Metta Lodge - Malaysia, Tháng 3/2014
Chúng ta tức giận, bởi vì chúng ta chú ý vào tình huống. Chúng ta phải cố gắng buông bỏ thói quen chú ý vào cái gì đó. Do dính mắc như vậy, chúng ta sẽ vui, sẽ buồn, sẽ cáu, sẽ cảm thấy hối tiếc, là do chúng ta chú ý vào đối tượng. Nếu chú ý vào việc mình đang làm thì có thể có sự hoài nghi “liệu mình có đúng không?” hay “liệu mình có sai không?” Đó là do sử dụng với sự nắm giữ. Chúng ta nắm giữ vào hành động, vào nguyên nhân, vào kết quả, vào một trong những hành động của mình. Chúng ta có thể nghĩ, có thể nói, có thể nghe. Và chúng ta đang nói, nghe, nghĩ, v.v… với sự dính mắc. Dính mắc nghĩa là chúng ta không buông bỏ được suy nghĩ, không buông bỏ được việc nghe, không buông bỏ được việc nói. Chúng ta hiểu hành động là để làm, như thế là chưa trọn vẹn. Các hành động cần được làm và cũng cần được buông bỏ. Mọi thứ và mọi hành động cần phải được buông bỏ. Nếu chúng ta không hiểu, chúng ta sẽ không có khả năng buông bỏ hành động.
Nếu chúng ta không hài lòng với một ai đó, là bởi vì chúng ta chú ý đến họ. Đó là do dính mắc vào việc làm như vậy. Bất cứ điều gì diễn ra, tốt hay xấu, chỉ để kinh nghiệm mà thôi, không phải đế chối bỏ, không phải để dính mắc, không phải để hiểu lầm là thực tại hay thực sự quan trọng. Sự Thật là Bản Chất Vô Thường Luôn Mới.
Để biết được Sự Thật, chúng ta phải có khả năng làm điều nên làm và buông bỏ điều không nên làm. Chúng ta có thể nghĩ về quá khứ nhưng phải nghĩ mà không dính mắc vào suy nghĩ, không dính mắc vào quá khứ. Chúng ta có thể hy vọng cho tương lai nhưng không dính mắc vào vào hành động hy vọng cũng như không dính mắc vào tương lai. Chúng ta cũng không được dính mắc vào hiện tại. Sự thực hành xả ly là từ bỏ việc xoay quanh ai đó hay cái gì đó. Hãy dừng việc chú ý vào ai đó, vào cái gì đó. Nếu chúng ta nghĩ về ai đó, có ai đó trong tâm. Nếu chúng ta nghĩ về cái gì đó, sẽ có cái gì đó trong tâm. Chúng ta cứ hiểu rằng ai đó là thực, cái gì đó là thực, như thế là sai lầm. Chúng ta phải có khả năng xóa bỏ cái gì đó hoặc ai đó ra khỏi tâm.
Chúng ta phải chánh niệm về từng hành động của thân, khẩu và ý. Nếu chúng ta chánh niệm, chúng ta sẽ biết hành động hiện tại, những gì đang diễn ra hiện tại của hành động và chúng ta phải cố gắng buông bỏ thói quen chú ý đến hành động đó. Do dính mắc vào cái gì đó nên khi ghi nhận hay niệm, chúng ta sẽ nghĩ sự chánh niệm là cái gì đó. Chúng ta thường sử dụng hành động ghi nhận một cách sai lầm với ý niệm về ai đó hoặc cái gì đó: “hành động của tôi”, “ai đó”, hay “tôi chánh niệm”, “đây là hành động chánh niệm của tôi”. Sự hiểu biết sai lầm đó đang kiểm soát hoặc liên quan đến bất cứ điều gì chúng ta làm. Như thế là đang làm với sự dính mắc.
Để chỉ làm mà thôi và theo Con Đường Trung Đạo, chúng ta phải xóa bỏ ý niệm về cái gì đó, về ai đó ra khỏi tâm và khỏi hành động của mình. Chúng ta không nên nghĩ xem “liệu mình có đúng không nhỉ?” hay “mình có đang sai?”, cũng không nên nghĩ “mình đang làm đúng không?” hay “mình đang làm sai không?”. Chúng ta không nên nghĩ cho bản thân “liệu mình có khả năng theo Con Đường Trung Đạo hay không?”. Điều cần thiết là phải buông bỏ thói quen nghĩ về một ai đó. Nếu chúng ta có thể buông bỏ thói quen này thì chúng ta có thể nghĩ về một ai đó mà không có sự dính mắc, khi đó, hành động của chúng ta sẽ chỉ là làm mà thôi.
Giờ đây, chúng ta là Phật tử, chúng ta phải có khả năng xuất gia làm nhà sư hay tu nữ hay trở thành những thiền sinh trọn đời. Chúng ta nên nghĩ theo cách như thế. Nếu chúng ta không thể làm như thế, là vì chúng ta còn dính mắc vào gia đình, vào cuộc sống của người tại gia. Do dính mắc vào công việc, chúng ta không thể dành hoàn toàn thời gian cho việc làm các thiện pháp.
Tất cả chúng ta phải có khả năng đánh mất cuộc sống, đánh mất những thứ thuộc về mình, điều đó rất là chắc chắn, nhưng rất hiếm khi chúng ta có sự chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đó. Chúng ta không sẵn sàng chết. Chúng ta không sẵn sàng ngừng công việc của mình. Đó là bởi vì dính mắc. Dính mắc vào cuộc sống, dính mắc vào gia đình, dính mắc vào công việc, dính mắc vào ngôi nhà của mình. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta đang làm với sự dính mắc, là do chúng ta không cố gắng buông bỏ các hành động của mình.
