽ, chú tâm quan sát và lắng nghe tiếng nói vang vọng ấy.
Hãy chú tâm đến những suy tưởng rập khuôn thường có ở trong bạn, những loại suy tưởng đã trở thành một lối mòn, một nề nếp cũ kỹ, lặp đi lặp lại như một chiếc đĩa hát cũ mèm nhưng vẫn còn rên rỉ trong đầu bạn nhiều năm qua. Sự chú tâm đó là cái mà tôi gọi là “quan sát trong yên lặng những suy tư, cảm xúc xảy ra ở bên trong đầu bạn”. Hoặc nói một cách khác:
Hãy lắng nghe, quan sát tiếng nói vang vọng trong đầu bạn một cách tỉnh táo, và sáng suốt. Hãy có mặt ở đó như một chứng nhân.
Khi bạn lắng nghe tiếng nói ấy, hãy lắng nghe với một tấm lòng vô tư, rộng mở, không phán xét, chê bai, hay lên án những gì bạn đang nghe, đang thấy. Vì khi bạn phê phán những gì đang xảy ra tức là bạn đã giúp cho tiếng nói ấy tránh né đi cửa trước, và lén lút chui vào cửa sau tâm thức của bạn. Lắng nghe được như thế, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng: Ồ, bên kia là giọng-nói-vang-vang ở trong đầu và bên này là Tôi; Tôi Đang lắng nghe và quan sát nó. Nhận thức về chủ thể, về cái Tôi Đang Là… ấy chính là cảm nhận sự hiện hữu chân chính của bạn. Điều đó đâu phải là một ý tưởng hão huyền! Nhận thức ấy đến từ một cái gì đó vượt ra ngoài trí năng thông thường của bạn.
-----
Do đó khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng, hay một cảm xúc ở trong bạn là bạn không những đang ý thức về sự hiện diện của ý tưởng, hay cảm xúc đó mà bạn còn ý thức được cả chính bạn, vì bạn đang làm một chứng nhân của ý tưởng/cảm xúc đó. Sẽ có một chiều không gian mới của tâm thức được nảy sinh khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng/một cảm xúc, bạn có thể cảm nhận được một sự hiện hữu có ý thức – một cái gì sâu kín, chân thật của bạn – nằm đằng sau, hay bên dưới những suy-tư-không-chủ-đích kia. Do đó nếu hiện giờ có một ý tưởng đang hiện hữu trong đầu bạn, và từ từ nó sẽ tự biến mất. Vì bây giờ bạn không còn làm cho phần trí năng, hay suy tưởng miên man ấy mạnh lên khi sai lầm tự đồng hóa mình với thứ trí năng hay loại suy tưởng đó. Đây chính là lúc bạn có thể bắt đầu để chấm dứt hẳn lối suy tư, hay cảm xúc không kiểm soát, không có chủ đích của mình.
Khi một ý tưởng như thế lắng xuống, bạn sẽ cảm nhận được một sự gián đoạn trong dòng chảy của những suy tư ở trong đầu bạn – một khoảng hở của tâm thức mà Thiền thường gọi là khoảng trống của Vô Niệm, trạng thái yên tĩnh của Tâm. Đó là một trạng thái tâm thức rất tỉnh táo, sáng sủa, nhưng không hề có những ý nghĩ lo sợ vẩn vơ, vắng bặt những tạp niệm, suy tưởng lăng xăng, miên man không thể dừng lại được ở trong bạn. Thoạt tiên, những khoảng hở Vô Niệm ấy trong dòng chảy liên miên của những suy tư trong bạn vẫn còn rất ngắn ngủi, có khi chỉ trong vài giây thôi, nhưng dần dần, khoảng hở đó sẽ dài hơn. Những khi có một khoảng hở này xuất hiện, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác yên tĩnh và an bình ở trong bạn. Đây là sự bắt đầu của trạng thái tự nhiên, trạng thái hợp nhất với Sự Hiện Hữu mà trước đây nó thường bị trí năng và những suy tưởng miên man, không có chủ đích che mờ. Nhưng với sự thực hành bền bỉ thì khả năng cảm nhận sự yên tĩnh và an bình của bạn sẽ càng ngày càng sâu sắc hơn. Quả thực bạn sẽ khó cảm nhận được hết chiều sâu của mức độ tĩnh lặng và an bình này. Bạn cũng sẽ cảm nhận được một niềm vui mơ hồ toát ra từ trong sâu thẳm của chính bạn: Niềm vui ung dung tự tại với toàn thể đời sống chung quanh bạn.
