Hiểu đúng Chánh Định trong Bát Chánh Đạo
Hỏi: Thưa Thầy, tại sao Đức Phật xếp Chánh Định sau Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, có phải để Chánh Niệm nhuần nhuyễn rồi mới định không thưa Thầy? Vậy Chánh Định trong Bát Chánh Đạo phải hiểu và thực hành thế nào cho đúng ạ?
- Tâm rỗng lặng tự nhiên là chánh định, khởi tâm cố tu luyện định này định nọ thì liền mất chánh định, chỉ rơi vào định hữu vi hữu ngã trong Tam giới mà thôi.
Vì không chánh kiến nên không thấy ra tâm vốn tự nhiên không động đã là chánh định, nhưng khi khởi lên ham muốn đắc định liền rơi vào sắc ái (định hữu sắc) hoặc vô sắc ái (định vô sắc) thì tâm đã động rồi, sau đó lại cố giữ cho nó đứng yên, nhưng dù “tĩnh chỉ” ở mức nào thì vẫn còn hữu vi hữu ngã và hữu hạn, không thoát khỏi vô minh ái dục trong Tam giới.
Mỗi chi phần trong Bát Chánh Đạo tuy là một yếu tố độc lập ứng với mỗi phương diện khác nhau trong đời sống nhưng luôn tương giao hoà hợp vô cùng chặt chẽ, không thiếu một yếu tố nào nên không thể đứng riêng rẽ. Nhưng do chú giải sai nên người sau tưởng lầm là riêng rẽ đã phân chia thành từng nhánh ngọn mà tu nên mới gọi là thời mạt pháp.
Chỉ cần thấy đúng sự thật (chánh kiến) thì ngay đó có suy nghĩ chân thực (chánh tư duy) hay hướng tâm đúng đắn (như lý tác ý), hai yếu tố này thuộc về nhận thức đúng (tuệ phần). Khi đã nhận thức đúng thì về phương diện hoạt động của thân sẽ có nói năng đúng (chánh ngữ), hành động đúng (chánh nghiệp), và sinh sống đúng (chánh mạng), và về phương diện hoạt động của tâm thì lúc đó nó liền trở về với thực tại thân thọ tâm pháp (chánh tinh tấn), và sống trọn vẹn với thực tại chân đế (chánh niệm) do đó tâm không còn tán loạn nữa (chánh định).
Kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy 3 yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thực ra là 3 chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến trong Bát Chánh Đạo. Tuy chỉ nói 3 yếu tố nhưng đức Phật dạy đó là 3 yếu tố dẫn đạo đúng giúp 5 yếu tố kia cũng đúng theo, không thiếu một yếu tố chánh đạo nào. Do đó ngay khi đi, đứng, ngồi, nằm, hít thở, ăn uống, nấu nướng, quét dọn v.v… có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hay trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thì liền có đầy đủ Bát Chánh Đạo, chứ không phải hành thiền định trước rồi hành thiền tuệ sau như nhiều người lầm tưởng.
Nếu giới định tuệ là yếu tố riêng biệt thì chẳng lẽ khi đức Phật đang thuyết Pháp không phải nhập định thì Ngài không có chánh định sao? Chẳng lẽ lúc đó Ngài chỉ có chánh tư duy, chánh ngữ thôi, còn các yếu tố khác thì bất chánh? Do đó quan niệm tứ thiền bát định là chánh định là một sai lầm quá nghiêm trọng. Trong khi đức Phật dạy rất rõ tứ thiền bát định trong giáo pháp của bậc Thánh chỉ là hiện tại lạc trú thôi, không phải là hạnh đoạn giảm (Kinh Đoạn Giảm). Khi nàng Ciñcā đến vu khống đức Phật tâm Ngài vẫn tịch tịnh, bình thản, tức vẫn luôn chánh định, nhưng Ngài vẫn nói chuyện bình thường, không cần nhập định xuất định gì cả. Chỉ có trong thời mạt pháp người ta mới tách rời chánh định ra khỏi Bát Chánh Đạo để tu mà thành ra định hữu vi hữu ngã và hữu hạn của ngoại đạo mà trước đây đức Phật đã từ bỏ.
Sự khác biệt trong tu tập giữa Đạo Phật và các Tôn giáo
Hỏi: Khi con thực tập cách Thầy hướng dẫn con thường lắng nghe, quan sát tâm mình chứ không hành gì hết. Nhưng khi con đi tham dự khoá tu có phương pháp con đạt được trạng thái an lạc. Trong đời sống thường nhật, con chỉ thấy thực tại thân thọ tâm pháp trong mọi hoạt động như nó đang là chứ không thấy đạt được gì cả, như vậy có đúng không?
