Bạn cảm thấy tội lỗi thì hãy đọc bài viết này...
  • Hotline: 0987 005 4**

Liên hệ quảng cáo

Bạn cảm thấy tội lỗi thì hãy đọc bài viết này...

Nhất định phải có một cách thức thích hợp để đối diện với những hoàn cảnh khó khăn mà không nhất thiết phải khởi tâm bất thiện. Đó là trí tuệ – có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào mà không khởi tâm bất thiện. Để có được trí tuệ đó, đầu tiên là chúng ta phải chánh niệm rõ ràng về những phản ứng của tâm mình trong tất cả mọi tình huống. Phản ứng của tâm mình với tất cả mọi thứ chúng ta nhìn, nghe… Hãy nhìn bất cứ những gì đang diễn ra trong tâm mình mà không muốn nó phải khác đi, dù đó là bất thiện, không đáng ưa thích, không đẹp đẽ, không đáng mong cầu, hay cả tham, sân, dục vọng, hồ nghi, ngã mạn; và nhìn bất cứ những gì ưa thích đang diễn ra trong tâm mà không muốn bám víu, dính mắc vào chúng, không muốn kéo dài chúng thêm (dù đó là sự tĩnh lặng, bình an, hỷ lạc hay sự tỉnh giác, sáng suốt…). Điều này rất quan trọng.

    Biết mình xấu để thay đổi, không phải để tức giận hoặc phiền não

    • View Larger 
      Tất cả chúng ta, khi còn là phàm nhân, đều có những trạng thái tâm tốt (tâm thiện) và những trạng thái tâm xấu (tâm bất thiện).
    Bài trích hơi dài nhưng bạn hoan hỉ đọc hết thì rất lợi ích cho bạn... Nếu thấy hay thì hãy chia sẻ cho người thân bạn bè cùng đọc nhé!

    Tất cả chúng ta, khi còn là phàm nhân, đều có những trạng thái tâm tốt (tâm thiện) và những trạng thái tâm xấu (tâm bất thiện).
    Chánh niệm, nhận biết cả hai trạng thái tâm đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm.
    Chúng ta thực sự không kiểm soát được tâm mình chút nào hết, chính vì thế nó mới là vô ngã (anattā). Phải thấy ra rằng bạn không phải là người tạo ra những trạng thái tâm bất thiện ấy.

    Hiểu biết về bản chất của tâm mình, tức là bản chất tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna), ghen tỵ (issā), bỏn xẻn-keo kiệt (macchariya), hối (kukkucca),… cả chánh niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā), tâm từ (mettā), tâm bi (karunā)…còn quan trọng hơn việc đắc được một tầng đạo quả nào đó hay đoạn trừ được một loại phiền não (kilesa) nào đó.
    Sự hiểu biết đến trước tiên; sự vượt qua (phiền não) sẽ xảy đến một cách tự nhiên sau đó. Vì vậy, hãy sẵn lòng quan sát bất cứ những gì đang diễn ra trong hiện tại. Phải thấu hiểu bản chất của chúng trước đã.
    Nếu bạn thất vọng bởi vì trong tâm bạn vẫn còn tham, sân…khi đó bạn sẽ không thể thấy được mọi thứ một cách rõ ràng bởi vì tâm bạn xáo động, tâm bạn có sân (khó chịu, bất mãn). Hãy nhìn ngay cả những cái đó nữa.
    Chỉ khi bạn sẵn lòng nhìn tâm mình mà không có mặc cảm tội lỗi, không muốn làm bất cứ điều gì đối với nó, chỉ khi đó bạn mới có thể thấy nó một cách rõ ràng.
    Khi đó nó sẽ mất đi quyền lực đối với bạn bởi vì nó đã bị lộ mặt – nó bị bạn thấy rõ.
    Xin đừng lên án tham, sân, ngã mạn…Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ chúng. Bạn không thể trưởng thành được trừ phi bạn hiểu biết thật rõ về chúng. Chỉ khi nào thấy rõ chúng với một cái tâm sáng suốt thì bạn mới học hiểu được về bản chất thật sự của chúng, nhất là bản chất vô ngã (ānatta).
    Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong thiền là không đồng hóa với các hiện tượng của thân (sắc-rūpa) tâm (danh-nāma).
    Thiền không phải là để vượt qua cái gì hết, mà là vượt qua sự tự đồng hóa chính mình với các tiến trình danh sắc (nāmarūpa).
