Video* 20/10: Hãy thương yêu vợ đúng cách - CỐ THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH (1969 - 2018)
Nhân dịp, thời thuyết pháp khai giảng khóa tu thiền niệm Phật lần 64 tại Thiền viện Thiện Minh với chủ đề Hãy thương yêu vợ đúng cách. Chúng tôi giảng bài pháp này nhằm mục đích giới thiệu cho các anh chị em Phật tử, bà con, cô bác sẽ biết được năm pháp mà Đức Phật đã dạy một người chồng phải cư xử tốt với người vợ. Đồng thời qua bài pháp này, chúng tôi cũng sẽ cho in thành một quyển sách nhỏ để gửi tặng các anh chị. Trong lúc mình nằm ở nhà, trên võng đong đưa, uống cà phê, uống trà có thể nghiền ngẫm qua sách vở hoặc mình đi hành hương trên xe có thể mang theo đọc những lời dạy của Đức Phật.
Cuộc sống hạnh phúc hơn Vua và Hoàng hậu khi hiểu điều này “hãy thương yêu vợ đúng cách” |
Kính thưa toàn thể đại chúng,
Hôm nay là khóa tu niệm Phật lần thứ 64, chúng tôi thuyết bài pháp khai mạc với chủ đề ‘hãy thương yêu vợ đúng cách’. Trong khóa tu thiền niệm Phật, thuyết đề tài này ở một chừng mực nào đó không hợp lý. Sở dĩ chúng tôi chọn bài này vì trước đây chúng tôi có xuất bản quyển sách do chúng tôi biên dịch có tựa đề Hãy thương yêu con đúng cách. Quyển sách này xuất bản nhiều, phổ biến sâu và các anh chị ở đài truyền hình, truyền thanh Việt Nam phát tâm đọc để quý Phật tử có thể nghe trong máy, radio, băng đĩa, hay thậm chí chúng ta lên mạng vào youtube cũng nghe được. Khi xuất bản quyển đó xong, chúng tôi có tặng cho một anh Tâm Phật tử ở Vũng Tàu. Anh nhìn tựa sách xong nói đề nghị sư mai mốt có dịp thực hiện quyển nữa, đó là “hãy thương yêu chồng đúng cách”. Chúng tôi nghĩ trong bụng chắc ông này bị vợ ăn hiếp lắm hay sao mà đề nghị xuất bản quyển sách có tựa đề “hãy thương yêu chồng đúng cách”. Chúng tôi cũng đáp lại lời đề nghị của anh, chúng tôi cũng thực hiện quyển đó xong rồi nhưng chưa có phổ biến. Có quyển Hãy thương yêu chồng đúng cách thì cũng phải có quyển “hãy thương yêu vợ đúng cách” cho công bằng.
*Mời quý vị nghe bài pháp thoại Hãy thương yêu vợ đúng cách do Cố Đại đức Thiện Minh chia sẻ
CỐ THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH
(1969 - 2018)
|
Mặc dù chúng ta tu thiền niệm Phật nhưng quý vị ở đây ai cũng có gia đình. Gia đình của mình hạnh phúc, chồng và vợ có hạnh phúc thì việc tu của mình mới tốt. Giống như quý vị có chồng, có vợ, có con, bầu không khí trong gia đình ấm áp, hòa thuận và hạnh phúc thì giúp cho việc tu của chúng ta tiến bộ hơn. Chứ mình đi chùa, tu thiền niệm Phật tâm bình yên, an vui nhưng khi mình trở về nhà chồng và nhà vợ đang có chiến tranh lạnh, gặp mặt nhau thì né hay nói chuyện thì nhìn chỗ khác không à, không nhìn thẳng vào mặt vợ hoặc chồng, đang có sự xung đột bất đồng quan điểm mà mình chưa giải quyết được, chưa thông cảm được nên bầu khí trong gia đình nặng nề. Nếu bầu khí trong gia đình nặng nề mà chồng và vợ giải quyết không xong thì nó tạo nên một trái bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Cho nên,chúng ta phải tìm cách tháo gỡ như người ta gài mìn thì mình phải có chuyên gia đi tháo mìn để cho trái mìn đó không nổ. Gia đình của mình bị xung đột, hiểu lầm mà mình chưa hòa thì mình cũng nên tìm cách tháo gỡ. Cái tháo gỡ đó là mình phải hết sức bình tĩnh, chính mình phải tháo gỡ, chính mình phải xây dựng sự thông cảm. Nếu trường hợp mình tháo gỡ không được thì mình phải nhờ các bậc cha mẹ, mời những người bạn thân thương tháo gỡ, mà nếu không tháo gỡ được nữa thì đành thôi chịu theo duyên phận. Cho nên, có nhiều cặp vợ chồng tháo gỡ không được thì tiến tới ly thân, tiến tới ly dị, v.v… rồi mỗi người mỗi nơi. Đó là nỗi buồn chán cho những gia đình gặp những chướng duyên như vậy!
