Khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian này thì Dhamma cũng xuất hiện với Ngài. Dhamma có nghĩa là những gì mà Đức Phật đã hiểu được, biết được vào lúc Ngài giác ngộ, đồng thời cũng là những gì Ngài dạy trong suốt bốn mươi lăm năm truyền bá Giáo Pháp. Chữ Dhamma trong tiếng Pāḷi có rất nhiều nghĩa: Dhamma có nghĩa là tất cả mọi chuyện, nhưng trong buổi thuyết giảng hôm nay tôi muốn nói đến chữ Dhamma với nghĩa là điều phước thiện hay hành động phước thiện. Một người thực hành những việc phước thiện hay làm những việc phước thiện được gọi là Dhammachari, có nghĩa là người thực hành Dhamma. Dhamma ở đây chỉ có nghĩa tổng quát là việc phước thiện hay việc tốt. Như vậy, khi chúng ta thực hành việc phước thiện, như bố thí là chúng ta đã thực hành Dhamma. Khi bạn nói chuyện với một người nào đó một cách thân thiện, dễ thương với ý niệm tốt thì bạn đã thực hành Dhamma. Khi bạn giữ giới luật như không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu là bạn đã thực hành Dhamma. Khi bạn giúp đỡ mọi người làm việc tốt hay khi bạn làm những việc cộng đồng bạn đã thực hành Dhamma. Cũng vậy, khi bạn hành thiền bạn cũng thực hành Dhamma.
Có một câu thơ xuất hiện nhiều lần trong kinh và trong chú giải như sau:
Dhamma bảo vệ người thực hành Dhamma.
Dhamma được thực hành tốt đẹp sẽ mang lại hạnh phúc.
Đó là những lợi ích từ sự thực hành tốt đẹp của Dhamma.
Người thực hành Dhamma không sinh vào những cảnh giới đau khổ.
▪︎ Câu đầu tiên nói rằng: Dhamma bảo vệ người thực hành Dhamma.
Sự bảo vệ ở đây có nghĩa là bảo vệ không để rơi vào bốn cảnh khổ. Chúng ta là những người Phật Tử, chúng ta tin rằng có rất nhiều kiếp sống trong quá khứ cũng như trong tương lai. Những kiếp sống này có thể tốt đẹp, hạnh phúc hay là không tốt đẹp, không hạnh phúc. Nếu bạn không hoàn tất việc thanh lọc tâm trong đời sống hiện tại có nghĩa là bạn không thành A La Hán ngay trong kiếp sống này thì bạn còn phải tái sinh trong những kiếp sống tương lai. Nếu còn phải tái sinh trong tương lai và muốn tái sinh nơi tốt đẹp, hạnh phúc, tránh tái sinh vào những cảnh khổ thì chúng ta phải thực hành Dhamma. Thực hành Dhamma giúp chúng ta không rơi vào cảnh xấu, được tái sinh vào những cảnh an vui, tốt đẹp. Như vậy, Dhamma (Giáo Pháp) bảo vệ chúng ta khỏi rơi vào bốn cảnh khổ. Nếu chúng ta muốn thực hành Dhamma để thóat ra khỏi vòng luân hồi thì nỗ lực này sẽ đưa ta đến mục tiêu ta mong muốn. Những hành vi phước thiện như bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật chỉ giúp chúng ta được tái sinh vào cảnh an lạc, hạnh phúc. Nhưng những hành vi phước thiện không thể đưa chúng ta đến Niết Bàn. Muốn đạt đến Niết Bàn, muốn thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, chúng ta phải hành Thiền Minh Sát. Thiền Minh Sát có thể đưa chúng ta đến mục tiêu Niết Bàn. Tuy nhiên, những hành động thiện lành như bố thí, trì giới sẽ giúp chúng ta tái sinh với những điều kiện thật tốt, thật thuận lợi để chúng ta có cơ hội hành Thiền Minh Sát. Như vậy, làm việc thiện như bố thí, trì giới từng bước đưa chúng ta đến việc hành thiền.
Những việc thiện chúng ta làm luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi rơi vào bốn đường ác và trực tiếp đưa chúng ta ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, cho nên có thể nói hành vi phước thiện là duyên hỗ trợ mạnh mẽ cho chúng ta giải thóat.