    Tại sao người ta buồn bực và thất vọng? Bởi vì họ tự đồng hóa mình với danh sắc. Vì vậy, mỗi khi tâm mình có tham, sân, dục vọng, ngã mạn hay dính mắc…điều quan trọng nhất là hãy nhìn chúng như là một hiện tượng tự nhiên, chứ không nhìn chúng như một cái gì đó thuộc về cá nhân mình. Đừng cố tìm cách vượt qua chúng.
    Thất vọng là một cái bẫy của bản ngã.
    Có người nào (attā) ở đó mà thất vọng? Thất vọng chỉ là một hiện tượng tự nhiên nữa mà thôi. Thất vọng là bản ngã phình đại. Nếu tâm không thất vọng, nếu không có sự đồng hóa trong tâm quan sát-nghĩa là quan sát một cách bình thản, với tâm xả, tâm sẽ quan sát được các trạng thái tham, sân…với sự hứng thú, định tĩnh và sáng suốt và thấy rõ như nó đang là – chỉ là một hiện tượng tự nhiên thoáng qua, không có thực và không thuộc về cá nhân ai cả. Không có sự đồng hóa, chúng sẽ không thể lớn mạnh như vậy được. Một vị thánh Tu-đà-hoàn (sotāpanna) vẫn còn tham, sân…nhưng không còn tự đồng hóa mình với danh sắc (thân-tâm) nữa. Chỉ những bậc thánh A-na-hàm (anāgāmīs) và A-la-hán (arahats) mới hoàn toàn đoạn trừ được tham và sân. Nhưng chỉ bậc thánh A-la-hán mới thoát khỏi ngã mạn (māna).
    Nếu bạn thất vọng vì thấy mình vẫn còn thích nghe nhạc thì tức là bạn đang đòi hỏi ở mình quá nhiều, đang mong đợi quá nhiều. Song nếu bạn nhìn cái tâm thích đó và quan sát nó một cách bình thản, chỉ khi đó bạn mới thấy được nó như nó đang là. Thất vọng, buồn bực (mà thực ra đó chính là tâm sân) là người bạn đồng hành gần gũi của tâm tham và ngã mạn. Bởi vì bạn nghĩ: tôi là một thiền sinh, lẽ ra trong tâm tôi không nên có tham và ngã mạn khởi lên như vậy, và bạn thất vọng về điều đó. Mỗi khi có tâm tham hay sự ham thích khởi lên, hãy nói với nó: hãy ở lại để tao soi xét, nghiên cứu mày. Thực ra nghiên cứu nó rất là hay. Tâm tham là một nghệ sỹ ảo thuật vĩ đại nhất. Hãy học hiểu và thấy rõ cách chúng tạo nên những cảm giác ưa thích như thế nào. Cái tâm mình bị tâm tham lừa đảo đến mức chúng ta không thể thấy được nó như một nhà ảo thuật, chúng ta chỉ thấy nó là “mình”.
    Cái tâm mình rất là lưu manh. Nó luôn luôn muốn thay đổi, muốn có cái gì đó khác biệt. Nó khao khát sự giải trí, khao khát sự kích thích. Buồn chán là một vấn đề rất lớn. Đó là điều hầu hết mọi người đang làm – chạy theo sự kích thích dưới hình thức này hay hình thức khác.
    Nếu không cảnh giác quan sát tâm mình, chúng ta có thể sẽ tự mãn bởi vì mình là người hành thiền, là Phật tử, là người hiểu biết Phật Pháp; là người biết đúng-sai, phải-trái…đó cũng lại là ngã mạn nữa.
    Mỗi khi khởi sanh tâm ngã mạn, hãy sẵn lòng quan sát nó, hãy nhìn nó thật kỹ. Đừng cố xua đuổi nó đi. Quan sát thật rõ ràng là điều rất quan trọng. Mọi việc còn lại sẽ tự nó lo cho chính nó. Chỉ khi nào bạn đắc đạo quả A-la-hán thì mới hoàn toàn thoát khỏi ngã mạn cơ mà.
    Đừng cố tập hạnh khiêm tốn; đó sẽ chỉ là sự khiêm tốn khiên cưỡng, ép buộc. Chỉ cần chánh niệm quan sát cái tâm ngã mạn đó. Nếu nhìn tâm mình thật rõ, bạn sẽ trở nên khiêm tốn một cách tự nhiên. Bạn sẽ không cảm thấy mình đang cố tập hạnh khiêm tốn nữa. Bạn trở nên ít kiêu mạn hơn mà không cần phải cố tình làm điều đó.