Tuy nhiên, đấy không phải là một trạng thái mê. Vì không có sự đánh mất ý thức sáng tỏ ở đây. Trái lại, trong trạng thái liên hệ mật thiết nội tại như thế, bạn sẽ trở nên tỉnh giác hơn, sáng suốt hơn là khi bạn ở trong trạng thái tự đồng hóa mình với những suy tưởng miên man, không chủ đích. Và bạn đang có mặt một cách toàn vẹn. Trạng thái này sẽ nâng cao tần số của những trường năng lượng chung quanh bạn, tạo nên một sức sống mới cho cơ thể bạn.
Khi bạn đi sâu vào trạng thái Vô Niệm, trạng thái Không-Có-Những-Tâm-Niệm-Suy-Tư này, như người phương Đông vẫn thường gọi, bạn sẽ nhận ra được một trạng thái tinh chất của Tâm – trạng thái của trực giác thuần khiết. Trong trạng thái tưởng chừng như trống rỗng đó, bạn sẽ cảm nhận sự hiện hữu của mình với một cường độ và niềm vui mãnh liệt, đến độ tất cả những suy tưởng, tình cảm, thân thể cũng như thế giới chung quanh bạn đều trở nên không đáng kể nữa. Tuy nhiên đây không phải là một trạng thái ích kỷ, mà trái lại là khác, vì đó là một trạng thái vô ngã. Trạng thái ấy đưa bạn vượt thoát những gì trước đây bạn cho là bạn, là tự ngã. Sự hiện hữu đó chủ yếu vừa là bạn mà lại vừa to lớn hơn bạn, vượt thoát ra khỏi tầm hiểu biết của chúng ta. Điều này mới nghe có vẻ như rất nghịch lý, nhưng tôi không có cách giải thích nào khác hơn.
Hãy cương quyết chú tâm bền bỉ vào phút giây hiện tại. Thay vì “quan sát những suy tư, cảm xúc ở bên trong bạn”, bạn có thể chọn cách thứ hai để tạo nên một khoảng hở ở trong dòng chảy của tâm tư bằng cách hướng sự chú tâm của bạn vào phút giây hiện tại. Bạn chỉ cần ý thức một cách chăm chú vào phút giây hiện tại thôi đã là một điều thỏa mãn rất sâu xa cho bạn rồi. Vì khi làm như thế, bạn sẽ đưa tâm trở về với mình, rời xa những hoạt náo, và tạo nên một khoảng hở của Vô Niệm trong dòng chảy của tâm tư ở trong đầu, trong khi bạn vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt mà trong đầu không vướng bận suy tư gì cả. Đây chính là tinh yếu của Thiền Tập.
Trong đời sống hằng ngày, bạn có thể thực tập điều này bằng cách làm bất kỳ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình. Những việc mà thông thường bạn chỉ làm chiếu lệ thì bây giờ bạn hãy chú tâm để công việc ấy tự nó trở thành mục tiêu thu hút mọi giác quan của bạn. Ví dụ mỗi khi bạn đi lên, đi xuống cầu thang, bạn hãy tập chú ý đến mỗi bước chân, mỗi động tác, chú ý luôn cả hơi thở của chính bạn. Thực tập như thế nào để sự chú tâm ấy càng ngày càng hoàn thiện hơn. Hoặc khi bạn đang đứng rửa tay, hãy chú ý đến tất cả những cảm giác liên quan đến công việc này: tiếng nước chảy, cảm nhận của bạn với nước, động tác của hai tay bạn, mùi xà phòng v.v… Hoặc khi bạn ngồi vào yên xe, hãy thử ngưng lại một vài giây và lắng nghe nhịp thở của mình. Lúc đó bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một sự hiện hữu yên tĩnh nhưng tràn trề năng lực ở trong bạn. Có một yếu tố mà bạn có thể dùng để làm thước đo sự thành công của bạn trong việc thực tập này: Đó là mức độ an lạc, niềm vui thanh thoát mà bạn cảm thấy ở trong lòng khi làm những việc đó.