▪︎ Câu thứ hai: Dhamma được thực hành tốt đẹp sẽ mang lại hạnh phúc.
Thực hành tốt đẹp có nghĩa thực hành với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Người Phật Tử tin tưởng vào luật nghiệp báo. Người Phật Tử tin tưởng có nghiệp và quả của nghiệp. Kamma (nghiệp) có thể tốt hay xấu. Như vậy, quả của nghiệp cũng có thể tốt hay xấu. Người Phật Tử tin tưởng vào luật nghiệp báo và sự tin tưởng này không phải là sự tin tưởng mù quáng mà đặt trên nền móng hiểu biết. Người Phật Tử làm điều thiện với đức tin được gọi là thực hành Giáo Pháp đúng hay thực hành Giáo Pháp tốt đẹp. Đồng thời, khi thực hành người Phật Tử sẽ thận trọng và tôn trọng Giáo Pháp. Khi Giáo Pháp được thực hành tốt đẹp, người ta gọi đó là sự thực hành Giáo Pháp tốt đẹp, điều này mang lại hạnh phúc cho người thực hành. Hạnh phúc ở đây có nghĩa là hạnh phúc thế gian và hạnh phúc siêu thế. Hạnh phúc trong thế gian có nghĩa là trong cảnh tốt, tái sinh trong cảnh người, cảnh trời, hạnh phúc siêu thế là giải thóat, giác ngộ. Như vậy, người thực hành Giáo Pháp tốt đẹp có thể hưởng được hai loại hạnh phúc này. Nhưng bạn muốn đạt được hạnh phúc siêu thế, hạnh phúc tối thượng, bạn không những chỉ làm những hành động thiện lành như bố thí, trì giới mà bạn còn phải hành Thiền Minh Sát.
Đức Phật trong phần khởi đầu kinh Đại Niệm Xứ đã nói: Hành Thiền Minh Sát là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sinh. Chánh niệm là con đường duy nhất để giải thóat. Bởi vậy, muốn đạt mục đích này chúng ta phải hành thiền.
Thực hành chánh niệm theo những lời chỉ dẫn trong kinh Đại Niệm Xứ và trong chú giải chúng ta sẽ chứng ngộ đạo quả và tâm sẽ hoàn toàn trong sạch.
▪︎ Câu thứ ba và bốn: Đó là những lợi ích từ sự thực hành tốt đẹp Dhamma (Giáo Pháp).
Người thực hành Dhamma (Giáo Pháp) không sinh vào những cảnh giới đau khổ. Chẳng khác nào một vật đã được nắm chặt, khi thực hành Dhamma thì Dhamma sẽ giữ chúng ta, nắm chặt chúng ta, không để chúng ta tái sinh vào bốn ác đạo.
Người thực hành Giáo Pháp không để cho bốn cảnh khổ có cơ hội chen vào. Người thực hành Giáo Pháp chắc chắn thóat khỏi bốn cảnh khổ trong kiếp tới.
Khi thực hành những Giáo Pháp thông thường như: bố thí, trì giới hay khi thực hành Giáo Pháp cao hơn như: tham thiền bạn sẽ hưởng được nhiều hạnh phúc. Khi bỏ công của vào việc phước thiện bạn sẽ có niềm hỉ lạc của sự bố thí. Bạn cảm thấy hạnh phúc vì người được bạn giúp đỡ đã vui mừng khi nhận được sự giúp đỡ của bạn. Đó là hạnh phúc hay niềm vui nhờ sự thực hành bố thí. Một lợi ích nữa trong bố thí là bạn có thể loại trừ tham ái, dính mắc vào vật sở hữu của mình. Bản chất tự nhiên của chúng ta là hay dính mắc vào cái mình có. Con người luôn luôn dính mắc, luôn luôn bất an về của cải của mình. Khi cho những của cải thì người cho không những cho ra một vật gì, mà còn loại trừ được tâm tham ái, dính mắc vào vật đó. Khi tham ái, dính mắc đã được khử trừ thì sự trong sạch, thanh tịnh, hạnh phúc sẽ đến.