Tác giả Sương Sương trong bài thơ Ly hôn đã nói lên tâm trạng của những gia đình đổ vỡ:
Hai mái đầu cúi xuống vẫn trầm ngâm
Chỉ còn đây khoảng lặng thinh ở giữa
Hai trái tim giờ chia thành hai nửa
Nửa kêu gào, nửa chua xót lặng câm…
Bởi vì đâu khi hạnh phúc ly tan
Tờ ly hôn vứt ngang nằm lặng lẽ
Giấc mơ xưa không còn như tranh vẽ
Đã hoen màu hoen úa những tàn tro?
Những hờn giận, những chuyện bé xé to
Những lo âu ai chờ ai đêm trắng
Những cơn say, những hờn ghen thầm lặng
Những chân tình thay bằng những dối gian…
Bao lỡ làng, bao ngọt đắng trái ngang
Nay lặng thinh…hai mái đầu ũ rũ
Lời dịu dàng thương yêu…bao ngày cũ?
Đã phai dần theo cơn lốc thời gian?
Hai mái đầu vẫn cúi thấp miên man
Như đắn đo giữa bao điều như thế
Tờ ly hôn gió vụt qua rơi nhẹ
Vẳng cung buồn khi hạnh phúc vỡ tan!
Sự thật của gia đình ly hôn là thế đó. Các anh chị phải hiểu thật rõ và phải biết trân trọng hạnh phúc của gia đình mình. Các anh chị phải thường xuyên quan niệm gia đình hạnh phúc, các con sẽ hạnh phúc; gia đình tan vỡ, các con sẽ bất hạnh, xã hội mang gánh nặng, tội phạm sẽ xuất hiện.
Ở trong kinh, Đức Phật dạy có 5 pháp mà người chồng phải có đối với người vợ. 5 pháp này nếu chúng ta có thực hành, người chồng có thực tập đối với vợ thì sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình tốt đẹp hơn.
5 pháp đó là:
1) Đối xử hòa ái
2) Không bạc đãi khinh khi
3) Một dạ chung thủy
4) Giao quyền nội chính
5) Tùy khả năng mua sắm tư trang.
Đó là 5 lời Phật dạy có giá trị đạo đức học rất là xưa trong kinh điển dành cho những chàng thanh niên, những người nam phải cư xử tốt đối với người vợ trong gia đình. Ở trong 5 điều này, chúng ta cũng cảm nhận chưa lỗi thời trong thời buổi đương đại. Đức Phật ngài dạy cho chúng ta giáo lý giải thoát, nhưng ngài cũng còn dạy người nam phải có bổn phận đối với vợ.
Trong thời giảng này, chúng tôi có bổn phận giải thích, chứng minh để những thanh niên có bổn phận sống tốt với vợ nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc trong cuộc sống.
