Hiểu và quản lý cảm xúc
CẢM XÚC QUAN TRỌNG ĐẾN MỨC NÀO?
Cảm xúc rất quan trọng, có giá trị và đáng được quan tâm. Phần tình cảm trong chúng ta rất đặc biệt. Nếu làm cảm xúc biến mất, nếu xua đuổi cảm xúc, chúng ta sẽ đánh mất phần quan trọng của bản thân và cuộc sống của mình. Cảm xúc đem lại cho ta niềm vui cũng như nỗi buồn, sự sợ hãi và giận dữ. Phần cảm xúc bên trong biết cười lẫn biết khóc. Nó là trung tâm trao đi và nhận lại hơi ấm của tình yêu thương. Đây là phần giúp ta cảm thấy gần gũi với người khác, đồng thời tận hưởng từng cái chạm cảm xúc tinh tế.
Cảm xúc cũng là một chiếc “phong vũ biểu.” Khi thấy vui, thoải mái, ấm áp và thoả mãn, ta thường biết rằng hiện tại mọi chuyện trong đời mình đều tốt đẹp. Khi thấy khó chịu vì tức giận, sợ hãi hay đau buồn, cảm xúc mách bảo ta rằng đang có vấn đề. Vấn đề đó có thể thuộc về bên trong – một điều gì đó mà ta đang làm hoặc đang suy nghi – hoặc nó có thể thuộc về bên ngoài. Nhưng có chuyện bất ổn đang diễn ra.
Cảm xúc cũng có thể là những động lực tích cực. Cơn giận thôi thúc ta giải quyết một vấn đề phiền toái. Nỗi sợ thúc đẩy ta chạy trốn nguy hiểm. Khi liên tục bị tổn thương và đau khổ, ta biết mình cần phải tránh đi.
Đồng thời, cảm xúc cũng cung cấp những manh mối: mơ ước, mong muốn và khao khát của ta. Cảm xúc giúp ta khám phá bản thân, những gì ta đang thật sự nghĩ đến. Ta khai thác phần sâu thẳm bên trong mình vốn luôn tìm và biết sự thật, phần luôn khao khát bảo vệ bản thân, phát triển bản thân, sự an toàn và tử tế. Cảm xúc gắn liền với ý thức, quá trình tư duy và món quà bí ẩn mang tên bản năng hay trực giác.
Tuy nhiên, cảm xúc cũng có mặt tối của nó. Nỗi đau tinh thần thường rất đau, có thể đau đến nỗi khiến ta nghĩ toàn bộ con người mình chỉ có hoặc mãi chỉ có nỗi đau cảm xúc này thôi. Đau đớn và muộn phiền có thể dai dẳng. Nỗi sợ hãi có thể là vật cản đường; nó ngăn ta làm những việc mình muốn và cần làm để tận hưởng cuộc sống.
Đôi khi chúng ta sa lầy vào cảm xúc – bị rơi vào cái giếng cảm xúc tăm tối nào đó – và nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ leo ra được. Cơn giận có thể biến thành nỗi oán giận, sự thù hằn và có nguy cơ kéo dài vô thời hạn. Nỗi buồn có thể chuyển thành trầm cảm, gần như bóp chết ta.
Cảm xúc cũng có thể đánh lừa ta. Nó có thể đưa ta vào những tình thế mà lý trí của ta bảo ta dừng lại. Đôi khi, cảm xúc như những cây kẹo bông gòn; vẻ ngoài thì trông bắt mắt hơn thực chất bên trong.
Bất chấp mặt tối của cảm xúc – gây đau đớn, đeo đẳng, gian xảo – nếu chúng ta lựa chọn trở nên vô cảm thì bức tranh thậm chí sẽ còn ảm đạm hơn. Không lắng nghe cảm xúc của mình, từ bỏ cảm xúc, và xua đuổi phần cảm xúc bên trong có thể là những hành động gây khó chịu, không làng mạnh và có hại cho chính mình.
Việc đè nén hoặc chối bỏ cảm xúc có thể gây ra chứng đau đầu, rối loạn tiêu hoá, đau lưng, và hầu hết những tình trạng suy nhược cơ thể có nguy cơ dẫn đường mở lối cho nhiều căn bệnh. Đè nén cảm xúc, đặc biệt là trong giai đoạn phủ nhận của quá trình tiếc thương, có thể khiến ta gặp rắc rối với việc cuồng ăn, biếng ăn, sử dụng thức uống có cồn và chất kích thích khác, hoạt động tình dục vô độ, nghiện tiêu xài, thiếu ngủ, ngủ quá nhiều, ám ảnh, những hành động kiểm soát và những hành vi cưỡng chế khác.