Như vậy, khi làm bất cứ hành vi phước thiện nào bạn đều có niềm vui: Niềm vui được giúp kẻ khác, và niềm vui không dính mắc, tham ái. Đó là một loại hạnh phúc mà bạn nhận được từ sự thực hành Giáo Pháp. Một niềm vui khác là: ngoài việc hưởng được hạnh phúc trong khi làm phước thiện trong hiện tại, quả phước này cũng sẽ trả cho bạn trong những kiếp sống sau nữa. Phần lớn người ta nghĩ rằng: khi làm việc phước thiện sẽ nhận được quả lành trong kiếp tới, nhưng theo sự giải thích trong chú giải thì phước báu không những đem lại kết quả trong kiếp tới mà còn cho quả ngay trong kiếp sống này.
Thật vậy, sự thực hành Giáo Pháp cho quả ngay trong kiếp sống này. Một giòng họ nọ sống ở Ấn Độ thuở xa xưa. Những người trong giòng họ này luôn luôn trường thọ, chẳng bao giờ chết yểu. Một cậu bé trong giòng họ này được gởi đến một nơi xa để học.
Lúc đó, có một người bạn học chung trường với cậu bé bị bệnh chết, cậu bé lấy làm ngạc nhiên nói:“Tại sao một người trẻ như vậy mà phải chết?”.
Người ta hỏi cậu ta rằng: “Phải chăng trong xứ của anh chẳng có ai chết trẻ bao giờ sao”.
Chàng thanh niên nói: “Trong dòng họ tôi không có ai chết yểu cả”.
Mọi người không tin. Vị thầy bèn thử lấy một ít xương dê đem đến gia đình cậu bé và nói với cha mẹ cậu ấy rằng: “Con của ông bà đã chết, đây là xương của cậu ta”.
Nghe thế, cha của cậu ta nói: “Không, tôi không tin điều đó đâu, vì không có ai trong dòng họ tôi chết yểu cả, đây là xương của một người nào đó chứ không thể nào là xương của con tôi được”.
Vị thầy hỏi: “Tại sao dòng họ ông không có người chết trẻ”.
Cha người học trò trả lời: “Bởi vì chúng tôi thực hành Giáo Pháp, chúng tôi giữ giới luật, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ những bà con thân quyến kể cả người làm, người nô lệ. Tất cả chúng tôi đều thực hành Giáo Pháp (Dhamma). Đó là lý do dòng họ của chúng tôi không có ai chết yểu”. Như vậy, sự thực hành Giáo Pháp đem lại kết quả ngay trong kiếp sống này.
Chúng ta không cần phải đợi đến kiếp sống tới mới hưởng được quả của việc làm phước thiện. Hành Thiền Minh Sát giúp ta loại trừ một phần hay hoàn toàn các loại phiền não. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tích cực hành Thiền Minh Sát. Hành Thiền Minh Sát là sự chú tâm, chánh niệm vào vật chất và tâm. Khi hành Thiền Minh Sát ta thấy thực tướng của vật chất và tâm. Thấy thực tướng của vật chất và tâm là thấy rõ ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã. Chỉ khi nào thấy được ba đặc tính này, chúng ta mới không dính mắc với thân tâm này, và cuối cùng giải thoát mọi phiền lụy. Chúng ta cần phải quán sát sự vật để thấy rõ bản chất thật sự của chúng. Phải nhìn vào sự vật để thấy rõ thật sự chúng là gì? Những đối tượng trong phút giây hiện tại là những đề mục mà chúng ta cần phải theo dõi.
