Có lần đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ, "Nếu ta có một tôn giáo thì rất tốt. Nhưng thật ra nếu như không có tôn giáo chúng ta cũng vẫn có thể tồn tại và tự xoay xở được. Còn nếu như không có tình người thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại. Bản chất của mọi tôn giáo chính là từ tâm (good heart). Đôi khi tôi cũng gọi tình thương và lòng tử tế là tôn giáo của tôi." Tôi nghĩ, có lẽ cuộc đời này đang cần hơn bao giờ hết những người với một tâm trong lành. Chúng ta đang có rất nhiều những phương pháp tu học rất hay, nhưng nếu như đó chỉ là một phương tiện chỉ để làm đẹp cho cái tôi của mình, thiếu tình thương và lòng tử tế, a good heart, thì như đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được"! Gần đây trong một bài nói chuyện với các sinh viên trong buổi lễ ra trường tại đại học Syracuse University, thành phố New York, nhà văn George Saunders khuyên các em rằng mục đích của cuộc đời là hãy sống tử tế với nhau hơn. Ông nói “Điều mà tôi hối tiếc nhất trong đời mình là đã không biểu lộ lòng tốt, sự tử tế.” Ông George Saunders cũng là một người đang tu học theo đạo Phật, và ông đã khéo léo mang giáo lý sâu sắc của đạo Phật vào bài nói chuyện của mình với các sinh viên. Xin chia sẻ đến với các bạn.
-----
Nếu như có người hỏi tôi rằng, “Nhìn lại đời mình, ông hối tiếc điều gì?” Looking back, what do you regret?
Tôi hối tiếc điều gì? Những lúc mình bị cái nghèo đeo đuổi chăng? Không đâu. Hay làm những công việc, nghề nghiệp chán chường? Không, tôi không hề hối tiếc điều ấy. Hay là lúc tôi đi du lịch, trần truồng lội sông ở Sumatra, ngước lên thấy chừng 300 con khỉ đang ngồi trên cao và đi tiêu xuống, ngay trên dòng sông mà tôi đang bơi lội, trần truồng, và miệng há rộng? Và sau đó, tôi bệnh gần chết, nằm nhà thương hết bảy tháng trời? Thật ra cũng lại chẳng hối tiếc gì lắm. Hay là những lúc bị bẽ mặt trước đám đông? Như có một lần chơi hockey trước một nhóm thật đông người, trong đó có một cô gái mà tôi đang rất thích. Không biết bằng cách nào, nhưng tôi đã trượt té và hét thật to, rồi đánh banh văng vào ngay chính lưới gôn của phía bên mình, trong khi trượt tay làm cây gậy đánh bay vào đám đông, gần trúng ngay cô gái ấy? Không, tôi cũng không hề hối tiếc việc ấy.
Điều mà tôi hối tiếc
Nhưng có một điều này là tôi hối tiếc.
Khi tôi học lớp Bảy, có một cô bé mới từ xa đến vào học lớp chúng tôi. Cô nhỏ bé và nhút nhát, mang một đôi mắt kính màu xanh, kiểu mắt mèo, mà thời ấy chỉ có những bà già mới mang. Và mỗi khi cô ta bối rối, mà rất là thường, cô có thói quen lấy những sợi tóc mình bỏ vào miệng và nhai.
Khi cô bé vào học trường chúng tôi, thì chẳng ai để ý đến cô, thỉnh thoảng lại còn bị trêu chọc, như là “Sao, tóc nếm có ngon không?” Tôi thấy rõ rằng những việc ấy cũng làm cô đắng lòng. Tôi vẫn còn nhớ rõ dáng của cô bé mỗi khi nghe những lời châm biếm như vậy: đôi mắt nhìn xuống, như vừa bị ai đá nhẹ vào bụng, như vừa bị nhắc nhở về địa vị của mình đối với tất cả, cô ta cố gắng làm sao được biến mất đi. Rồi cô từ từ lảng tránh đi nơi khác, với những sợi tóc vẫn còn vướng trong miệng. Tôi có thể tưởng tượng rằng khi về nhà, Mẹ của cô bé sẽ hỏi, như là “Sao, hôm nay ở trường có gì vui không con?” và cô sẽ đáp “Ồ, cũng bình thường thôi mẹ.” Và Mẹ cô sẽ hỏi, “Con có thêm bạn mới không?” “Có chứ mẹ, nhiều lắm.”