-----
Tóm lại trong tiến trình đi tới Giác Ngộ, bước chủ yếu duy nhất là: thực tập để nhất định không còn tự đồng hóa mình với những suy tư, cảm xúc miên man không có chủ đích ở trong đầu mình nữa. Mỗi khi bạn tạo nên được một khoảng hở trong dòng chảy của những suy tư ở trong đầu, ánh sáng của tâm thức bạn sẽ càng tỏa sáng rộng hơn.
Một hôm nào đó bạn sẽ bắt gặp mình đang mỉm cười với giọng nói vang vang ở trong đầu, như bạn đang mỉm cười khoan dung với cái ngây ngô của một đứa trẻ thơ. Điều này có nghĩa là bạn đã thành công, bạn không còn quan tâm một cách nghiêm túc đến nội dung những ý tưởng, hoặc cảm xúc miên man, không có chủ đích luôn hiện diện trong đầu bạn nữa. Bạn đã không còn phụ thuộc vào chúng, cũng không còn sai lầm khi cho rằng những thứ đó chính là mình.
-----
GIÁC NGỘ: THOÁT KHỎI HAY VƯỢT LÊN TRÊN NHỮNG SUY TƯỞNG,
CẢM XÚC MIÊN MAN
Có phải những dạng suy tưởng ấy là thiết yếu để con người tồn tại?
Thật ra trí năng chỉ là một công cụ, một phương tiện của bạn mà thôi. Trí năng sinh ra là để cho ta sử dụng vào một công việc chuyên biệt nào đó, và khi đã xong việc, ta hãy buông thứ công cụ này xuống. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ chừng 80 đến 90% những suy tưởng của con người, không những là những thứ lặp đi lặp lại mà thực ra còn rất vô bổ, vì bản chất nó vốn đã mang tính tiêu cực. Đa số những suy tưởng kiểu ấy rất có hại cho ta. Hãy cảm nhận trong tâm bạn, bạn sẽ thấy điều này là đúng. Những suy tưởng, cảm xúc miên man ấy thường làm cho nguồn năng lượng trong bạn bị tiêu hao, lãng phí.
Lối suy nghĩ không kìm hãm được ấy thực ra là một chứng nghiện ở trong ta. Vậy thì sự nghiện ngập này có những đặc tính gì? Đơn giản chỉ là: bạn không còn cảm thấy rằng bạn có cách chọn lựa nào khác khi muốn chấm dứt thói quen bất trị ấy. Cơn ghiền ấy mạnh hơn bạn. Sự nghiện ngập ấy thường tạo cho bạn một ảo giác thỏa mãn, thứ thỏa mãn sau đó rất nhanh chóng biến thành một nỗi khổ.
Tại sao chúng ta không thể bỏ được thói quen suy tư?