Cảm xúc là năng lượng. Cảm xúc bị đè nén sẽ chặn nguồn năng lượng. Ta không phát huy hết sức khi bị kìm hãm.
Một vấn đề khác của cảm xúc bị đè nén chính là nó không mất đi. Nó đeo dính ta, có lúc còn trở nên dữ dội hơn và khiến ta làm nhiều chuyện khác thường. Ta phải đón đầu cảm xúc, phải luôn bận rộn, phải làm gì đó. Ta không dám yên lặng và thư giãn vì khi đó, ta có thể cảm thấy những cảm xúc này. Và dù sao thì nó vẫn lên tiếng, khiến ta làm những việc mà ta không bao giờ muốn làm: la mắng con cái, đá con mèo, làm bẩn chiếc váy yêu thích, hoặc khóc lóc tại bữa tiệc. Ta mắc kẹt trong cảm xúc do cố đè nén nó, và tựa như người hàng xóm lì lợm, cảm xúc sẽ không biến đi cho đến khi ta thừa nhận sự hiện diện của nó.
Nguyên nhân to lớn khiến ta cần tránh đè nén cảm xúc chính là việc rũ bỏ cảm xúc làm ta đánh mất những cảm xúc tích cực, mất khả năng cảm nhận. Đôi khi, điều này đáng được hoan nghênh để giảm bớt gánh nặng nếu nỗi đau quá lớn hoặc liên tiếp, nhưng đây không phải là kế hoạch sống khôn ngoan. Khi ngừng cảm nhận, ta ngưng cả những nhu cầu sâu kín của bản thân – nhu cầu yêu và được yêu. Ta mất khả năng tìm thấy niềm vui trong chuyện gối chăn, hoạt động tiếp xúc giữa người với người, không còn cảm thấy gần gui với mọi người, hay còn gọi là sự thân mật. Ta mất khả năng tận hưởng những chuyện vui vẻ trong cuộc sống.
Chúng ta mất kết nối với bản thân cùng môi trường xung quanh và không còn gắn kết với bản năng bên trong. Ta không nhận thức được những gì cảm xúc đang mách bảo và bất kì vấn đề nào trong môi trường sống. Ta mất đi khả năng truyền động lực của cảm xúc. Nếu không cảm thấy gì thì ắt hẳn ta sẽ không tìm hiểu những suy nghĩ song hành với cảm xúc, và ta không biết bản thân mình đang nói gì. Và nếu không xử lý cảm xúc của bản thân, ta sẽ không thay đổi và phát triển. Ta sẽ lâm vào cảnh bế tắc.
Tuy không phải lúc nào cảm xúc trong ta cũng là vui mừng hoan hỉ, nhưng việc kiềm chế cảm xúc rất đau khổ. Vậy giải pháp là gì? Ta cần làm gì với thứ cảm xúc phiền toái có vẻ vừa là gánh nặng vừa là niềm vui đây?
Chúng ta lắng nghe cảm xúc. Ta có thể làm điều đó. Cảm nhận mọi cung bậc cảm xúc là điều bình thường. Cảm xúc không sai trái. Đó là lẽ tự nhiên. Ta không cần phải thấy tội lỗi vì cảm xúc của mình. Cảm xúc không phải là hành động; giận đến nỗi muốn giết người thì hoàn toàn khác với hành động giết người. Cảm xúc không nên bị phán xét là tốt hay xấu. Cảm xúc là năng lượng; chứ không phải đặc điểm tính cách.
Người ta cho rằng có hàng trăm cảm xúc khác nhau, từ cáu kỉnh đến khó chịu đến hồ hởi đến vui sướng và nhiều hơn nữa. Một số bác sỹ trị liệu đã chia danh sách này thành 4 nhóm: tức giận, buồn bã, mừng vui và sợ hãi. Đây là 4 nhóm cảm xúc cơ bản, còn lại là các sắc thái và những biến hoá của cảm xúc. Ví dụ, cô đơn và “xìu như bánh bao chiều” rơi vào nhóm buồn bã; lo lắng và hồi hộp là những cảm xúc biến hoá từ sợ hãi; thích thú và hạnh phúc hợp với nhóm mừng vui. Bạn muốn gọi tên những cảm xúc là gì tuỳ ý; quan trọng là bạn phải lắng nghe.
