Trà Đạo ngày 06.09.2017 (Đạo và Đức - Món quà giáo Pháp)
Hỏi: Thưa Sư ông con thấy trong sách Lão Tử - Đạo Đức Kinh chương 38 có viết:" Đạo mất mới tới Đức". Kính xin Sư ông chỉ dạy cho chúng con ạ!
- Pháp bao gồm thể tánh và tướng dụng. Thể tánh thì Chân gọi là Đạo, tướng dụng thì Thiện gọi là Đức. Đạo thể hiện qua trí tuệ, Đức thể hiện qua hành vi. Đạo là nguyên lý, Đức là mẫu mực. Đạo đi trước Đức mới theo sau. Do đó khi không còn giác ngộ được nguyên lý của Đạo thì mới đề cao mẫu mực của Đức. Ngày nay, hầu hết các Tôn giáo kể cả Phật giáo đều đưa mẫu mực lên hàng đầu thay vì giác ngộ chân lý.
Đạo chỉ Một, nhưng Đức có Hai: Đức trong chân tánh của Đạo (chân đế), và Đức theo mẫu mực đời thường (tục đế). Người giác ngộ tự có chân đức, còn người sống mẫu mực chưa chắc đã giác ngộ. Cho nên Lão tử mới nói "Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ" nghĩa là mất Đạo (không giác ngộ được) mới cần tới Đức, mất Đức mới tới Nhân (tình thương), mất Nhân mới tới Nghĩa (bổn phận), mất Nghĩa mới dùng Lễ, lúc đó chỉ còn pháp luật (hình thức nhân định) mà một khi quá nặng hình thức luật định thì đã bắt đầu loạn rồi. Đó là lý do vì sao Đạo Phật nhấn mạnh giác ngộ là chính vì khi ngộ Đạo liền có tất cả Đức của Đạo (Minh Hạnh túc). Trong Bát Chánh Đạo, Tuệ cũng dẫn đầu, có Tuệ thì Giới mới trong sạch (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) và có Tuệ thì Định mới tĩnh lặng (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Người thiếu Tuệ mới đề cao Định, người thiếu Định mới chấp vào Giới. Lúc đầu đức Phật chỉ thẳng Sự Thật nhiều người liền giác ngộ, về sau trình độ kém hơn Phật nói thêm Định để họ có được chút an lạc, đỡ phải lăng xăng, sau nữa Tăng chúng đông và bắt đầu lộn xộn Phật mới nói thêm Giới. Đúng như Lão Tử nói: “Thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu… Lễ” vậy.
Hỏi: Thưa sư ông, khi mình chưa sống Đạo được thì mình phải sống Đức trước, đúng không thưa sư ông?
- Đúng, chưa giác ngộ chân đế thì phải sống theo đức trong tục đế. Hồi đầu đức Phật khai thị nguyên lý nhưng rất nhiều người giác ngộ, về sau vì Tăng Ni ngày càng đông nên Ngài mới dần ban hành quy củ giới luật để ổn định đời sống tập thể. Ngày nay vì sự giác ngộ giảm dần nên Phật giáo càng về sau càng y cứ trên giáo điều, đặt nặng hình thức tổ chức, chế định phương pháp tu hành mà chia ra thành nhiều Tông môn, Hệ phái với nhiều phương tiện tu tập khác nhau. Khi Tuệ chánh niệm tỉnh giác mất, thì người ta mới cố hành thiền Định, và khi Định cũng mất luôn thì cái Đức lúc đó chỉ còn là hình thức giới luật. Giới đúng, Định đúng cũng là cái Đức nhưng để ngộ Đạo thì phải có Tuệ mới được.
Đức của Đạo (Tri kiến thanh tịnh)
Hỏi: Thưa Thầy, con có trải nghiệm như chạm phải cái gì đó rất lạ, chỉ còn tánh biết tự thấy pháp, khi con thận trọng chú tâm quan sát một cách tự nhiên thì chỉ thấy biết mà không thấy có con muốn thấy biết trong đó nữa, kính xin Thầy chỉ dạy thêm?
- Đó chính là tánh biết tự soi sáng một cách tự nhiên, vô tâm, không có dụng công, trước ý. Trong Thiền có câu "cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình tiếp liễu, liễu xanh um". Hành giả thường sai lầm khi quá cố ý, dụng tâm để tu hành, vì mong cầu sớm đạt được kết quả ở tương lai. Nhưng tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác có nghĩa là trở về trọn vẹn soi sáng thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là nên càng tự nhiên vô tâm càng dễ thấy thực tánh chân đế.
Món quà giáo Pháp
Hỏi: Kính thưa sư ông, món quà quý giá nhất là giáo pháp, vậy trong khi làm từ thiện mình có thể gởi tặng họ bài thuyết pháp hay tổ chức buổi thuyết pháp, như vậy sẽ tốt hơn có đúng không sư ông?
- Đó là ý tốt nhưng không chắc có hiệu quả. Pháp là món ăn tinh thần, người nào đói mới cần ăn. Nếu người ta chưa có nhu cầu mà thuyết pháp cho họ nghe có khi phản tác dụng. Người ta sẽ nói “chúng tôi cần gạo, không cần dạy khôn”. Do đó luật Phật là phải có thỉnh mới được thuyết, hay có ai hỏi mới trả lời. Nhiều khi người ta chưa đủ trình độ để nghe hoặc họ đang theo Tôn giáo khác mà lại đưa ra Phật Pháp sẽ làm cho họ dị ứng. Tuy rằng làm với tâm thiện nhưng vẫn có vẻ như là một sự đổi chác rằng "tôi cho anh, anh phải theo tôi", cho nên vô tình không phải đem điều tốt đến cho họ mà có ý đồ truyền bá đạo của mình, hoá ra không phải là tốt, điều này cần phải tế nhị mới được. Còn khi họ có nhu cầu cần đạo thì tự nhiên họ tìm đến. Đạo chính là chân lý là sự thật, nên nói với người ta làm sao sống đúng tốt hơn hướng dẫn những điều gì cụ thể trong đời sống, thí dụ phải sống có vệ sinh, ăn uống điều độ v.v... thì đó mới là Đạo. Còn tuyên truyền Kinh Điển thuộc về truyền giáo chứ không phải khai ngộ Sự Thật.