Có những buổi sáng tôi đi ngang thấy cô bé đứng loanh quanh trước sân nhà mình, như sợ không muốn rời xa. Và rồi một ngày gia đình cô bé dọn đi. Chuyện chỉ vậy thôi. Không có gì bi đát, cũng không có gì là to tát cả. Một hôm cô bé có mặt, rồi một hôm cô vắng mặt. Câu chuyện chấm dứt.
Nhưng tại sao, đến bây giờ tôi vẫn còn hối tiếc điều ấy? Tại sao, bốn mươi năm sau, tôi vẫn còn nghĩ đến nó? So với những đứa trẻ khác trong trường, thì thật ra tôi còn rất tốt với cô bé nữa. Tôi không bao giờ nói lời gì không đẹp với cô ta. Sự thật thì có lúc tôi còn bênh vực cô ấy nữa. Nhưng dù vậy, nó vẫn khiến tôi bức rức.
Và đây là một điều mà tôi biết chắc là sự thật, nghe thì có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng tôi không biết nói cách nào khác hơn. Điều mà tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời mình là không biểu lộ lòng tốt, sự tử tế. What I regret most in my life are failures of kindness.
Những giây phút mà khi có một người nào đó ngay trước mặt tôi, đau buồn, và tôi chỉ đáp ứng môt cách… vừa đủ. Dè dặt. Kín đáo. Nếu như ta thử nhìn lại, thì ai trong cuộc đời ta, mà mình cảm thấy quý mến, và ấm áp mỗi khi nghĩ đến? Tôi đoan chắc rằng họ là những người đã có lòng tốt, và tử tế nhất đối với ta.
Có lẽ nói thì dễ nhưng thực hiện thì chắc chắn là rất khó, nhưng tôi vẫn cho rằng mục đích của cuộc đời là: cố gắng sống cho tử tế hơn, try to be kinder.
Tại sao chúng ta không thể tử tế hơn?
Nhưng tại sao chúng ta không sống sao cho tử tế hơn, có lòng tốt hơn? Vấn đề là gì? Theo tôi thì lý do là như vầy:
Mỗi chúng ta được sanh ra và gắn liền với một số những quan niệm sai lầm. Đó là:
1. Ta là trung tâm của vũ trụ. Chỉ những gì có liên quan đến cá nhân ta mới là quan trọng nhất, hay ho nhất, mà thật ra chỉ có những điều ấy thôi.
2. Ta hoàn toàn tách biệt với mọi sự sống khác chung quanh mình.
3. Ta là thường hằng, là mãi mãi. Lẽ dĩ nhiên cái chết là một sự thật, nhưng cho người khác kìa, chứ sẽ không bao giờ xảy ra cho mình.
Thật ra thì chúng ta không thật sự tin vào những điều ấy, vì lý trí chúng ta khôn ngoan hơn thế. Nhưng chúng ta bị sai sử bởi cá tánh bẩm sinh của mình, và ta tin vào những điều ấy qua bản năng sinh tồn. Ta sống theo chúng. Và chúng quyết định cho cách hành xử của mình đối với người chung quanh. Măc dù tận trong tim, chúng ta muốn mình bớt ích kỷ, biết tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang xảy ra trong giờ phút này, với một tấm lòng thương yêu và rộng mở hơn.
Làm sao để mình sống tử tế hơn?
Nhưng làm sao để ta có thể thực hiện được điều này? Làm sao chúng ta có thể trở nên rộng mở hơn, biết thương yêu hơn, bớt ích kỷ hơn, biết sống trong hiện tại hơn…? Tôi tin là chúng ta có thể làm được. Có phương cách. Thật ra, tôi nghĩ là các bạn cũng đã biết rồi, vì trong cuộc đời có những lúc bạn cảm thấy tử tế một cách dễ dàng và cũng có những lúc thấy rất là khó khăn. Và bạn cũng biết điều gì khiến bạn nghiêng về phía lòng tử tế, và tránh xa phía bên kia. Giáo dục là một điều kiện tốt, hòa mình vào một tác phẩm nghệ thuật cũng là điều tốt, cầu nguyện là tốt, thiền là tốt, trao đổi thành thật với một người bạn thân, hoặc theo một truyền thống tâm linh nào đó cũng tốt. Bạn hãy nhớ rằng, đã có biết bao nhiêu người rất thông minh trước ta, họ cũng đã từng đặt câu hỏi đó và để lại cho chúng ta những câu trả lời.
Bởi vì lòng tốt, sự tử tế, xét ra cũng là khó – cái hay đẹp bắt đầu bằng những cầu vồng sắc mầu và các chú chó con dễ thương, và rồi mở rộng ra để bao trùm hết tất cả.