Như thế không có nghĩa là chúng ta phải luôn sẵn sàng đón nhận hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, hay phải dành phần lớn cuộc đời đắm chìm trong đó. Trên thực tế, xử lý cảm xúc có nghĩa là ta có thể thoát khỏi bãi lầy, tức là nếu một cảm xúc – nguồn năng lượng – trỗi dậy trong ta, ta lắng nghe nó. Ta dành vài phút, công nhận cảm giác này và chuyển sang bước tiếp theo. Ta không loại bỏ, không ngăn chặn, cũng không trốn tránh. Đừng tự nhủ rằng, “Đừng có cảm giác đó. Hẳn mình có gì không ổn rồi.” Ta không phán xét bản thân vì những cảm xúc mình có. Ta trải nghiệm cảm xúc, để dòng năng lượng đi qua cơ thể, và thừa nhận đó là năng lượng cảm xúc của mình. Ta nói, “không sao cả.”
Tiếp đến, chúng ta làm cái việc bí ẩn mà quá nhiều người gọi là “xử lý cảm xúc.” Ta phản ứng một cách đúng đắn theo cảm xúc của mình, tìm hiểu những suy nghĩ song hành với nó và chấp nhận mà không đè nén hay loại bỏ nó.
Rồi chúng ta quyết định xem liệu còn bước kế tiếp không. Đây là lúc ta đưa ra đánh giá. Đây là lúc các nguyên tắc đạo đức được dùng đến. Ta vẫn không phán xét bản thân vì cảm xúc trong ta. Ta quyết định mình muốn làm gì, nếu có, với cảm xúc đó và những suy nghĩ đi kèm. Ta đánh giá tình hình, rồi chọn một hành vi phù hợp với nguyên tắc đạo đức và quan điểm mới về việc chăm lo bản thân. Có vấn đề nào ta càn giải quyết không? Suy nghĩ của ta có sai lầm không? Có thể ta cần điều chỉnh những lối suy nghĩ có hại như: “Mình cảm thấy vô cùng sợ hãi và buồn bã vì xe của mình bị hư, tận thế đến nơi rồi.” Nói thế này sẽ chính xác hơn: “Mình thấy buồn vì xe mình bị hư.” Đó có phải là vấn đề ta có thể giải quyết không? Nó có liên quan đến người khác không? Việc bàn với người đó về cảm giác của ta thì có cần thiết hay thích hợp không? Nếu có thì khi nào ta nên bàn với họ? Có lẽ chỉ càn lắng nghe cảm xúc và thừa nhận suy nghĩ là đủ. Nếu bạn không rõ mình nên hành động ra sao, nếu cảm xúc đặc biệt dữ dội, hoặc nếu hành động bạn định làm là cực đoan, thì tôi khuyên bạn nên chờ khoảng một ngày, cho đến khi thấy thư thái và tâm trí ổn định. Nói cách khác: hãy thoát ly.
Chúng ta không nhất thiết phải để cảm xúc chi phối mình. Ta không cần phải la hét hay động tay động chân chỉ vì giận dữ. Ta không cần nằm ườn trên giường cả ngày chỉ vì thấy buồn hay chán nản. Ta e sợ bị trượt không có nghĩa là ta không ứng tuyển vào công việc đó. Tôi không hề ám chỉ hay đề nghị bạn để mặc cảm xúc chi phối hành vi. Thực tế thì ý tôi hoàn toàn trái ngược: nếu ta không khéo léo lắng nghe và xử lý cảm xúc thì cảm xúc sẽ điều khiển ta. Xử lý cảm xúc một cách hợp lý là khi ta xem xét nó dựa trên sự hiểu biết, lý trí và nguyên tắc hành vi, đạo đức của mình.
Phản ứng đúng đắn với cảm xúc còn có nghĩa là ta chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình.Cảm xúc mỗi người là của riêng họ. Không ai có thể khiến bất kì ai cảm thấy điều gì; sau cùng, không ai chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ta ngoài chính bản thân ta, dù ta có khăng khăng là họ phải chịu trách nhiệm thế nào đi nữa. Người khác có thể góp phần khiến ta có cảm xúc đó, nhưng không phải hoàn toàn là do họ. Họ cũng không thể thay đổi cảm xúc của ta. Chỉ có ta mới làm được việc này. Hơn nữa, ta không cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác, mặc dù ta có trách nhiệm lựa chọn cân nhắc cảm xúc của họ. Những người có trách nhiệm đôi khi lựa chọn làm việc đó.