Điều thứ 1 là đối xử hòa ái
Đây là 1 yếu tố rất quan trọng. Người nam mà không có cử chỉ, lời nói hòa ái với người vợ thì dễ bị xung đột. Ái ngữ là điều rất quan trọng.Mình mà ăn nói lục cục, lòn hòn, giận dữ, sân si, bộc trực sẽ tạo nên không khí căng thẳng trong gia đình. Cho nên, người Phật tử phải thiết lập cho mình có một lời nói hòa ái. Quý vị để ý nếu có người đang bực mình, sân si với mình mà quý vị cứ giữ thái độ, lời nói hòa ái, nhẹ nhàng thì đó cũng là một hình thức giúp cho bầu khí trong gia đình nhẹ nhàng. Cho nên, Đức Phật dạy phải có lời nói ái ngữ, dịu dàng, không mang tính độc ác, lời nói nói ra mang tính chân thật và những lời nói mang tính khiêm tốn, từ bi hỷ xả. Cho nên, nếu chàng thanh niên, một người nam có lời nói hòa ái thì đó là chất liệu đầu tiên để xây dựng hạnh phúc gia đình.Tác giả: Ngạo Thiên, trong bài Miệng đời giúp cho chúng ta có tầm nhìn thoải mái ung dung giữa cuộc đời. Tất cả buồn phiền u tư xuất phát từ tâm giận hờn, quan niệm cục bộ, quan kiến cố chấp. Chúng ta phải tập buông xả, thông cảm và tha thứ. Bài thơ này đã mô tả khá tốt cho chúng ta cách sống đó.
Miệng đời nào nuôi ta lớn
Thói đời bạc bẽo, răn dạy ta khôn.
Người đời thích nói sướng mồm
Miệng tạo thêm nghiệp, chẳng phiền để tâm.
Thôi thì ta cứ giả câm
Không nghe không thấy, lỗi lầm thứ tha.
Cuộc đời dể hiểu thôi mà
Nhìn hình đoán chữ, mới là hanh thông.
Tự tâm cởi mở tấm lòng
An nhiên tự tại, cảm thông cho đời.
Ai ơi xin nhắn đôi lời
Đừng vội phán xét, cuộc đời người ta.
Lời xấu từ miệng thốt ra
Nghiệp từ cửa miệng, do ta tạo thành.
Hoa thơm hương ngát vây quanh
Lựa lời mà nói, cho xanh cõi lòng.
Điều thứ 2 không được bạc đãi khinh khi
Trong đời sống, vợ chồng cực khổ thì chịu đựng được nhưng khinh khi nhau thì khó chịu được. Trong dân gian có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Mình hình dung ra râu tôm là cái thứ đâu ai ăn, ruột bầu già cũng không ai ăn, mà râu tôm lại nấu với ruột bầu thì mình biết gia đình này khó khăn quá đi, nhưng mà chồng chan vợ húp gập đầu khen ngon. Cho nên, ý của câu thơ này nói lúc mình khó khăn, hàn vi, cực khổ trong đời sống nhưng mà vợ chồng thương nhau, quý nhau cho nên cái gì ăn cũng được, nghèo cũng chịu được, cực khổ cũng chịu được, đắng cay cũng có thể chịu dựng được. Nhưng mà người vợ bị người chồng khinh khi, nhất là việc phân biệt giàu nghèo, đó cũng hơi bị khó chịu. Chẳng hạn như gia đình chồng giàu quá, gia đình bên vợ nghèo, khó khăn mà bây giờ từ cha mẹ chồng, anh em chồng, quyến thuộc chồng mà ngó mình mà như hiện thân của cái gì đó hay từ thái độ, cử chỉ có vẻ bạc đãi, khinh khi thì người vợ cũng khó sống. Cho nên, người chồng phải biết tôn trọng người vợ của mình. Nhưng để mình xóa đi cái ngăn cách này thì người nam phải có bản lãnh, người nam phải có tầm nhìn, người chồng phải có cư xử cao thượng thì mới thoát ra khỏi hàng rào gọi là môn đăng hộ đối. Mặc dù mình thấy trong xã hội bây giờ vấn đề môn đăng hộ đối không quan trọng nữa nhưng trong đời sống thực tế vẫn còn nhiều sự cản trở mà nếu người chồng vượt qua được thì là những người có ý thức cao, có học thức, có tầm nhìn lớn và có tình thương lớn. Cái đó là do ý thực hệ của chúng ta. Nếu mình không vượt qua hàng rào này thì gia đình của mình dễ bị đổ vỡ.Đức phật có dạy trong kinh Từ bi:
"Chúng sanh dù yếu mạnh
Lớn nhỏ hoặc trung bình
Thấp cao không đồng đẳng
Hết thảy chúng hữu tình
Lòng từ không phân biệt".
