THẾ NÀO LÀ TỰ DO ĐÍCH THỰC?
Một trong những đích đến của toàn thể nhân loại, đó là hướng đến sự tự do đích thực.
Hàng ngày, chúng ta nghe rất nhiều về tự do, hướng đến tự do. Vậy, tự do là gì? Thông thường, tự do là khi đáp ứng được các ham muốn. Đối với con người khi được giải phóng, được thoải mái làm những gì mình thích, người ta cho rằng đó là tự do, hạnh phúc thật sự. Nhưng khi chúng ta được thoải mái làm những điều mình muốn, khi đáp ứng được ham muốn, có chắc chúng ta thật sự tự do, hạnh phúc?
Con người luôn có rất nhiều ham muốn. Nếu các ham muốn không được thỏa mãn, chúng ta sẽ đau khổ. Hơn nữa, ham muốn là vô tận, con người luôn luôn không thỏa mãn với những gì mình có, nếu đạt được ham muốn này sẽ nảy sinh ham muốn khác, chúng ta luôn phải chạy theo ham muốn, để ham muốn chi phối chúng ta. Như vậy kể cả khi không đạt được ham muốn và đạt được ham muốn, chúng ta có thật sự được tự do?
"Trên đời, có 2 hình thức tự do: tự do ham muốn và tự do thoát khỏi ham muốn. Văn hóa Tây phương chọn loại tự do thứ nhất, tôn sùng nó và đặt nó lên trang đầu của hiến pháp quốc gia và của bản tuyên ngôn nhân quyền. Có thể nói rằng hầu hết các nền dân chủ của phương Tây đều hàm chưa một tín điều: Bảo vệ sự tự do của con người để họ trọn quyền thực hiện điều họ mong muốn. Nhưng rất tiếc, trong các nền dân chủ ây con người nào được tự do hoàn toàn.
Loại tự do thứ 2 – tự do thoát khỏi ham muốn – chỉ được thấy trong một số cộng đồng đạo giáo. Không ham muốn hay vô tham được đánh dấu bằng sự mãn nguyện, tức trạng thái tự tại không bị tham ái chế ngự. Trong cộng đồng tự tại, như đạo tràng của chúng tôi chẳng hạn, mọi người đều thật sự tự do hoàn toàn". (Sư Ajahn Brahm)
Vậy, tự do thoát khỏi ham muốn là gì?
Khi ta bằng lòng ngay trong hiện tại, khi tâm ta an bình, các sự ham muốn sẽ không xảy ra. Ta được tự do, thoát khỏi áp lực của những sự ham muốn vốn có khuynh hướng áp đảo chúng ta và sai khiến ta phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Đó là những mệnh lệnh trong nội tâm của mỗi người chúng ta, ra lệnh chúng ta phải làm sao cho vượt trội hơn người khác, phải làm sao để xua đuổi cơn đau, phải làm sao để đạt được một mục đích nào đó, cho dù chúng ta cũng không biết tại sao cần phải làm như thế...
Chúng ta không cần phải đi thật xa, hay làm những điều kỳ vĩ, lớn lao để đạt được sự tự do, mà tự do đơn giản là ung dung trong ràng buộc, là tự tại giữa khổ đau.