Chúng ta không dám mất cuộc sống, không dám mất tài sản, không dám mất công việc. Đó là lý do khi hành thiền, chúng ta nắm giữ vào sự thực hành, nắm giữ vào cuộc sống của thiền sinh, nắm giữ vào vị thầy, nắm giữ vào kinh nghiệm. Khi thiền, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm nhưng những kinh nghiệm đó không phải để chối bỏ, cũng không phải để dính mắc. Kinh nghiệm không phải để dính mắc vào là kinh nghiệm của tôi hay của bạn, nó chỉ để kinh nghiệm mà thôi. Chúng ta có thể hiểu hay không hiểu, nhưng điều này cũng không để thích hay không thích. Chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi sự thích hay không thích. Chúng ta phải hiểu rằng chỉ làm mà thôi, chỉ biết mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi và chỉ sử dụng mà thôi. Cũng không nắm giữ sự hiểu biết là của tôi hay của bạn, không dính mắc và cũng không chối bỏ.
Con người có rất nhiều sự dính mắc. Vì vậy, chỉ thiền không thì không đủ. Một mình chánh niệm thôi cũng không đủ. Nếu như quý vị có ít dính mắc trong khi thiền, quý vị sẽ không trệch khỏi con đường đúng - Con Đường Trung Đạo. Nếu như có sự dính mắc mạnh mẽ, chúng ta cần phải xả ly. Sự thực hành xả ly là khi hành thiền, quý vị không được chú ý đến thời gian, nơi chốn, phương pháp. Thiền có thể tốt hay không tốt, quý vị cần cố gắng buông bỏ cả hai tình huống. Như thế là hành thiền. Có rất nhiều thiền sinh, do dính mắc, quý vị chú ý đến ai đó hay là thiền sinh nào đó. Sự Thật không phải là một ai đó hay một cái gì đó. Ai đó hay cái gì đó chỉ để sử dụng mà thôi, không phải để nghĩ là thực tại. Chúng ta phải hành thiền và chúng ta phải có khả năng buông bỏ sự chú ý đến một ai đó. Cần thiết phải buông bỏ thói quen chú ý đến một ai đó hay một cái gì đó. Nếu quý vị có khả năng buông bỏ, dính mắc sẽ ngày càng ít hơn. Khi không có dính mắc thì quý vị có thể chú ý đến một ai đó hay một cái gì đó.
Khi thiền, quý vị phải hiểu rằng mình chỉ là một trong số những người hành thiền. Bất cứ điều gì diễn ra, quý vị phải hiểu rằng điều đó chỉ để kinh nghiệm mà thôi, không phải là kinh nghiệm của quý vị. Quý vị không được nắm giữ vào kinh nghiệm hay nắm giữ vào sự thực hành, quý vị phải chánh niệm nhưng cũng phải cố gắng để ngừng sự chú ý đến hành động hiện tại của chánh niệm đó.
Hầu hết mọi người không thể xả ly khỏi ai đó hay cái gì đó. Do vậy họ nghĩ phải làm gì, phải đi đâu, đến nơi nào, nghĩ về cái gì đó, ai sai, ai đúng? Do dính mắc vào ai đó mà chúng ta luôn nghĩ về hết người này đến người khác. Vì dính mắc vào cái gì đó mà chúng ta luôn nghĩ về hết cái này đến cái khác: “Làm cái gì?”, “Cái gì sai, cái gì đúng?”. Đó là do chúng ta không thể buông bỏ hành động này. Khi chúng ta không thể buông bỏ hành động này, thế thì chúng ta đang làm với sự dính mắc. Chúng ta cứ hiểu rằng chúng ta phải ăn, phải ngủ, phải học, nhưng hiếm khi hiểu rằng chúng ta phải có khả năng buông bỏ việc ăn, buông bỏ việc ngủ, buông bỏ việc học. Cần phải làm và cần phải buông bỏ tất cả mọi hành động, bởi vì không hiểu như thế, chúng ta dính mắc mạnh mẽ vào việc ăn, việc ngủ. Như thế, chúng ta đang sống vì ăn, v.v...
Chúng ta không muốn chết vì chúng ta muốn ăn và muốn ngủ. Chúng ta muốn làm điều chúng ta muốn. Đó là vì dính mắc vào thức ăn, vào việc ngủ và vào công việc.
Quý vị cần hiểu rằng chánh niệm cùng với sự xả ly, tức là chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, chỉ biết mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi. Hãy cố gắng làm tất cả các thiện pháp; hãy cố gắng buông bỏ mọi bất thiện pháp và cố gắng giữ tâm trong sáng, thanh tịnh. Việc đó đôi khi dễ, đôi khi khó. Đôi khi quý vị hiểu, đôi khi không hiểu. Đôi khi quý vị muốn làm, đôi khi không muốn làm. Quý vị không được chú ý đến những gì đang diễn ra trong thân hoặc trong tâm. Hãy chỉ tiếp tục làm những gì cần phải làm. Và cố gắng để có khả năng làm. Chỉ làm mà thôi là cách chúng ta nên làm. Điều chúng ta nên làm là làm các thiện pháp, từ bỏ những hành động không cần thiết, giữ tâm trong sáng và thanh tịnh.
(Chuyển ngữ: Phật tử Lan - Nanika)