Điều thứ 3 đó là một dạ chung thủy
Vợ và chồng mà không có yếu tố chung thủy thì gia đình cũng băng hoại, nhất là mấy ông đàn ông. Đàn ông mình bay bướm lắm.vCỡ các chú, các bác đây mà vô đây ngồi nghe pháp được cũng là dạng cao thủ á, tức là có tâm tu, tâm tốt chứ giờ này ở ngoài là anh 1 ly, em 1 ly, uống 5 ly 10 ly là mày 1 ly, tao 1 ly. Phải hong các bác? Bây giờ mình tu rồi, tự nhiên mình thấy cuộc sống này nó ít ham muốn mấy cái thứ vô bổ. Mình vào chùa, ăn chay, niệm Phật đó cũng là một sự chuyển hóa.Phật dạy trong kinh Hạnh phúc:
"Xả ly tâm niệm ác
Chế ngự không say sưa
Trong pháp không phóng dật
Là phúc lành cao thượng".
Quý vị để ý khi mà mình đi chùa, mỗi người chúng ta có sự chuyển hóa rất lớn, nhất là tâm bao dung mình có. Và chúng ta đi chùa ăn chay, niệm Phật là yếu tố tâm tu mình có thì sự chung thủy mình có. Được biết,theo luật nhà nước chúng ta là tháng 7 năm 2016 có điều luật, ngoại tình sẽ áp dụng. Sau này, người nào ngoại tình mà có chứng cứ cụ thể thì hình như bị phạt 3 hoặc 5 triệu đồng và cũng có khả năng bị tù 3 hoặc 5 năm. Cho nên, chúng ta thấy rằng điều luật đó nói lên vấn đề chung thủy được Đức Phật đã giảng dạy trong kinh điển mà người phật tử đã áp dụng từ thế kỷ thế 6 trước công nguyên. Các đời vua chúa ngày xưa, quý vị đọc lịch sử của vua Minh Mạng, nhà vua có hơn 500 bà vợ, và một số vị vua khác có rất nhiều vợ, rồi những người thanh niên theo tôn giáo khác có quyền lấy 4 bà vợ. Họ qua sống ở xã hội Tây phương như Pháp thì họ cũng có 4 bà vợ nhưng nhà nước công nhận có 1 bà thôi, 3 bà kia không công nhận. Đứa nhỏ sanh ra đời sẽ mất đi nhiều quyền lợi của xã hội nên lớn lên không được giáo dục tốt, xa lạ với xã hội Tây phương vì chưa thừa nhận nó là đứa con thực thụ có cha và mẹ. Vì vậy, những đứa này lớn lên trong sự gọi là không hòa đồng như vậy nên xã hội Pháp tới bây giờ còn nhiều phức tạp. Tội cướp giật, giết người, cướp trên xe buýt rất phổ thông. Mà tất cả những tệ nạn này xuất phát từ những đứa con do luật của một ít tôn giáo trên thế giới công nhận có 4 bà vợ mà xã hội lại công nhận 1 mà thôi. Họ công nhận ở dạng khác nên chế độ giáo dục, y tế, xã hội bị thiếu dẫn đến việc đứa nhỏ này lớn lên bị thiếu đủ thứ hết nên tệ nạn xảy ra. Bên Pháp, thường những người này bị người ta kêu là ‘Riệp’ vì họ đen thui à. Nhiều khi mình đi Metro trên xe, nói chuyện điện thoại, xe vừa mở cửa thì mấy ông Riệp này lấy luôn. Đó là thực tế. Chúng ta nói như vậy là xuất phát từ vấn đề trong đời sống vợ chồng có đa số những cặp vợ chồng sống ly thân, ly dị ở xã hội Tây và Việt Nam đều xuất phát từ vấn đề không chung thủy, nhiều vợ, lắm bồ. Xã hội Tây ly dị rất phổ thông. Đến một lúc nào đó, họ cảm thấy chán sự kết hôn, rồi họ thích thì chung sống với nhau nên họ không quan trọng vấn đề hôn nhân gia đình. Ở Việt Nam, nếu điều luật ngoại tình không ra đời thì Việt Nam sau này ly thân và ly dị phổ thông giống như xã hội Tây và sẽ dẫn đến sự phức tạp. Luật cấm ngoại tình mà được chính thức đưa vào trong luật là điều tốt cho những gia đình tại Việt nam.
