Phước báu
Hỏi: Thưa Thầy, trước đây con nghĩ rằng đi chùa là có phước nên thích đi chùa, nhưng từ khi con biết sống “tuỳ duyên thuận pháp” mỗi khi có ai rủ đi chùa hoặc làm phước gì con thường suy nghĩ nên hay không nên làm. Suy nghĩ đắn đo như vậy là tốt hay xấu thưa Thầy?
- Trong tâm thiện có 2 biểu hiện:
• Tâm thiện do đức tin (cảm tính).
• Tâm thiện do trí tuệ (lý tính).
Tâm thiện do trí tuệ gọi là tuỳ pháp hành cao hơn tâm thiện do đức tin gọi là tùy tín hành. Do đó đắn đo suy nghĩ kỹ theo thực tế trước khi làm và trong khi làm cho đúng tốt, cho hợp thời hợp chỗ là làm thiện có trí tuệ. Phước còn tùy vào nhiều yếu tố khác như làm với tâm hỷ hay tâm xả, việc làm đem lại hiệu quả lâu dài hay nhất thời, làm lợi ích cho số đông hay cá nhân, làm vì bản ngã hay vô ngã, tự làm hay làm theo người khác, làm để được phước hay làm để xả ly v.v… Vì vậy khi làm gì càng thấy rõ biết rõ nhiều yếu tố nhân duyên càng không bị sai lầm. Đắn đo trong hướng tâm đúng tốt gọi là chánh tư duy.
Đắn đo suy nghĩ
Hỏi: Kính thưa sư ông, xin sư ông chỉ thêm cho con về sự đắn đo suy nghĩ thuộc về trí và sự phân vân lựa chọn thuộc tâm bất thiện ạ?
- Nếu đắn đo suy nghĩ dựa trên sự thật để biết cái nào đúng cái nào sai mà làm cho tốt thì thuộc về trí tuệ chánh tư duy, đó là tâm thiện hợp với trí. Còn đắn đo suy nghĩ do phân vân nghi hoặc, lưỡng lự bất nhất thì thuộc về tâm si, đó là tâm bất thiện. Tâm si có 3 yếu tố: nghi hoặc, hôn trầm, trạo cử. Do đó, cần thường tự soi sáng để biết rõ thái độ tâm như thế nào, mới biết được suy nghĩ nào là thiện, suy nghĩ nào là bất thiện.
Hỏi: Thưa sư ông, có phải đắn đo suy nghĩ để xem cái nào tốt hơn thì vẫn thuộc về tâm bất thiện phải không thưa sư ông?
Điều này rất vi tế, phải quan sát tâm mới thấy ra những yếu tố gì thiện hay bất thiện chứ không nên vội kết luận. Một tâm bao hàm rất nhiều tâm sở. Tâm sở mà thay đổi thì tâm cũng thay đổi. Nếu không quan sát kỹ thì khó nhận biết được đâu là thiện đâu là bất thiện. Nhiều khi lúc đầu tưởng là thiện, về sau gặp chuyện mới nhận ra là bất thiện. Thí dụ khi thương yêu giúp đỡ ai tưởng là mình có tâm vị tha, nhưng khi người đó làm mình bất mãn mới biết đó chỉ là tình thương vị kỷ.
Nếu như suy nghĩ trên sự kiện thật để biết điều nào lợi mình lợi người, điều nào hại mình hại người để hành xử đúng tốt thì đó là tư duy thiện. Còn nếu suy nghĩ xem điều gì tốt hơn cho mình mà lại hại người trong tranh chấp hơn thua thì đương nhiên là bất thiện rồi! Muốn có chánh tư duy trước phải có chánh kiến, tức phải thường sáng suốt biết rõ hành động, nói năng, suy nghĩ trong mọi lúc mọi nơi. Tự soi sáng thân tâm để không còn lầm lạc là giác ngộ. Đó là cốt lõi của Đạo Phật.
Đạo Phật không tu luyện với mục đích đạt được một lý tưởng cao đẹp hơn như kiểu tiểu ngã trở thành đại ngã của đạo Bà-la-môn. Tu theo Chánh Đạo thì thấy tức là tu - thấy ra nguyên lý vận hành của Pháp để sống tuỳ duyên thuận pháp - chứ không tu với ý đồ trở thành bất cứ trạng thái lý tưởng nào. Bất cứ trạng thái nào đang là đều lý tưởng nêú như tâm giác ngộ luôn rỗng lặng trong sáng.
Hành “thâm bát-nhã”
Hỏi: Kính bạch Thầy, theo Tâm Kinh Bát-nhã, thực hành trí tuệ thâm sâu rốt ráo (Bát-nhã ba-la-mật), soi thấy năm uẩn đều không, là cách quan sát tâm với độ tỉnh thức trọn vẹn, không bị ảo tưởng chi phối dẫn dắt, phải không thưa Thầy?
