CÁI THẤY
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, nên tất cả chúng sanh đều có ánh sáng Phật tánh, đều ở trong ánh sáng ấy, nên chúng sanh ở thế giới này đều thấy sáu loài chúng sanh ở các cõi kia. Trong ánh sáng Phật tánh này, tất cả các cõi và chúng sanh thông làm một.
Đức Phật phóng ánh sáng chiếu khắp cả để hiển bày Trí như tấm gương sáng tròn lớn (Đại viên cảnh trí), tức là Phật tánh sáng khắp. mà chúng sanh chúng ta ai cũng có và sống ở trong đó. Trong tấm gương sáng ấy, các cái được thấy, các bóng trong gương và các người thấy đều thông nhau “làm một cõi nước Phật”, làm một với tấm gương. Cho nên thấy không chỉ là các bóng trong gương , mà phải thấy chính tấm gương, nói theo kinh Pháp Hoa, là thấy “thật tướng của tất cả các pháp”.
Trong Phật tánh tròn sáng hay Trí như tấm gương sáng tròn lớn này, tất cả thông làm một, tất cả đều bình đẳng vì đồng một tánh, đây là Bình đẳng tánh trí. Các hình bóng khác nhau hiện ra, nhưng cùng nằm trong một nền tảng, một bản tánh là tấm gương, trí nhìn thấy sự khác biệt nhưng không khác biệt là Diệu quan sát trí. Cuối cùng là sự hoạt động, sự thành tựu công việc trong thế giới khác biệt mà không khác biệt là Thành sở tác trí.
Phóng ánh sáng lớn thông làm một cõi nước Phật, tấm gương sáng tròn lớn này là Nền tảng chung, Bản tánh chung của chư Phật, chư Bồ-tát và của tất cả chúng sanh. Nền tảng ấy là Pháp thân, là Phật tánh, là Như Lai tạng… Thực hành là thấy trực tiếp nền tảng ấy, và nhập sâu vào cho đến khi tấm gương sáng ấy mở khắp đến vô biên, ánh sáng tròn đầy viên mãn và gồm chứa cả ba trí kia.
Kinh nói trong đoạn kế tiếp:
“Lại thấy chư Phật ở các cõi kia và nghe chư Phật ấy thuyết kinh pháp. Cũng thấy các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, những người tu hành đắc đạo ở các cõi kia.
Lại thấy các Đại Bồ-tát, dùng thảy thảy nhân duyên, thảy thảy tín giải, thảy thảy tướng mạo, hành bồ-tát đạo. Lại thấy các Đức Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử lấy xá-lợi Phậtdựng tháp bảy báu”.
Trong tấm gương tròn sáng ấy có đủ chúng sanh sáu cõi, bốn chúng, cho đến các Đại Bồ-tát, chư Phật. Thấy các Đại Bồ-tát đang hành Bồ-tát đạo, nghe chư Phật đang thuyết pháp, đây là cái thấy hiện tại. Thấy các Đức Phật đã nhập Niết-bàn, các đệ tử xây tháp bảy báu để cất giữ xá-lợi, đây là cái thấy về quá khứ. Trong tấm gương ấy chỉ có một vị hiện tại trùm khắp, tất cả quá khứ hiện tại tương lai đều ở trong đó.
Thấy sáu loài chúng sanh ở các cõi kia, chư Phật thuyết pháp, các Đại Bồ-tát hành Bồ-tát hạnh…, cái thấy như tấm gương tròn sáng này bao gồm trong nó tất cả không gian. Thấy các Đức Phật đã nhập diệt, cái thấy ấy bao gồm trong nó tất cả thời gian. Tóm lạitất cả không gian thời gian, tất cả vũ trụ đều in hình trong tấm gương tròn sáng cũng là “thật tướng của tất cả các pháp”. Cái thấy như tấm gương tròn sáng ấy là của chung, từ chúng sanh cho đến chư Phật, có điều chúng sanh thì vì phiền não chướng và sở tri chướng do mình tự tạo nên bị che lấp hoặc chỉ thấy được ít phần.
Cái thấy ấy, mà Duy thức tông gọi là Đại viên cảnh trí, kinh Lăng-già gọi là Viên thànhthật tánh, Kinh Lăng Nghiêm gọi là tánh thấy, thông tất cả không gian và thời gian làm một. Đây là cái thấy vẫn tiềm ẩn nơi mỗi chúng sanh, cho nên kinh Pháp Hoa khai thị cho chúng ta ngộ nhập cái thấy “thật tướng của tất cả các pháp” này.