Thơ Chức Nữ trong bài Ngoại tình đã nói lên nỗi lòng của người không chung thuỷ và kết quả của nó:
Cõi trần gian là vô vàn khuôn khổ
Đường tình yêu vào hố thẳm, nguồn thương
Biến không trung thành cửa ngõ thiên đường
Mời ân ái rõ ràng trong dự kiến.
Đêm nghiệt ngã ai một lòng dâng hiến
Bởi khát khao hai tiếng nói ân tình
Ngẫm dòng đời hoang tưởng phút điêu linh
Nên chẳng trách dẫu tình người mất được
Trên dương thế trời bắt cầu ô thước
Dẫu bao mùa mưa gió chẳng buồn thôi
lặng lẽ thầm mơ tưởng những xa xôi
Nên ký ức vẫn miệt mài trông ngóng
Rồi toan tính mỗi đêm bù khoảng trống
Gẫm phù dung lạc giữa chốn phồn hoa
Biết ngoại tình giây phút cũng lìa xa
Ôm cay đắng mãi đong đầy thất vọng
Khi choàng tỉnh trái tim bừng sức sống
Biết còn tin số mệnh lưới trần gian
Cõi nhân sinh lầm lạc chốn thiên đàng
Chua xót lắm hỡi con trời tội lỗi....
Điều thứ 4 giao quyền nội chính cho vợ
Mỗi một nước có một nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn bên Ấn Độ thì người nữ cưới người nam, rồi sau đó có của hồi môn về chung sống thì người nam lo hết, người nữ không làm gì hết. Cho nên chúng ta đi bên Ấn thấy từ khách sạn, buôn bán ngoài chợ rồi cơ quan công ty đa số người nam làm hết, mình không thấy bóng dáng người nữ, vô sân bay thấy mấy ông đàn ông làm không à. Cho nên, mẫu hệ là người nữ đi cưới người nam, sau đó người nam về còng lưng làm. Còn ở Việt Nam thì người nam đi cưới người nữ. Đa số người nữ phụ thuộc người nam cho nên có câu: "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Câu đó nói lên việc tại gia mình theo sự dạy dỗ của cha, lấy chồng thì nghe lời chồng, chồng chết lại tòng con trai. Người phụ nữ trong gia đìnhcó quyền nội chính mà mình không giao thì cũng mất đi quyền lợi của họ. Mà người nữ lại thích quản lý bếp núc, nhà cửa, vườn tược, rồi người ta đi về nhà chồng, người ta làm dâu mà mình lại không giao quyền cho người ta thì ở một góc cạnh nào đó giống như mình xem thường, mình không có tin người ta. Giống như ở trong chùa, người ta bỏ nhà, bỏ cửa đi đến đây mà mình hắt hủi, không tin tưởng, mình không dám giao quyền cho người ta; mà mình đã giao quyền cho người ta rồi mà người ta xầm xì, ganh tỵ, nói ra nói vô mà mình lại không bảo vệ, không che chở, không nâng đỡ và mình không có khéo giải quyết thì hỏng hết. Cho nên, người vợ về sống bên chồng, làm dâu ở bên cha mẹ chồng thì mình phải giao quyền hành