- Có 3 cách tu tập khác nhau giúp phân biệt được giữa Đạo Phật và các Tôn giáo khác:
- Nỗ lực tu luyện để đạt được trạng thái sở đắc nào đó như hành giả mong đợi.
- Đặt đức tin vào tha lực, cầu xin ban ân, cứu khổ để được một đời sống an lạc hạnh phúc.
- Trầm tĩnh sáng suốt quan sát thực tại để thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống.
Một số Tôn giáo tu hành theo cách thứ nhất hoàn toàn dựa vào nỗ lực của mình để mong đạt được lý tưởng. Như đạo Bà-la-môn muốn tu để Tiểu ngã trở thành Đại ngã chẳng hạn. Cách tu tập thứ nhất lệ thuộc vào trạng thái mà họ đạt được. Nhưng bất cứ điều gì đạt được do tạo tác đều hư hoại nên những nỗ lực cá nhân chỉ là Dã Tràng xe cát, những gì được xây dựng lên đều bị cơn sóng vô thường cuốn đi không còn dấu vết. Cho dù có thành Đại ngã thì vẫn con loay hoay trong Tam giới mà thôi. Cuối cùng họ cũng đành bất lực trước tính bất khả tư nghì của Pháp.
Một số Tôn giáo tu hành theo cách thứ hai, hoàn toàn dựa vào tha lực của Thần Linh hay đấng Cứu Rỗi nào đó mà họ tin là có thể ban ơn cứu khổ cho mình. Chính khi bản ngã bất lực trước tính bất khả tư nghì của Pháp thì đức tin vào thay thế nỗ lực cá nhân. Dù là Tôn giáo có tổ chức, có hệ thống giáo lý hay tín ngưỡng nhân gian thì tính cách vẫn là đức tin vào tha lực. Họ tin rằng chỉ cần thành tâm cầu nguyện là được đáp ứng. Vì niềm tin, nhất là niềm tin quần chúng, tạo được một sức mạnh đưa đến thành tựu. Nhưng rồi cái gì đạt được cũng chỉ là có có không không mà thôi.
Riêng Đạo Phật tu theo cách thứ ba. Vì Đạo Phật thấy rằng tất cả Chân Lý đều đã có sẵn trong chính mình và cuộc sống nên chỉ cần trải nghiệm, chiêm nghiệm, quan sát, học hỏi để chứng ngộ Sự Thật thôi chứ không cần tạo tác để trở thành gì cả, cũng không tin vào tự lực hay tha lực nào hết. Đạo Phật thấy tất cả các hiện tượng đều vô thường, khổ, vô ngã nên vô ích khi cố rèn luyện để đạt thành bất cứ điều gì. Đức Phật dạy dù thân, thọ, tâm hay pháp tốt đẹp như thế nào thì cũng không tham ưu, không bám víu, nương tựa bất cứ điều gì, kể cả Niết-bàn cũng cũng chỉ chứng ngộ thôi chứ không tự hào, không xem đó là “Ta”, “của Ta” hoặc “Tự ngã” gì cả. Nhưng khi thấy ra Sự Thật thì tuy không cần đạt được gì cả mà lại có tất cả, đó chính là sự nhiệm mầu, kỳ diệu!
"Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan"
Hỏi: Dạ thưa thầy con khi nghe được pháp thoại của thầy thì con sống như thầy khai thị, 4 niệm xứ mọi lúc mọi nơi thì có người bạn cười con không hiểu gì Phật pháp, rồi bạn gửi cho con bài kinh 4 niệm xứ rất dài, lúc đó con đang chiên tàu hủ, nên con trả lời bạn là 4 niệm xứ con đang chiên tàu hủ nếu phải đọc hiểu 4 niệm xứ trong kinh, thì chưa hết 1 niệm thân tàu hủ đã cháy đen rồi, phải không thưa thầy?