    Không thấu hiểu về hệ quả trực tiếp của các trạng thái tâm thiện và bất thiện, bạn sẽ không thể biết trân trọng Pháp một cách thực sự.
    Sự tuân phục bề ngoài đối với bất cứ một phương pháp thực hành tôn giáo nào cũng không bao giờ đem lại được kết quả sâu sắc và lâu dài.
    Thấu hiểu những phản ứng của tâm đối với mọi sự tiếp xúc qua 6 giác quan là rất quan trọng, nhất là sự ảnh hưởng của các tư tưởng, quan điểm và ý kiến và sự dính mắc đối với chúng.
    Bạn có hiểu về các trạng thái tâm thiện (kusala) và bất thiện (akusala) của mình không? Tôi nghĩ đây là điều căn bản nhất của pháp hành. Tôi không muốn dùng từ tốt và xấu để nói về kusala (thiện) và akusala (bất thiện). Tôi không nói hiểu chúng bằng cách đọc trong sách hay bằng suy nghĩ. Mà hiểu chúng bằng cách thấy chúng trực tiếp trong thực tế. Thấy rõ sự khác biệt của chất lượng tâm khi có tâm thiện và khi có tâm bất thiện.
    Đôi khi tôi thấy những điều này thật rõ ràng và hiểu ra rằng không đáng phải có những trạng thái tâm bất thiện đó trong tâm mình dù bất kể ở hoàn cảnh như thế nào.
    Nhất định phải có một cách thức thích hợp để đối diện với những hoàn cảnh khó khăn mà không nhất thiết phải khởi tâm bất thiện.
    Đó là trí tuệ – có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào mà không khởi tâm bất thiện.
    Để có được trí tuệ đó, đầu tiên là chúng ta phải chánh niệm rõ ràng về những phản ứng của tâm mình trong tất cả mọi tình huống. Phản ứng của tâm mình với tất cả mọi thứ chúng ta nhìn, nghe…
    Hãy nhìn bất cứ những gì đang diễn ra trong tâm mình mà không muốn nó phải khác đi, dù đó là bất thiện, không đáng ưa thích, không đẹp đẽ, không đáng mong cầu, hay cả tham, sân, dục vọng, hồ nghi, ngã mạn; và nhìn bất cứ những gì ưa thích đang diễn ra trong tâm mà không muốn bám víu, dính mắc vào chúng, không muốn kéo dài chúng thêm (dù đó là sự tĩnh lặng, bình an, hỷ lạc hay sự tỉnh giác, sáng suốt…). Điều này rất quan trọng.
    Mỗi lúc tâm muốn kiểm soát tình huống (phản ứng, cản trở hay ngăn chặn những gì đang diễn ra, hay cố tạo ra, mang đến hay làm cho nó phải kéo dài), tâm sẽ bị mất quân bình.
    Phản ứng là tâm sân. Níu giữ là dính mắc. Nhưng không phản ứng không có nghĩa là khuyến khích, và không níu giữ cũng không có nghĩa là xua đuổi.
    Chỉ đơn giản quan sát là chánh niệm. Quan sát mà không tham dự vào những gì đang diễn ra.
    Chúng ta đã quá quen lúc nào cũng phải làm một cái gì đó, phải tạo ra một cái gì đó đến nỗi không thể hiểu được chỉ đơn giản quan sát là như thế nào. Chúng ta cứ muốn phải kiểm soát mọi thứ. Chúng ta muốn tham gia vào mọi việc. Chính vì vậy chúng ta luôn gặp rắc rối. Tôi không có ý nói rằng: đừng tham gia, đừng kiểm soát bởi vì khi đó thì bạn lại cố để không tham gia, cố để không kiểm soát. Cái đó thực ra cũng lại là kiểm soát nữa. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang cố kiểm soát, chỉ cần đơn giản ý thức về điều đó.
    Thực ra, tôi ngày càng nhận ra rằng khi không có chánh niệm, cuộc sống rất phù phiếm, rất hời hợt và nông cạn. Chánh niệm đem lại chiều sâu và ý nghĩa cho cuộc sống.
    Thật là khó để hiểu được những điều này. Mọi người đều nói họ mong muốn hạnh phúc. Thế nhưng, tại sao họ lại không thể hứng thú khi có chánh niệm thực sự cơ chứ? Chắc chắn là vì họ cứ nghĩ hạnh phúc nằm ở nơi nào đó khác kia, chẳng hạn như ở những thú vui dục lạc, thành đạt được những gì mình mong muốn, trở thành một nhân vật nào đó, leo lên được một địa vị nào đó hay có những tình cảm, những cảm xúc vui thú nào đó.
