Hỏi: Tôi là một Phật tử và cũng đã hành thiền hơn hai mươi năm. Nhưng tôi chưa bao giờ thật sự kinh nghiệm được một sự an lạc nào lâu dài. Tôi cũng đã được học hỏi và thực hành theo nhiều lời dạy của các thiền sư, nhưng sao thấy mình vẫn bị sai xử bỡi những cảm xúc và thói quen cũ. Nhiều lúc tôi tự hỏi, "Mục đích để làm gì đây?" Tôi cần phải làm gì bây giờ? Blanche Hartman: Câu hỏi của bạn là câu hỏi chung của đa số chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu bước chân vào con đường thiền tập, lẽ dĩ nhiên ai cũng muốn có được một số kết quả nào đó. Có thể mục đích của ta là vì muốn được tốt đẹp hơn, hay là muốn khám phá được những gì mình còn thiếu sót. Thật ra khi ta tu tập, hành thiền, chắc chắn là sẽ có một sự chuyển hóa. Chỉ có điều là sự chuyển hóa ấy có thể khác với ý ta nghĩ, hoặc không đúng theo kỳ vọng của ta mà thôi.
Mặc dù trong giai đoạn ban đầu chúng ta cần phải có một mục đích trong sự tu tập, nhưng nếu ta làm gì cũng phải có một mục tiêu thì nó có thể trở thành một trở ngại lớn trên con đường tu học. Thiền sư Suzuki Roshi có nói, "Tự mỗi chúng ta đều rất là vẹn toàn," "Ta có hết tất cả những gì mình đang cần," và "Ta đang có mặt như vậy cũng là đầy đủ rồi." Và cũng phải mất một thời gian khá lâu tôi mới thật sự hiểu thấu được chân lý ấy. Thiền sư Suzuki có khuyên chúng ta "hãy luôn luôn cố gắng hết sức mình trong mỗi giây mỗi phút," nhưng cũng đừng bao giờ có một sự mong cầu nào hết. Nhưng thế nào là cố gắng tu tập mà lại không có một mục tiêu hay sự mong cầu nào hết?
Như bạn đã tu tập hành thiền hơn hai mươi năm rồi, thì có lẽ bạn cũng đã nhận thấy được cái phần sâu kín bên trong mà đã giữ bạn tiếp tục ở mãi trên con đường tu tập. Nó là gì? Nếu ta nhìn thấy được cái phần sâu kín ấy cho thật rõ, là ta cũng sẽ thấy được chính con người thật của mình, cái tự tánh trong sáng của mình, nó sâu xa và rộng lớn hơn tất cả bất cứ mọi ham muốn, kỳ vọng hay mục tiêu nào khác của ta. Đôi khi có những lúc, trong chúng ta ai cũng bị những cảm xúc và tập quán, thói quen của mình sai xử. Nếu như trong lúc ngồi thiền thì ta có thể chấp nhận sự có mặt của chúng, ghi nhận được cảm giác của chúng có mặt trên một phần nào đó trong cơ thể của mình. Và nếu ta biết sử dụng năng lượng của chánh niệm và tâm từ, thì ta sẽ tạo nên một khoảng không gian rộng lớn cho nó được chuyển hóa.
Những tập quán và thói quen chúng có gốc rễ rất sâu xa và không dễ gì thay đổi. Có một thiền sư nói rằng, sự tu tập của ta nhiều khi cũng giống như người đi quét rác rưỡi gom lại thành đống, và rồi ta tìm ra một viên ngọc quý trong ấy. Nếu người xưa như vậy thì ngày nay chúng ta cũng thế, có lẽ trong những phiền não của mình, cũng đang có mặt một viên ngọc quý.