Vì bạn tự đồng hóa mình với thói quen ấy, vì bạn cho rằng mình chỉ là nội dung và những hoạt động của suy tư. Vì bạn tin rằng mình sẽ không còn là chính mình nếu bạn ngừng lại những suy tư. Khi bạn sinh ra, lớn lên và đi qua giai đoạn trưởng thành, nói theo nghĩa thông thường, bạn thường tạo dựng trong đầu mình một hình ảnh về bản thân, tùy thuộc vào những điều kiện, tính cách, văn hóa, v.v… mà bạn đã tiếp thu. Đó là quá trình tạo nên một cái tôi giả tạo. Chúng ta gọi cái tôi giả tạo này là tự ngã. Tự ngã ấy bao gồm những suy tư, cảm xúc lo lắng, bất an, và tự ngã ấy chỉ được duy trì bằng những suy nghĩ liên miên. Hai chữ tự ngã có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, nhưng tôi sử dụng ở đây với nghĩa là một cái tôi giả tạo, tạo nên bởi sự tự đồng hóa mình một cách vô ý thức với những suy tư, cảm xúc miên man.
Đối với tự ngã, phút giây hiện tại hầu như chẳng bao giờ hiện hữu. Chỉ có quá khứ và tương lai mới được xem là quan trọng. Sự nhầm lẫn một cách toàn diện này chịu trách nhiệm cho tính chất không hoàn thiện trong quá trình tư duy của tự ngã. Vì nó chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để bảo vệ sự sống còn của quá khứ, vì khi không còn quá khứ thì bạn là ai? Tự ngã thường xuyên phóng chiếu tự thân nó vào tương lai để đảm bảo sự tồn tại của nó được tiếp tục và tự ngã luôn tìm một sự thoát ly hoặc đáp ứng gì đó. Tự ngã thường tuyên bố: “Sẽ có một ngày khi chuyện này, hoặc chuyện kia xảy ra, tôi sẽ được toại ý, sẽ hạnh phúc và bình yên”. Ngay cả khi tự ngã có vẻ như là có quan tâm đến hiện tại, thì đó cũng chưa phải là thứ hiện tại đích thực: Nó hoàn toàn hiểu sai hiện tại vì tự ngã luôn luôn chỉ nhìn hiện tại qua một thứ lăng kính của quá khứ. Hoặc có khi tự ngã giảm thiểu phút giây hiện tại cho đến khi hiện tại chỉ còn là một phương tiện không hơn không kém để tự ngã đạt bằng được mục tiêu, mà mục tiêu đó lại nằm trong loại tâm thức phóng chiếu về tương lai. Hãy quan sát tâm bạn và bạn sẽ nhận thấy rằng đây chính là cách vận hành của tự ngã. Phút giây hiện tại nắm giữ chìa khóa giúp bạn đạt tới giải thoát. Nhưng bạn đồng hóa mình với loại suy tư, cảm xúc miên man, không có chủ đích và không lối thoát ấy.
Tôi không muốn đánh mất khả năng phân tích và phân biệt. Tôi không ngại học hỏi thêm cách suy nghĩ trong sáng hơn, có sức tập trung hơn, nhưng tôi hoàn toàn không muốn đánh mất khả năng tư duy ấy như ông đã nói. Tôi nghĩ rằng khả năng suy tưởng là một món quà quý báu nhất mà chúng ta có, vì nếu không, chúng ta cũng chỉ là một loài sinh vật sống theo bản năng, đúng không?
Sự chiếm ưu thế của loại suy tư, cảm xúc miên man, không chủ đích này chỉ là một giai đoạn cần thiết mà chúng ta phải trải qua trong quá trình tiến hóa của tâm thức nhân loại. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải khẩn cấp đi tới giai đoạn kế tiếp; nếu không thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt vì thứ trí năng này. Tôi sẽ nói thêm một cách chi tiết hơn về đề tài này sau. Nên biết Trực giác và Suy nghĩ (tư tưởng) không phải là đồng nghĩa. Suy nghĩ chỉ là một trạng huống nhỏ của Trực giác (cái Biết trực tiếp). Suy nghĩ không thể có được nếu không có Trực giác, nhưng Trực giác thì không cần đến Suy nghĩ (chẳng hạn nhìn cảnh đẹp thì ta biết ngay cảnh đẹp, không phải nhờ suy nghĩ mới biết).