Có một điều thuận lợi này là có những “lòng tử tế” sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên, theo với thời gian. Mà có lẽ đó cũng là kết quả của sự từng trải.
Khi càng có tuổi, ta sẽ càng nhận thấy được rằng sự ích kỷ không có một lợi ích nào, mà thật ra nó cũng rất là vô lý. Vì ta có những người ta thương, và điều ấy đi ngược lại cái trung tâm vũ trụ của mình. Cũng có những lúc ta bị cuộc đời chà đạp, và có người đến bênh vực ta, giúp đở ta. Và ta học được rằng chúng ta không bao giờ là riêng rẽ, mà cũng không hề muốn như vậy. Chúng ta thấy những người thân thương và gần gũi với mình rơi rụng theo thời gian, và dần dần ta cũng biết rằng chính mình rồi cũng sẽ rơi rụng (nhưng lẽ dĩ nhiên là điều này cũng còn xa lắm). Phần lớn người ta, khi về già, sẽ trở nên bớt ích kỷ và biết thương yêu hơn. Tôi nghĩ điều đó là sự thật. Một thi hào lớn của Syracuse, Hayden Carruth, viết trong một bài thơ vào cuối đời mình rằng “chỉ có Tình Thương, bây giờ”
Lời khuyên của tôi cho bạn
Tôi có lời tiên đoán này, và cũng là một lời cầu chúc chân thành gửi đến tất cả các bạn: khi bạn có tuổi hơn, cái Tôi của bạn sẽ dần nhỏ lại đi và bạn sẽ lớn lên hơn trong tình thương. CÁI TÔI sẽ dần dà được thay thế bằng TÌNH THƯƠNG. Nếu như bạn có con, đó sẽ là một giây phút lớn lao trong tiến trình tự làm phai mờ đi cái Tôi của mình. Bạn không còn quan tâm về những gì xảy đến cho TÔI, miễn là con mình được lợi lạc. Đó cũng là lý do mà cha mẹ các bạn rất là hảnh diện và vui sướng trong ngày ra trường của các bạn hôm nay. Một trong những giấc mơ yêu dấu nhất của họ đã trở thành sự thật. Tôi cũng xin chúc mừng tất cả các bạn. Bây giờ là lời khuyên của tôi. Vì theo tôi, cuộc đời của các bạn sẽ là một tiến trình dần dà trở nên tử tế hơn và biết thương yêu hơn: vậy thì hãy mau lên. Xúc tiến nhanh lên. Bắt đầu ngay từ bây giờ đi. Trong mỗi chúng ta có một sự lầm lẫn này, thật ra nó cũng là một căn bệnh, đó là: lòng ích kỷ. Nhưng nó có thuốc chữa. Bạn hãy là một bệnh nhân tốt và chủ động, hãy tự tìm cho mình những liều thuốc hiệu nghiệm nhất để tự chữa lấy cho suốt cuộc đời.
Hãy thực hiện hết những gì bạn mơ ước – du lịch, làm giàu, thành đạt, có sự nghiệp, danh vọng, cải cách, lãnh đạo, lập gia đình, gây dựng tài sản rồi mất hết, bơi trần truồng trên sông (nhưng nhớ thử trước xem có phân khỉ không nhé) – nhưng bao giờ ta cũng ngã về hướng của lòng tử tế. Hãy làm những việc hướng về phía rộng mở, và tránh những điều khiến ta trở thành nhỏ nhen, và làm suy giảm mình xuống.
Trong ta có một phần trong sáng, nó hiện hữu bên ngoài cá tính của mình, và lúc nào cũng ngời sáng. Nó tỏa sáng như là của Shakespeare, sáng như là Gandhi, sáng như là của Mother Teresa. Hãy dẹp bỏ hết những gì ngăn ngại, khiến ta tách biệt với sự trong sáng ấy. Hãy tin rằng nó hiện hữu, hãy tiếp xúc với nó để hiểu rõ nó hơn, nuôi dưỡng nó, và mang ra chia sẻ với mọi người chung quanh. Và một ngày nào đó, trong 80 năm nữa, khi các bạn được 100 tuổi, và tôi là 134 tuổi, chúng ta ai cũng là những người quá tử tế và đáng yêu, đến mức không chịu nỗi, hãy nhắn cho tôi một lời. Cho tôi biết cuộc đời của bạn như thế nào. Tôi hy vọng bạn sẽ nói rằng: Rất tuyệt vời.
Tôi chúc các bạn mọi điều an vui và may mắn trong cuộc đời, và một mùa hè thật đẹp.
Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong "Ngắm Nhìn Tĩnh Tại"