- Đúng là cứ để họ tu theo Kinh điển đi còn con tu ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh đang là cho khoẻ. Ai chưa thấy mặt trăng mới cần nhìn qua ngón tay chỉ trỏ, còn ai đang thấy mặt trăng thì nhìn vào ngón tay làm gì nữa đây! Với dân xứ Kuru đức Phật dạy Tứ Niệm Xứ đầy đủ chi tiết, nếu không, trình độ dân Kuru không hiểu nổi. Nhưng với Bāhiya thì đức Phật nói rất đơn giản mà Bāhiya lại chứng ngộ A-la-hán được ngay. Nếu mà lúc đó Bāhiya lạc vào dân xứ Kuru chắc sẽ nghe họ giảng Kinh Tứ Niệm Xứ đến chết vẫn chưa chứng ngộ được gì! Thầy đã từng gặp nhiều luận gia chú giải Kinh Tứ Niệm Xứ, họ chấp vào từng chữ từng câu, sợ “ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” nhưng họ không biết rằng “y Kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan”. Cho dù Phật dạy Kinh Tứ Niệm Xứ chi tiết cách mấy cũng không bằng một phần vô lượng của bài Kinh sống động đang ngay đây biết đi đứng, khổ vui, thương ghét này… mà cụ thể như con đang chiên tàu hủ đó. Ngay nơi chiên tàu hủ con có thể giác ngộ như nàng Paṭācārā dội nước rửa chân mà chứng quả A-la-hán vậy. Chính vì ngài A-nan biết quá nhiều Kinh mà Phật nhập Niêt-bàn rồi vẫn chưa chứng được A-la-hán, cứ áp dụng hết Kinh này qua Kinh khác mãi vẫn chỉ căng thẳng mệt mỏi thêm, nhưng ngay khi buông ra nằm xuống nghỉ ngơi chẳng còn nhớ Kinh Kệ, nhớ pháp tu gì nữa thì lại chứng quả Bất Sinh! Đúng là:
Trả kinh lại cho kinh
Về chiêm ngoạn chính mình
Không tìm cầu mong đợi
Thấy Pháp vốn Bất Sinh!
Và cuối cùng A-nan cũng phải đọc Kinh Vô Tự mới giác ngộ được thôi:
Đọc kinh vô tự khỏi lo âu
Chữ nghĩa văn hoa chỉ khổ sầu
Nếu biết tuỳ duyên, tâm rỗng lặng
Nào ngờ thuận pháp, tánh thâm sâu.
Độ chúng sanh
Hỏi: Kính thưa sư ông con thường nghe nói "chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", mà sao họ lại nổi sân khi việc đến không như ý của họ?
- Bởi vì họ chỉ lo độ chúng sanh bên ngoài mà quên độ chúng sanh bên trong. "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" không phải là chúng sanh bên ngoài đâu, đừng hiểu lầm mà lừa mình lừa người, đó là “tự tánh chúng sanh”, tức là tâm sanh khởi bên trong mỗi người mà đức Phật gọi là “sinh hữu tác thành” hay “thế giới tập khởi”.
Muốn độ chúng sanh bên trong này thì phải thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, tức thận trọng chú tâm quan sát thực tại thân thọ tâm pháp ngay nơi mọi sinh hoạt đời sống. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ mà sân khởi lên không biết tại không chịu “nghiên cơ ư tâm ý sơ động chi thời” tức không biết quan sát để thấy được lúc sân mới khởi lên. Thiền Vipassanā hay thiền Kiến Tánh đều nói “thấy tức là hành” chứ không hành theo khuôn mẫu nào. Thấy tức chánh tri kiến qua trải nghiệm thực mà nhận ra thực tánh Bất Sinh ngay nơi tướng chúng sinh đang sinh diệt.
Quét Lá
Hỏi: Kính thưa Thầy con xin được chia sẻ về 2 tuần quét lá ở chùa. Từ việc quét lá con nghiệm thấy có một đạo lý rất sâu xa trong cuộc sống. Ban đầu con thấy hễ cứ có lá là con quét, quét lá khô trên sân xi măng dễ hơn quét lá ở trên cỏ và quét lá khô dễ hơn lá ướt… thế rồi qua đó con dần phát hiện thân thọ tâm pháp sinh diệt thật rõ ràng, và mọi thứ khổ đau trói buộc đều do thái độ lăng xăng của bản ngã. Trước đây con tu thiền định và thiền tuệ theo nhiều phương pháp mà chỉ mong có sở đắc, đến khi nghe pháp thầy giảng con thử đến chùa Bửu Long hành xem sao. Thầy không dạy phương pháp hành mà chỉ dạy đi quét lá, thì ra quét lá cũng là hành trong tự nhiên để khám phá chính mình. Qua đó con đã phá được rất nhiều ảo tưởng về sở tri sở đắc trong những pháp hành trước đây.
- Đúng lắm! Con làm thầy nhớ lại lúc Minh Quang ở Thụy Sỹ về đây xin hành thiền với thầy nửa tháng, cũng giống như con từ Pháp về đây học thiền vậy. Minh Quang cũng đã ngộ ra sự thật từ trong quét lá. Chùa lá rụng nhiều mà không biết thiền trong quét lá thật uổng, phải không con? Sau đây là hai bài thơ của Minh Quang cảm hứng khi hành thiền quét lá như con:
Hai tuần Thầy dạy quét lá rơi
Nghĩ rằng lỗ nặng, hoá ra lời!
Để lại Bửu Long bụng chữ nghĩa
Tâm bình đối cảnh thản nhiên chơi.
Tưởng đâu Thầy dạy Pháp cao siêu,
Hồn nhiên Thầy chỉ cười thật nhiều
Chổi đây, con quét luôn thằng Tưởng
Thấy ra ngay đó Pháp vô chiêu!