Giác ngộ có nghĩa là vượt lên trên những suy tưởng, cảm xúc miên man, chứ không phải là rơi tuột trở lại bên dưới những suy tư – mức độ tâm thức của loài vật và cỏ cây. Trong trạng thái giác ngộ, bạn vẫn có thể sử dụng trí năng khi cần thiết, nhưng lúc đó trí năng sẽ được sử dụng với sự chuyên chú và có hiệu quả hơn trước đây. Bạn sẽ sử dụng nó cho những mục đích rất thực tiễn, nhưng bạn sẽ có tự do, không còn bị lôi kéo vì những mẩu phiếm đàm ở trong đầu, ngoài ý muốn của bạn và bạn đang có sự hiện diện của niềm tĩnh lặng ở trong nội tâm của bạn. Khi bạn sử dụng trí năng, nhất là khi bạn cần tìm ra một giải pháp sáng tạo, bạn sẽ dao động nhu hòa trong một vài phút giữa hai trạng thái: tư duy và sự tĩnh lặng, giữa Tâm và Không-Tâm. Vì Không-Tâm là một trạng thái của tâm khi nó không bị những tâm tư, suy tưởng miên man đến quấy nhiễu. Chỉ trong trạng thái đó thì ta mới có thể tư duy một cách sáng tạo được, vì trong trạng thái đó, tư tưởng ta mới có năng lực cao nhất. Những ý tưởng đơn thuần mà không xuất phát từ một chiều không gian cao rộng của tâm thức sẽ nhanh chóng trở thành những ý tưởng khô khan, điên khùng và đầy tính hủy diệt.
Trí năng chủ yếu chỉ là một động cơ sinh tồn, có khả năng tấn công và bảo vệ chính nó, chống lại những biểu hiện tâm tư, tình cảm khác ở trong đầu ta. Trí năng thu lượm, lưu trữ, và phân tích dữ liệu – đây là thế mạnh của trí năng, nhưng thật ra nó chẳng có một tí khả năng sáng tạo nào. Tất cả những nghệ sĩ chân chính, dù họ có biết như thế hay không, đều sáng tạo từ một nơi chốn của Vô Niệm, tâm thức khi không bị vướng bận bởi suy tư, tức là từ sự tĩnh lặng của nội tâm. Sau đó trí năng của nhà nghệ sĩ mới bắt đầu hoạt động để định hình cho những gì đã được sáng tạo từ những cái thấy vỡ toang – một sự thấu suốt sâu xa. Ngay cả những nhà khoa học tài ba cũng đều biết rằng những phát minh vĩ đại, những sáng tạo có tính đột phá chỉ đến vào những lúc có sự tĩnh lặng hoàn toàn của trí năng. Kết quả bất ngờ của những thăm dò trên toàn nước Mỹ về những nhà toán học lớn, kể cả Einstein, để tìm ra phương pháp làm việc của họ, nhận thấy rằng: “Trí năng chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong quá trình ngắn ngủi nhưng quyết định của quá trình sáng tạo”.
Không phải qua trí năng, qua tư duy mà xuất hiện sự sống trên địa cầu, không phải qua trí năng mà cơ thể bạn đã được sáng tạo và duy trì. Rõ ràng có một cái Biết đang được biểu hiện vượt lên trên khả năng giới hạn của trí năng. Làm sao mà một tế bào của con người, đường kính chỉ bằng một phần ngàn cm, lại có thể chứa những thông tin trong nhiễm sắc thể tương đương với lượng thông tin của 1.000 cuốn sách, mỗi cuốn dày 600 trang? Càng học và hiểu thêm về cách vận hành của cơ thể, chúng ta càng nhận thức rằng sự bao la của cái Biết đang được biểu hiện bên trong và những điều hiểu biết của chúng ta thật là hạn hẹp. Khi trí năng nối lại được sợi dây liên lạc với cái Biết đó, thì trí năng sẽ trở thành một công cụ tuyệt hảo. Lúc đó, trí năng sẽ phục vụ cho một cái gì đó cao cả hơn tự thân của nó