|
Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) |
Tâm thân thoát lạc
Theo "Tam tổ hành nghiệp ký" và "Kiến tê ký", các sách chép lại hành trạng chư tăng chùa Vĩnh Bình, Dôgen đã hoát nhiên đại ngộ lúc ở trên Thiên Đồng Sơn vào một hôm nghe thày mình là Như Tĩnh quát mắng một tăng sinh ngủ gật là "Phải để tâm thân thoát lạc" và tặng cho anh ta một hèo. Hai năm từ ngày ấy, Dôgen được thầy cho về nước và ông tiếp tục lấy câu nói của ân sư làm phương châm tu hành cũng như dạy lại cho nhiều thế hệ học trò. Thế nhưng, trong ngữ lục của thầy ông, Hòa thượng Như Tĩnh, thì chỉ thấy viết là "tâm trần" 心塵chứ không phải "tâm thân"心身. Nếu là "tâm trần" thì đấy là ngũ dục, ngũ cái, chúng giống như bụi bặm, phiền não bám lấy cái tâm.
Có thể Dôgen lúc đó chưa rành tiếng Trung, đã nghe lầm lời thầy nhưng quả là một sự lầm lẫn thiên tài vì về mặt triết học, "tâm thân" chứ không phải "tâm trần" mới có ý nghĩa cao xa, thâm thúy.Chỉ quản đả tọa
Đối với Dôgen, Thiền không phải là đốt hương, lễ bái, niệm Phật, sám hối, đọc kinh mà chỉ cần ngồi xuống đó và Thiền (chỉ quản đả tọa). Tọa thiền giúp cho lòng mình thơ thới, quên đi tự kỷ và tha kỷ [17] (tâm thân thoát lạc). Theo ông, từ Đức Phật Thích Ca cho đến các tổ sư, tất cả đều nhờ tọa Thiền mà đại ngộ, đâu có người nào phải tụng kinh hay dâng hương. Do đó chỉ có tọa Thiền cho đúng nghi thức là cần thiết, ngoài ra đều là "dư hành" (hành động thừa thãi). Mục đích của việc tọa Thiền phải thực hiện với tinh thần "tu chứng nhất như" [18] (luận cứ thấy trong chương Biện đạo thoại). Tọa Thiền, với Dôgen, không phải là để ngộ đạo hay để được thành Phật (phải là vô sở đắc, vô sở ngộ). Tu Thiền nhằm gìn giữ cái Phật tính trong thiên nhiên mà lòng ta đã hòa vào. Vì con người là Phật rồi nên mới cần tu hành để tinh tiến mãi. (Nói dí dỏm kiểu Hiro Sachiya thì điều đó không khác chi một cầu thủ dù đã thành danh vẫn cứ phải luyện tập chăm chỉ để được có mặt trong đội hình).
Tuy coi trọng việc tọa Thiền ở tăng đường, Dôgen còn khuyến khích người ta tọa Thiền khi làm việc, giữa cuộc sống hằng ngày. Thời đó, dân gian có câu "Lâm Tế tướng quân, Tào Động thổ dân". Các tăng Lâm Tế thường lui tới cửa quyền, trong khi Tào Động gần gũi với thường dân. Cách tu hành "ngồi xuống" rất giản dị, dễ dàng thực hiện, dù không có trình độ trí thức cao nên thích hợp với cả những người không có văn hóa.
Hiện thành công án
"Công án" là những bài tập để biết trình độ của thiền sinh, cũng là cửa ải họ phải vượt qua, Nhưng công án rất khó hiểu, thường phải có sự hướng dẫn của sư gia. Nhiều tăng nhân, cư sĩ tông Lâm Tế như Suzuki Daisetsu, Akizuki Ryômin … đã cất công giản dị hóa công án từ các ngữ lục nhưng chúng vẫn chưa nằm trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa, đó lại toàn là truyện xưa tích cũ nên chưa chắc nối kết được với cuộc sống hiện tại. Khái niệm Hiện Thành Công Án của Dôgen có thể giúp cả những người tu tại gia giải quyết được vấn đề đó. Hiện Thành Công Án nằm ngay trong tập đầu của Chánh Pháp Nhãn Tạng 75 tập.