- Đúng, thật ra, khi thận trọng chú tâm quan sát là đang hóa giải ngũ uẩn. Bởi vì, sâu nhất của thận trọng chú tâm quan sát là trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết nên ngũ uẩn không sinh khởi được. Thận trọng chú tâm quan sát có thể ứng được cả hai mặt tục đế và chân đế:
• Ứng với tục đế thì không bị vướng mắc vào 5 Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới, 12 duyên sinh, 5 che lấp, 10 ràng buộc.
• Ứng với chân Đế thì thấy thực tánh pháp, mà thực tánh rốt ráo nhất của pháp là Tịch Tịnh Niết-bàn.
Toàn bộ bốn pháp sau đây đều thể hiện tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác ứng với các tình huống tu tập gọi là hành thâm bát-nhã:
- Thận trọng, chú tâm, quan sát ứng với khi hữu sự.
- Trở về, trọn vẹn, tỉnh thức ứng với khi vô sự.
- Trong lành, định tĩnh, sáng suốt khi ứng ra với vạn pháp.
- Rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng" khi trở về “điềm đạm hư vô” hay “thối tàng ư mật”.
Nên cả bốn trường hợp đều thể hiện Giới-Định-Tuệ tự tánh thâm sâu có thể hóa giải được sự hình thành ngũ uẩn (ngũ uẩn giai không).
Hỏi: Thưa Thầy, con thấy khi tâm hoạt động thì có cái tâm sâu hơn biết được tâm hoạt động đó. Có phải đó là tánh biết thấy tướng biết không thưa Thầy?
- Đúng, nhưng phải coi chừng. Khi sân nổi lên sau đó mới biết sân đã khởi lên thì cái biết đó vẫn là tướng biết. Còn tánh biết biết được ngay khi sân vừa khởi lên cho đến khi sân ấy diệt đi như đức Phật dạy niệm tâm, niệm pháp trong kinh Tứ Niệm Xứ.
Hỏi: Thưa Thầy, phải dùng thái độ cứng rắn để nói cho người khác hiểu, nhìn thì có vẻ sân nhưng sự thật không phải là sân phải không thưa Thầy?
- Có người Bà-la-môn cho rằng Pháp là cái gì cao siêu mầu nhiệm phải tu hằng hà sa số kiếp mới chứng được nên đến chất vấn đức Phật: “Bạch Thế Tôn, Pháp mà đức Thế Tôn tuyên thuyết là ‘thấy ngay, không qua thời gian, nhìn lại là thấy, ngay nơi thực tại, mỗi người trí tự chứng’ đó là pháp gì?”. Đức Phật thấy người hỏi đang sân nên chỉ thẳng cho người ấy thấy ngay: “Sân là Pháp (Dhammo) thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), nhìn lại là thấy (Ehipassiko) ngay nơi thực tại (opanayiko) mỗi người trí tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi)”.
Khi tướng biết vắng lặng tức tri kiến thanh tịnh thì mới thấy ra tánh biết thường soi sang (pabhassaracitta) chính là Đạo đế, đầy đủ giới định tuệ, bát chánh đạo, nên vừa thấy phiền não sinh diệt, vừa thấy Niết-bàn không sinh diệt. Vì vậy vấn đề không phải là sân gì mà là có thấy được sân sinh diệt hay không. Người rõ biết sân, biết sử dụng sân đúng lúc đúng chỗ vì lợi ích cho nhiều người thì người đó không còn bị sân chi phối. Như vị lương y biết dùng độc để trị độc vậy.
Hỏi: Thưa Thầy “tri kiến thanh tịnh” và tâm “rỗng lặng trong sáng” giống nhau hay khác nhau? Có ai trải qua những trạng thái ấy nhưng không biết?
- Tri kiến thanh tịnh thuộc tướng biết, tức khi ý thức nhận biết đối tượng mà không khởi lên khái niệm về đối tượng đó, thì thấy được thực tướng của pháp. Còn tâm rỗng lặng trong sáng thuộc tánh biết tức dù qua 6 thức hay không thì vẫn thấy được thực tánh. Tùy trường hợp, nếu một người sinh ra vốn đã là bậc Tu-đà-hoàn thì họ sống bình thường nhưng tri kiến thanh tịnh và vì vậy tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên. Cũng có trường hợp một người trước đây tu thiền định nay khi hưởng tâm quả của thiền định cảm thấy tâm rất yên lặng, nhưng lại thích trú trong sự vắng lặng đó thì vẫn rơi vào “trầm không trệ tịch” không phải là tri kiến thanh tịnh, càng không phải tâm rỗng lặng trong sáng.