Ta cũng cần quan tâm đến cảm xúc của mình nữa. Cảm xúc của ta là những phản ứng trước các tình huống trong cuộc sống. Do đó, phép lịch sự yêu cầu rằng khi bạn nói về cảm xúc của mình với người khác thì bạn thường nói, “Tôi cảm thấy thế này và thế này khi anh/chị làm chuyện này và chuyện kia vì…”chứ không phải “Anh/chị khiến tôi cảm thấy…”
Thỉnh thoảng, xử lý cảm xúc nghĩa là ta cần thay đổi cách tư duy. Nhiều bác sỹ trị liệu thừa nhận rằng có mối tương quan trực tiếp giữa những gì ta nghĩ với những gì ta cảm nhận. Có sợi dây kết nối ở đây. Suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc. Đôi khi lối tư duy sai lệch, thái quá hoặc không phù hợp là nguyên nhân gây nên cảm xúc hoặc khiến cảm xúc kéo dài hơn mức cần thiết. Nếu ta nghĩ một chuyện gì đó thật khủng khiếp, rằng tình hình sẽ không bao giờ chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn, thì cảm xúc của ta sẽ rất mãnh liệt. Tôi gọi đây là lối tư duy thảm hoạ. Đó là lí do vì sao sau khi lắng nghe cảm xúc, việc xem xét suy nghĩ của mình là rất quan trọng. Hãy suy xét tường tận. Nếu suy nghĩ đó không phù hợp thì ta biết mình phải làm gì để giải quyết vấn đề rồi nhỉ?
Có những lúc ta cần nói về cảm xúc và suy nghĩ của mình với người khác. Việc sống tách biệt với mọi người sẽ không có lợi cho ta. Hành động chia sẻ cảm xúc với người khác sẽ tạo ra sự gần gũi, thân mật. Đồng thời, việc được người khác chấp nhận con người thật của mình cũng giúp ta chấp nhận bản thân. Đây luôn là một trải nghiệm kỳ diệu. Và nếu mong muốn một mối quan hệ thân thiết với ai đó, ta cần nói chuyện với họ về những cảm xúc thường trỗi dậy trong ta. Đây gọi là sự thành thật về mặt cảm xúc.
Chú ý: Theo Scott Egleston, các cảm xúc vui vẻ tột cùng cũng có thể đáng sợ và khiến ta phân tâm hệt như cảm xúc buồn bã. Thỉnh thoảng, ta làm những chuyện khiến mình buồn sau khi cảm nhận niềm vui, hoặc vào bất kì lúc nào ta có cảm giác mình có thể sẽ thấy vui vẻ. Hãy cứ vui tươi. Hãy cứ buồn bã. Hãy để năng lượng cảm xúc tuôn chảy, và hãy phấn đấu để được bình yên và cân bằng.
Có lúc, ta cần được chuyên gia hỗ trợ xử lý cảm xúc. Nếu mắc kẹt trong một cảm xúc nhất định, ta nên đến gặp nhà tư vấn, bác sỹ trị liệu, nhà phân tích tâm lý. Ta cũng cần được chuyên gia giúp đỡ nếu đã đè nén cảm xúc trong một thời gian dài hoặc nếu ta ngờ rằng cảm xúc mà mình luôn đè nén rất mãnh liệt.
Đôi khi, ta chỉ cần tập luyện và ý thức một chút là có thể đánh thức phần cảm xúc bên trong. Những hoạt động sau đây giúp tôi kết nối với cảm xúc của mình: tập thể dục, viết những lá thư không định gửi đi, nói chuyện với những người tôi tin tưởng và thiền định.
Ta cần chú ý đến thái độ “không nên cảm thấy như thế” mà ta thường nói với bản thân; chú ý đến mức độ thoải mái của mình; lắng nghe những gì mình đang nghĩ, đang nói và giọng điệu của mình; để mắt đến những gì mình đang làm. Ta sẽ tìm được cách kết nối hiệu quả và vượt qua cảm xúc.
Chúng ta càn chào đón cảm xúc bước vào cuộc sống của ta. Rồi sau đó quyết tâm đối xử ân cần và quan tâm đến nó. Hãy cảm nhận, lắng nghe, tin tưởng vào cảm xúc và vào chính bản thân ta.