việc nội trợ cho họ, thậm chí giao tài sản, những cái gì cần thiết cho họ để tạo sự tin tưởng. Khi mình tin tưởng họ rồi thì họ mới nhiệt tâm nhiệt sức bỏ hết khả năng của họ ra để lo cho gia đình. Cho nên, phải giao quyền nội chính. Bây giờ người ta về người ta làm, người ta xuống bếp mà mình cũng không cho, rồi mình cũng không giao tiền bạc cho người ta đi chợ, mua lặt vặt, ăn uống v.v… là thiếu sự tôn trọng, thiếu quan tâm nhất là không tin tưởng. Sống trên cuộc đời này, mình phải tin tưởng với nhau nhất là trong đời sống vợ chồng. Quý vị không tin tưởng, xem như thiếu lòng tin đó là sự dễ bị dẫn tới hệ quả không tốt.Tác giả Phạm Hoàn trong bài thơ “Xin lỗi vợ yêu” đã mô tả khá tốt chân dung người phụ nữ hiền lành, chất phát, nguyện suốt đời phụng sự cống hiến cho gia đình, khiến những người nam có tâm ý không tốt cũng phải quay đầu hướng thiện.
Trong cuộc sống bao điều vất vả
Những khó khăn vợ đã tảo tần
Đắp xây hạnh phúc tình thân
Chẳng hề than thở ân cần phút giây
Tháng năm đã hao gầy vai nhỏ
Mà không lời than khó kể gian
Dẫu cho vất vả trăm ngàn
Vợ chưa hề biết thở than một lời
Không một phút thảnh thơi là vậy
Miễn sao là ai đấy đều vui
Gia đình hạnh phúc ngọt bùi
Bàn chân mãi bước chẳng lui vững vàng
Xin lỗi đã chót mang mộng ảo
Khiến vợ buồn động não trầm tư
Giờ đây chồng hứa sẽ từ
Bỏ đi những thứ ảo hư cuộc tình
Ngày mai tới bình minh sẽ rạng
Mãi cùng nhau ngày tháng đẹp tươi
Ấm êm hé nở nụ cười
Như ngày ấy thuở đôi mươi hẹn thề.
Thứ năm là tùy khả năng mua sắm tư trang
Đây là chuyện tế nhị nhưng mà chúng tôi thấy Đức Phật cũng đưa ra những vật sắm mà trong những ngày lễ cũng phải mua quà tặng vợ, vào ngày sinh nhật cũng có lời chúc hay vào dịp ngày cưới cũng có quà, một giỏ hoa để giúp bầu khí trong gia đình được tốt đẹp.Em là bà xã hiền lương
Như bao cô gái bình thường mà thôi
Chẳng son phấn chẳng tô môi
Body chẳng dẹp đầu môi sỗ sàng
Nhưng em từng bước vững vàng
Như cây đại thụ bóng vàng chiều oi
Anh không thiếu được em rồi
Bên em ngây ngất nụ cười tin yêu
Chăm chồng, con nhỏ sớm chiều
Gối tay ấp ủ tim yêu ngọt ngào
Bàn tay dào dạt lao xao
Dẫn tôi vào lối ngạt ngào hương mê
Tôi như trong mộng cõi mê
Môi nàng ẩm ướt tràn trề lòng tôi
Bên nàng mê đắm trong tôi
Hang sâu dẫn lối tình tôi trao nàng
Vợ chồng ăn ý nhịp nhàng
Bao cung cầm sắt rộn vang tiếng cười
Em là bà xã tuyệt vời
Không em là cả cuộc đời khó khăn.