"Hiện thành" ý nói thế giới tồn tại và hiện ra trước mắt ta ngay bây giờ. "Công án" trong cách hiểu của Dôgen không phải là bài tập, ải chắn nhưng tương đương với "chủ đề" (main subject) hay "tác nhân" (motive) để suy nghĩ. Thế giới hiện ra trước mắt chúng ta mỗi ngày có cả mê ngộ, tu hành, sinh tử, chư Phật cũng như chúng sinh. Thế nhưng phải nhìn mọi sự vật trong thế giới ấy như nó là. Than là than mà củi là củi. Thấy than, không nên nghĩ rằng nó đã có thời là củi và cũng đừng mong chi một ngày nào đó, than sẽ thành củi trở lại. Nếu nhìn mê hay ngộ như chúng hiện ra trước mắt thì sự phân biệt mê ngộ sẽ không còn nữa. Muốn tìm cái ngộ là đã bắt đầu mê, muốn thành Phật là đã bước ra ngoài Phật đạo. Sinh tử cũng vậy. Nó hiện ra thế nào thì biết thế ấy. Lý do là khi ta đang sống thì ngoài sự sống không có gì khác, mà khi ta chết thì ngoài cái chết cũng không có gì khác. Ở trong vòng sinh tử mà không tìm cách siêu việt lên hay khắc phục nó là đã hết mê rồi. Cái mê của chúng ta đến từ vọng tưởng muốn thoát khỏi sự chết vậy.
Tự lực tha lực
Xưa nay tu hành có hai lối, một là dùng chính sức mình (tự lực) hay là dựa vào sức người khác (tha lực). Thông thường tự lực rất khó vì vũ khí trong tay chỉ có mỗi cái sức lực yếu kém của mình cho nên người ta thường kêu gọi Phật giúp đỡ bằng cách "xưng danh niệm Phật" (như giáo lý của Hônen, Shinran hay Nichiren) chẳng hạn. Lối hiểu của Dôgen lại khác họ vì ông xem tự lực hay tha lực đều phải dựa vào sức Phật.
Xưa kia, trong thần học Ấn giáo (Hinduism), có hai đường lối, gọi là "phương thức của khỉ" và "phương thức của mèo". Khi khỉ mẹ muốn giúp khỉ con thì khỉ con phải bám chặt vào bụng mẹ mà di chuyển. Sự bám víu của khỉ con là một hành động "tự lực" vì nó đang làm một cố gắng. Trong trường hợp của mèo thì mèo mẹ dùng miệng để xách cổ mèo con. Mèo con không cố gắng gì cả mà phó mặc cho mẹ đưa đi nên mới gọi là cậy vào tha lực.
Như vậy, sức trợ giúp của người mẹ trong trường hợp của hai con vật chính là sự giúp đỡ của Phật với người đi tu. Theo giáo lý của Dôgen thì con người phải tự lực nhưng chỉ có thể tự lực như khỉ con. Nó làm hết sức của mình nhưng phải nhờ mẹ ở mức độ mà nó không giải quyết nổi. Như vậy, quan điểm về sự tự lực của Dôgen khác với những người đi trước. Nếu giống đi chăng nữa là giống ví dụ về sợi tơ nhện mà Đức Phật đã trao cho tướng cướp Kendatta, truyện được kể lại trong tiểu phẩm Kumo no Ito (Sợi tơ nhện) của nhà văn Akutagawa Ryuunosuke. Điều đó muốn nói là Phật giúp cho phương tiện nhưng con người phải tự mình hành động.
Phật tính
Quan điểm về Phật tính của Dôgen cũng khác người. Hiro Sachiya kể rằng [19] hồi còn bé khi bắt đầu tu ở Hieizan, Dôgen đã thắc mắc về những chuyện như tại sao con người đã có sẵn Phật tính mà còn phải đi tu, Phật tính chỉ có nơi con người và các loài động vật (hữu tình) hay còn có cả trong núi sông, cây cỏ, gạch ngói (vô tình). Rốt cuộc, sau những tháng năm tu học, ông đã đưa ra kiến giải độc đáo về Phật tính của mình.