    Con người ta (cả bạn và tôi) đều tìm kiếm một sự say mê nào đó, một cái gì đó kích thích mình (đối với tôi, đó là tri thức). Đôi lúc chúng ta muốn nghỉ ngơi, những sự kích thích đó làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Khi đó chúng ta muốn thực hành chánh niệm, muốn giữ cho tâm mình tĩnh lặng. Có lúc tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi, cảm giác bị kiệt sức, vì đọc sách, vì nói chuyện, vì suy nghĩ, vì dự tính, kế hoạch… quá nhiều…Tâm tôi quay lưng lại tất cả những thứ đó. Tôi thấy chúng mới vô nghĩa làm sao, vô ích làm sao. Những lúc như thế, chỉ để tâm đơn giản chánh niệm lại rất dễ. Vì vậy, tôi mong mình cứ bị kiệt sức như thế hoài. Cảm giác bị kiệt sức như thế cũng OK. Thái tử Sĩ-đạt-đa đã từng cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi với cuộc đời như vậy khi ngài rời bỏ gia đình đi xuất gia.
    Điều rất quan trọng là điều chỉnh thân và tâm mình cho thật chuẩn, giống như khi bạn điều chỉnh chiếc xe của mình hay chỉnh sóng đài radio. Chỉ khi nào thân tâm mình ở điều kiện tốt, chúng mới trở nên nhạy cảm và có thể bắt được những bước sóng, những rung động và tín hiệu cần thu nhận.
    Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem mọi thứ tác động đến thân tâm mình như thế nào. Thức ăn, thời tiết, tập luyện thể dục, nói chuyện, đọc sách, các thú vui; tất cả đều ảnh hưởng đến thân tâm mình. Và cả thiền nữa. Thiền làm cho tâm mình trở nên nhạy cảm hơn.
    Đối với những người tâm dễ bị phân tán, tốt nhất là giữ cho tâm mình bận rộn ghi nhận hết đề mục này đến đề mục khác; đối với những người định tĩnh và chánh niệm, chỉ cần để tâm mình quan sát bất cứ đề mục nào đến một cách tự nhiên.
    Con người ta thích mơ mộng; họ không muốn chánh niệm, chánh niệm về hiện tại, bởi vì trong hiện tại thì chẳng có cái gì cho họ mơ mộng cả.
    Nhìn xuyên thấu tâm mình và không tự lừa dối bản thân mình, giờ đây đó là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tôi. Khi tôi không tin điều gì đó, điều quan trọng đối với tôi là phải thấy thật rõ: tôi đang không tin, chứ không cố bắt mình phải tin.
    Tâm chúng ta luôn muốn đắm chìm trong quá khứ hoặc tương lai: nó chỉ chạm vào hiện tại một cách thật mơ hồ và mờ nhạt, nó không muốn ở trong hiện tại; lúc nào cũng tìm kiếm những cái làm mình phải phân tán tư tưởng – xem TV, nghe ca nhạc, đài đóm, ăn uống, nói chuyện, hút xách, đọc sách (ừ, đúng rồi, tôi quên mất…cả đọc sách nữa chứ) và vô số thứ khác nữa. Chúng ta có thực sự chánh niệm không?… có, nhưng mà…ha..ha… Chả trách tại sao chúng ta lại sống nông cạn và phù phiếm đến thế.
    Chúng ta thường sử dụng chánh niệm chỉ như một loại thuốc giảm đau. Chỉ khi nào cuộc đời quá đau khổ chúng ta mới tìm đến một nơi yên tĩnh mà hành thiền.
    Còn không chúng ta rất bằng lòng với những thứ làm mình sống phân tâm và quên mình như thế.
    Chúng ta không thể hoàn toàn thoát khỏi sân giận. Nó sẽ đến khi đủ nhân duyên cho nó sanh khởi. Tất cả những gì chúng ta làm được chỉ là ghi nhận cơn sân đang có mặt. Nếu bạn thấy ra thực tế rằng tất mọi người đều đang đau khổ, điều đó sẽ giúp bạn được rất nhiều khi đối diện với sân hận.
    Phản ứng tiêu tốn rất nhiều năng lượng của chúng ta. Khi cơ thể ốm yếu, chỉ cần một suy nghĩ tiêu cực thôi cũng đủ làm cho bạn kiệt sức rồi.