Tác giả Trời Đất trong bài thơ khen tặng vợ ở trên, đó cũng là phần thưởng, quà tặng cho người vợ mọi lúc mọi nơi. Cám ơn, xin lỗi, khen tặng người vợ đúng lúc cũng là món quà vô cùng quý giá cho người vợ thân yêu trong gia đình của quý anh chị em.…
Bài Học Giá Trị luân Lý trong Gia Đình
5 điều này, Đức Phật dạy trong kinh điển Pāḷi, Tăng chi bộ kinh, để thấy là rất cần thiết của người chồng đối với người vợ.vChúng tôi có quen gia đình đó, cô Phật tử này đi chùa bên quận 9. Hồi xưa sống tốt, có trách nhiệm với gia đình rồi lại lo lắng trong gia đình. Từ lúc cô đi chùa thì bắt đầu lơ là việc trong gia đình, thiếu sự quan tâm với những đứa con trong nhà nên gia đình mới điện thoại đến chúng tôi nhờ khuyên cô dùm. Quý vị biết là khuyên những điều này dễ bị ăn đạn lắm vì mình chưa được hai bên đang có mâu thuẫn thế nào, rồi mình cũng phải tìm hiểu người Phật tử này đi chùa làm gì, họ đóng góp gì cho chùa đó, tức là đến tham dự khóa tu hay gì đó v.v.., mình phải hiểu. Rồi mình phải nói chuyện với cô đó để hiểu cô đó có những khó khăn gì. Từ đó mình mới có những lời khuyên thì chúng tôi nghĩ nó hợp lý hơn. Nhưng trước nhất thì chúng tôi nghĩ làm gì làm, tu đâu thì cứ tu nhưng không thể nào là mình đi chùa mà mình thiếu trách nhiệm đối với chồng, với vợ, với con và với công việc trong gia đình. Mình bỏ bê mọi thứ cũng không tốt. Cho nên, mình tu vẫn tu nhưng trách nhiệm đối với gia đình, công việc phải vuông tròn.
Yếu tố để xây dựng hạnh phúc gia đình giữa người chồng đối với vợ là yếu tố thông cảm và tha thứ. Đó là 2 yếu tố rất cần thiết. Nếu mình thiếu hai yếu tố thông cảm và tha thứ thì khó mà xây dựng. Cho nên,chúng ta đi chùa niệm Phật, ngồi thiền để huân tập tâm từ bi hỷ xả, để giúp ta có sự thông cảm và tha thứ cao, để làm cho gia đình chúng ta được an vui hạnh phúc. Và người chồng, người vợ cũng phải có một tầm nhìn và tâm tư lớn hơn, chẳng hạn mình có con, có cháu mà vợ chồng mà còn nhiều sự đố kỵ, ngăn cách với nhau mà mình chưa tháo gỡ được thì đó là điều xấu cho con và cháu mình. Những bậc làm cha mẹ phải nghĩ đến chiều sâu đó. Cho nên, có giận vợ, ghét chồng mà mình nghĩ đến những đứa con còn thơ dại của mình, những đứa con đang còn đi học, đang đi làm mà thấy bố mẹ không hạnh phúc, ngột ngạt, căng thẳng thì mình phải hàn gắn lại chứ nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống giáo dục con em mình, cháu chắt của mình.