Người hành thiền không chú tâm theo dõi những đối tượng đã qua hay sắp đến. Không quán sát những đối tượng quá khứ, tương lai vì chúng không hiện diệnngay bây giờ. Trong khi hành Thiền Minh Sát đối tượng trong giây phút hiện tại là đối tượng quan trọng nhất. Chúng ta cần phải cố gắng chánh niệm theo dõi đối tượng trong hiện tại này. Một khi đã "trực tiếp" thấy rõ bản chất thật sự của sự vật ngay trong giây phút hiện tại này, chúng ta mới "gián tiếp" thấy rõ bản chất thật sự của sự vật trong quá khứ và trong tương lai. Như vậy, sau khi đã thấy bản chất thật sự của sự vật hay thấy tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã một cách trực tiếp thì chúng ta cũng thấy vô thường, khổ, vô ngã của sự vật trong quá khứ và trong tương lai một cách gián tiếp. Nhưng để thấy trực tiếp tam tướng, chúng ta phải quán sát chánh niệm trên đề mục trong giây phút hiện tại. Thế nên, trong Thiền Minh Sát, chúng ta phải chánh niệm để ghi nhận đối tượng hiện tại. Cố gắng ghi nhận chánh niệm đối tượng trong hiện tại thì chúng ta sẽ thấy đối tượng một cách rõ ràng, thấy rõ bản chất của sự vật và tiến đến giác ngộ, loại trừ phiền não. Khi hành Thiền Minh Sát là chúng ta thực hành Giáo Pháp (Dhamma). Nhờ thực hành Giáo Pháp chúng ta gặt hái được lợi ích, hạnh phúc trong hiện tại, và sẽ được tái sinh vào nơi tốt đẹp trong tương lai. Nếu thành công trong việc thực hành, chúng ta sẽ giải thóat, giác ngộ, hoàn toàn loại trừ mọi phiền não, không còn tái sinh trong tương lai nữa. Nhằm mục đích giải thóat nên chúng ta hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát chúng ta phải quán sát những gì đang xảy ra trong thân và tâm ta, hiện diện rõ ràng trong giây phút hiện tại. Tinh tấn hành Thiền Minh Sát, chúng ta sẽ dần dần loại trừ mọi phiền não trong tâm, tâm sẽ đạt đến chỗ hoàn toàn được thanh lọc, thanh tịnh, hạnh phúc. Dù cho không đạt được mục đích tối thượng là hoàn toàn thanh tịnh thì chúng ta cũng đạt được một phần sự thanh tịnh giải thóat này. Được thanh tịnh một phần, còn hơn chẳng được thanh lọc chút nào. Như vậy, với tâm nguyện đạt đến chỗ hoàn toàn thanh tịnh tâm, hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta hãy nỗ lực hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát các bạn cần hiểu biết một số căn bản về việc hành thiền. Tôi không thể giảng giải cho các bạn nghe ngày hôm nay, nhưng tôi sẽ phát cho quý vị một tài liệu mỏng tôi đã viết cách đây vài năm để các bạn có thể đem về nhà đọc. Đây là một bài ngắn nói đến căn bản của Thiền Minh Sát, và hướng dẫn bạn thực hành: phải quán sát theo dõi cái gì? theo dõi như thế nào? Ai theo dõi? Và điều gì sẽ xảy ra nếu không quán sát theo dõi v.v... Như vậy, căn bản về Thiền Minh Sát sẽ được giải thích trong tập tài liệu mỏng này.
Khi hành Thiền Minh Sát, có ba điều quan trọng cần phải nhớ:
1. Chú tâm theo dõi đối tượng trong hiện tại.
2. Thuần quán sát đối tượng, không thêm gì vào: Nghĩa là quán sát đối tượng đúng theo thực tướng của nó, đừng thêm gì vào trong đối tượng như: phán đoán, suy tư, phân tích, cảm xúc v.v...
3. Không kỳ vọng, không mong ngóng điều gì. Đây là điều quan trọng nhất. Trước khi làm một điều gì chúng ta phải có kỳ vọng, phải biết kết quả trước khi làm, nhưng trong lúc hành thiền, kỳ vọng, mong ngóng là một trở ngại.
Nếu bạn luôn luôn ý thức được ba điều trên, thì việc hành thiền của bạn sẽ đạt kết quả. Như vậy, nếu bạn quá muốn đạt được kết quả thì bạn sẽ không đạt được, bởi vì đã có sự ham muốn, dính mắc trong đó. Nếu bạn để sự tham muốn, dính mắc qua một bên, để sự kỳ vọng qua một bên, và chỉ thuần chú tâm quán sát đối tượng trong giây phút hiện tại thì kết quả sẽ đến với bạn.
Hành Thiền Minh Sát là như vậy đó. Tôi hy vọng tất cả chúng ta, không riêng một ai, không riêng tôi, không riêng bạn, tất cả đều có thể đạt được kết quả tốt đẹp trong việc hành Thiền Minh Sát.
(Trích từ: Bài giảng thứ nhất trong bộ sách Hiểu Biết Trọn Vẹn. Tập 1. Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng. Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch).
#Buddhasasana #herenow #Dhamma #Vipassana