    Hãy xem bạn tự làm hại mình như thế nào mỗi khi buồn bực và bất mãn. Không có gì đáng để cho mình phải buồn bực cả. Hãy chánh niệm. Hãy nhìn sân chỉ là sân, không phải “sân của tôi”.
    Đừng nói rằng bạn không nên giận. Điều rất quan trọng là bạn phải thực tế. Chúng ta ôm ấp những lý tưởng, nhưng có thể chẳng bao giờ đạt được lý tưởng đó. Nhưng như thế không có nghĩa rằng chúng ta không nên có lý tưởng. Mà nghĩa là chúng ta phải ý thức được về khả năng thực tế của mình. Vì vậy, chớ nên nản lòng trước khó khăn, thăng trầm. Hãy cố gắng chánh niệm càng nhiều càng tốt. Hãy cố gắng hết mình.
    Trước kia tôi thường cảm thấy khó chịu và xấu hổ về những lỗi lầm của mình, xấu hổ vì mình không hoàn hảo. Trong một số trường hợp là do sự mong đợi phi thực tế của mọi người đối với tôi; và không ý thức được điều đó tôi gánh lấy cái vai diễn mọi người muốn tôi phải đóng. Điều đó là không thể được-phi thực tế; thậm chí nó còn nguy hiểm; nó làm tôi cảm thấy mình yếu kém. Nhưng giờ đây tôi đã học được cách sống cho chính mình.
    Hãy chánh niệm, dù rằng đôi khi điều đó thật là khó. Khi nào bạn nghĩ rằng không thể chánh niệm được trong lúc này, đó lại là lúc quan trọng nhất để chánh niệm.
    Mỗi khi tâm bạn bất an, hành thiền là điều quan trọng hơn cả. Khi bạn cho rằng mình không thể thiền được bởi vì tâm mình đang rối tung, mờ mịt – đối với bạn đó là lúc quan trọng nhất để hành thiền.
    Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna Sutta), Đức Phật nói: “Vikkhittam vā cittam vikkhittam cittam pajānāti” (khi tâm bất an, vị ấy hay biết rằng tâm đang bất an). Không yêu cầu bạn phải làm nhiều hơn thế.
    Đức Phật không nói rằng bạn phải cảm thấy tội lỗi vì mình đã tham hay sân. Bạn chỉ cần hay biết những gì đang diễn ra. Đừng tự lừa dối chính mình. Đó là tất cả những gì bạn cần làm. Hãy chánh niệm, nhưng đừng tự dằn vặt mình. Chấp nhận thực tế và sống thật với chính mình là điều quan trọng nhất.
    Chỉ cần hay biết được trạng thái tâm của mình trong hiện tại như thế nào là đủ. Nếu bạn cố làm điều gì hơn thế, cuối cùng sẽ chỉ càng bất mãn và thất vọng thêm nữa mà thôi. Không thể kiểm soát được gì cả, và điều đó chính là vô ngã (anattā). Sadosam vā cittam sadosam cittam pajānāti. (Khi tâm có sân, vị ấy hay biết rằng tâm đang có sân)…pajānāti là hay biết một cách rõ ràng; chỉ thế thôi, không làm gì hơn thế. Để có một cái tâm tĩnh lặng và bình an trong mọi lúc là điều không thể có được đối với những người hàng ngày phải tiếp xúc với quá nhiều người.
    Tôi hiểu, đọc một số sách vở Phật pháp hay nghe một số băng đĩa thuyết pháp có thể làm cho người ta có cảm giác tội lỗi. Lý tưởng quá cao. Chúng ta không thể với tới được. Chúng ta không cần phải cảm thấy tội lỗi khi hưởng thụ các thú vui của đời miễn là điều đó không làm hại đến người khác. Hãy nhìn xem bản chất của những thú vui ấy là gì.
    Sukham vā vedanam vedayamāno sukham vedanam vedayāmi pajānāti. (Khi có một cảm thọ lạc, vị ấy hay biết rằng mình đang có một cảm thọ lạc). Cảm giác tội lỗi ở đâu mà đến? Ai dạy chúng ta phải cảm thấy tội lỗi mỗi khi hưởng thụ cuộc sống như thế? Đủ rồi!
    Ngay cả khi biết rằng chánh niệm là điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm được cho chính mình, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên bị lạc hướng, phân tán tư tưởng vào việc này việc kia. Chúng ta muốn có cái gì đó kích thích mình.