Và mỗi người chúng ta, người nam và người nữ phải có chất liệu để tu, nhờ tu nên tâm mình bớt đi tính độc ác, ích kỷ, nhỏ mọn và kiêu căng. Chúng tôi có xem một cảnh tượng người mẹ mà dùng con dao chặt cái đầu con mình 4 tuổi mà cái đầu rớt xuống ngọt sớt. Mình nhìn cảnh đó mà hãi hùng. Vấn đề đơn giản là đứa con 4 tuổi mình còn quá thơ dại mà phát ngôn những lời nói khó nghe, rồi do si mê, ái dục nhiều quá nên bà mẹ làm rơi đầu đứa con một cách vô tội. Một anh chàng thanh niên nọ có một miếng ruộng, cấy xanh tươi. Một hôm có con trâu vào miếng ruộng đó ăn. Ông chủ con trâu cũng là nhà hàng xóm. Anh này thấy trâu vào trong đám ruộng mình ăn nên anh cầm rựa chặt 2 cái giò con trâu đứt lìa ra khỏi mình. Con trâu có 4 cái giò mà bây giờ chặt 2 cái giò rồi nên nó nằm đơ. Còn ông chủ trâu già rồi, 60, 70 tuổi rồi mà ổng đau khổ, nghiến chịu. Ở làng quê, con trâu là tài sản lớn của gia đình ổng nuôi cả gia đình mà giờ nó đứt 2 cái chân rồi, nó nằm đó thành con trâu vô dụng. Anh chàng đó thì mình nghĩ ảnh cũng có cái lý của ảnh, vì đất của mình, tài sản của mình, mình gieo mạ xanh tươi rồi bây giờ nó vô nó phá thì ảnh cũng có cái nỗi khổ của ảnh, túng quẫn, rồi lại dân nông thôn, nóng nảy quá cho nên dẫn đến hành động tàn ác. Cho nên,sống phải có cái tâm lành. Có thêm thông tin nữa là chàng thanh niên đó giết cả gia đình bố, mẹ, anh em vì lý do đơn giản là anh chàng này đang ngoại tình với mẹ ảnh mà ba ảnh phát hiện, và do có khả năng lời nói qua lại giữa cha và con, và nỗi khùng điên, si mê ái dục nổi lên nên anh chàng này giết cả gia đình.
Kết Luận
Chúng tôi kể lại một số mẫu chuyện ở ngoài xã hội đã đăng trên báo mạng để chúng ta thấy rằng tâm con người chúng ta mà một khi không có tu thì lòng từ bi hỷ xả không có. Nếu mình không có tu thiền niệm Phật thì đến một lúc nào cơn giận của mình có nổi lên thì mình khó có thể kiềm chế. Cơn giận mình nổi lên mà không có tu thì hệ quả của nó cực kỳ xấu. Còn nếu mình có thiện tâm thiện ý, có quy y Tam bảo, có ngồi thiền niệm Phật, cơn giận của mình vẫn có nhưng sẽ có giới hạn nào có, có phần gọi là nhẹ hơn. Và chúng ta là người tu, từng đốt nhang cúng Phật, từng ngồi thiền niệm Phật nên giữa đời sống vợ chồng có mâu thuẫn, có lớn tiếng nhưng chúng ta không có hành động xấu, chúng ta vẫn cãi vả nhau, tranh luận với nhau để rồi xả cho tâm mình nhẹ. Nếu mình không tu, những mâu thuẫn có xảy đến mà mình không cãi vả với nhau mà có thể mình đánh đổi bằng cái gì đó.Nhân dịp, thời thuyết pháp khai giảng khóa tu thiền niệm Phật lần 64 tại Thiền viện Thiện Minh với chủ đề Hãy thương yêu vợ đúng cách. Chúng tôi giảng bài pháp này nhằm mục đích giới thiệu cho các anh chị em Phật tử, bà con, cô bác sẽ biết được năm pháp mà Đức Phật đã dạy một người chồng phải cư xử tốt với người vợ. Đồng thời qua bài pháp này, chúng tôi cũng sẽ cho in thành một quyển sách nhỏ để gửi tặng các anh chị. Trong lúc mình nằm ở nhà, trên võng đong đưa, uống cà phê, uống trà có thể nghiền ngẫm qua sách vở hoặc mình đi hành hương trên xe có thể mang theo đọc những lời dạy của Đức Phật. Trước khi dứt lời, cầu nguyện hồng ân Tam bảo luôn thùy từ gia hộ đến toàn thể quý vị thân tâm an lạc, tu hành tinh tiến và luôn gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống.
NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO
© www.BlogDaoPhat.com