Phật giáo Đại thừa thường giải thích câu "Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính" của kinh Niết Bàn là "muôn loài đều có khả năng trở thành Phật" tức có khả năng giác ngộ chân lý. Thế nhưng trong chương bàn về Phật tính của Chánh Pháp Nhãn Tạng, Dôgen hiểu câu đó như là "tất cả mọi sự tồn tại dù có sinh mệnh hay không đều có Phật tính" nghĩa là "chúng đều nằm bên trong thế giới của Phật". Như vậy không có chuyện cái nào "hữu" Phật tính, cái nào "vô" Phật tính ở đây, chỉ bởi vì Phật tính bao trùm lên tất cả. Theo Hiro Sachiya, điều đó phản ánh hai lối hiểu khác nhau giữa tiếng Phạn trong bản gốc và Hán văn trong bản dịch
Dôgen phê phán cách hiểu Phật tính như một cái mầm, nếu có trận mưa Pháp tưới lên thì sẽ nẩy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái. Ông bảo đó là cách hiểu của phàm phu. Ông cũng kể lại câu chuyện có người hỏi một thiền sư rằng khi con giun đất bị người ta đạp đứt đôi, hai đầu đều ngo ngoe thì đầu nào là đầu có Phật tính? Thiền sư kia trả lời: Mạc vọng tưởng. Câu hỏi của người nói trên tự thể đã sai lầm bởi vì con giun ấy không cần phải có Phật tính. Nó đang sống và chết giữa Phật tính. Nhân vì Phật tính có mặt khắp nơi nên cả trong cái Vô cũng có Phật tính.
Nhất khỏa minh châu
Hình ảnh Dôgen hay dùng để ví von về đạo là vầng trăng. Vầng trăng ấy tuy ngụ trên mặt nước nhưng không dính một giọt nước, nó không hề bị ướt. Ánh sáng của nó tỏa chiếu khắp nơi, chỉ có một khoảnh nhỏ là nằm trên mặt nước chứ nó vẫn lồng lộng giữa khung trời. Cả vầng trăng lẫn bầu trời đều có thể ngụ nơi một hạt sương trên đầu lá cỏ hay trong một giọt nước. Dôgen không thể nào yêu thích một vầng thái dương đỏ rực và nồng cháy như Kuukai (774-921) hay Nichiren (1222-1282). Cái mà ông yêu là vầng trăng, nó chiếu không phân biệt từ lá cỏ, giọt sương cho đến mặt nước vì mỗi nơi trong vạn vật, Phật tính đều tồn tại. Dôgen đã trình bày tư tưởng kinh Hoa Nghiêm theo bút pháp độc đáo của ông trong Chính Pháp Nhãn Tạng như thế đó.
Quyển 7 của Chính Pháp Nhãn Tạng lại có bài viết nhan đề "Nhất khỏa minh châu". Tuy là một đoản văn nhưng ý nghĩa sâu xa.
Với tư cách một thiền gia, Dôgen đặc biệt yêu mến Triệu Châu Chân Tế (Tùng Thẩm) [20] và Huyền Sa Sư Bị [21]. Huyền Sa xưa có câu thơ:
Tận thập phương thế giới,
Thị nhất khỏa minh châu.
(Cả mười phương thế giới,
Là một hạt minh châu)
Câu thơ này đã được chép lại trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 18. Thế nhưng trước đó, Bạch Cư Dị (772-846) cũng đã có mấy câu nói về "một hạt minh châu" trong bài Xuân hồ thượng đề như sau:
Hồ thượng xuân lai tự họa đồ,
Loạn phong vi nhiễu thủy bình phô.
Tùng sơn bài diện thiên trùng thúy,
Nguyệt điểm ba tâm nhất khỏa chu.
Bích thảm tuyến đầu trừu tảo đạo,
Thanh la quần đới triển tân bồ.
Vị năng phao đắc Hàng châu khứ,
Nhất bán câu lưu thị thử hồ.
(Cảnh hồ xuân đến tựa tranh phô,
Núi chập chùng giăng, sóng nhấp nhô.
Trùng điệp rừng tùng, xanh mấy giải ,
Trăng như ngọc sáng giữa lòng hồ.
Lúa mới đầy đồng khoe thảm biếc,
Bãi bờ lau lách cũng xanh tô.
Hàng châu đâu dễ ra đi nhỉ,
Một nửa hồn ai gửi lại hồ).
Văn nhân và thiền sư đều nhắc đến "nhất khỏa minh châu" và có lẽ Huyền Sa đã lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ tiền bối. Còn như Dôgen thì tuy đồng tình với Huyền Sa nhưng ông đã nâng được câu thơ trên lên tầm cao của triết học, giải thích rằng đạo giống như "một hạt minh châu" và minh châu đó ánh lên trên mười phương thế giới [22]. Ánh lên thế nào thì ông bảo là "Tận thập phương: vị hưu trục vật vi kỷ, trục kỷ vi vật. (Lan hết 10 phương, không ngưng đuổi vật để thành mình, đuổi mình để thành vật). Trong thế giới ấy, vĩnh viễn người là vật và vật cũng là người. ...
Trích: Eisai và Dogen, hai tổ sư Thiền Nhật Bản
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân
Theo: Thư Viện Hoa Sen