Cái thấy ấy là vô ngại: “…ở thế giới này đều thấy sáu loài chúng sanh ở các cõi kia”; không có trung tâm vì “…tất cả đều thấy…”; không phân biệt các tướng khác nhau vì “ánh sáng lớn” thì chiếu sáng đồng đều khắp cả, “…từ địa ngục A-tỳ đến trời Sắc Cứu Cánh”; không có điểm quy chiếu, nên đó là cái thấy khách quan, không trụ chấp, thiên lệch. Tóm lại, đó là cái thấy thật tướng của tất cả các pháp. Các pháp xuất hiện từ thật tướng đó và tiêu tan trong thật tướng đó.
Sự tin hiểu Pháp Hoa là tin và hiểu rằng chúng sanh chúng ta luôn luôn ở trong cái thấy thấu suốt trùm khắp vô ngại ấy, luôn luôn ở trong ánh sáng của “thật tướng của tất cả các pháp”, tức là tấm gương tròn sáng này. Trong tấm gương tròn sáng này, chúng tahọc tập thấy theo Bồ-tát Di-lặc, thấy tất cả các bóng đều là tấm gương, nói cách khác, thấy tất cả tướng là tánh,
Thấy sáu nẻo sanh tử luân hồi đồng một màu sắc vàng, đồng một vị Phật tánh:
Ánh sáng chặng mày
Soi suốt phương Đông
Vạn tám ngàn cõi
Đều như sắc vàng.
Từ ngục A-tỳ
Đến trời Hữu đảnh
Trong thế giới ấy
Sáu loài chúng sanh
Các nẻo sanh tử
Nghiệp duyên thiện ác
Thọ báo tốt xấu
Ở đây đều thấy...
Thấy chư Phật và hoạt động độ sanh của các Ngài:
Lại thấy chư Phật
Thánh chúa Sư tử
Diễn nói kinh điển
Vi diệu đệ nhất…
Thấy các Bồ-tát đang hành Bồ-tát hạnh:
Thưa ngài Văn-thù
Tôi ở tại đây
Thấy nghe như vậy
Ngàn ức sự việc
Như thế rất nhiều
Nay lược nói ra:
Tôi thấy cõi kia
Hằng sa Bồ-tát
Thảy thảy nhân duyên
Mà cầu Phật đạo.
Hoặc hành bố thí
Vàng bạc san hô
Vui vẻ bố thí
Hồi hướng Phật đạo…
Tôi thấy các vua
Qua đến chỗ Phật
Hỏi đạo vô thượng
Bèn bỏ nước vui
Cung điện thần thiếp
Cạo sạch râu tóc
Mả mặc y pháp.
Hoặc thấy Bồ-tát
Hiện làm Tỳ-kheo
Một mình yên tịnh
Vui tụng kinh điển
Lại thấy Bồ-tát
Dũng mãnh tinh tấn
Vào nơi núi sâu
Tư duy Phật đạo…
Lại thấy Bồ-tát
Ở rừng phóng quang
Cứu khổ địa ngục
Khiến vào Phật đạo.
Lại thấy Phật tử
Chưa từng ngủ nghỉ
Kinh hành trong rừng
Siêng cầu Phật đạo…
Lại có Bồ-tát
Giảng pháp tịch diệt
Thảy thảy lời dạy
Vô số chúng sanh.
Hoặc thấy Bồ-tát
Quán tánh các pháp
Không có hai tướng
Giống như hư không…
Đây là cái thấy tất cả phàm thánh đang làm Phật sự , đang hành hạnh Bồ-tát để siêng cầu Phật đạo, và tất cả những hoạt động ấy đều nằm trong chính Phật đạo, trong chính Phật tánh. Cái thấy này thấy tất cả đều thanh tịnh vì tất cả đều đang hoạt động trong Phật pháp hay trong Pháp thân Phật.
Cái thấy này là sự hợp nhất của trí huệ và từ bi, nghĩa là mở rộng khắp vũ trụ đồng thờithông tất cả làm một.
“Ở đây” và “tại đây”, cái thấy phổ quát ấy (Bồ-tát Phổ Nhãn, kinh Viên Giác) hiện có ở đây và lúc này. Tin Pháp Hoa là tin hiện giờ và tại đây chúng ta đang ở trong cái thấy ấy. Và học Pháp Hoa là học cái thấy này.
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 251