    Hãy quan sát tâm mình và xem nó đang làm gì. Nếu bạn thấu hiểu tâm mình, hầu hết mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất, bởi vì hầu hết tất cả mọi vấn đề của con người đều do tâm tạo – không có cái gì có thực bên ngoài tâm mình cả.
    Điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm được là hãy chánh niệm, ghi nhận, hay biết trạng thái tâm của mình mà không đổ lỗi hay biện hộ cho bản thân; không muốn nó phải khác đi hay chạy trốn nó; không cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn vì nó.
    Hãy nhìn tâm chỉ là tâm, không phải là “tâm của tôi”. Dù nó là “tốt” hay “xấu”, hãy nhìn nó chỉ là vô ngã (anattā); thấy rằng nó sanh khởi bởi vì có đủ điều kiện, nhân duyên cho nó sanh khởi, chứ không phải là tự thân nó sanh khởi. Không có gì là một người nào, là tôi, là của tôi ở đó cả. Tìm hiểu phiền não (kilesa) rất thú vị.
    Mong cầu là nguồn gốc của thất vọng. Ngay tự thân mong cầu thôi cũng đủ làm cho tâm bất an rồi.
    Có đôi khi tôi nghĩ, mong ước một cuộc sống lý tưởng: tĩnh lặng, bình an và hạnh phúc cũng khiến cho con người ta thậm chí còn thất vọng, bất mãn (về hiện tại) hơn nữa.
    Những người sống một cuộc sống độc cư, lánh xa thế gian có thể có được một cái tâm quân bình, buông xả[28] (nhưng tôi thì không như thế). Nhưng khi bạn tiếp xúc với người đời (với những con người ích kỷ, không biết điều, những người chỉ quen lợi dụng bạn), bạn sẽ thấy rất khó để giữ được cái tâm xả ấy.
    Sự tĩnh lặng của nội tâm là một điều kiện cần thiết để phát triển tuệ giác thâm sâu; nó trái ngược với sự xáo động, bất an. Không có gì sai khi có được sự tĩnh lặng cả, nhưng hãy cảnh giác với sự dính mắc vào tĩnh lặng – sự dính mắc ấy rất nguy hiểm. Tĩnh lặng làm cho tâm sáng suốt. Nó làm tươi mới tâm mình và giúp tăng cường chánh niệm.
    Yoniso manasikāra (như lý tác ý, định hướng tâm một cách đúng đắn) là cận duyên (nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp) của các trạng thái tâm thiện (kusala). Không có như lý tác ý sẽ không thể có tâm thiện. Phi như lý tác ý (ayoniso manasikāra) hay định hướng tâm sai lầm là nguyên nhân của các trạng thái tâm bất thiện (akusala).
    Tất cả chúng ta đều làm một công việc là tự ám thị mình mỗi ngày, nhưng hầu hết chúng ta không ý thức được điều đó. Một số sự ám thị đó là tích cực và tất nhiên một số là tiêu cực. Tự ám thị rất gần với thái độ.
    Chẳng có gì thay thế cho chánh niệm được. Bạn nói: “Tôi biết những vấn đề khó khăn của mình sẽ biến mất nếu tôi tiếp tục thực hành chánh niệm”. Chúng ta thường nói “nếu, nếu, nếu…”. Cái gì khiến chúng ta cứ phải nói như thế? Tại sao lại “nếu”? Dường như chúng ta không muốn khó khăn của mình đi mất. Hoặc giả, chúng ta không thực sự tin tưởng là mình làm được điều đó, vì vậy tốt nhất là nói “nếu”. Điều đó giữ niềm hy vọng cho chúng ta. Nếu chúng ta thực sự làm điều nó mà không thành công, khi đó chúng ta không còn chút hy vọng nào nữa. Vì vậy, tốt hơn cả là chẳng dấn thân vào đó làm gì. Chỉ hy vọng thôi. Nếu bạn không thực sự làm, thì lúc nào bạn cũng có thể nói “tôi có thể làm được”. Đó là cách cái tâm đang lừa đảo mình. Để tự bảo vệ mình khỏi nỗi thất vọng, nó không bao giờ dám làm bất cứ việc gì hết mình cả.
    Tại sao chúng ta phải cố để thuyết phục người khác tin mình?
    Trích "tuyết giữa mùa hè" của Ngài Sayadaw U Jotika, Sư Tâm Pháp chuyển ngữ.


    Nội dung chính

      Tin mới