Tu mật hạnh
Một người nên luôn luôn tu mật hạnh. Nếu tu như thế, người ấy sẽ được lợi ích và phúc đức vô hình. Dù có thể là một bức tượng thô làm bằng củi và bùn, nó là một tượng Phật, hãy tôn kính nó. Dù có thể là một cuộn được viết một cách nghèo nàn trên giấy vàng cán đỏ, nó là kinh điển thiêng liêng, hãy tôn kính nó. Dù một tăng nhân phá giới và không biết xấu hổ, hãy kính trọng ông ấy như là một thành viên của tăng-già. Nếu các ông kính trọng ông ấy với lòng tin, không phải không sinh phúc đức.
Nếu ông tăng phá giới, không xấu hổ, bức tượng Phật thô, và quyển kinh xấu xí ấy khiến các ông mất niềm tin và sự kính trọng, các ông không khỏi bị trừng phạt. Trong các luật do Như Lai để lại, chúng ta thấy rằng những hình ảnh Phật giáo, kinh điển, và tăng chúng đem lại phúc đức cho người và thần. Do đó, nếu các ông tôn kính những vật ấy, lợi ích sẽ luôn luôn tích tụ. Nếu các ông không có niềm tin nơi chúng, các ông sẽ bị trừng phạt. Dù cho có thể thô xấu phi lý đến đâu, bất cứ cái gì mang hình tướng của Tam Bảo cũng phải được kính trọng. Những Thiền tăng ưa thích những hành vi ác, nói rằng không cần tu thiện hay tích lũy công đức là một lỗi lầmnghiêm trọng. Tôi chưa từng nghe nói về sự ưa thích những hành vi ác trong các truyền thống Thiền trong quá khứ.
Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên (Tan-hsia T’ien-jan)[73] đã đốt tượng Phật bằng gỗ. Mặc dù đây có vẻ là hành vi xấu, nó có ý nhấn mạnh một điểm trong giáo lý của sư. Từ ngữ lục về đời sư chúng ta biết rằng sư luôn luôn tuân thủ nghi thức, dù ngồi hay đứng; khi có mặt khách, sư luôn luôn chắc chắc mình đối diện với khách. Bất cứ lúc nào ngồi, dù chỉ một chút, sư luôn luôn ngồi tư tế kiết già; khi đứng, sư co nhẹ hai bàn tay ở ngực. Sư quan tâmtài sản chung của tự viện với sự kính trọng tối đa, và luôn luôn sẵn sàng ca ngợi một tăng nhân cần mẫn. Sư quí mến cao độ ngay cả điều tốt nhỏ nhất, và cách hành xử hằng ngàycủa sư thực thanh nhã. Sự miêu tả về đời sư cho đến ngày nay vẫn còn là một mẫu mực cho các Thiền viện. Hơn nữa, theo những gì chúng ta đã thấy và nghe được, tất cả các Thiền sư đã giác ngộ khác và các Tổ, những người đạt Đạo, đều tuân giữ giới luật, nghi thức, và quí mến cao độ ngay cả những việc thiện nhỏ nhất. Tôi chưa bao giờ nghe nói có Thiền sư giác ngộ nào xem nhẹ những căn cơ tốt.
Do đó, những người học nguyện theo Đạo của các Tổ không bao giờ nên xem nhẹ những căn cơ tốt. Trên hết, họ phải có lòng tin hoàn toàn vào lời dạy của Phật. Nơi nào Đạo của Phật và Tổ được người tu tập, nơi đó tích lũy tất cả mọi loại thiện lành. Một khi chúng ta hoàn toàn nhận ra rằng tất cả sự vật đều là Phật-pháp, khi ấy chúng ta biết rằng ác luôn luôn là ác và nó cách xa Đạo của Phật và Tổ, và thiện luôn luôn là thiện và nó kết nối với Đạo của Phật. Nếu là như vậy, làm sao chúng ta không thể tôn kính bất cứ vật gì tượng trưng cho thế giới Tam Bảo?
Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:
Nếu muốn tu Đạo của Phật và Tổ, các ông nên theo mà không nghĩ là được lợi gì từ Đạo của các bậc hiền xưa và cách hành xử của các Tổ, không mong điều gì, không cầu vật gì, và không đạt gì. Hãy cắt đứt cái tâm cầu tìm và không ấp ủ lòng ham muốn đạt quả Phật. Nếu các ông ngừng tu tập và vẫn còn bị ám ảnh với những hành vi ác trước kia, các ông sẽ làm mồi mạnh hơn cho cái tâm cầu tìm và không thể leo ra khỏi cái hang mà các ông đã rơi vào.[74] Nếu các ông không mong bất cứ điều gì mà chỉ cố gắng đem lại lợi íchcho người và thần, tự hành xử với sự cao quí của một tăng nhân, quan tâm tự cứu mình và làm lợi ích người khác, tu tập với nhiều phương thức tốt, xóa bỏ những nghiệp ác của quá khứ, và không dừng nghỉ bằng lòng với cái tốt hiện tại mà tiếp tục tu tập suốt đời; thì các ông sẽ, nói theo lời của các bậc sư xưa, là người đã “phá vỡ cái thùng sơn đen.”[75] Đây là những gì chúng ta gọi là cách hành xử của Phật và Tổ.
(CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG TÙY VĂN KÝ)
Nguyên tác: Shōbōgenzō Zuimonki
Tác giả: Đạo Nguyên Hy Huyền
Biên tập: Cô Vân Hoài Tráng
Anh dịch: Reihō Masunaga
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng